Quảng Ngãi tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Sáng 18/3, Ban tế tự và Ban quản lý di tích đình làng An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, nhằm tri ân, tưởng niệm những binh phu năm xưa đã có công ra quần đảo Hoàng Sa cắm mốc, dựng bia khẳng định chủ quyền của Việt Nam từ hàng trăm năm trước.

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa năm nay được các tộc họ xã An Hải tổ chức trang nghiêm, thành kính với những nghi thức cúng lễ như: Lễ yết, Lễ Cung nghinh, Lễ thả thuyền… Đây cũng là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần anh dũng, bất khuất của thế hệ cha ông đối với thế hệ trẻ ngày nay; đồng thời, thể hiện nét đẹp trong văn hóa tâm linh của người dân trên đảo Lý Sơn.

Quảng Ngãi tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa - 1

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa ở Lý Sơn. Ảnh: Báo Quảng Ngãi.

Theo sử sách ghi chép lại, vào đầu thế kỷ 17, khi vào trấn nhậm phía Nam, Chúa Nguyễn đã cho lập đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải tại làng An Vĩnh và An Hải nay thuộc xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi. Theo đó, mỗi năm sẽ có 70 suất đinh là những trai tráng khỏe mạnh giỏi bơi lội được sung vào đội Hoàng Sa.

Đến đầu thế kỷ 19, các dân binh trong đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải chủ yếu là những trai tráng thuộc các tộc họ trên đảo Lý Sơn. Nhiệm vụ của đội dân binh Hoàng Sa là đo đạc hải trình, dựng bia, cắm mốc chủ quyền và thu lượm sản vật tại Hoàng Sa và Trường Sa. Để thực thi nhiệm vụ vua ban, những dân binh phải lênh đênh trên biển bằng những chiếc thuyền câu trong suốt 6 tháng, từ tháng Hai đến tháng Tám âm lịch.

Trước khi lên thuyền làm nhiệm vụ, các tộc họ trên đảo tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa (lễ tế sống) để động viên những người con ưu tú của quê hương vì nước quên thân. Hiện nay, tên tuổi của những người con hy sinh vì non sông, đất nước, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc được sử sách ghi lại. 

Ngay sau Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, nhân dân địa phương tổ chức Lễ hội đua thuyền truyền thống tứ linh để cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy khoang.

Quảng Ngãi tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa - 2

Nghi thức thả thuyền trong Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa ở Lý Sơn. Ảnh: Báo Quảng Ngãi.

Đội Hoàng Sa sau này được củng cố thành Thủy quân Hoàng Sa (kiêm quản “đội Bắc Hải," có nhiệm vụ khai thác vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa). Trong suốt mấy trăm năm hoạt động, đã có hàng vạn người lính thủy quân Hoàng Sa vượt qua biết bao sóng gió, bão tố để thực thi nhiệm vụ giữ gìn chủ quyền lãnh thổ ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Và không phải ai cũng có may mắn trở về.

Từ mất mát hy sinh của nhiều lớp người đi làm nhiệm vụ tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, người dân Lý Sơn đã hình thành một nghi lễ mang đậm tính nhân văn - Lễ Khao lề thế lính - cúng thế cho người sống để cầu mong người đi được bình an trở về quê hương, bản quán.

Trong buổi tế, người ta làm những hình người bằng giấy, hoặc bằng bột gạo và dán giấy ngũ sắc, làm thuyền bằng thân cây chuối, đặt hình nộm lên để làm giả những đội binh thuyền Hoàng Sa đem tế tại đình, tế xong đem thả ra biển, với mong muốn đội thuyền giả kia sẽ chịu mọi rủi ro thay cho những người lính của đội Hoàng Sa, đồng thời tạo niềm tin và ý chí cho người lính hoàn thành nhiệm vụ theo lệnh vua.

Quảng Ngãi tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa - 3

Du khách tham quan nhà trưng bày và tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Ảnh: M.Hạ/Báo Quảng Ngãi.

Lễ Khao lề là ngày hội lớn không chỉ riêng Quảng Ngãi mà từ lâu đã thấm sâu vào lòng người dân mọi miền đất nước như một "bằng chứng sống" về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Năm 2013, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia-loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng.

Ngoài Lễ khao lề thế truyền thống, hiện nay ở đảo Lý Sơn còn các “mộ gió” của cai đội Phạm Quang Ảnh, Phạm Hữu Nhật và một số "mã liếp" (mộ chiêu hồn) của các đội Hoàng Sa đã bỏ mình trên biển cả. Đó là những ngôi mộ được làm bằng đất sét giả cốt người để con cháu tưởng niệm thờ cúng. Ngoài ra, người dân Lý Sơn còn phối thờ Cai đội Võ Văn Khiết, Phạm Quang Ảnh, Chánh Thủy quân Suất đội Phạm Hữu Nhật và những hùng binh trong đội Hoàng Sa xưa tại di tích Âm linh tự, đình làng An Vĩnh và một số dinh, miếu thờ khác để ngàn đời nhớ đến công lao của họ.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Khánh Duy

CLIP HOT