Gojek “rời cuộc chơi” sau 6 năm: Cú sốc khuấy động thị trường Việt Nam, 4 năm 4 CEO
Gojek “nối gót” Baemin rời Việt Nam được xem là cú sốc lớn, nhưng cũng là cơ hội để 2 startup của Việt Nam là Be và Xanh SM bắt tay nhau đối đầu với Grab trong cuộc chiến giành “miếng bánh” thị trường trên sân nhà.
4 Năm 4 CEO và cuộc biến động lãnh đạo chưa từng có
Hồi tháng 10/2023, Gojek Việt Nam công bố mở rộng hoạt động tại tỉnh Bình Dương và Đồng Nai sau khi đã có mặt tại các thành phố lớn. Tuy nhiên chưa đầy 1 năm, kỳ lân về công nghệ gọi xe và giao đồ ăn của Indonesia đành ngầm ngùi thông báo rút khỏi thị trường Việt Nam sau 6 năm trắc trở.
Theo đó, Gojek sẽ đóng cửa hoạt động kinh doanh tại Việt Nam kể từ ngày 16/9/2024. "Chúng tôi gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc đến toàn bộ nhân viên, người dùng, các đối tác tài xế, đối tác nhà hàng, những người đã đóng góp và là một phần không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh của Gojek tại Việt Nam. Chúng tôi sẽ thực hiện các hỗ trợ cần thiết đối với tất cả các bên bị ảnh hưởng trong suốt quá trình chuyển tiếp này, đồng thời tuân thủ các quy định và pháp luật hiện hành", đại diện Gojek chia sẻ.
Theo Gojek, quyết định này là một quyết định chiến lược của công ty, và sau khi rời thị trường Việt Nam, đơn vị sẽ tập trung vào các hoạt động kinh doanh ở Indonesia và Singapore.
Gojek bất ngờ "tháo chạy" khỏi thị trường Việt Nam sau 6 năm
Ra mắt thị trường Việt Nam hồi tháng 8/2018, ban đầu dưới cái tên GoViet. Ứng dụng nhanh chóng thu hút sự chú ý nhờ vào mô hình kinh doanh đa dịch vụ, từ gọi xe (GoRide, GoCar), giao đồ ăn (GoFood) đến vận chuyển hàng hóa (GoSend).
Trong giai đoạn đầu, Gojek đã tạo nên cuộc cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ lớn như Grab (Malaysia), Be (Việt Nam) và Baemin (Hàn Quốc, ra mắt sau Gojek một năm)
Với mức giá cạnh tranh và các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, như liên tục tung những khuyến mãi hấp dẫn với người dùng như đồng giá chuyến đi 1.000 đồng, 5.000 đồng rồi đến 10.000 đồng.
Tài xế Gojek trong một lần giao hàng ở TPHCM
Lúc này, Gojek từng là một lựa chọn phổ biến của nhiều người dùng tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Ngoài ra, ứng dụng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho tài xế và đối tác nhà hàng, cửa hàng bán lẻ.
Mặc dù có thời gian phát triển mạnh mẽ, nhưng trong những năm gần đây, Gojek đã gặp phải nhiều thách thức tại thị trường Việt Nam.
Đầu tiên phải kể đến là sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ nội địa và quốc tế. Grab với sự đầu tư mạnh mẽ, Baemin với sự tập trung vào dịch vụ giao đồ ăn, và Be với chiến lược giá rẻ, tất cả đều tạo áp lực lớn lên Gojek.
Ngoài ra, Việt Nam là một thị trường phức tạp với nhiều yếu tố từ văn hóa đến kinh tế. Việc hiểu rõ và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng địa phương là thách thức không nhỏ của kỳ lân công nghệ đến từ đất nước vạn đảo.
Một trong những yếu tố quan trọng khác là đại dịch COVID-19 đã gây ra sự suy giảm nhu cầu dịch vụ vận tải, trong khi chi phí hoạt động ngày càng gia tăng.
Với những thách thức kể trên đã khiến cho Gojek phải liên tục thay đổi “thuyền trường” để chèo lái con thuyền tại thị trường Việt Nam.
Ông Phùng Tuấn Đức là CEO trẻ nhất và gắn bó lâu nhất với Gojek tại Việt Nam
Cụ thể, sau khi “chào sân”, đến tháng 3/2019, cả Tổng giám đốc Nguyễn Vũ Đức và Phó giám đốc Nguyễn Bảo Linh của GoViet bất ngờ từ chức. Sau đó, bà Lê Diệp Kiều Trang – cựu CEO Facebook Việt Nam lên đảm nhiệm vị trí CEO thay cho ông Vũ Đức nhưng chỉ được 5 tháng.
Tháng 8/2020, GoViet được đổi tên thành Gojek như tên gọi của công ty mẹ, đồng thời đổi màu nhận diện thương hiệu. Cũng thời điểm này, ông Phùng Tuấn Đức (trước đây là Giám đốc Vận hành của GoViet) được bổ nhiệm vị trí CEO của Gojek Việt Nam ở tuổi 33.
Tháng 1/2023, sau hơn 4 năm gắn bó ở vị trí COO và CEO, ông Tuấn Đức quyết định rời Gojek Việt Nam để theo đuổi sự nghiệp riêng. Ông Sumit Rathor trở thành CEO thứ 4 của Gojek Việt Nam sau hơn 4 năm ra mắt và điều hành từ đó đến nay.
Ông Sumit Rathor (trái) và người tiền nhiệm Phùng Tuấn Đức
Cuối cùng, chiến lược tái cơ cấu của Gojek sau khi sáp nhập vào hệ sinh thái GoTo (tháng 5/2021) để tập trung vào những thị trường có tiềm năng phát triển lâu dài và mang lại lợi nhuận cao như Indonesia và Singapore có thể là lý do chính khiến công ty này quyết định rút khỏi Việt Nam.
Gojek nối gót Baemin rời Việt Nam, người tiêu dùng tiếc nuối
Ngậm ngùi “nối gót” Baemin (tháng 12/2023) rút khỏi Việt Nam, quyết định của Gojek gây ra nhiều tiếc nuối cho người tiêu dùng và các đối tác của đơn vị này tại Việt Nam.
“Trước đây khi tài xế Gojek hoạt động nhiều tôi thường đặt xe để di chuyển và ship hàng, nhưng khoảng 1 năm trở lại đây lại ít hơn vì tài xế ít dần, rất khó đặt xe. Sau đó tôi chuyển qua Be và Xanh SM để đi lại, nếu gấp quá hoặc ở xa thì chọn Grab vì nhiều có tài xế nhận cuốc xe. Mới đây biết được thông tin Gojek sẽ rút khỏi Việt Nam trong tháng này khiến tôi khá tiếc nuối, vì dù sao có thêm một ứng dụng kết nối đi lại thì khách hàng sẽ có thêm sự lựa chọn, tránh sự độc quyền”, chị Nguyên Anh (TP.Thủ Đức), chia sẻ.
Gojek rời Việt Nam khiến khách và tài xế đều tiếc nuối
Trong khi đó, nhiều đối tác tài xế cũng bất ngờ và vô cùng tiếc nuối khi Gojek sẽ phải rời Việt Nam vào vài ngày tới. Điều này chắc chắn sẽ khiến cho một bộ phận sinh viên, người lao dộng đang là đối tác tài xế của Gojek mất thêm thu nhập đáng kể.
“Tôi chạy Gojek từ thời sinh viên, sau 4 năm ra trường đi làm tôi vẫn tranh thủ chạy buổi tối để kiếm thêm tiền cafe, ăn sáng. Hồi còn sinh viên tôi chạy có khách đặt xe hơn bây giờ, khoảng 1 năm trở lại đây khách giảm hẳn, chạy cả buổi may mắn lắm được 1 cuốc xe. Mặc dù vậy, do ít tài xế nên phần trăm thu nhập trên mỗi cuốc xe của tôi cũng khá hơn so với chạy cho các ứng dụng khác. Thật sự rất tiếc nuối khi tiếp tục chứng kiến Gojek nối gót Baemin rời Việt Nam”, anh Thanh Dự (tài xế Gojek) cho hay.
Có thể thấy, sự rút lui của Gojek để lại nhiều hệ quả đối với thị trường. Đối với người dùng, sự cạnh tranh giảm đi có thể dẫn đến sự suy giảm trong chất lượng dịch vụ và ít khuyến mãi hơn. Các đối tác tài xế và nhà hàng, cửa hàng từng gắn bó với Gojek sẽ phải tìm cách chuyển đổi sang các nền tảng khác để tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh của mình.
Gojek "rời cuộc chơi" cũng là cơ hội cho các đối thủ bức tốc
Tuy nhiên, việc Gojek rút lui mở ra cơ hội cho các đối thủ cạnh tranh lớn hơn, đặc biệt là Be và Xanh SM – 2 startup của Việt Nam đã bắt tay với nhau để đối đầu với “gã khổng lồ” Grab, nhằm giành lại “miếng bánh” thị trường trên sân nhà.
Be và Xanh SM sẽ trở thành đối trọng, đối thủ đáng gờm nhất của Grab trong thời gian tới, hứa hẹn sẽ là cuộc cạnh hấp dẫn trong mảng công nghệ gọi xe. Từ đó lấp đầy khoảng trống mà Gojek để lại, giúp mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng.
Theo số liệu quý 2/2024 của Decision Lab, tỷ lệ thâm nhập của Gojek chỉ chiếm 18%, giảm 4 điểm phần trăm so với quý trước đó. Từ quý 2/2023 đến quý 4/2023, con số này cũng liên tiếp giảm. So với Xanh SM mới gia nhập “cuộc chơi” từ tháng 4/2023, tỷ lệ của Gojek thậm chí chỉ bằng một nửa.
Sau 6 năm có mặt tại Việt Nam, kỳ lân gọi xe và giao đồ ăn Gojek quyết định tạm biệt với thị trường đầy tính cạnh...