Màn tái hiện lễ hội Aza Koonh đến từ đồng bào Pa Kô huyện A Lưới, đoàn hát Bả Trạo của huyện Quảng Điền, lễ tái hiện cảnh đánh bắt của ngư dân miệt biển... có dịp hội tụ về phố trong mùa lễ hội.
Màn tái hiện lễ hội Aza Koonh đến từ đồng bào Pa Kô huyện A Lưới, đoàn hát Bả Trạo của huyện Quảng Điền, lễ tái hiện cảnh đánh bắt của ngư dân miệt biển... có dịp hội tụ về phố Huế trong mùa lễ hội.
Trong Tuần lễ Festival Huế 2022, người dân Huế cũng như du khách gần xa có cơ hội được xem tận mắt nhiều lễ hội ở các làng quê được tái hiện trên đường phố.
Lễ hội đường phố có chủ đề “Sắc màu văn hóa” bước sang ngày thứ 3 với chương trình biểu diễn nghệ thuật đến từ các đoàn nghệ thuật dân gian.
Đoàn Nhà hát Ca múa Nhạc dân gian Việt Bắc
Khác với những tiếng đàn hát sôi động những ngày trước, các đoàn nghệ thuật dân gian đã kể câu chuyện văn hóa làng xã. Nơi đó có những phong tục, lễ hội đặc sắc vốn riêng có của xứ sở mình.
Tái hiện lễ hội cầu ngư
Theo Ban tổ chức Festival Huế 2022, có 5 trong tổng số 8 đoàn nghệ thuật biểu diễn các lễ hội dân gian của Huế về tham dự lễ hội đường phố “Sắc màu văn hóa”.
Đoàn hát Bả trạo của huyện Quảng Điền
Trong lễ tế bà Tơ (thôn Bác Vọng Đông, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) – người được tương truyền là có công cứu chúa Nguyễn khi vượt phá Tam Giang, thường tổ chức hội hát bả trạo đặc sắc của ngư dân nhằm cầu trời yên bể lặng, tôm cá đầy khoang.
Bả trạo (nắm chắc mái chèo) được sáng tác để biểu diễn trong các lễ hội như hội làng, lễ rước cá Ông (cá voi), lễ tế các vị thần, người có công khai canh khai khẩn hay truyền nghề sông nước cho làng.
Trong đó, có nhiều đoàn đến từ các làng quê thuộc các huyện Quảng Điền, Phong Điền, A Lưới. Mỗi đoàn kể một câu chuyện văn hóa bằng những làng điệu dân ca, những điệu nhảy truyền thống, tái hiện cảnh làm nghề cũng như đời sống sinh hoạt…
Đó là màn biểu diễn tái hiện lễ hội Aza Koonh đến từ đồng bào Pa Kô huyện vùng cao A Lưới, lễ tái hiện cảnh đánh bắt của ngư dân miệt biển, đoàn hát Bả trạo của huyện Quảng Điền, múa Thiên hạ thái bình và hát sắc bùa đến từ huyện Phong Điền.
Tái hiện lễ hội Aza Koonh đến từ đồng bào Pa Kô huyện A Lưới
Aza Koonh là lễ hội lớn của dân tộc Pa Kô, là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội này để tạ ơn các vị Giàng đã ban ơn dòng nước ngọt lành, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no thịnh vượng, sung túc hơn, con cháu làng bản sức khỏe, bình an, may mắn, trường thọ...
Bắt đầu từ Trung tâm Văn hóa thể thao TP. Huế trên đường Trần Hưng Đạo, các đoàn di chuyển thẳng hướng về cầu Trường Tiền, qua chợ Đông Ba và đến đường Phan Đăng Lưu. Tại mỗi giao lộ lớn, các đoàn dừng lại trình diễn phục vụ cho người xem.
Chăm chú xem lễ hội
Đông đảo người dân đứng hai bên đường và chờ sẵn nơi các đoàn dừng lại để thưởng thức các màn biểu diễn thú vị.
Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk
Sắc màu văn hóa trên đường phố Huế
Nhiều người dân, du khách thích thú bởi ngoài các đoàn nghệ thuật đến từ các nước, các tỉnh, năm nay sự góp mặt của các đoàn nghệ thuật đến từ các làng quê trên địa bàn tạo nên sự mới lạ.
Ông Huỳnh Tiến Đạt, Giám đốc Trung tâm Festival - Phó trưởng BTC Festival Huế 2022 cho biết, trong các kỳ Festival vừa qua, lễ hội đường phố là một trong những sự kiện chính rất được công chúng chờ đón, góp phần tạo nên nét đặc trưng của Festival Huế, khẳng định và tôn vinh giá trị văn hóa Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới.
“Các hoạt động trình diễn trên đường phố với sự đa dạng sắc màu văn hoá, cộng hưởng giữa sự trình diễn của các nghệ sĩ cùng với sự cổ vũ đầy hào hứng, nhiệt tình của người dân và du khách đã tạo nên không khí sôi động trên đường phố Huế trong những ngày diễn ra Festival”, ông Đạt chia sẻ.
Đường phố Huế tràn ngập sắc màu văn hóa
Lễ hội đường phố năm nay diễn ra từ ngày 26/6 đến ngày 28/6 trên các tuyến đường trung tâm TP Huế, tiếp tục giới thiệu đến công chúng những nét đặc sắc trong âm nhạc vũ điệu của các đoàn nghệ thuật đến từ các vùng miền Việt Nam và trên thế giới.