Mùa dâu da chín rộ
Hiện nay, các xã: An Phước (H.Long Thành), Phú Hội, Long Tân (H.Nhơn Trạch) đang vào mùa dâu da chín rộ. Dọc nhiều tuyến đường trong xã, những vườn dâu da vàng rực, trĩu quả, bao phủ kín mít khắp thân và cành, trông rất đẹp mắt. Các khu nhà vườn nơi đây như khoác lên một chiếc áo mới rực rỡ, tươi vui.
Cứ tới mùa dâu da chín, bà Ba Thu (ngụ ấp 2, xã An Phước, H.Long Thành) hái dâu trong vườn ra đường Lê Duẩn bán cho khách vãng lai được giá cao hơn bán cho mối trên 5 ngàn đồng/kg
Theo chính quyền các địa phương nói trên, diện tích trồng dâu da (chủ yếu là giống dâu Xiêm) ở địa phương đã giảm hơn 1/2 so với 5 năm về trước. Cây dâu da ở đây được nông dân trồng xen canh với nhiều loại cây ăn trái như: sầu riêng, mít tố nữ, chôm chôm, măng cụt…
Dâu Long Tân (H.Nhơn Trạch) cùng họ hàng với dâu An Phước với đặc điểm trái to, mọng, vàng, ngọt thanh
Hằng năm vào tháng Giêng, cây dâu bắt đầu trổ bông và kéo dài tới tháng 2 (âm lịch). Đầu tháng 5 thì bắt đầu chín, đến tháng 6 thì chín rộ. Trái dâu đầu vụ thường to, đều, ngon ngọt và được thu mua với giá từ 20-25 ngàn đồng/kg.
Gần 70 tuổi, ông Út Sơn (ngụ ấp 2, xã An Phước) vẫn thoăn thoắt trèo cây hái dâu như thời trai trẻ
Theo nông dân 3 xã: An Phước, Phú Hội, Long Tân, giống dâu Xiêm được du nhập từ Thái Lan về trồng cách đây trên 100 năm. Qua quá trình cải tạo, cấy ghép, nó trở thành giống dâu đặc sản của địa phương, được khách hàng trong, ngoài tỉnh ưa chuộng vì vị ngọt thanh, trái vàng, bóng rất đẹp mắt.
Bà Hai Liên (ngụ xã An Phước) chọn những chùm dâu to, đẹp đầu mùa hái biếu khách quen
Ông Út Sơn (ngụ ấp 2, xã An Phước) có vườn dâu da trên 1,2ha cho biết, ông thu được trên 20 tấn/năm, sau khi trừ chi phí các khoản, ông lãi được trên 200 triệu đồng. Những năm 1980 về trước, vào tháng 3 (âm lịch) khi trái dâu trên các thân cây chỉ to bằng đầu ngón tay út, các thương lái ở TP.HCM đã về tận các nhà vườn đặt cọc mua trái. Đến ngày thu hoạch, mối lái vào tận vườn cắt dâu gánh hoặc chở bằng ghe, xe bò ra các bờ đê lớn vận chuyển về TP.HCM tiêu thụ làm rộn rã cả một làng quê.
Nông dân trồng dâu xã An Phước trao đổi nhau kinh nghiệm về cách thức chăm sóc, ghép giống để tạo ra những vườn dâu tơ năng suất, chất lượng trái ngọt thanh như cây bố mẹ.
Còn những năm sau này, theo ông Út Sơn, dâu được thương lái các nơi về mua; đồng thời, các nhà vườn bán dâu tại vườn cho du khách đến tham quan hoặc cắt dâu bày bán dọc đường Lê Duẩn (đường nội ô TT.Long Thành, H.Long Thành) để có giá cao hơn. Nhờ đó, thu nhập của người nông dân cũng khấm khá hơn.
Tới mùa dâu chín, bà Ba Thúy (ngụ xã Phú Hội, H.Nhơn Trạch) vào tận vườn của nông dân trồng dâu thu mua để bỏ mối cho chủ các sạp trái cây trong và ngoài xã
Cách trung tâm TP. Nha Trang khoảng 100km và cách TP. Cam Ranh khoảng 40km, huyện miền núi Khánh Sơn cách trở bởi ngọn đèo uốn...