Nét độc đáo trong lễ cưới của người Tày

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Lễ cưới của người Tày là một phong tục, nghi thức đã trải qua quá trình phát triển lâu đời và trở thành truyền thống tốt đẹp, xây dựng nên thuần phong, mỹ tục của dân tộc, góp phần làm đa dạng, phong phú bản sắc văn hóa trong cộng đồng các dân tộc.

Nét độc đáo trong lễ cưới của người Tày - 1

Trang phục phụ nữ Tày trong đám cưới. Ảnh: Mông Văn Bốn

Trong lễ cưới của người Tày, theo phong tục, các nghi lễ diễn ra ở nhà trai, nhà gái được sắp xếp theo trình tự như sau: tục căng dây chặn đường, lệ giữ cửa, lệ rải chiếu, mời ngồi, mời nước chè, lễ nộp gánh, lễ dâng tấm vải ướt khô, lễ bái tổ tiên và họ hàng, lễ bố mẹ vợ và bố mẹ chồng, lễ xin đón dâu, lễ nộp con dâu, nộp con rể nạp tế, vui bữa rượu cưới, mừng rương hòm, mừng phù rể, phù dâu, chào mừng mâm bàn, hẹn hò.

Trong trình tự các bước của lễ cưới, tục căng dây chặn đường và lễ dâng tấm vải ướt khô là nét đặc sắc và độc đáo nhất. Vào thời điểm đoàn nhà trai hay nhà gái từ xa đi tới sẽ có một đoàn cô gái trẻ chưa chồng ở trong làng rủ nhau chuẩn bị một sợi dây để cản lối vào sân của đoàn. Khi đoàn khách đến đầu ngõ, các cô gái căng sợi dây ngang cổng ngõ và hát một bài dân ca để chất vấn: "Xin hỏi các vị là ai? Đi đâu? Qua đây làm gì? Đây là cửa cấm muốn đi qua phải nói rõ lý do...". Đoàn khách lúc này cũng hát một, hai bài dân ca đối đáp lại những câu hỏi của các cô gái và tự giới thiệu, nói rõ lý do, yêu cầu mở đường cho đi: "Tôi xin trình mọi người trong các/Bác bảo tôi đến đây/Bá nhờ tôi đến hỏi/Đến nơi đây đường cái, đường quang/Vào đến bản nhà sang, cửa rộng/Thấy dây tơ căng chắn lối vào/Mường người có lụa hoa đủ sắc/Không cho người có lối vào nhà/Chúng tôi từ đường xa chưa rõ/Tôi đến đây thông sự cho người/Tôi xin nộp bạc thoi thông lệ...".

Ở các địa phương khác, có những cô gái tinh nghịch cố ý hát mãi để kéo dài thời gian căng dây chặn đường, lúc đó người quan lang phải nhanh trí giả vờ hát thua và bỏ tiền ra phong bao chúc mừng các cô để xin vào cổng nhà cho kịp thời gian. Trong tục căng dây, các bài hát đối đáp giữa hai bên có thể coi là cuộc đọ tài đầu tiên về tài năng ứng đối văn chương của hai họ.

Đối với lễ dâng tấm vải ướt khô, đây là phong tục tốt đẹp, có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện tấm lòng hiếu thảo của con gái đối với các bậc sinh thành và lòng biết ơn của chú rể đối với cha mẹ cô dâu. Tấm vải này được dệt tay bằng sợi bông, khổ rộng khoảng hai gang tay, độ dài tầm 15 - 20 sải nhưng phụ thuộc vào từng địa phương, từng gia đình chứ không có một quy định chung, tấm vải nhuộm màu hồng một nửa hay một phần ba, ước lệ đó là tấm vải ướt, phần còn lại để nguyên trắng mộc, ước lệ đó là phần khô...

Tục lệ này xuất phát từ quan niệm cũng như nhận thức được công lao to lớn của người mẹ chín tháng mang thai và khó khăn, vất vả của bậc sinh thành nuôi con từ những ngày còn đỏ hỏn đến khi trưởng thành nên người, nay xuất giá để tạo lập một gia đình hạnh phúc riêng. Từ ngày có con, người mẹ luôn hy sinh vì con, dành phần tã ướt về mình, dành chỗ khô ráo, sạch sẽ cho con nằm ngủ. Đấy là điều mà chúng ta thường gặp trong những ngày đông giá rét, trời u ám hay mưa dầm dề phơi tã không kịp khô, lúc đó số tã dùng ít, tã đang dùng phải xoay phần ướt và khô để dùng được nhiều lần hơn. "Thứ nhất xin nộp vàng can thấp/Tiết thu đông phúc lộc tới xâm/Mới đặt lệ tấm khăn khô ướt/Bên nằm ướt là bên mẹ chịu/Bên khô ráo là bên con nằm/Có con ăn không ngon với bé/Ngày nay có lễ túc tối người/Tôi xin nộp song thân phụ mẫu...".

Tấm vải ướt khô tuy rất bình thường, giản dị nhưng có ý nghĩa rất lớn, đó là sự đền đáp công ơn của người mẹ, vì vậy trong các lễ vật không để thiếu tấm vải ướt khô. Khi tiến hành lễ dâng tấm vải trước mặt cha mẹ vợ và họ hàng nhà gái, vị quan lang nhà trai nghiêm trang đứng trước giường giữa, trước ban thờ tổ tiên hát bài dâng tấm vải ướt khô. Sau đó, chú rể trịnh trọng hai tay dâng tấm vải ướt khô lên cho mẹ vợ, trong bầu không khí trang nghiêm, người mẹ đón nhận tấm vải từ tay con rể, có người mẹ đã khóc vì nhớ lại cái cảnh gian lao, vất vả bao năm tháng nuôi con khôn lớn nay đến lúc con đi làm dâu nhà người. Cùng lúc đó, khi chú rể trân trọng trao cho mẹ vợ thì vị quan lang nhà trai hát bài dâng tấm vải ướt khô bằng chất giọng đầy cảm xúc, làm cho mọi người xung quanh cùng lắng lại để nghe giọng hát ca tụng của nghi lễ. Khi cô dâu về nhà chồng không có nghi lễ này.

Hiện nay, cùng với dòng chảy của cuộc sống ngày càng phát triển và hiện đại, cách nhìn nhận, suy nghĩ của người dân tộc Tày về phong tục, tập quán ít nhiều đã thay đổi và có cái nhìn thoáng hơn, nhưng nhìn chung trong đám cưới người Tày vẫn giữ được bản sắc riêng độc đáo của dân tộc, góp phần làm đẹp thêm phong tục của nền văn hóa nước ta, đồng thời gìn giữ, phát huy bản sắc dân tộc theo khuynh hướng "trở về với cội nguồn".

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nông Huế (Báo Cao Bằng)

CLIP HOT