TP.HCM ưu tiên phát triển công nghiệp văn hóa bằng chính sách mới

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

TP.HCM không ngừng hoàn thiện cơ chế, chính sách, đầu tư vào cơ sở vật chất hiện đại, hướng tới xây dựng một ngành công nghiệp văn hóa năng động, sáng tạo và mang lại lợi nhuận cao.

UBND TP.HCM vừa công bố Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP.HCM đến năm 2030” cho các năm 2024 và 2025, với mục tiêu xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa trở thành động lực kinh tế chủ chốt của thành phố.

TP.HCM ưu tiên phát triển công nghiệp văn hóa bằng chính sách mới - 1

Theo kế hoạch, TP.HCM sẽ tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp văn hóa, bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng và công nghệ sản xuất hiện đại. Những nỗ lực này nhằm tạo ra các sản phẩm văn hóa có giá trị kinh tế, đồng thời đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch là xây dựng các kế hoạch chuyên ngành cho các lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp văn hóa, bao gồm: Điện ảnh, Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Triển lãm, Quảng cáo (trên các phương tiện truyền thông và quảng cáo ngoài trời), Thời trang và Du lịch văn hóa. Đồng thời, thành phố sẽ thiết lập cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành liên quan và các địa phương nhằm đảm bảo sự thống nhất, tránh chồng chéo trong quá trình thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản phẩm và dịch vụ văn hóa, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh.

Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng đang nghiên cứu việc thành lập Trung tâm Phát triển Công nghiệp Văn hóa với nhiệm vụ kết nối, tổ chức và triển khai các đề án, dự án và chương trình liên quan đến phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Trung tâm này sẽ tập trung vào chiến lược phát triển toàn diện 8 lĩnh vực ưu tiên: Điện ảnh, Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Triển lãm, Quảng cáo, Thời trang và Du lịch văn hóa.

Cũng trong kế hoạch này, việc thành lập Quỹ khởi nghiệp và phát triển công nghiệp văn hóa đang được nghiên cứu, nhằm tạo điều kiện ươm tạo và thúc đẩy các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực này. Nhà nước sẽ hỗ trợ bằng đất đai, hạ tầng, thuế và các dịch vụ cơ bản, trong khi các doanh nghiệp sẽ đối ứng bằng tài chính và phối hợp vận hành.

Đáng chú ý, thành phố sẽ đầu tư cải tạo, sửa chữa và xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho 8 lĩnh vực công nghiệp văn hóa trọng điểm. Trong đó, sẽ nghiên cứu và bổ sung vào quy hoạch các quỹ đất lớn để xây dựng các khu liên hợp văn hóa, thể thao và khu công nghiệp văn hóa, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố. Đặc biệt, các công trình văn hóa, thể thao quy mô lớn sẽ được đầu tư xây dựng nhằm nâng tầm vị thế của TP.HCM. Việc nâng cấp hệ thống các trường văn hóa - nghệ thuật cũng được xem là một nhiệm vụ ưu tiên.

Song song đó, TP.HCM sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để phổ biến rộng rãi các di sản văn hóa và thông tin lịch sử của thành phố đến công chúng. Đồng thời, thành phố cũng sẽ đề xuất các cơ chế khuyến khích đầu tư tổ chức thực hiện các dự án văn hóa nghệ thuật trọng điểm, với nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và xã hội hóa. Các chính sách nhằm động viên sáng tạo sản phẩm công nghiệp văn hóa, khuyến khích hợp tác quốc tế và hỗ trợ xuất khẩu cũng sẽ được đẩy mạnh nhằm phát triển ngành công nghiệp văn hóa toàn diện và hiệu quả.

Kế hoạch này đánh dấu bước đi quan trọng của TP.HCM trong việc biến ngành công nghiệp văn hóa trở thành một động lực kinh tế quan trọng, góp phần vào sự phát triển bền vững và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hoàng Anh

CLIP HOT