Du khách thích thú xem vở tuồng về vụ án nổi tiếng lưu truyền sử sách
Câu chuyện hào hùng về vị Đệ nhất khai quốc công thần – Một trụ cột triều đình đồng thời nhận 9 án tử chưa từng có trong lịch sử Việt Nam. Vở tuồng sân khấu ý nghĩa hay bởi điều gì khác hấp dẫn khán giả đến vậy ?!
“Muốn nhiệm màu, phải xử từ trên đầu xử xuống” - Câu nói không chỉ làm nức lòng dân mà còn nức lòng khán giả khi xem vở kịch sân khấu tái hiện một trang sử đã ngã màu nhưng vẫn còn nguyên vẹn.
Câu chuyện về Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt, người đã ra lệnh chém đầu cha vợ vua Minh Mạng - Phó Tổng trấn Huỳnh Công Lý, vụ án nổi tiếng lưu truyền sử sách.
Những tràng pháo tay không ngớt vang lên từ hàng ghế khán giả ngợi khen vở tuồng sân khấu về cuộc đời Vị quan Tổng trấn tài ba lỗi lạc đã xử đại án tham nhũng chấn động đất Sài Gòn – Gia Định xưa.
Đã lâu lắm rồi mới thấy một vở diễn về câu chuyện chính sử được đông đảo khán giả ủng hộ đến vậy, nhất là các bạn trẻ đến khán phòng Nhà Văn hóa Thanh Niên hôm ấy. Trước khi vở diễn chính thức khai màn, khán phòng đã chật ních khán giả đến rạp từ rất sớm. Các bạn trẻ háo hức lẫn không kém phần nôn nao xem đồng hồ, canh từng phút chờ đón xem vở tuồng sân khấu.
Khán giả trẻ nhiệt liệt vỗ tay tán thưởng từng hành động, lời nói dứt khoát, chính trực của Đức ông Lê Văn Duyệt.
Trước giờ sân khấu khai màn, Lưu Trung Phong, sinh viên năm II Khoa Nội thất ĐH Kiến Trúc TP.HCM thỉnh thoảng lại liếc nhìn đồng hồ chia sẻ, bạn em học khoa Sử ĐH Văn hóa giới thiệu, đây là vở tuồng nhất định phải đi xem “ít nhất một lần trong đời”. Thấy bạn nói hơi quá nên em lên mạng tìm thử thông tin như nào. Mới liếc sơ thì thấy đây là vở diễn về Đức Tả Quân - vị quan Tổng trấn tài ba lỗi lạc, em đồng ý ngay.
Lê Trần Đăng Khoa ngồi bên hào hứng góp lời, đúng anh, hôm công diễn buổi đầu tiên, em được vinh dự được vào xem dự khán. Vở diễn thật xúc động và ý nghĩa, lát xem đảm bảo anh sẽ thấy lời em không ngoa đâu ạ, Đăng Khoa chắc nịch nói.
Câu chuyện tái hiện một phần cuộc đời Khâm sai Chưởng Tả quân Đô thống phủ Phủ sự - Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt , Tổng trấn Thành Gia Định thế kỷ XVIII.
Người có công lớn trong việc mở mang bờ cõi phương Nam, một đời vì nước thương dân được người dân cung kính tôn xưng Đức Thượng công.
Đã có nhiều vở diễn trên sân khấu với nhiều bối cảnh, tạo hình khác nhau, mang đến nhiều cảm xúc cho khán giả. Vở kịch lịch sử Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử lần này với câu chuyện cũ nhưng được kết hợp nhịp nhàng, hài hoà giữa lịch sử và văn hoá như thổi hồn cho khán giả được tắm trên dòng sông đậm nét dân tộc.
Mở đầu vở kịch với hình ảnh văn bia bị xiềng xích, người dân gào khóc đau thương thảm thiết lại đưa người xem liên tưởng đến nhiều điều linh dị còn ghi dấu tại vùng đất Gia Định xưa, được dân chúng truyền tai nhau rằng: “Đêm đêm nghe tiếng quân kêu khóc, quỷ giận thần hờn, lạc ngựa reo vang…”.
Cùng với đó là hình ảnh Cuốn thư sơn son thếp vàng xuất hiện chính diện giữa sân khấu xuyên suốt vở diễn, đã gợi nhắc cho khán giả nhớ về những sự kiện bi tráng một thời trong lịch sử hơn 300 năm hình thành và phát triển của Sài Gòn – TP.HCM.
Vở kịch: “Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử, tác giả: Phạm Văn Quý, chỉnh lý kịch bản: Võ Tử Uyên, đạo diễn: Hoàng Duẩn.
Với sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ: Đình Toàn, Đại Nghĩa, Mỹ Duyên, Hoàng Trinh, Quang Thảo, Quốc Thịnh, Hòa Hiệp…
Đây là vở kịch trong chuỗi chương trình “Sân khấu Sử Việt học đường” của Nhà hát kịch Idecaf.
Vở kịch đã khắc họa rõ nét thời kỳ lịch sử quan trọng một cách sống động thông qua hình thức nghệ thuật sân khấu đã truyền tải một câu chuyện lịch sử rất đáng quý về Đức Tả quân Lê Văn Duyệt, người bằng sự nghiêm minh, liêm khiết và tài năng thu phục lòng người, cùng với sự khảng khái của bậc công thần, không sợ uy quyền của cấp trên, một lòng một dạ chăm lo đời sống người dân, vì lợi ích người dân.
Tác phẩm lấy bối cảnh khi Tả quân Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn Gia Định thành thời vua Minh Mạng; ông có khát vọng biến vùng đất mới thành nơi trù phú, an vui, dân chúng ấm no và hạnh phúc. Vở diễn đã tái hiện một phần cuộc đời của nhân vật được người dân gọi bằng tên cung kính "Đức Thượng Công".
Bố vợ của vua Minh Mạng cậy thế ỷ thần con mình được vua sủng ái nên ngang ngược hống hách, vơ vét nhũng nhiễu dân lành.
Quan tham Huỳnh Công Lý, đương chức Phó tổng trấn Gia Định lạm dụng chức quyền, bòn rút tiền bạc dân binh.
Dưới sự lộng quyền, tham nhũng bất chính của y, dân lành sống trong cảnh cơ cực lầm than.
Khi trở về từ kinh thành, chứng kiến cảnh chúng dân đói khổ trăm bề, Đức Tả quân Tổng trấn Gia Định thành đã quyết tâm diệt trừ cái ác.
Với sự khẳng khái, bộc trực ông đã dám "vuốt râu hùm" khi đụng tới Quốc cữu Huỳnh Công Lý; dù biết chắc rằng phải gánh hậu quả khủng khiếp nhưng kẻ tham quan cùng cái ác phải bị trừng trị, đền tội.
Vở kịch sân khấu với sự kết hợp giữa các loại hình nghệ thuật như hát bội là di sản văn hoá phi vật thể của dân tộc cũng là sở thích của Đức Tả quân khi sinh thời đã tạo nên những nốt trầm, da diết, xé lòng.
Cốt truyện không khai thác toàn bộ cuộc đời Đức Tả quân Lê Văn Duyệt mà nhấn mạnh vào vụ án ông xử chém Quốc trượng Huỳnh Công Lý, cha của Huệ Phi (Mỹ Duyên), người được vua Minh Mạng sủng ái.
Vua Minh Mạng (Quang Thảo) thấy sự đã rồi, trong lòng căm giận nhưng không làm gì được Lê công bèn thốt lên rằng “Một cột trụ triều đình khó nhổ”.
Vua có ý bênh vực cha vợ nên hạ chỉ giải Công Lý về kinh đặng dễ bề tha tội. Tả quân biết trước, với Thượng phương kiếm đã “tiền trảm hậu tấu”, chém đầu Huỳnh Công Lý, sai quân đóng tráp nhũ vàng, gởi thủ cấp về kinh.
Diễn viên Đại Nghĩa, người phải “tô son – trát phấn”, khoác lên bộ trang phục để vào vai quan tham Phó Tổng trấn Huỳnh Công Lý.
Đại Nghĩa cho hay, lâu rồi mình mới được diễn một vở sử sâu sắc như vậy. Mặc dù vào vai phản diện nhưng cảm giác đã lắm. Còn về nhận xét thì để công tâm hơn, xin dành cho khán giả…
Suốt vở diễn, Đình Toàn không ngớt nhận được những tràng vỗ tay bởi những câu thoại nức lòng dân: “Muốn nhiệm màu, phải xử từ trên đầu xử xuống”.
Sân khấu hạ màn cùng những tràng vỗ tay không ngớt, khán giả vẫn còn muốn lưu lại khán phòng lâu hơn nữa để có dịp gặp và chụp hình cùng các nhân vật mình yêu thích, đặc biệt là với vai diễn Đức Thượng công Tả quan Lê Văn Duyệt.
Chị Phạm Thị Thu Thảo, Giáo viên tiếng Anh một trường THPT tại Q.3 phải thốt lên rằng: “Thật tuyệt, sân khấu quá hoành tráng, quá uy nghi; vở tuồng mà đoàn kịch Idicaf và đạo diễn Hoàng Duẩn thật sự sâu sắc, đã đem lại những bài học quý giá và bổ ích cho thế hệ sau tiếp bước truyền thống anh hùng của dân tộc”.
Mong rằng vở diễn lan tỏa đến rộng rãi hơn nữa với công chúng, đặc biệt là với du khách quốc tế khi đến tham quan, vui chơi tại TP.HCM thì còn tuyệt vời hơn nữa. Không chỉ để quảng bá nét văn hóa, lịch sử nước nhà, đồng thời lan tỏa tinh thần người dân miền đất phương Nam giàu lòng nhân ái, nghĩa tình.
Tuy nhiên, đoàn kịch Idecaf nên nghiên cứu thời lượng dành cho du khách ngắn gọn, phù hợp hơn với thời gian các đoàn khách tham quan. Chúc Đoàn sẽ có thật nhiều buổi diễn thu hút khán giả yêu thương đến với Đoàn nhiều hơn nữa, chị Thảo hồ hởi chia sẻ.
Tâm trạng khán giả tràn đầy cảm xúc hòa nhịp cùng tiết tấu thăng trầm của vở diễn.
Cô Trần Thị Thu Trang đến từ Bình Chánh xúc động chia sẻ: “Vở diễn thật sự ý nghĩa, đến xem chương trình hôm nay, tôi cảm thấy tự hào và trào dâng bao cảm xúc khi được xem lại câu chuyện lịch sử về Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt”.
Hi vọng thông qua câu chuyện lịch sử được thể hiện sinh động trên sân khấu cũng như cách các bạn trẻ chăm chú theo dõi, vỗ tay không ngớt tán thưởng, tin rằng thế hệ trẻ càng thêm yêu lịch sử nước nhà, những trang sử hào hùng được viết lên bởi bao thế hệ ông cha đã dâng hiến cả cuộc đời để xây dựng quê hương đất tổ có được cơ đồ, vị thế như ngày hôm nay, cô Trang bộc bạch nói.