Lâu đài Villandry, khi nghệ thuật bắt nhịp cùng thiên nhiên
Từng là thánh địa của các bậc vương quyền, ngày nay, Val de Loire nổi tiếng bởi những lâu đài có lối kiến trúc độc đáo và tinh tế, trong đó phải kể đến lâu đài Villandry .
Không phải ngẫu nhiên mà vùng sông Loire (Val de Loire, Pháp) lại được chọn là một trong những địa điểm yêu thích của khách du lịch Pháp và quốc tế. Cũng bởi đây là vùng sông nước thơ mộng hiền hòa, nơi tập trung của gần trăm lâu đài lớn nhỏ được xây dựng từ thời Phục Hưng. Về lý do chọn vùng Loire để xây dựng lâu đài làm nơi nghỉ dưỡng thì ngoài khung cảnh nên thơ, Loire là vùng địa lý nằm không xa Paris.
Đi từ Paris đến Loire, ngoài đường bộ, vua chúa còn có thể đi bằng đường thủy, vừa nên thơ lại rất thuận tiện. Nhờ vậy mà trong vòng vài ba thế kỷ, Val de Loire trở thành thánh địa của các bậc vương quyền. Ngày nay, ngoài sự trù phú mà thiên nhiên ban tặng, Val de Loire còn nổi tiếng bởi những lâu đài có lối kiến trúc độc đáo và tinh tế.
Villandry, năm thế kỷ tồn tại
Lâu đài Villandry nằm cách Tours (thủ phủ của vùng Val de Loire tầm 15 km về hướng tây) là một trong những lâu đài lớn của Val de Loire, được Jean Le Breton tiến hành xây dựng vào năm 1532 (Jean Le Breton, thư ký và công chứng viên dưới triều của François Đệ Nhất kiêm chủ tịch ngân khố vùng Blois). Lâu đài Villandry là hiện thân của lối kiến trúc của thời Phục Hưng được xây dựng trên nền của pháo đài trung cổ Colombiers mà di tích cuối cùng còn sót lại trong lâu đài Villandry là lầu quan sát với lối kiến trúc hình vuông. Khi Jean Le Breton hoàn thành lâu đài, pháo đài và làng Colombiers cũng chính thức cải tên thành Villandry.
Lâu đài nằm dưới sự cai quản của gia đình Jean Le Breton trong vòng hai thế kỷ. Năm 1754, Michel-Ange de Castellane (đại sứ của vua Louis XV) mua lại lâu đài và thực hiện một số trùng tu cơ bản đáp ứng với gu thẩm mỹ của thời kỳ Ánh Sáng. Lâu đài được mở thêm nhiều cửa sổ, kể cả lầu quan sát vốn là nơi không có cửa sổ để tận dụng nguồn ánh sáng tự nhiên. Vào đầu thế kỷ XX, người chủ mới Joachim Carvallo tiếp tục trùng tu lại lâu đài nhưng về cơ bản Villandry vẫn giữ trọn lối kiến trúc độc đáo của thời Phục Hưng.
Phong cách kiến trúc nhẹ nhàng của thời kỳ Phục Hưng
Được xây dựng trên ngọn đồi ngự trị ngôi làng tạo thành khối vuông vức, lâu đài tỏa bóng xuống ngôi làn : hai cánh tả hữu khép với tòa nhà chính mở ra một khoảng sân rộng với những dãy hành lang làm galerie triển lãm nghệ thuật. Cánh thứ tư của lâu đài, bị phá hủy vào thế kỷ XVIII, khép phía trước, lối vào sân của lâu đài.
Nóc nhà của Villandry tạo thành một giếng trời mở rộng nối rộng lâu đài về phía vô cực. Buổi chiều khi nắng đổ xuống đỉnh đồi, lâu đài soi mình trong hệ thống kênh rạch bao quanh bốn phía lối vào lâu đài, chắc hẳn những du khách có dịp đến vào giờ cuối buổi chiều sẽ không thể không thốt lên trước vẻ đẹp thơ mộng của tòa nhà.
Bên trong lâu đài, các căn phòng vẫn giữ nguyên lối kiến trúc của thế kỷ XVIII : cầu thang đặc trưng của thời Ánh Sáng với những chạm khắc trên gỗ tinh xảo. Các căn phòng được bảo tồn nguyên vẹn từ thời Phục Hưng trong đó căn phòng « Hoàng tử Jérôme » (với chiếc giường hoàng đế được sơn đỏ), minh chứng cho sự có mặt của anh em nhà Bonaparte, chủ nhân của lâu đài trong một thời gian rất ngắn và chưa từng ở đó.
Khu vườn, sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật và tâm linh
Ngoài sự nổi tiếng của phong cách kiến trúc thời Phục Hưng, Villandry còn nổi tiếng bởi khu vườn (trải rộng trên 6 héc ta) với vẻ đẹp cũng rất Phục Hưng. Khu vườn đã được tạo ra cùng với lâu đài với mục đích ban đầu là làm một vườn rau vừa để cung cấp lương thực cho cuộc sống hàng ngày trong tòa lâu đài vừa để trang trí với các loại cây lạ từ các nước Âu, Mỹ. Các hậu duệ của Jean Le Breton đã đảm bảo duy trì di sản này trong suốt hai thế kỷ.
Tuy nhiên, khi Michel-Ange de Castellane mua lại tòa lâu đài, khu vườn được chuyển đổi thành một khu vườn kiểu Anh, được phát triển trên các ngọn đồi và gò đất với nhiều loài cây lạ được nhập khẩu. Michel-Ange de Castellane đã biến mảnh vườn thành một khu rừng đầy màu sắc mang hơi hướng phong cách kiểu Anh.
Khi mua lại lâu đài vào năm 1906, bác sĩ Joachim Carvallo đã cần mẫn tái tạo lại khu vườn trở về phong cách kiểu Pháp từ những tài liệu lưu trữ trong hai thế kỷ XVI – XVII của lâu đài. Được bố trí để thỏa mãn tính nghệ thuật, mảnh vườn được tái tạo ở ba lớp không gian khắc họa rõ những dấu ấn của kinh thánh (mê cung, tu viện thực vật bao quanh tháp nước) tạo nên những ấn tượng tâm linh.
Khu vườn sân thượng nơi đón ánh mặt trời của ngày mới, được xây dựng như một tu viện xanh với ba phòng. Phòng mây phát triển theo các lối đi nhỏ đầy cỏ tạo thành hình tam giác uốn lượn qua các bụi hồng tông màu xanh và trắng. Phòng ánh nắng, phần trung tâm của khu vườn, có một hồ bơi hình mặt trời cùng với những luống cây lâu năm có màu vàng cam nổi bật xung quanh. Phòng trẻ thơ được tạo hình trang trí bằng cây táo lùn là nơi tổ chức các trò chơi ngoài trời.
Nằm ở phía nam của công viên, khu vườn nước mang đặc trưng của khu vườn kiểu Pháp được bao quanh bằng những cây Tilleul và những thảm cây xanh xung quanh một chiếc hồ nhỏ tạo thành một tấm gương nước, đặc trưng cho nghệ thuật vườn từ thời Louis XV.
Sân thượng trung gian là nơi tổ chức khu vườn kiểng bao gồm những cây cảnh được cắt tỉa tinh tế và bố trí theo không gian bốn căn phòng dành cho các sắc thái tình yêu, tình yêu nồng nàn, tình yêu dịu dàng, tình yêu bi thương và tình yêu lừa dối. Để thể hiện được chủ đề và trạng thái của cảm xúc, các nhà thiết kế vườn tìm cách phối hợp những mảng màu và hình dạng khác nhau cho từng mảnh vườn. Chẳng hạn ở căn phòng của tình yêu lừa dối, hình dạng chủ đạo là hình vuông với gam màu vàng, biểu tượng của tình yêu bị lừa dối.
Nằm ở tầng thấp của lâu đài, khu vườn được trồng với các loại rau trang trí mang phong cách truyền thống của vườn thảo mộc thời Trung cổ, gồm các loại cây thơm, gia vị và dược liệu và thiết kế theo phong cách Phục hưng thuần túy, bao gồm chín hình vuông được bố trí hài hòa cùng với đài phun nước, giàn hoa tạo cảm giác nên thơ cho người vãn cảnh.
Nằm ở phía tây nam của khu phức hợp, bao gồm một mê cung được trồng với các loài hoa độc đáo được nhập từ mọi miền trên nước Pháp. Phần cuối cùng là khu vườn lồng kính được Michel-Ange de Castellane xây dựng lên làm nơi trồng những loại cây nhiệt đới.
Vườn cây của lâu đài Villandry chính là biểu tượng cho mối liên hệ mật thiết giữa cơ thể và linh hồn, kết hợp giữa những loại rau quả (bầu bí, cà tím, cải, hành tây…) và các loại cây ăn quả đan xen với các loại hoa (hoa hồng, hoa thược dược, hoa tuy líp…). Vẻ đẹp của khu vườn không chỉ khiến người lớn mà ngay cả trẻ em cũng thích thú khi được tản bộ tận hưởng hương thơm ngào ngạt kết hợp một cách tinh tế từ nhiều loại hoa quả. Nơi đây còn là địa danh lý tưởng để các loài chim ẩn náu. Đươc Liên đoàn bảo vệ các loài chim thừa nhận là lâu đài có nhiều động vật hoang dã nhất, sẽ không phải là bất ngờ hay hiếm hoi khi các bạn bắt ngặp một chú chìa vôi soi mình trên dòng kênh bao quanh tòa lâu đài hay những con chim chích chòe chuyền cành ngay trên đầu của du khách.
Nếu có dịp đến thăm lâu đài Villandry, các bạn cũng sẽ không bất ngờ khi nghe ai đó thốt lên rằng nơi đây chính là vườn thượng uyển, một góc của thiên đường. Và cũng có thể chính các bạn sẽ phải thốt lên rằng thật tuyệt vời khi nghệ thuật bắt nhịp cùng thiên nhiên.
Với bề dày lịch sử hơn 1.000 năm, Krakow (Ba Lan) luôn có sức hút, nét duyên rất riêng. Mời bạn chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ...