Độc đáo Lễ hội Áp Hô Chiêng ở Lai Châu
Một cảnh tượng vô cùng ngoạn mục khi cả trăm cô gái Thái hất tung mái tóc lên cao, bung tỏa những dòng nước khắp không trung tại lễ hội gội đầu (hay còn được gọi là Lễ hội Áp Hô Chiêng), diễn ra ở bản Vàng Pheo, xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.
Lễ hội Áp Hô Chiêng xuất phát từ truyền thuyết Nàng Han xinh đẹp giả trai đi đánh giặc. Sau khi chiến thắng trở về, Nàng Han trút bỏ chiếc áo và bay về trời. Chiếc áo đó sau hóa thành dòng suối Nậm Lủm bên bờ Nậm Bó. Vì ngày Nàng Han về trời đúng ngày 30 Tết, người dân đã lập miếu thờ cúng Nàng Han vào dịp cuối năm.
Ngoài ra, truyền thuyết nói rằng nếu tắm gội ở suối Nậm Lủm sẽ trở nên xinh đẹp tuyệt trần, vậy nên nghi lễ gội đầu cũng được tổ chức. Có thể nhờ đó, người ta ca ngợi rằng con gái Mường So đẹp không đâu sánh bằng. Khi đến Lai Châu, nhà thơ Trần Mạnh Hảo từng thốt lên, “nơi hoa bản nở thành người con gái Thái”.
Cô gái xinh đẹp đúng với câu thơ “nơi hoa bản nở thành người con gái Thái”.
Theo bà Mai Thị Hồng Sim - Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ, Lễ hội Áp Hô Chiêng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần của bà con người Thái trắng, được phục dựng từ năm 2016 theo Nghị quyết 59 về bảo tồn bản sắc văn hóa của các dân tộc.
“Nhiều năm qua Lễ hội Áp Hô Chiêng luôn thu hút rất nhiều người dân, nhưng lần này đặc biệt hơn, bà con rất vui và phấn khởi bởi được đón các hoa hậu, người đẹp Việt Nam tới tham dự. Hôm nay không chỉ người dân Mường So mà cả những người thuộc xã, huyện khác cũng tới, tạo nên không khí vô cùng náo nhiệt”, bà Sim hào hứng nói.
Trong những người có mặt ở Mường So còn có nhiều du khách đến từ mọi miền Tổ quốc. Một du khách Hà Nội cho biết, ông tới Lai Châu và được quảng bá Áp Hô Chiêng, vì vậy đã có mặt ở đây để trải nghiệm lễ hội độc đáo này. Ông nói: “Tôi rất thích thú khi được sống trong không gian văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, được xem và trải nghiệm điệu múa xòe, trò chơi dân gian ném còn và nghi lễ gội đầu hết sức thú vị”.
Điệu múa xòe của người Thái và trò chơi dân gian ném còn trong Lễ hội Áp Hô Chiêng.
Nhưng Lai Châu nói chung và Phong Thổ nói riêng không chỉ có Áp Hô Chiêng. Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ, bà Mai Thị Hồng Sim chia sẻ: “Huyện Phong Thổ có tới 8 lễ hội đặc sắc, mang đậm văn hóa truyền thống của các đồng bào dân tộc anh em. Ngoài Áp Hô Chiêng còn có Lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông, từng thu hút hàng chục nghìn du khách khi được tổ chức hồi đầu năm. Lễ hội Đua thuyền Pa So đặc trưng cho truyền thống văn hóa cầu mùa, cầu mưa của người Thái; và sắp tới đây sẽ là lễ hội chỉ có ở Phong Thổ, thậm chí có thể nói là đặc biệt nhất vùng Tây Bắc, là Lễ hội Then Kin Pang vào ngày 10/3 âm lịch, với phần lễ và phần hội, bao gồm té nước cầu may”.
Với thành công ngoài mong đợi của Lễ hội Áp Hô Chiêng ngày 24/3, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ kỳ vọng sẽ có thêm nhiều du khách đến với Phong Thổ và Lai Châu hơn nữa trong tương lai. “Rất cảm ơn báo Tiền Phong khi đưa Tiền Phong Marathon tới Lai Châu và các hoa hậu, người đẹp đến với Mường So, góp phần quảng bá, phát triển du lịch, văn hóa địa phương”, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ Mai Thị Hồng Sim nói.
Các hoa hậu, người đẹp chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ huyện Phong Thổ và xã Mường So.
Các cô gái Thái và những ống tre đựng nước được lấy từ suối Nậm Lủm.
Cả trăm cô gái Thái đi xuống suối, chuẩn bị nghi lễ gội đầu.
Suối Nậm Lủm rộn vang tiếng cười trước khoảnh khắc tiếng chiêng vang lên.
Sau tiếng chiêng, các cô gái hất tung mái tóc ra phía sau.
Những vạt nước tung lên theo suối tóc đen.
Một khung cảnh hết sức ngoạn mục được tạo ra, kéo theo những tiếng reo hò vang dội dọc hai bên bờ suối.
Các hoa hậu, người đẹp cũng hòa mình vào lễ hội.
Các người đẹp khoe dáng với chiếc khăn Piêu đặc trưng của dân tộc Thái.
Dàn hoa hậu, người đẹp khoe sắc trên cầu Vàng Pheo bắc qua con suối Nậm Lủm.