MẸO HAY GIÚP TÍN ĐỒ DU LỊCH KHÔNG BỊ “CHẶT CHÉM”

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tìm hiểu kỹ thông tin về nơi sắp đến, hỏi kỹ giá và đừng ngại mặc cả, kết thân với người bản xứ, thuộc số đường dây nóng hỗ trợ khách du lịch v.v… là những tuyệt chiêu né đòn “chặt chém” mà bạn nên ghi nhớ trước khi quyết định “xách ba lô lên và đi”

 MẸO HAY GIÚP TÍN ĐỒ DU LỊCH KHÔNG BỊ “CHẶT CHÉM” - 1

Bị “chặt chém” khi đi du lịch, từ lâu, luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng của biết bao du khách. Đây vốn dĩ là một vấn nạn gây nhức nhối không chỉ với du lịch Việt Nam mà còn ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Du khách, những người lạ nước lạ cái, luôn rơi vào tình trạng “thập diện mai phục” bởi các chủ buôn luôn có cách để “hét giá trên trời” hết sức thuyết phục… hoặc đôi khi không. Việc này khiến cho trải nghiệm du lịch của cá nhân mỗi người bị ảnh hưởng nặng nề, thay vì đạt được những niềm vui trọn vẹn, họ lại ôm về những “cục tức” cho mình. Vậy nên, để tránh rơi vào tình trạng không ai mong muốn này, Tạp chí Du lịch xin chia sẻ một vài bí quyết hay đến với độc giả.

 MẸO HAY GIÚP TÍN ĐỒ DU LỊCH KHÔNG BỊ “CHẶT CHÉM” - 2

Hãy là người đi du lịch thông minh!

Trước mỗi chuyến du lịch, bạn hãy cẩn thận tìm hiểu mọi thông tin về nơi dự định đến, chẳng hạn như tại đó có các dịch vụ gì, ăn uống và ngủ nghỉ ở đâu, đi lại ra sao, giá cả đắt rẻ thế nào… Nắm được những điều này, bạn sẽ chủ động hơn trong chuyến đi cũng như có cơ sở để biết mình có đang bị “chém” hay không.

Trước sự bùng nổ của Internet và mạng xã hội ngày nay, hàng loạt các trang fanpage, diễn đàn về du lịch mọc lên như nấm sau mưa, thường xuyên chia sẻ, cập nhật những thông tin và các đánh giá của du khách về một điểm du lịch nào đó. Đây là nguồn tham khảo hết sức hữu ích dành cho bạn, nhờ đó bạn dễ dàng tránh được những nơi hay “làm giá” với du khách.

 MẸO HAY GIÚP TÍN ĐỒ DU LỊCH KHÔNG BỊ “CHẶT CHÉM” - 3

Luôn nhớ rằng: Taxi có rất nhiều… và giá cả cũng rất “tăng động”…

Taxi là phương tiện giao thông công cộng thường thấy tại các thành phố lớn hay các khu du lịch nổi tiếng. Tuy vậy, không phải hãng taxi nào cũng uy tín và tài xế nào cũng thân thiện. Bạn nên chọn các hãng taxi có tên tuổi và tuyệt đối không đi taxi dù để tránh bị ép giá. Bạn cũng nên cẩn thận ghi lại tên người tài xế và biển số xe để đề phòng khi tình huống bất trắc xảy ra, bạn vẫn có trong tay thông tin để báo với nhà chức trách nhờ can thiệp giải quyết.

 MẸO HAY GIÚP TÍN ĐỒ DU LỊCH KHÔNG BỊ “CHẶT CHÉM” - 4

Hỏi thật tường tận về giá và đừng ngần ngại mặc cả

Trước khi sử dụng bất cứ dịch vụ hay tìm mua một sản phẩm nào đó, bạn hãy tìm hiểu thật kỹ giá cả của nó. Bởi lẽ, tất cả người bán đều nắm bắt tâm lý khách du lịch thường rất qua loa trong việc hỏi giá (đặc biệt là các quý ông) mà “chặt chém” không thương tiếc. Đồng thời, mặc cả là một kỹ năng cần thiết của bạn khi đi mua sắm nên đừng nghĩ hành động này là nhỏ nhen hay tính toán để rồi cứ thế cam chịu mức giá “cao thủng nóc” mà người bán đưa ra.

 MẸO HAY GIÚP TÍN ĐỒ DU LỊCH KHÔNG BỊ “CHẶT CHÉM” - 5

Đến hàng ăn, luôn luôn chọn món có giá niêm yết rõ ràng

Khi đến nhà hàng, quán ăn nhỏ tại các điểm du lịch, bạn nên xem thực đơn và giá tiền niêm yết cụ thể trước. Với những nơi không ghi rõ giá, bạn nên hỏi kỹ nhân viên hoặc chủ cửa hàng để tránh gọi ít nhưng lại thanh toán nhiều. Một vài nơi cố tình “mập mờ đánh lận con đen”, gặp khách kỹ tính hỏi giá thì họ sẽ nói còn nếu là khách dễ tính thì… bạn quá hiểu chuyện gì sẽ xảy ra rồi đấy!

 

Tờ hóa đơn không phải lúc nào cũng nói đúng sự thật

Đừng quá tin tưởng vào những gì được kê trên hóa đơn thanh toán của bạn, bởi nó có thể bị “khai khống” bất cứ lúc nào. Các chủ hàng, đặc biệt là các quán ăn bình dân, hay cho rằng với lượng người ăn đông cùng danh sách các món ăn được gọi thường nhiều và số lượng mỗi món cũng rất khác nên khách du lịch không thể nhớ hết được. Để tránh mất tiền oan, tốt nhất, bạn hãy rà soát lại hóa đơn của mình thật kỹ càng trước khi trả tiền.

 MẸO HAY GIÚP TÍN ĐỒ DU LỊCH KHÔNG BỊ “CHẶT CHÉM” - 6

Chủ động kết thân với người bản xứ

Nếu bạn có người thân hay bạn bè sống tại nơi bạn đến du lịch thì quá tuyệt vời, bởi bạn sẽ không phải lo bị chèn ép khi đi với họ. Tuy nhiên, trong trường hợp không có ai để nương tựa, bạn hãy chủ động làm quen và nhờ sự giúp đỡ của chủ khách sạn, hay tài xế… để được tư vấn những nơi nên đến hoặc cần phải tránh, cách mua bán và trả giá hoặc nhờ họ đi cùng khi mua sắm.

 

Hãy đi theo số đông!

Một điểm đến được nhiều du khách bình chọn 5 sao và để lại những lợi nhận xét đầy tích cực, dù chưa biết thực hư thế nào nhưng cũng rất đáng để bạn thử qua một lần. Phải có một lý do nào đó để những du khách ấy đưa ra lượt vote và comment như vậy chứ nhỉ? Nhưng dù thế nào thì “cẩn tắc vô ưu” vẫn là ưu tiên hàng đầu, bạn nhé!

 MẸO HAY GIÚP TÍN ĐỒ DU LỊCH KHÔNG BỊ “CHẶT CHÉM” - 7

Thuộc số điện thoại đường dây nóng

Phần lớn du khách khi bị chặt chém thường “ngậm bồ hòn làm ngọt”, hoặc tức quá về nhà viết tâm thư xả giận trên Facebook cá nhân bởi không muốn đôi co, cãi nhau tại nơi xa lạ. Thực tế, họ vẫn phải trả số tiền cao hơn so với giá thật cho người bán. Điều này khiến du khách thường xuyên bị “chặt chém” và ảnh hưởng ít nhiều đến trải nghiệm du lịch của họ.

Để tránh tình trạng này, bạn nên ghi lại số điện thoại đường dây nóng của các cơ quan chức năng địa phương nơi bạn tới. Họ sẽ giúp bạn giải quyết nếu có tranh chấp, xô xát, đồng thời bảo vệ an toàn cho bạn.

Nguyễn Bảo

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo