Lễ cúng giữ gìn rừng thiêng
Với người Tày, lễ cúng thần Rừng có ý nghĩa rất đặc biệt, họ quan niệm thần phù hộ cho cuộc sống của người dân và thần ngụ ở trên rừng, nên từ xa xưa, cụ tổ của dân tộc Tày đã thề ở miếu trước cửa rừng rằng sẽ dạy bảo con cháu giữ gìn rừng thiêng. Hằng năm, cứ vào ngày 2 tháng Ba âm lịch, người Tày lại tổ chức lễ cúng thần Rừng vì họ cho rằng, đây là ngày sạch sẽ nhất trong năm, trời đất đều linh thiêng, trong sáng.
Cây sấu cổ thụ khoảng 200 tuổi ở làng Pác Bó, thị trấn Hòa Thuận (Quảng Hòa).
Lễ cúng được mọi người chuẩn bị chu đáo, mỗi gia đình đều có lễ vật của mình. Đó là những vật phẩm truyền thống như: lợn quay, gà trống thiến luộc, cá rán, thịt ba chỉ lợn rán, xôi ngũ sắc, bánh chưng, bánh gai, bánh trứng kiến… Đến ngày làm lễ, mỗi nhà cử một người mang lễ vật tới miếu thờ thần Rừng làm lễ cúng. Thầy cúng là một người am hiểu về phong tục, tập quán, về văn hóa lễ nghi và là người có uy tín trong làng, được người dân trong vùng nể trọng. Trước khi tiến hành nghi thức, đồ lễ được bày một cách trang trọng trên các mâm.
Những lời cầu khấn trong suốt lễ cúng thần Rừng đều thể hiện sự thành kính của con người với thần Rừng nói riêng và các vị thần khác như: thần Thổ Công, thần Trời, thần Đất, thần Nước… Thầy hành lễ sẽ mời họ về chứng kiến lễ cúng và phù hộ cho con người khỏe mạnh, mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi; cầu cho rừng ngày một xanh tốt để chở che con người. Bà con trong làng xin thề trước thần Rừng sẽ giữ gìn rừng thật tốt, ai săn bắn, chặt cây trong rừng thì sẽ bị thần Rừng trừng phạt. Cúng xong, già làng và dân bản tới chỗ cây cổ thụ cao và to nhất khu rừng để thắp hương và báo cáo với thần Rừng là buổi lễ đã hoàn thành. Sau đó thầy cúng xin thần Rừng một ít cây non để bà con trồng vào những khoảng đất còn trống.
Không chỉ mang yếu tố tâm linh, lễ cúng thần Rừng nhắc nhở mọi người dân bảo vệ rừng cũng như giữ gìn vẻ đẹp tự nhiên của vùng núi Cao Bằng. Lễ cúng thần Rừng còn có những giá trị sâu sắc về tinh thần, khẳng định vai trò, vị trí của cộng đồng dân tộc Tày nói riêng và các dân tộc khác luôn hòa mình cùng thiên nhiên và gắn chặt với thiên nhiên.
Người dân luôn tin vào sức mạnh linh thiêng của giá trị văn hóa truyền thống, nên ngày nay, ở một số bản làng trên địa bàn tỉnh vẫn giữ được những khu rừng nguyên sinh. Người dân đã xây dựng hương ước quy định về việc bảo vệ rừng và tổ chức lễ cúng thần Rừng hằng năm. Thông qua việc ứng xử hài hòa với thiên nhiên không những giữ được nét văn hóa truyền thống, nghi lễ, phong tục, tập quán của người dân bản địa mà còn góp phần bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái xanh - sạch - đẹp.
Hoa mận giống như tuyết, nở trắng cả một vùng núi rừng. Khi ra trái, nó lại tô điểm cho khu vực một vùng đỏ thẫm....