'Tô canh xiêm lo' ngày Tết của một thời gian khó
Tô canh bình dị với những thứ sẵn có trong nhà, trong vườn lại thành một miền ký ức bền lâu, làm nên hồn cốt quê nhà. Tết nào khi húp canh xiêm lo, ba đều nhắc “nhớ bà con xóm mình quá đỗi”.
Nhà tôi sống sát bên cộng đồng người Khmer, nên gần như những hàng xóm sống xung quanh cũng “ngấm” dần với lối sống và tập tục của nhau.
Những dịp lễ Tết Chôl Chnăm Thmây, lễ hội Oóc om bóc, lễ Sen Dolta... người trong xóm tôi đều quây quần bên nhau “ăn ké”, để cái tình nghĩa xóm giềng khắng khít với nhau từ lúc nào không hay. Và, ẩm thực của đồng bào người Khmer đã làm phong phú hơn mâm cơm gia đình chúng tôi từ bao giờ.
Văn hóa Khmer ảnh hưởng rõ rệt trên mâm cơm
Cánh đàn ông cũng nhờ vậy mà có dịp ngồi lại kể cho nhau nghe về chuyện đồng áng, vườn tược, gió máy đầu mùa. Phụ nữ thì quanh quẩn chuyện bếp núc, nhà cửa, heo, vịt gà. Tôi vẫn nhớ những tháng ngày cùng ba đi làm vần công với mấy chú trong xóm. Hễ nhà ai có việc gì thì cả xóm cùng nhau phụ giúp, cứ làm vần công vậy đến khi hết việc thì thôi, xóm giềng tiếp qua tiếp lại, chẳng ai nề hà công cán.
Những người phụ nữ trong xóm lại xúm nhau lo chuyện cơm nước cho cánh đàn ông. Có khi mấy thím còn “hùn” đồ ăn, đem bằng hết những món ngon trong nhà ra đãi. Nhưng những món ăn của bà con Khmer luôn mang đến một mùi vị khác, “ăn ghiền lúc nào không hay”.
Tôi nhớ có lần chái bếp nhà sau bị sập, sau mấy chục lần má nói “ráng đợi tới mùa lúa sau”, nên cả xóm tranh thủ sang nhà sửa phụ giúp, mặc dù đang tất bật với chuyện Tết nhất.
Tuy nhiên Tết đến nơi mà nhà tôi chẳng có chút không khí gì, bởi những mùa màng thất bát, bởi những món nợ cuối năm chất chồng, bởi đàn con nheo nhóc treo ánh nhìn thèm thuồng nơi chúng bạn.
Dựng xong chái bếp, má tôi cũng không biết lấy gì đem đãi bà con chòm xóm ngoài mớ khô tát đìa ăn Tết. Ba má đành bấm bụng định nướng khô đãi khách.
May nhờ có thím Sáu – người Khmer chính gốc, thím nhìn má con tôi rồi cười “khô này mà nấu canh xiêm lo ngon vừa gì”.
Cả nhà tôi nhìn thím Sáu kì lạ, mặc dù sống lâu ở xóm này, ăn nhiều món của bà con Khmer, nhưng món canh xiêm lo lúc ấy mới lạ lẫm làm sao.
Món canh xiêm lo được biến tấu với khô cá
Thím Sáu cắt từng khúc khô cá lóc ra thành những miếng vừa ăn, rồi biểu tôi ra vườn lựa bắp chuối ngon hái đem vô. Sau đó thím bắc nồi nước lên bếp, bỏ khô vào và không quên nhắc đứa nhỏ, rằng muốn canh ngon thì phải nêm cho đúng bài bản. Thím Sáu mở hủ giấm rồi đổ vào nồi nước đang sôi, đưa mặt vào hít hà. Mặc dù có thể thay giấm bằng chanh, nhưng canh xiêm lo ngon nhất vẫn phải được nấu bằng giấm.
Sau khi nước đã sôi bùng lên, thím nêm một ít đường, bột ngọt vào nồi canh rồi khuấy đều lên. Bắp chuối được thím Sáu rửa sạch và lấy chày đâm tiêu đập cho bung ra (bắp chuối có thể xắc nhỏ, nhưng với nhiều người vẫn thích đập dập) rồi chỉ lấy phần thịt non của bắp chuối bỏ vào nồi.
Muốn giữ được độ ngon khi bỏ bắp chuối vào thì phải nhắc nồi xuống bếp. Với những người thích ăn cay, có thể xắc ớt cho thêm vào nồi, bỏ thêm vài cọng ngò gai cho đậm vị.
Khô cá lóc mang cho tô canh xiêm lo vị đặc trưng
Khi canh xiêm lo được múc ra tô, nhìn làn khói bốc lên hoà quyện với mùi thơm của khô, của giấm, của ngò, mà tôi nuốt nước miếng ừng ực. Thím Sáu nhìn tôi lắc đầu mỉm cười “chưa xong đâu”.
Thím Sáu lại lọ mọ với muối hột, ớt và gia vị, chẳng mấy chốc mà đã làm xong chén muối ớt đỏ lừ. Má tôi nhìn thím Sáu với vẻ mặt ngưỡng mộ, còn ba và mấy chú hàng xóm thì có thể lai rai với món canh rất lạ mà quên đi sự thiếu thốn ngày đó.
Không biết vì món canh xiêm lo ngày ấy ngon hay vì cái lần thím Sáu "cứu nguy" đó, mà má vẫn giữ thói quen nấu canh xiêm lo. Mỗi độ tát đìa làm khô ăn Tết, thể nào má cũng sẽ nấu canh xiêm cho cả nhà giữa những ngày ngán thịt mỡ ê hề.
Tô canh xiêm lo trở thành món ăn truyền thống của gia đình ngày Tết đến
Ba vẫn thường húp xì xụp chén canh xiêm lo để “tỉnh rượu” sau những ngày tiệc tùng khắp làng xóm. Canh xiêm lo được má tôi biến tấu với đủ các loại rau, khi thì đậu bắp, bắp cải, giá hay cà chua. Má tôi vẫn thường nói, mở tủ lạnh ra thấy còn dư cái gì thì nấu cái đó. Món ăn bình dị, không cầu kì nhưng hương vị đậm đà đến lạ.
Sau này có dịp đi nhiều nơi, tôi mới biết mỗi nơi có cách nấu xiêm lo khác nhau. Có nơi còn nấu xiêm lo với mắm bò hóc, mắm ruốc và nêm cả thính vào. Nhưng tôi vẫn không thể nào quên được tô canh xiêm lo của thím Sáu, của má tôi. Tô canh bình dị với những thứ sẵn có trong nhà, trong vườn lại thành một miền ký ức bền dai, làm nên hồn cốt quê nhà.
Học hết cấp 2, gia đình tôi chuyển nhà lên huyện, rời xa xóm nhỏ chập chờn khói. Nhưng dẫu cho có đi bao xa thì nghĩa tình láng giềng vẫn không bao giờ thay đổi. Mùa Tết nào, ba má cũng làm khô gởi về cho bà con chòm xóm, như giữ mối thân tình không phai nhạt. Tết nào khi húp chén canh xiêm lo, ba đều nhắc “nhớ bà con xóm mình quá đỗi”.
Ba bảo, gói bánh Tét để đỡ nhớ quê, để cảm nhận ý nghĩa ngày Tết thật trọn vẹn.