Ngày 'quan trời' ban bố phước lành cho nhân gian ở Hội An

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tết Nguyên tiêu (tết Thượng nguyên) ở Hội An mang những giá trị văn hóa tiêu biểu và có những nét đặc trưng riêng so với nhiều nơi.

Ngày 'quan trời' ban bố phước lành cho nhân gian ở Hội An - 1

Tết Nguyên tiêu ở hội quán Phước Kiến. Ảnh:: HỒNG VIỆT

Theo quan niệm dân gian, tết Nguyên tiêu là ngày “Thiên quan tứ phước”, ngày các quan trời ban bố phước lành cho khắp cả nhân gian, vì vậy từ xa xưa, ngay sau ngày Khai hạ mồng 7 tháng Giêng, người Việt lại chuẩn bị tổ chức cúng tế cầu an, cầu may mắn, phước lành trong cả một năm, đồng thời mở hội vui chơi trước khi bước vào công việc của năm mới với ước vọng mọi việc hanh thông, như ý.

Ở Hội An, cứ sau ngày Khai hạ (mồng 7 tháng Giêng), người dân lại nô nức chuẩn bị Tết Nguyên tiêu. Lễ tết này ở Hội An mang những giá trị văn hóa tiêu biểu và có những nét đặc trưng riêng so với nhiều nơi ở Việt Nam và châu Á, do được hình thành trên cơ sở truyền thống văn hóa bản địa của Việt Nam và có sự giao lưu tiếp biến văn hóa với các Trung Hoa, Nhật Bản trong suốt thời kỳ hoàng kim của thương cảng quốc tế Hội An.

Tết Nguyên tiêu ở Hội An có nguồn gốc từ nhiều quan niệm khác nhau, ở mỗi cộng đồng địa phương có tục lệ cúng tế riêng nhưng có cùng một đặc điểm chung đó là nhân ngày rằm đầu tiên của một năm, người dân bày tỏ tấm lòng tôn kính đối với các chư vị Phật, các vị thần, tiền nhân... cầu mong cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đây vừa là dịp lễ hội, vừa là ngày cúng tế cầu an, tế tự, cầu tài xin lộc đầu năm ở nhiều di tích tín ngưỡng trên địa bàn thành phố và hội quán trong khu phố cổ Hội An.

Sinh hoạt tín ngưỡng chính là lễ cúng Nguyên Tiêu, giỗ Tiền hiền tại các hội quán, đình, miếu, gắn liền với một số tập tục như cầu phước, cầu tài lộc, công việc hanh thông phát triển…

Ở các chùa, ngoài việc cúng các chư vị Phật, còn cúng vong hồn vô chủ, các vị tinh tú để giải trừ các sao hạn nặng. Ngoài ra, còn có một số hoạt động phụ trợ như đêm phố cổ, đêm thơ Nguyên Tiêu, hô hát Bài chòi, trò chơi dân gian.., thu hút sự tham gia đông đảo của cộng đồng cư dân.

Ngày 'quan trời' ban bố phước lành cho nhân gian ở Hội An - 2

Nhân dân và du khách xếp hàng vào viếng hương, dâng lễ tại Chùa Ông. Ảnh: HỒNG VIỆT

Ở Hội An, hầu như gia đình nào cũng cúng vào dịp Tết Nguyên tiêu để thực nguyện những điều phước thiện, cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, an lành, may mắn đến với gia đình.

Khác với nhiều nơi, Tết Nguyên tiêu ở Hội An diễn ra trong một không gian rộng lớn bao gồm cả nội thị và các vùng nông thôn phụ cận. Đặc biệt, trong khu vực phố cổ, vào ngày 16 tháng Giêng, từ tờ mờ sáng, đường phố Hội An đã đông người hơn hẳn ngày thường. Đối với những người ở xa như Quảng Ngãi, Huế, Đà Nẵng, nhất là những người buôn bán đến Hội An từ đêm rằm Nguyên tiêu để đi dạo phố cổ và chuẩn bị cho buổi lễ cầu tài, xin lộc đầu năm vào sáng sớm ngày mai.

Đặc trưng lễ hội Nguyên Tiêu ở Hội An là những tập tục, nghi thức tín ngưỡng của cộng đồng trong việc cúng tế các vị Thần, Tiền hiền, các đối tượng được thờ tự tại di tích tín ngưỡng liên quan; cách bày trí, trang hoàng bàn thờ trong lễ tế, cờ hội, nhạc khí, lễ phục, ẩm thực…

Cùng với những nghi thức cúng tế truyền thống của từng địa phương, từng bang hội có sự khác nhau, ngoài ra có những tập tục đặc trưng như xô cộ, xin lộc, vay lộc làm ăn đầu năm, cầu may mắn, cầu tài lộc, dán giấy cầu an…

Ngoài những phần lễ tục, trong Tết Nguyên tiêu ở Hội An có đặc trưng về sự đa dạng các hình thức sinh hoạt văn hóa văn nghệ khác như diễn xướng múa Thiên cẩu, múa lân, hát, múa nhạc Trung Hoa, nghệ thuật sắp đặt - trang trí lồng đèn, thả hoa đăng, tống long chu… Đây là những tục lệ có từ lâu đời của cộng đồng cư dân Hội An trong lịch sử và được duy trì cho đến hiện nay.

Điều đặc sắc trong Tết Nguyên Tiêu ở Hội An là dịp này cộng đồng người Hoa phô diễn những món ăn mang đậm bản sắc văn hóa riêng có của từng bang. Phần hội trong Tết Nguyên tiêu có tính cộng đồng rộng lớn, gắn với các hoạt động du xuân đầu năm.

Nhằm tôn vinh những giá trị lễ hội Tết Nguyên tiêu ở Hội An, qua đó góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp, bản sắc văn hóa của dân tộc, ngày 2/2/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định ghi danh Tết Nguyên tiêu ở Hội An, Quảng Nam vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình lễ hội truyền thống và tập quán xã hội và tín ngưỡng.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Kỳ Phong

CLIP HOT

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc

Đường hoa Nguyễn Huệ gây ấn tượng mạnh ngay từ cổng chào với đôi linh vật rồng uốn lượn ngoạn mục. Với tên gọi “Lưỡng Long triều liên” (đôi rồng chầu sen), đại cảnh cổng mở gồm hai linh vật Rồng, mỗi linh vật có 5 đoạn thân rồng uốn lượn dọc hai bên đường hoa, với độ dài hơn 100 m và kích thước vòng đầu hơn 2 m.