Hương tràm bối rối theo về phố

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Chúng tôi tới rừng U Minh Hạ một sáng cuối tháng 5, nắng rực rỡ, phảng phất trong gió hương tràm dịu dàng, không gian xanh tươi, thoáng đãng.

"Ở đâu bằng xứ lung tràm

Chim kêu như hát bội, cá lội vàng tợ mắm nêm"

Câu ca dao xưa cũ cùng những huyền tích trăm năm về bác Ba Phi với những câu chuyện nửa hư nửa thực như "một hạt lúa, một nồi cơm", "cá leo ngọn cây đẻ trứng", "rắn hổ mây tát cá", "cọp xay lúa",… và cả ảnh hưởng từ những trang viết "Đất rừng phương Nam" của nhà văn Đoàn Giỏi, hay phim truyền hình "Đất phương Nam" đã đưa chúng tôi bước vào một chuyến du khảo như xuyên không đầy thú vị trong rừng tràm U Minh Hạ.

Nằm về phía Tây của tỉnh Cà Mau, cách TP. Cà Mau khoảng 25km, U Minh Hạ với diện tích 8.527,8ha được thành lập vào ngày 20/1/2006, thuộc địa giới hành chính 4 xã của 2 huyện Trần Văn Thời và U Minh. U Minh Hạ được đánh giá là quần thể thực vật rừng lá cứng, có 176 loài, trong đó loài tràm (Melaleuca cajuputii) thuộc họ sim (Myrtaceae) là loại cây đặc trưng nhất, chiếm đa số nên gọi là "rừng tràm" cũng vì lẽ đó.

Hương tràm bối rối theo về phố - 1

Vẻ đẹp xanh mát của rừng tràm U Minh Hạ.

Tràm là loài cây tiêu biểu của châu thổ sông Cửu Long, hình thành trong điều kiện ngập nước, úng phèn, phát triển trên đất than bùn, có sức sống mãnh liệt giống như một thứ “phên giậu” thiên nhiên trời cho để giữ đất, mở đất, cùng các cây mắm, sú, vẹt, đước ở nơi vùng đất tận cùng nước Việt. Ngày 26/5/2009, vườn quốc gia U Minh Hạ được UNESCO công nhận là một trong 3 vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau.

Rừng U Minh Hạ được xem như "hòn ngọc xanh" của đất mũi Cà Mau, với 250 loài thực vật, 182 loài chim, 20 loài bò sát và lưỡng thê, 40 loài thú và nhiều loài côn trùng khác, 60 loài cá nước ngọt và cá nước lợ trú ngụ, trong đó có nhiều loài được ghi vào sách đỏ của tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế IUCN. Cũng nghe nói, rừng "đất lành", nhiều loài thú hoang dã quý hiếm đã tụ về như chồn đèn, chồn cáo cộc, rắn hổ đất, kỳ đà, cá sấu,… Đáng chú ý nhất là heo rừng, loài động vật quý hiếm nhưng đã bị "mất tích" hàng chục năm qua.

Không thể đi hết rừng tràm U Minh Hạ trong cái hoang vu mênh mông và quá nhiều bí ẩn mà thời lượng chỉ có 12 giờ đồng hồ, chúng tôi đã chọn một khu sinh thái khoảng 27ha, nằm trong khu lõi của rừng U Minh Hạ (thuộc kênh T27, ấp 16, xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) làm điểm khám phá vài thú vị miệt rừng tràm nơi miền đất tận cùng đất nước.

Dân gian có câu “Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh” để miêu tả cảnh rừng thiêng nước độc của chốn U Minh. Nhưng khi chúng tôi đến trong một sáng cuối tháng 5, nơi này nắng vàng rực rỡ, phảng phất trong gió hương tràm dịu dàng, không gian thoáng đãng. Đảo mắt ngó xuống dòng nước thấy ánh lên màu vàng của sắc phèn đặc trưng và màu nắng, hòa cùng sắc xanh của những dề cóc kèn, ô rô, lục bình sát mép nước. Phía trên cao, những hàng tràm vươn mình tỏa bóng bình yên. Một khung cảnh đầy chất thơ và có chút mê hoặc bởi những ẩn giấu hút mắt nơi cuối tầm nhìn dòng nước ngoằn ngoèo, xa tít tắp trong khu rừng tràm.

Hương tràm bối rối theo về phố - 2

Thiên nhiên trong lành của rừng tràm U Minh Hạ.

Chúng tôi ngồi lên một chiếc ghe tam bản nhưng chạy bằng máy cô-le, bắt đầu hành trình len lỏi xuyên dọc con kênh, thả mắt lướt qua những khu rừng tràm đã mấy trăm năm tuổi đời, toát lên vẻ trầm u bí ẩn. Cây thẳng tắp, lá xanh ngắt, phóng khoáng buông hương thơm mát xuống dòng kênh, chạm ánh nhìn vào những khu vườn cam, quýt, mít, bưởi, chuối, dừa… đang ngọt trái vào mùa.

Thi thoảng bắt gặp vài bụi lau sậy gió đưa liêu xiêu điểm xuyết mấy vạt hoa mua tím như những nét chấm phá vui mắt, rồi các đám mua lông, mật cật gai, bòng bong, bí bái, năn, dây choại, dớn,… Thấp thoáng trong đó là vài loài chim nước kỳ lạ như trích cồ, trích ré, le le, cúm núm, vịt trời, diệc, điên điển, giang sen…

Cảm giác đầy thích thú khi ghe chạy dưới một cái vó bắt cá, ngước lên nhìn bầu trời xanh qua mắt lưới, chen vài tán lá dừa, chiếc hình chụp lại nhìn như một bức tranh lạ lẫm. Chưa hết, dọc hai bờ kênh, còn thấy có khá nhiều những kiểu bắt tôm, cua, cá dân gian như đặt lọp, xây nò, thả lừ, mò trìa, thả chà đăng cá,… Lâu lâu lại thấy có vài người đi câu cắm, câu giăng, câu thả, câu thượt, câu nhấp, câu rê,… Một chút xíu thôi mà đã thấy nhiều hình ảnh tưởng chừng chỉ còn trong sách hay truyện cổ tích với những người thành phố như chúng tôi.

Xong một cuộc dạo chơi vòng vòng bằng ghe máy, chúng tôi lên bờ, để khám phá những hoang sơ rừng tràm, để chạm tay vào thân cây, để hít căng lồng ngực hương tràm, để lắng nghe dàn hòa tấu của các loài chim rừng. Và khi leo lên chinh phục Vọng Lâm Đài cao 14m, phóng tầm mắt bốn hướng liền thấy miên man sắc xanh của rừng tràm, và xa hơn chút là những vườn rau quả thấp thoáng trong từng cánh vạc, cánh cò chao liệng.

Xuyên rừng tràm là một chiếc cầu gỗ dài tưởng chừng như bất tận dành cho những đôi chân không biết mỏi đang tận hưởng cái thú thong dong. Thi thoảng, hãy bước chậm lại vài nhịp để cảm nhận nét tĩnh lặng của rừng cây. Giữa không gian thâm u, đôi lúc lại rộn ràng tiếng chim hót trên cành cao hay tiếng người lao xao ngang qua, khiến cho khu rừng trở nên ấm áp, thân thiện.

Hương tràm bối rối theo về phố - 3

Chiếc cầu gỗ dài tưởng chừng "bất tận" đưa du khách khám phá xuyên rừng tràm U Minh Hạ.

Sau mấy tiếng đồng hồ khám phá rừng tràm, từ dưới nước lên đến bờ khô, không gì tuyệt vời hơn là có một bữa ăn đậm đặc hương vị rừng tràm U Minh Hạ chờ được thưởng thức. Khai vị với món ong non tẩm bột chiên giòn béo ngậy, cùng vài hớp rượu mật ong tràm tinh khiết là lấy lại sức ngay lập tức. Nghe đâu còn có món đặc sản gỏi ong non, nhưng có lẽ nên để dành cho lần hẹn tới…

Ong là đặc sản của U Minh. Được biết, nghề gác kèo ong của người dân rừng U Minh Hạ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào đầu năm 2020. Có dịp theo chân những người thợ gác kèo vào rừng U Minh Hạ lấy mật, bạn mới thấm thía cái thú vui được thưởng thức món ong non chấm mật vàng óng dẻo quánh, ngọt thanh thao đến khó mà quên.

Tiếp theo là tổng hòa các món ăn đậm vị sông nước miền Tây Nam bộ từ thời khẩn hoang, như lươn um lá nhàu; cá trê chiên chấm nước mắm gừng; canh chua cá rô nấu trái giác, bông súng đồng; mắm kho chấm với đọt choại; rắn bông súng nướng mọi chấm muối hột đâm với ớt hiểm xanh; cá lóc nướng trui,…

Đặc biệt là lẩu mắm U Minh Hạ, tất cả các nguyên liệu làm lên nồi lẩu đều được lấy từ rừng U Minh rộng lớn. Mắm để làm lẩu phải là mắm cá sặc, đánh bắt từ các con sông, từ các khu rừng ngập mặn quanh rừng U Minh mới chuẩn vị.

Sau cùng là bánh trái tráng miệng, lạ vị nhất là bánh rau lá mơ chấm nước cốt dừa, và vị chua ngọt thanh nhẹ của trái dâu vàng Cái Tàu - Cà Mau.

Hương tràm bối rối theo về phố - 4

Hào hứng thưởng thức những quả dâu vàng thơm ngon của rừng U Minh Hạ.

Bữa ăn gây thương nhớ đến bâng khuâng, man mác diệu vợi khó mà quên khi nhà chủ tặng khách vài khúc nhạc tài tử vọng cổ, âm điệu da diết như để tỏ tấm chân tình hiếu khách mộc mạc, giản dị và chất phác.

Đó là cái kết viên mãn cho 12 giờ thong dong ở U Minh Hạ của chúng tôi. Có một sự quyến luyến mơ hồ làm cho bước chân tạm biệt như chậm lại, dùng dằng chưa muốn rời xa. Mùi hương tràm nhẹ nhàng theo gió càng làm lời chia tay thêm bịn rịn.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hoài Hương

CLIP HOT

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc

Đường hoa Nguyễn Huệ gây ấn tượng mạnh ngay từ cổng chào với đôi linh vật rồng uốn lượn ngoạn mục. Với tên gọi “Lưỡng Long triều liên” (đôi rồng chầu sen), đại cảnh cổng mở gồm hai linh vật Rồng, mỗi linh vật có 5 đoạn thân rồng uốn lượn dọc hai bên đường hoa, với độ dài hơn 100 m và kích thước vòng đầu hơn 2 m.