Bình Chánh sẽ là thành phố?

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Lãnh đạo huyện Bình Chánh đã họp bàn, xin ý kiến của Thành phố để Bình Chánh phấn đấu lên thành phố vào năm 2025.

Bình Chánh sẽ là thành phố? - 1

Bình Chánh có tốc độ phát triển nhanh về kinh tế - xã hội, về hạ tầng, cũng như tốc độ đô thị hóa nhanh.

Ngày 22/9, UBND huyện Bình Chánh phối hợp Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM tổ chức hội thảo "Đề án đầu tư xây dựng huyện Bình Chánh thành quận hoặc thành phố thuộc TPHCM, giai đoạn 2021-2030”.

Ông Trần Văn Nam, Bí thư huyện ủy huyện Bình Chánh cho biết việc xây dựng đề án xuất phát từ điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bình Chánh, xuất phát từ cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn, mong muốn của người dân và lãnh đạo huyện.

Lãnh đạo huyện Bình Chánh cũng đã họp bàn, xin ý kiến của Thành phố để Bình Chánh phấn đấu lên thành phố vào năm 2025.

Cũng theo ông Trần Văn Nam, Bình Chánh là cửa ngõ phía Tây của thành phố kết nối 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nhưng bộ mặt chưa xứng tầm, tốc độ đô thị hóa nhanh… Rất mong các lãnh đạo, các nhà khoa học góp ý để xây dựng huyện Bình Chánh là thành phố phức hợp. Việc xây dựng phải chút ý đến không gian, đất, hạ tầng ngầm.

Hiện nay, Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM đang phối hợp huyện Bình Chánh đề xuất chọn mô hình chuyển từ đơn vị hành chính cấp huyện, thành đơn vị hành chính cấp thành phố thuộc TPHCM là phù hợp với bối cảnh phát triển của huyện.

Qua rà soát, đối chiếu các tiêu chí, việc chuyển đổi huyện Bình Chánh lên đô thị loại III (mô hình thành phố thuộc thành phố) có khả năng trở thành hiện thực vào năm 2025. Khi huyện đáp ứng tiêu chí đô thị loại III trong giai đoạn 2021-2030 và vẫn giữ lại 4 xã nông nghiệp là Đa Phước, Hưng Long, Quy Đức và Bình Lợi. Cùng với đó, chuyển 12 trên tổng số 16 xã, thị trấn hiện có, thành đơn vị hành chính cấp phường.

Nhu cầu đầu tư xây dựng huyện Bình Chánh từ đơn vị hành chính nông thôn, chuyển lên đơn vị hành chính đô thị (cấp thành phố trong thành phố) vào năm 2025, là vấn đề đặt ra bức thiết, cần triển khai sớm hơn các huyện khác.

Mặt khác, việc chuyển huyện Bình Chánh trở thành thành phố trực thuộc TPHCM có ý nghĩa quan trọng. Huyện có vị trí là cửa ngõ, nối kết trực tiếp TPHCM với các tỉnh ĐBSCL trong phát triển liên vùng, giữa vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL.

Trên cơ sở định hướng chiến lược phát triển, dự thảo đề án nêu đề xuất 8 nhiệm vụ trọng tâm cần đặt ra giải quyết tạo điều kiện cho quá trình đô thị hóa và định hướng xây dựng đô thị phức hợp trên địa bàn huyện Bình Chánh.

Bình Chánh sẽ là thành phố? - 2

Hội thảo nhằm tiếp tục làm rõ thêm khả năng đáp ứng của huyện Bình Chánh về các tiêu chuẩn lên thành phố (thuộc thành phố TPHCM) theo quy định hiện hành, định hướng phát triển huyện đến 2030. Ảnh: VIỆT DŨNG.

Để hình thành một đô thị sinh thái và công nghiệp hiện đại, bên cạnh đầu tư mạng lưới giao thông kết nối bên ngoài, xây dựng các tuyến đường bộ nối dài, liên kết tỉnh Long An và ĐBSCL, huyện Bình Chánh cần triển khai đầu tư mạng lưới giao thông nội bộ kết nối các khu chức năng, khu dân cư và kết nối vào các trục xuyên tâm vào TPHCM.

Cùng với đó, phát triển hình thành các trung tâm dịch vụ đô thị cấp vùng; nhà ở và hạ tầng xã hội phù hợp tăng dân số; phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo định hướng nông nghiệp đô thị. Bên cạnh đó, huyện phát triển nông nghiệp đô thị và đô thị sinh thái, phát triển mảng xanh theo hướng đô thị sinh thái. Đồng thời, liên kết các khu công nghiệp với nhau dưới dạng công nghiệp cộng sinh, tuần hoàn.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Kỳ Phong

CLIP HOT