Mùa Phật đản - mùa của yêu thương
Đại lễ Phật đản là ngày đức Phật Thích Ca Mâu Ni chào đời, vào ngày trăng tròn tháng 4 âm lịch, năm 624 trước Công Nguyên, tại khu vườn Lâm Tỳ Ni, xứ Ca Tỳ La Vệ thuộc miền bắc Ấn Độ.
Trụ sở Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Năm nay, chính lễ diễn ra ngày 15 tháng 4 năm Tân Sửu (26/5/2021), có nơi tổ chức 1 ngày trọng thể, hoặc tổ chức Tuần lễ kính mừng Phật đản tùy theo tình hình thực tế tại địa phương.
Theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cách đây hơn 2.500 năm, Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật ra đời vào ngày trăng tròn tháng 4 âm lịch tại khu vườn Lâm Tỳ Ni, xứ Ca Tỳ La Vệ thuộc miền Bắc Ấn Độ.
Những người con Phật trên toàn thế giới hàng năm đã lấy ngày trăng tròn tháng 4 âm lịch làm ngày Phật đản, hay còn gọi là Đại lễ Vesak kỷ niệm 3 sự kiện trọng đại trong cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đó là kỷ niệm ngày đản sinh, ngày thành đạo và ngày Ngài nhập Niết Bàn.
Năm 1999, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ra nghị quyết công nhận Đại lễ Phật đản hàng năm là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của Liên hợp quốc, vì hòa bình của nhân loại, nhằm tôn vinh giá trị giáo lý của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni để lại cho nhân loại trong quá trình tu tập, hoằng pháp và độ sinh.
Đại lễ được chuẩn bị rất chu đáo
Kỷ niệm Đại lễ Phật đản của Phật giáo Việt Nam cũng là dịp để tiếp tục phát huy tư tưởng giáo lý của Đức Phật trong sự nghiệp hoằng dương đạo pháp, lợi lạc quần sinh và bảo vệ hòa bình, góp phần xây dựng đất nước. Đây còn là dịp để cộng đồng xã hội có thêm hiểu biết và lan tỏa những giá trị đạo đức, văn hóa và tâm linh của Phật giáo.
Vào ngày lễ, Phật tử thường vinh danh Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng (qua các hình thức như dâng cúng, tặng hoa, đến nghe thuyết giảng), và thực hành ăn chay, giữ ngũ giới, tứ vô lượng tâm (từ bi hỷ xả), thực hành bố thí và làm việc từ thiện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng.
Vào ngày Phật đản, các Phật tử không sát sinh, mọi người đều ăn chay, lau dọn vệ sinh nhà cửa và trang trí bàn thờ Phật thật đẹp để tưởng nhớ Phật. Các Phật tử có thể đến chùa để phụ giúp làm công quả, nghe các bài thuyết giảng về cuộc sống, tự chiêm nghiệm về hành động của bản thân để làm cho tâm hồn được thanh tịnh.
Tại các chùa, Phật tử thường dựng lễ đài lớn, trang trí các xe hoa. Tuy nhiên, tất cả những việc này đều được thực hiện sao cho không gây tốn kém nhiều, không phung phí, tất cả được thể hiện bằng tấm lòng thành, vốn là đạo lý nhà Phật. Một trong những nghi thức quan trọng nhất không thể thiếu là tắm Phật.
Tắm Phật là nghi thức quan trọng trong Đại lễ
Theo Đức pháp chủ Giáo hội phật giáo Việt Nam, Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, tổ chức đại lễ Phật đản là sự kiện thiêng liêng đối với tất cả, những người đi theo dấu chân Đức Phật, để hành trì, để sống theo lời Ngài chỉ dạy, đi theo con đường Giới - Định - Tuệ mà Ngài đã chứng nghiệm mang đến an lạc, hạnh phúc cho mọi người, sự phồn vinh, thịnh vượng cho đất nước và hòa bình cho nhân loại. Đại dịch COVID-19 đã khiến cả thế giới nhận ra rằng chúng ta cần sát cánh bên nhau và phải cùng nhau hành động vì mục tiêu và lợi ích chung .
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Giáo hội đã yêu cầu tăng, ni, Phật tử các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước theo sát diễn biến tình hình dịch bệnh, thực hiện nghiêm các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Y tế, các văn bản chỉ đạo của UBND các tỉnh, thành phố trong phòng, chống dịch.
Các chùa đều trang trí trang trọng để tổ chức Đại lễ
Tại các tỉnh, thành phố đã có các ca mắc COVID-19, hoặc nguy cơ cao lây lan trong cộng đồng thì các chùa, cơ sở tự viện cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định và hướng dẫn của chính quyền địa phương, tạm dừng mọi hoạt động, sinh hoạt tôn giáo tập trung đông người.
Đối với các Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo quận, huyện, nếu đã đăng ký tổ chức lễ An cư Kiết hạ sẽ được tập...