Ở Sài Gòn có kiểu người rất lạ, 'răng mà dễ thương rứa!'

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Dù có xa quê cách mấy nhưng chính chất giọng “răng mà dễ thương rứa hĩ!” của người xứ Quảng, được giữ gìn qua nhiều thế hệ, đã mang đến hình ảnh một miền Trung thật thân quen ngay trong lòng Sài Gòn.

Sài Gòn không chỉ mang đậm nét truyền thống mà còn cởi mở tiếp nhận vô vàn cái hay, nét đẹp đến từ muôn nơi. Chính điều đó đã khiến cho mảnh đất này lúc nào cũng tràn đầy sức sống, thể hiện trong từng khía cạnh đời sống đô thị.

Với sự mở lòng ấy, thành phố dang rộng vòng tay chào đón người dân từ tứ phương đổ về, làm lay động trái tim họ bằng lối cư xử nồng hậu, ấm áp. Dù cho là dân Nam, Trung hay Bắc, từ thượng ngàn đến miền xuôi, bạn đều có thể bắt gặp và dễ dàng kết giao ngay tại Sài Gòn.

Ở Sài Gòn có kiểu người rất lạ, 'răng mà dễ thương rứa!' - 1

Sài Gòn luôn mở rộng vòng tay chào đón dân nhập cư. Ảnh: Shutterstock

Như cư dân của bao vùng miền khác, suốt hàng trăm năm qua, người Quảng ở Sài Gòn cũng ít nhiều để lại dấu ấn riêng thông qua ngôn ngữ, cử chỉ, lối sống… góp phần tạo nên nét đặc trưng của thành phố năng động này.

Tự bao giờ người Quảng đến Sài Gòn?

Xét về khía cạnh lịch sử, trong giai đoạn khai hoang mở cõi phương Nam, người dân xứ Quảng đã có mặt ở Sài Gòn từ khi Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đặt ra sở lỵ huyện Tân Bình vào năm 1698. Việc này được ghi lại trong quyển địa chí “Gia Định thành thông chí” của sử gia nổi tiếng Trịnh Hoài Đức (1765 – 1825).

Đến thập niên 1960, huyện Duy Xuyên và thị xã Điện Bàn của tỉnh Quảng Nam thường xuyên bị chiến tranh và thiên tai tàn phá. Vì vậy, nhiều người dân nơi đây buộc phải rời xa quê hương, tìm đường vào Sài Gòn để lánh nạn. Không chỉ mang theo người và của, họ còn gói gọn trong hành trang của mình những giá trị văn hóa, ẩm thực và cả những gì tinh túy nhất của nghề dệt vải “cha truyền con nối”.

Từ đó, tại Sài Gòn xuất hiện nhiều khu vực tập trung đông người Quảng sinh sống, điển hình nhất là khu vực Bảy Hiền (Quận Tân Bình) nổi tiếng với nghề dệt, là nơi cung cấp vải vóc chính cho thành phố. Dần dà, nhiều gia đình xứ Quảng từ Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Ngãi… cũng đổ về đây lập nghiệp, phân bổ sinh sống tại các khu dân cư trên khắp các quận huyện trong thành phố.

Ở Sài Gòn có kiểu người rất lạ, 'răng mà dễ thương rứa!' - 2

Giữa dòng người tấp nập tại Sài Gòn, không khó để bạn nhận ra những người con xứ Quảng nhờ vào chất giọng đặc trưng. Ảnh: Shutterstock

Nhiều thế hệ của những người con xứ Quảng được sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, trở thành 'Saigonese' chính hiệu. Thế nhưng, ở họ vẫn lưu giữ bản sắc văn hóa của người Quảng và những đặc trưng trong tính cách con người xứ sở.

Thẳng thắn, bộc trực và sống tiết kiệm

Mặc dù không dành nhiều thời gian lưu lại trên chính quê hương “chôn nhau cắt rốn”, song vốn sống và cách ứng xử đậm nét xứ Quảng dường như đã ăn sâu vào tâm thức của họ, những người Quảng đang sinh sống tại Sài Gòn.

Ở Sài Gòn có kiểu người rất lạ, 'răng mà dễ thương rứa!' - 3

Tuy xa quê nhưng trong họ vẫn giữ gìn những giá trị sống đặc trưng của xứ Quảng. Ảnh: Shutterstock

Vốn xuất thân từ vùng đất chịu nhiều thiên họa đã giúp cho vốn sống của người Quảng càng thêm phong phú. Những đức tính quý báu của người Việt Nam bao đời nay có thể dễ dàng tìm thấy ở họ, đó là tính cần cù, chăm chỉ, thẳng thắn, bộc trực, có chí tiến thủ, ham học hỏi và rất biết tiết kiệm.

Tuy nhiên, cũng vì quá thẳng thắn, bộc trực nên đôi khi, bạn có thể thấy rằng người Quảng khá là… nóng nảy. Họ là những con người đầy lòng tự trọng, luôn tự hào về gia đình, dòng tộc và xem trọng học thức. Gặp chuyện bất bình, họ thường có khuynh hướng thể hiện chính kiến nhưng không tùy tiện, không cãi bừa.

Bão lũ miền Trung dạy cho họ cách chắt chiu, tiết kiệm từng đồng tiền do sức lao động làm ra. Và cũng vì vậy mà đôi khi, họ bị cho là khá… ‘kĩ tính’ trong chuyện tiền nong.

Ở Sài Gòn có kiểu người rất lạ, 'răng mà dễ thương rứa!' - 4

Những cụ bà người Quảng mưu sinh tại Sài Gòn. Ảnh: Shutterstock

Luôn gắn chặt với cội nguồn

Nét văn hóa dòng tộc luôn được người Quảng ở Sài Gòn phát huy mạnh mẽ. Họ trọng tình nghĩa, sống đạo lý, có trước có sau, có tôn ti trật tự. Trong dòng họ, họ quý trọng và rất mực tôn thờ ông bà tổ tiên. Nếu cả dòng họ định cư xa quê hương, các cụ già trong nhà sẽ khuyến khích con cháu ủng hộ tiền của mua đất xây nhà thờ để mai sau có nơi thờ phụng ông bà vào những dịp chạp mã, cúng kỵ.

Cứ mỗi độ Tết đến, nhiều người con xứ Quảng tại Sài Gòn lập nghiệp đều mong muốn trở về quê thăm viếng họ hàng, gửi tiền cho cha mẹ, cải tạo mồ mả tổ tiên để tỏ lòng thành kính, hiếu hỉ.

Ở Sài Gòn có kiểu người rất lạ, 'răng mà dễ thương rứa!' - 5

Cội nguồn tổ tông luôn được người Quảng thành kính trân trọng. Ảnh: Shutterstock

Vào Sài Gòn đã lâu nhưng người Quảng vẫn giữ những tập tục, tín ngưỡng của mình. Vào tháng Giêng, từ mùng 10 đến 20 âm lịch, những buổi chiều tối ở dọc các con hẻm trong khu Bảy Hiền hay ở những khu dân cư có đông người Quảng sinh sống, lễ cúng xóm thường được tổ chức long trọng, với mong ước phong điều, vũ thuận, xóm giềng đoàn kết, bình an, làm ăn phát đạt.

Nói chuyện khó hiểu, nhưng hiểu rồi lại thấy… dễ thương

Người xứ Quảng đôi khi mặc cảm với giọng nói của mình vì hay bị người dân xứ khác nhạo lại, hoặc cũng có khi họ gặp khó khăn trong giao tiếp, trò chuyện thường ngày. Nào mấy ai ở Sài Gòn hiểu được “mô”, “tê”, “răng”, “rứa” là gì! Nhưng với người Quảng, chất giọng mộc mạc pha thêm vài phương ngữ khó hiểu ấy là của ông bà, cha mẹ, là những bài hát ru đã theo họ từ thuở còn nằm nôi cho đến lúc tha hương lập nghiệp.

Ở Sài Gòn có kiểu người rất lạ, 'răng mà dễ thương rứa!' - 6

Phương ngữ xứ Quảng tuy khó hiểu, nhưng hiểu rồi lại thấy dễ thương. Ảnh: Shutterstock

Đôi lúc, bạn sẽ thấy người Quảng sẵn lòng dùng giọng Nam bộ lơ lớ để nói chuyện với người Sài Gòn nhưng khi giao tiếp với người đồng hương, họ lại nhanh chóng quay về với giọng cha sinh mẹ đẻ, vì theo họ, đấy cũng là một thứ “đặc sản” phải giữ gìn.

Nhìn chung, người Quảng ở Sài Gòn vẫn lưu giữ trọn vẹn những đặc trưng trong tính cách nhưng có thể thấy họ cởi mở, dễ thích nghi và sống thoáng hơn nhờ điều kiện làm ăn thuận lợi và được tiếp xúc với nhiều tầng lớp xã hội, nhiều vùng miền trong cả nước.

Cũng như Sài Gòn, giờ đây là quê hương thứ hai của họ, họ sẵn sàng mở lòng để hòa nhập vào cộng đồng đa tộc người, đa bản sắc sống tại thành phố và cùng tạo nên một Sài Gòn thật khác lạ nhưng cũng không của riêng ai.

Kể chuyện phố khuya
Kể chuyện phố khuya

“Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ”, nếu ai đó ở Nam bộ ít nhiều cũng đã đôi lần nghe qua câu nói này.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Thu Vân

CLIP HOT