Mùa Vu Lan, đông đảo người dân tìm đến chùa cầu bình an cho cha mẹ
Khắp các ngôi chùa lớn nhỏ trên địa bàn TP.HCM vào dịp tháng bảy Vu lan, đông đảo người dân và du khách đến dâng hương, hoa sen, … cầu nguyện cho cha mẹ và gia đình. Theo thông lệ, lịch cúng lễ Vu Lan kéo dài trong suốt tháng 7 âm lịch.
Rằm tháng Bảy, được coi là Ngày xá tội vong nhân và cũng là ngày lễ chính trong mùa Vu Lan báo hiếu.
Theo truyền thuyết Phật giáo, Vu Lan bắt nguồn từ sự tích Mục Kiền Liên đại hiếu - người đã cứu mẹ thoát khỏi nạn ngạ quỷ.
Ngoài ra, đây còn là dịp để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên, nhắc nhở mỗi người về bổn phận làm con và lòng biết ơn.
Chiều 18/8 – nhằm ngày Rằm tháng 7, khuôn viên chùa Vĩnh Nghiêm nườm nượp người dân và du khách cùng bá tánh thập phương đến viếng chùa, đảnh lễ trước tôn tượng Quán Thế Âm Bồ tát, vị Phật Mẫu được ví như mẹ hiền phù hộ bình an.
Nhang đèn thành tâm khấn vái, cầu xin sức khỏe bình an cho cha mẹ, gia đình an khang thịnh vượng.
Ngoài cầu bình an, tài lộc... ngày Rằm tháng 7, nhiều bạn trẻ còn đến chùa cầu duyên.
Trung Phong cùng bạn gái đến chùa thả chim để cầu bình an và giải hạn.
Đông đảo bạn trẻ cũng đến chùa Vĩnh Nghiêm thả chim phóng sinh để cầu an, cầu duyên trong dịp rằm tháng 7. Trước sân chùa, bà con bày bán nhang đèn, đồ cúng; đặc bệt dịp này, hoa sen được bày bán khá nhiều trước cổng chùa.
Các quầy bán nhang đèn, giấy tiền vàng mã còn nhận viết sớ cầu tài lộc, cầu duyên, may mắn cho người dân đem vào chùa lễ bái.
Hoa sen bày bán trước cổng chùa giá 30 ngàn/cành, 150 – 200 ngàn/bó.
Người dân dâng cúng hoa sen, xếp thành hàng hàng, lớp lớp dưới chân tượng Phật Mẫu.
Anh Công Sơn, người bán thâm niên tại đây cho hay, đồ cúng Rằm có nhiều loại, giá từ vài chục đến vài trăm ngàn cỡ nào cũng có. Chim phóng sinh thì lồng 10 con giá 150 ngàn; không cần đặt cọc, cứ đem vào chùa thắp nhang, cầu khẩn cúng bái thoải mái, xong đem lồng ra trả lại.
Tương tự, phía sạp kế bên chị Tố Uyên nói, sáng giờ bà con đến lễ chùa đông đúc, người dân và du khách tấp nập đến dâng hương, mua hoa sen cúng lễ. “Tính sơ nội trong buổi chiều nay, tui bán được trên vài trăm khách”, chị Uyên phấn khởi cho hay.
Nghi thức gióng chuông thành tâm lễ Phật cầu an lành, phúc lạc...
Cô Hương Giang ngụ tại Q.3 cho hay cô đã chuẩn bị sẳn lễ vật, nhang đèn, hoa quả, bánh trái sẳn từ trước, xong đợi con gai đi làm ca về cùng đến chùa đảnh lễ.
Bên trong chánh điện uy nghiêm, phật tử khấn vái.
Theo chị Thu Hằng, nhà ở Q. Gò Vấp, Vu Lan Rằm tháng 7 là thời điểm để tưởng nhớ ông bà, tổ tiên, đồng thời nhắc nhở mọi người về bổn phận làm con, cháu và lòng biết ơn theo truyền thống Việt Nam.
"Hàng năm vào dịp này, tôi thường cùng các con đến viếng chùa, cài nhánh hoa trắng lên áo, tưởng nhớ và tri ân đấng sinh thành", chị Hằng chia sẻ.
Theo thông lệ, lịch cúng lễ Rằm tháng 7 Vu Lan kéo dài trong suốt tháng 7 Âm lịch.
Càng về chiều tối mát mẻ, lượng người dân ùn ùn đổ về lễ bái ngày càng đông.
Bên ngoài cổng chùa, trời tối dần, đã có lúc xãy ra tình trạng ùn ứ giao thông.
Lễ Vu Lan hàng năm không chỉ có ý nghĩa tôn giáo mà còn hướng mỗi người về cội nguồn dân tộc, về đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", với tổ tiên.
Dịp lễ này đã trở thành truyền thống tinh thần báo hiếu, báo ân, phù hợp với tín ngưỡng thờ tổ tiên của người dân, đồng thời mang đậm nét nhân văn và đạo lý đền ơn đáp nghĩa.