DU LỊCH ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG CẦN NHẠC TRƯỞNG!

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

DU LỊCH ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG CẦN NHẠC TRƯỞNG! - 1


Ảnh: Long An

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là phần châu thổ sông Mêkong, rộng lớn và trù phú, gồm 13 tỉnh, thành phố (An Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long) với diện tích tự nhiên khoảng 40.000km2, dân số gần 17 triệu người. ĐBSCL là vùng kinh tế, văn hoá, chính trị đặc biệt quan trọng của khu vực phía Nam, nằm liền kề với TP. Hồ Chí Minh và là cửa ngõ thuận tiện với các nước Đông Nam Á. Sông nước ĐBSCL như một thảm tranh tuyệt đẹp, khí hậu ôn hoà, con người thân thiện và nồng hậu

 Tiềm năng chưa được khai thác

Thật sự, ĐBSCL là khu vực có tiềm năng về du lịch, độc đáo, không giống với vùng miền nào của cả nước. Nơi đây, cảnh quan sinh thái đặc trưng là đồng bằng và biển đảo, một vùng sông nước hữu tình và quyến rũ, cây trái bốn mùa trĩu quả, môi trường trong lành, tài nguyên thiên nhiên phong phú kết hợp với tinh hoa văn hóa, lịch sử của cộng đồng 4 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa và Chăm. Dòng sông Mêkong bồi đắp phù sa màu mỡ cho ĐBSCL, với 2 nhánh sông chính là sông Tiền và sông Hậu, hệ thống kênh rạch chằng chịt giao thoa cùng núi rừng, biển đảo đã hình thành một vùng sinh thái đa dạng,  tạo nên những cảnh quan đặc sắc, hùng vĩ, chứa bao điều kỳ thú mời gọi du khách gần xa. Đó là: rừng dừa Bến Tre màu xanh đam mê cho trái xum xuê với nhiều sản phẩm từ dừa; tràm chim Tam Nông, làng nghề hoa kiểng Sa Đéc (Đồng Tháp) nổi tiếng; chợ nổi Cần Thơ- Tiền Giang với hàng ngàn loại trái cây; biển đảo Hà Tiên và Phú Quốc (Kiên Giang) với hàng trăm đảo nhấp nhô giữa biển khơi gió lộng; phong cảnh Thất Sơn Bảy núi (An Giang); rừng đước Năm Căn, đất mũi Cà Mau,v.v...đã đi vào lịch sử như một huyền thoại; đặc biệt là những cánh đồng lúa vàng mênh mông như thảm lụa, những xóm thôn ấm áp bên các dòng kênh dài như vô tận,... hoà quyện với một không gian sông nước ngút ngàn, thơ mộng… cuốn hút và hấp dẫn du khách.

ĐBSCL hiện có khoảng 900 cơ sở lưu trú du lịch, với 17.000 buồng/phòng, có khả năng đón tối đa 6,2 triệu lượt khách trong 365 ngày. Nhưng nói chung, quy mô nhỏ (bình quân 20 phòng/cơ sở lưu trú), mới có 19 cơ sở lưu trú từ 3 đến 4 sao (1.248 phòng) và nhất là, vẫn còn 656 cơ sở với 11.334 phòng chưa được xếp hạng (chiếm gần 70% tổng số phòng có thể đưa vào phục vụ toàn Vùng). Hệ thống cơ sở ăn uống ĐBSCL đa dạng, cả ở trong các cơ sở lưu trú và bên ngoài, từ thực đơn Âu, Á đến ẩm thực truyền thống.

DU LỊCH ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG CẦN NHẠC TRƯỞNG! - 2

Ảnh: Cà Mau

 Não trạng đáng buồn!

Phát triển du lịch ĐBSCL đang ở giai đoạn đầu, mang tính tự phát, chưa có khảo sát, quy hoạch một cách hệ thống. Những năm qua (2001-2009), lượng khách du lịch đến ĐBSCL chỉ gia tăng với tốc độ 12,5% /năm, thu nhập từ du lịch còn thấp, chỉ chiếm khoảng 3% so với cả nước. Năm 2008, toàn vùng chỉ đón trên 1,2 triệu lượt khách quốc tế chiếm 9,4% tổng lượng khách quốc tế cả nước và 8 triệu lượt khách nội địa chiếm khoảng 14% tổng lượng khách cả nước. Lượng khách đến ĐBSCL còn thấp so với nhiều vùng miền khác. Một số tỉnh thành trong vùng lượng khách có tăng hàng năm, như Cần Thơ, Cà Mau, An Giang, Đồng Tháp...nhưng còn quá ít.

Du lịch sông nước (DLSN - hay còn gọi là du lịch xanh, du lịch sinh thái) là một thế mạnh của ĐBSCL. Nhưng những năm gần đây, du khách đến chơi khi ra về đều bày tỏ thái độ thất vọng bởi sự nghèo nàn của các sản phẩm du lịch.

DU LỊCH ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG CẦN NHẠC TRƯỞNG! - 3

Ảnh: Tiền Giang

Hơn mười năm qua, DLSN ĐBSCL đang dần trở thành điểm đến nhàm chán bởi các Công ty Du lịch chỉ tập trung khai thác những gì có sẵn từ thiên nhiên để lấy... tiền, và hầu như không tái đầu tư để phát triển những sản phẩm du lịch độc đáo nhằm thu hút khách.

Nếu có dip đi một vòng sông nước từ Tiền Giang qua Bến Tre và trở lại mất khoảng 3 giờ đồng hồ, nhưng du khách không đọng lại một chút ấn tượng nào.

Rời Mỹ Tho qua Bến Tre mua Tour Du lịch Sông nước (DLSN), du khách sẽ thật bất ngờ và thất vọng vì được các Hướng dẫn viên cho quay trở lại những địa điểm mà du lịch Tiền Giang vừa đưa đi. Hóa ra, những cù lao tứ linh trên sông Tiền lâu nay là “con gà đẻ trứng vàng” để hai Công ty Du lịch Tiền Giang và Bến Tre thi nhau khai thác nên sản phẩm du lịch không khác gì nhau.

Tại Vĩnh Long, du khách lại tham gia tour DLSN có cái tên rất kêu: “Về cùng văn minh sông nước miệt vườn”. Nhưng mất 4-5 giờ đồng hồ lênh đênh sông nước, du khách nhận ra rằng văn minh sông nước miệt vườn ở Vĩnh Long chẳng khác gì Tiền Giang hoặc Bến Tre, với môtip quen thuộc: xuống đò qua cù lao An Bình, đi xuồng vào các kênh rạch nhỏ, tham quan vườn trái cây, lò kẹo dừa, lò bánh tráng, đi xem chợ nổi, tham quan lò gạch ngói, ăn trái cây và... nghe Đờn ca Tài tử.

Tại TP Cần Thơ, DLSN tiếp tục là một chuỗi dài ngán ngẩm: xuống đò đi loanh quanh trên sông Hậu, thăm thú các vườn trái cây trên các cù lao, đi xem chợ nổi Cái Răng, nhà cổ ở Bình Thủy, nghe Đờn ca Tài tử trên sông...

Du khách chán ngán những “bản photocopy” của du lịch quốc doanh, du khách tìm đến những Khu Du lịch tư nhân. Những năm gần đây ở ĐBSCL tư nhân đầu tư mở vườn du lịch khá nhiều. Khách đến đây để cưỡi đà điểu và câu cá sấu tìm cảm giác mạnh rồi... nhậu là chính. Nếu khách muốn đi du lịch thì cũng sẵn sàng tổ chức cho du khách... đi xuồng vào thăm vườn ăn trái cây, tham quan làng nghề như mấy tour DLSN của Nhà nước. Thật ra các vườn du lịch tư nhân chủ yếu là kinh doanh ăn uống. Nói trắng ra, nó chẳng khác gì một... quán nhậu lên đời !


DU LỊCH ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG CẦN NHẠC TRƯỞNG! - 4

                                                                Ảnh: Cần Thơ

Nhưng có một thực tế, suốt thời gian dài, điệp khúc “lên xuồng, xuống ghe, vô vườn, nghe Đờn ca Tài tử” vẫn ngân dài trải khắp khu vực; loay hoay trong đơn điệu, trùng lắp, nhàm chán bởi “đi một nơi biết cả vùng”. Người ta chỉ tập trung khai thác những gì có sẵn từ thiên nhiên không đầu tư tạo những sản phẩm du lịch mới. Thậm chí có khi người ta lãng quên hay “xử lý” các giá trị văn hóa còn đơn giản, hành chánh; vô tình tự tước đoạt ưu thế cạnh tranh độc đáo của chính mình.

Du lịch bao giờ cũng là văn hóa và trao đổi văn hóa. Du lịch ĐBSCL cạnh tranh bằng gì nếu không khai thác văn hóa Việt, văn hóa bản địa một cách bài bản, tinh tế và chuyên nghiệp. Như Giáo sư Michael Porter - cha đẻ của chiến lược cạnh tranh thường nhấn mạnh: Không có thành công nhờ sự bắt chước.

 Đừng để mãi mãi chỉ là tiềm năng!

Vì sao DLSN ĐBSCL có bề dày phát triển hàng chục năm nhưng sản phẩm nghèo nàn, đơn điệu đến mức du khách nhàm chán, mà những người làm du lịch vẫn “bình chân như vại”? Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay lực lượng lao động trực tiếp trong Ngành Du lịch 13 tỉnh ĐBSCL có khoảng 15.000 người nhưng chưa đến 50% được đào tạo về nghiệp vụ du lịch nên thiếu chuyên nghiệp, thiếu sáng tạo để tìm kiếm những loại hình du lịch đủ sức giữ chân du khách.Đầu tư chưa tương xứng, tính đến nay toàn vùng mới chỉ có 4 địa phương An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Kiên Giang thu hút được các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực du lịch với 5 dự án và vốn đầu tư đăng ký là 21,88 triệu USD. Trong khi đó miền Bắc có 64 dự án với vốn đầu tư hơn 1,3 tỷ USD; miền Trung 56 dự án gần 628 triệu USD

Bên cạnh đó, thói quen “bóp cổ” thiên nhiên (sông nước, cù lao, vườn cây trái...) để kiếm tiền quá dễ khiến không ai muốn động não để tìm tòi, sáng tạo thêm sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn. Ngoài ra,những người làm DLSN ở các tỉnh không muốn đầu tư sáng tạo bởi chỉ cần đưa ra sản phẩm du lịch mới chưa đầy tuần lễ là các nơi đã sao chép nguyên xi. Có một dẫn chứng: cuối năm 2004 có một công ty đưa ra loại hình du lịch tát mương bắt cá nướng ăn tại chỗ được du khách nội địa và quốc tế hưởng ứng nhiệt liệt vì tính mới lạ, độc đáo, gần gũi thiên nhiên. Nhưng chưa đến một tuần lễ thì hầu như các tỉnh làm DLSN đều có tour tát mương bắt cá và đến nay thì vườn du lịch tư nhân cũng bê sản phẩm này vào trong tour của họ.

Tóm lại có một số nguyên nhân sau đây:

- Nhận thức xã hội về du lịch còn hạn chế; Chưa có điều tra, khảo sát và lập quy hoạch phát triển du lịch vùng ĐBSCL và từng tỉnh, thiếu thông tin về nhiều điểm đến du lịch ở ĐBSCL; Hiện nay dịch vụ du lịch các tỉnh đều mắc phải những hạn chế như nhau: năng lực tài chính yếu, nhân viên hạn chế chuyên môn, yếu ngoại ngữ, cơ sở hạ tầng kém, chất lượng dịch vụ không cao nhưng giá tour lại cao, sản phẩm du lịch nghèo nàn. Trong toàn vùng không có chuỗi du lịch liên hợp nghỉ dưỡng chất lượng cao, các khu giải trí cao cấp và các loại phương tiện hiện đại phục vụ du lịch như máy bay hạng nhẹ, tàu cao tốc, sân golf, resort... Chất lượng sản phẩm du lịch chưa cao, thiếu tính độc đáo, thường trùng lắp giữa các địa phương trong vùng, gây cảm giác nhàm chán từ du khách; Các Công ty Lữ hành ở khu vực ĐBSCL còn nhỏ về quy mô, yếu về nghiệp vụ, Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch vùng ĐBSCL chưa được chú trọng đúng mức, còn bị động;  Thiếu sự liên kết, hợp tác trong quản lý và hoạt động du lịch giữa các tỉnh, thành trong khu vực và cả vùng với các tỉnh, thành trong cả nước

Đánh giá đúng tiềm năng và phân tích rõ thực trạng, có thể nêu ra một số giải pháp phát triển du lịch ĐBSCL:

- Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phát triển du lịch ĐBSCL - vùng đất đang sở hữu những tiềm năng du lịch lớn và có tính đặc thù so với cả nước; Tổ chức triển khai điều tra, khảo sát, thống kê, đánh giá, phân tích, tổng hợp… tiềm năng du lịch của từng tỉnh, cả khu vực ĐBSCL về văn hóa, lịch sử, con người Tây Nam Bộ, lễ hội truyền thống, danh thắng, các điểm đến, tour, tuyến, sản phẩm du lịch đặc thù và nổi trội.v.v… Trên cơ sở đó, xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng ĐBSCL và từng tỉnh, thành phố trong một không gian thống nhất và đồng bộ để tạo được thế mạnh của vùng; Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho vùng ĐBSCL cả về cán bộ quản lý và lao động trực tiếp bằng nhiều hình thức, chương trình phù hợp, đáp ứng yêu cầu về các nghiệp vụ trong Ngành Du lịch, không ngừng nâng cao tay nghề và tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch; Xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, có sức thu hút cao, đa dạng, phong phú ở từng địa phương và liên kết cả vùng, không trùng lắp. Không ngừng nâng cao, cải tiến chất lượng sản phẩm du lịch; Nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch ở các điểm đến, tour, tuyến, cơ sở lưu trú, nhà hàng, nơi mua sắm... tạo ấn tượng tốt cho du khách;  Xây dựng các tour, tuyến du lịch hấp dẫn, khoa học trong từng địa phương và liên tỉnh vùng ĐBSCL với lộ trình hợp lý, hài hoà, hấp dẫn, chú trọng các tour, tuyến đi tham quan biển đảo; Đầu tư nâng cấp các cơ sở hạ tầng, cơ sở phục vụ du lịch, các khu du lịch miệt vườn, các đảo, làng nghề truyền thống... gắn liền với bản sắc văn hoá và thế mạnh của tưng tỉnh, đảm bảo chất lượng phục vụ tốt, môi trường du lịch an toàn, thân thiện và bền vững;  Xây dựng và phát triển các Công ty Du lịch ngang tầm với quy mô và tiềm năng du lịch vùng ĐBSCL, có thương hiệu mạnh và uy tín lớn, có mạng lưới phục vụ du lịch rộng khắp vùng và hiệu quả cao;  Chủ động và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch cho toàn vùng và từng địa phương bằng nhiều hình thức và phương tiện thông tin: TV, báo, đài, website, sách, tờ gấp, bản đồ, CD, Lễ hội, hội thảo, hội chợ, triễn lãm... cả trong nước và nước ngoài nhằm thu hút du khách;Tăng cường liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL, giữa các Công ty Du lịch, các Trung tâm Du lịch cả nước, các nước Đông Nam Á với  ĐBSCL nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh du lịch của vùng sông nước Cửu Long.                                              
Có ý kiến cho rằng, nếu Ngành Du lịch các tỉnh không liên kết lại để cùng tồn tại và phát triển thì e rằng trong chục năm tới bộ mặt du lịch của ĐBSCL cũng không khác gì hiện nay.

Tuy nhiên, có người lại bày tỏ thái độ hoài nghi. “Hiện nay Ngành Du lịch 13 tỉnh, thành ĐBSCL không ai hơn ai, thì ai sẽ là người đứng ra cầm cương điều hành con tàu Công ty Cổ phần Du lịch ĐBSCL? Hiệp hội Du lịch thì tốt nhưng liệu Hiệp hội Du lịch có giống như nhiều Hiệp hội đang tồn tại ở đồng bằng: tối ngày chỉ lo tiệc tùng, nhậu nhẹt và... thu hội phí của hội viên?” - một “sếp” du lịch ở ĐBSCL chua chát hỏi.

Có thể nói tư tưởng không hợp tác giữa những người làm du lịch ở ĐBSCL là có thật. Vì thế hơn lúc nào hết, du lịch ở ĐBSCL cần một nhạc trưởng thật sự. Vai trò này không ai khác là Cơ quan Quản lý Nhà nước về du lịch Việt Nam.

D.V.S

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT