Từ gian bếp 'không tro bụi, ám khói' của mẹ, tôi lớn lên

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nhà ở phố nên gian bếp của mẹ tôi không lửa củi bập bùng rực đỏ như tôi vẫn thấy trên ti vi. Nhưng mỗi khi Tết đến thì gian bếp ấy cũng rộn ràng đủ những thanh âm, hương vị của Tết Việt truyền thống.

 Gian bếp nhỏ tôi gắn bó từ thuở lọt lòng là những hình ảnh quen thuộc của bếp gas, bếp từ và chiếc lò vi sóng. Mỗi khi Tết đến thì gian bếp ấy cũng rộn ràng đủ những thanh âm, hương vị.

Nhớ ngày chưa xa nhà đi học, cứ đến đầu tháng Chạp là mẹ tôi đã mua mấy cân hành củ về và bắt tôi xuống bếp ngồi bóc sạch vỏ cho mẹ muối dưa. Thế nên dẫu bếp không củi khiến khói tỏa làm mắt cay xè, nhưng nước mắt tôi lúc đó vẫn cứ ròng rã chảy. Dù tôi đã đeo kính đi mưa to bản của bố, kèm thêm chậu nước mẹ bưng để bên cạnh, thì mắt tôi vẫn nhắm tịt không thể mở lên được.

Từ gian bếp 'không tro bụi, ám khói' của mẹ, tôi lớn lên - 1

Có bánh chưng thêm chút hành muối, thịt kho, cành đào rồi cây quất, đích thị là Tết đã về. Ảnh internet

Nhiều lần tôi phản đối, bảo mẹ sao cứ phải muối dưa hành dịp Tết làm gì cho cực. Làm thì lâu mà ăn thì chả đáng mấy, cần thiết thì chạy ù ra chợ mua một hũ là xong. Mẹ cười hiền, bảo: “Cái gì cũng chạy đi mua thì Tết ngắn quá. Phải tự tay mình làm thì Tết mới thấy ý nghĩa”.

Xong mẹ ân cần giảng giải: “Tết là tổng hòa của nhiều loại thực phẩm với đủ thứ gia vị chua, cay, mặn, ngọt. Cũng như bánh chưng, đâu phải chỉ Tết mới có, ngày thường cũng đầy hàng quán họ bán, muốn ăn là chỉ cần một cú “phôn” là xong. Nhưng nếu bánh chưng mà có thêm chút hành muối, thêm bát kho đông, giò thủ, cành đào rồi cây quất trang điểm thì đích thị là Tết đã về.

Gom góp mỗi thứ một chút, Tết mới đủ đầy. Cũng như vậy, mỗi người làm một việc để chuẩn bị cho Tết thì mới thấy Tết có giá trị con ạ”.

Tôi vâng dạ nghe mẹ giảng giải, nhưng thực lòng lúc đó tôi vẫn ấm ức lắm. Tôi chỉ mong món hành muối của mẹ năm nào cũng bị ủng, ai cũng chê chẳng ai thèm ăn, để năm sau mẹ không bắt tôi phải ngồi ê lưng, chảy cả nước mắt, nước mũi mà lột từng lớp vỏ. Ấy thế mà chả hiểu mẹ tôi muối kiểu gì mà năm nào món đó trên mâm cũng hết nhẵn, khách đến ăn cứ khen nấy khen để. Mà lạ cái là chả thấy ai khen người bóc hành khéo gì cả. Rõ thật chán.

Từ gian bếp 'không tro bụi, ám khói' của mẹ, tôi lớn lên - 2

Ảnh: HNM

Ấm ức với mẹ vụ bóc hành, luôn ủng hộ quan điểm “mua ngoài hàng cho tiện”, nhưng tôi lại rất thích thú khi được ngồi gói bánh chưng cùng bố. Thậm chí tôi còn có phần tiếc nuối vì năm nào bố cũng chỉ gói có 8 chiếc, khiến tôi chưa kịp gói xong một chiếc để trổ tài sang chiếc thứ hai thì bố tôi đã gói xong cả 7 chiếc còn lại rồi.

Nhớ khi cả nhà vào việc gói bánh chưng, trong gian bếp nhỏ mẹ sẽ trải tấm chiếu. Tôi ngồi đầu chiếu bên này, nhìn theo tay bố và tỉ mẩn nhặt những chiếc lá to, lành, đẹp để cắt- xếp vào khuôn. Từng bước từng bước tôi làm y chang như bố, nhưng chẳng hiểu sao chiếc bánh của tôi khi gói xong thì nó lại méo xẹo, vuông không ra vuông mà tròn cùng chẳng ra tròn.

Giơ tấm bánh lên nhìn, ai cũng phải cười như “lên dây cót”. Mọi người còn cười hơn nữa khi bánh chín cắt ra, gạo với nhân bánh thành mớ hổ lốn, không theo một lớp lang, thứ tự nào. Bố tôi lại tặc lưỡi, thở dài: “Bánh này mà hồi xưa mang đi thi kén rể thì chắc vua Hùng phải mang con gái giấu kín”.

Ngoài hứng thú với việc gói bánh cùng bố trong gian bếp phía sau nhà, thì tôi còn rất vui khi bếp sẽ được “đẻ” thêm một gian phụ ở phía trước. Đó là khi bố kê chiếc kiềng ba chân ra sân trước cửa nhà, đặt nồi bánh lên rồi chụm củi và hì hụi châm lửa đốt. Nhìn ngọn lửa bập bùng trong ánh mắt, tôi háo hức đợi chờ nghe được tiếng lục ục của nước sôi. Thực ra cái chính là tôi mong chiếc bánh tôi gói nó nhanh chín, để bố vớt ra cho ăn trước.

Để không làm tôi sốt ruột, bố mẹ lại “lót dạ” cho tôi bằng những câu chuyện đón Tết thuở xưa của hai người.

Bố thì kể vì nhà nghèo nên tận chiều ba mươi, bà chạy chợ xong mới mua được vài cân gạo nếp để gói bánh. Có khi tận giao thừa mà bánh vẫn chưa chín để mang lên thắp hương.

Mẹ thì bảo nhà ông bà ngoại cũng chẳng khá hơn, Tết mẹ không mong có bánh chưng, chỉ ước được bà may cho tấm áo mới để khoe với mấy đứa bạn trong xóm. Thế nhưng vì là "út ít" trong nhà nên chẳng bao giờ có áo mới, phải mặc lại quần áo của anh chị để lại.

Gần như Tết năm nào, ngồi trông nồi bánh cũng được bố mẹ tôi “ôn nghèo kể khổ” như thế, nhưng tôi lại rất thích thú nghe. Nhấm nháp củ ngoai nướng thơm phức trên tay, tôi còn gợi ý để bố mẹ kể tiếp cho tôi nghe. Ký ức tuổi thơ của bố mẹ tôi, và của cả tôi, luôn là một miền lấp lánh kỳ diệu. Và trong những xúc cảm và hương vị thơm nồng của Tết khi ấy, tôi đã luôn mong ngày nào cũng là Tết với mọi người - dù, thề là tôi vẫn ấm ức bị mẹ ngồi lột vỏ hành cả buổi.

Những thanh âm- sắc màu và mùi vị của Tết trong gian bếp “không tro bụi- ám khói” của mẹ đã cùng tôi lớn lên, theo tôi đến với thành phố lớn hơn trong những ngày trọ học. Kể cả khi đã lấy vợ, có mái ấm gia đình riêng và có cả một gian bếp riêng cho mình, thì bếp Tết vẫn luôn đong đầy những mật ngọt.

Từ gian bếp của mẹ, tôi đã biết kiên nhẫn hơn cho Tết của mình bằng việc tự muối hành từ đầu tháng Chạp mà không kêu ca. Bởi tôi hiểu hơn câu mẹ nói thuở nào: Gom góp mỗi thứ một chút, Tết mới đủ đầy.

Tôi cũng đã chăm chút hơn cho thời khắc giao thừa bằng tấm bánh chưng, gói “vuông thành, sắc cạnh”, lớp nào ra lớp đấy như tấm bánh của bố. Tôi đã biết Tết là sự tiếp nối, truyền trao thế hệ, người sau phải chịu khó học hỏi, gìn giữ, không thể đại khái cho qua thì Tết mới vẹn trọn ý nghĩa.

Thế nên dù bếp ở đâu, thời kỳ nào thì cũng phải lửa đỏ bập bùng, mỗi người luôn biết nâng niu và chăm chút, khơi ngọn lửa cho gian bếp nhỏ thì Tết mới luôn ấm áp, đoàn viên.

Từ gian bếp 'không tro bụi, ám khói' của mẹ, tôi lớn lên - 3

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Phạm Vũ Luân

CLIP HOT