Áo Nhật Bình - Nét đẹp cổ phục Việt đặc sắc thời chúa Nguyễn
Áo Nhật Bình thời nhà Nguyễn là chiếc áo dành cho nữ giới quyền quý, trong chốn cung đình và các thiếu nữ trong gia đình quý tộc mặc khi xuất giá theo chồng.
Áo Nhật Bình là Triều phục dành cho cung tần nhất, nhị, tam, tứ giai và là Thường phục của hoàng hậu, công chúa. Thường phục Nhật Bình đặt định vào năm 1807 thời vua Gia Long và được duy trì cho đến cuối thời Nguyễn. Tên “Nhật Bình” bắt nguồn từ việc hoa văn trang trí trên áo tạo thành một hình chữ nhật lớn trước ngực.
Áo Nhật Bình tuy được thiết kế lại theo nguyên mẫu của áo Phi Phong thời Minh Triều, thế nhưng, giữa 2 mẫu áo này vẫn có nhiều sự khác biệt. Điều này vừa thể hiện được tinh thần sáng tạo và tự tôn dân tộc. Đồng thời, khắc họa rõ nét những đặc điểm văn hóa của người Việt. Minh chứng rõ nhất chính là ở hoa văn và cách bài trí, hòa phối họa tiết, màu sắc của áo.
Áo Nhật Bình dành cho nữ giới quyền quý trong chốn cung đình và các thiếu nữ trong gia đình quý tộc
Áo có nguyên mẫu là loại áo xẻ cổ, có dạng đối khâm, cổ áo to bản tạo thành hình chữ nhật ở trước ngực, dưới ức có dải vải buộc hai vạt áo. Rải rác trên khắp thân áo cũng được thêu nhiều họa tiết, hoa văn với họa tiết chính là dạng tròn khép kín đan xen với những hình phượng, hoa lá và các hạt kim tuyến lấp lánh. Trên phần tay áo còn có dải ngũ sắc: lục, vàng, xanh, trắng, đỏ tượng trưng cho dải ngũ hành.
Dải ngũ sắc trên áo, các hoa văn còn được thay đổi và sắp xếp dựa vào cấp bậc, vai vế của người mặc. Vì thế, khi nhìn vào phần hoa văn có thể xác định được cấp bậc, địa vị và danh phận của người đó. Tuy nhiên, đối với áo Nhật Bình của Hoàng Hậu thì quy chế này không được áp dụng.
Ngoài hoa văn, dựa vào màu sắc áo cũng có thể phân biệt được cấp bậc của người mặc. Điển hình như áo Nhật Bình cho Hoàng Hậu sẽ có màu vàng hoặc cam, của Công Chúa sẽ là sắc đỏ. Màu sắc của áo sẽ được làm dựa theo phẩm cấp của chồng. Nhị giai Phi thêu bằng sa sợi màu xích đào. Tam giai Tần thêu bằng sa sợi màu tím, tứ giai Tần thêu bằng sa sợi màu tím nhạt. Ngoài ra, bậc Hậu khi mặc Nhật Bình quấn thường làm bằng tơ bát ti màu trắng thêu rồng phượng, còn các bậc còn lại sử dụng thường làm bằng tơ bát ti màu trắng thêu hoa văn Loan ổ.
Áo Nhật Bình thường sẽ được mặc kèm theo các phụ kiện. Thường thấy nhất chính là những chiếc cúc áo nạm vàng hoặc được làm từ ngọc, đá quý. Phần dưới cổ tay của áo lại được trang trí thêm 2 dải dây dài thả lỏng gọi là dải thùy lưu.
Vào thời Gia Long, phụ kiện đi kèm sẽ có thêm Kim ước đối với bậc Hậu phi. Thời Thiệu Trị, Kim ước này được thay thế bằng Kim phượng. Phần phụ kiện này cũng được thay đổi nhiều theo thời gian. Đến thời Nguyễn Mạt, phụ kiện đi kèm với áo Nhật Bình là khăn vành.
Càng về sau, áo Nhật Bình càng có nhiều thay đổi, chủ yếu hướng tới sự tối giản. Một số bức ảnh lưu lại cho thấy áo Nhật Bình từ thời vua Đồng Khánh trở về sau được tĩnh lược đi rất nhiều chi tiết, phụ kiện. Áo Nhật Bình lúc này sẽ được mặc với quần ống có màu tuyết bạch, đầu vấn khăn to bản. Màu sắc của khăn vấn có thể thay đổi theo cấp bậc tương tự như trước.
Ngày nay, áo Nhật Bình hầu như đã mất dấu tích trong đời sống người Việt. Loại áo cổ phục này không phổ biến như áo dài và rất hiếm nhìn thấy ngoài các chuyến tham quan lăng tẩm ở Huế hoặc Festival Huế tổ chức. Tuy nhiên, thời gian gần đây, đã có rất nhiều cặp đôi, bạn trẻ lựa chọn trang phục này cho những dịp quan trọng của cuộc đời mình.
Với khung cảnh thơ mộng và mang giá trị lịch sử của Huế, những bức ảnh chụp với cổ phục Nhật Bình như tô đậm vẻ đẹp cung cách Huế hơn bao giờ hết. Đến Huế, hầu hết các hiệu ảnh cưới lớn đều có sẵn những trang phục truyền thống và hiện đại để đáp ứng đa dạng nhu cầu của các cặp đôi và khách du lịch
Đến các tỉnh Tây Nguyên đúng vào dịp mùa hoa cúc quỳ bung nở, bất cứ con tim du khách dù cứng cỏi và khô cằn cỡ nào...