Sắc màu tình nghĩa TP.HCM ngày giãn cách qua tranh họa sĩ Lê Sa Long
Những bức tranh về phong cảnh, sinh hoạt đời thường của người dân thời Covid, dù có khó khăn nhưng vẫn nhân ái, nghĩa tình, khiến người xem phải rưng rưng.
Bộ sưu tập tranh về TP.HCM trong những ngày giãn cách xã hội của Lê Sa Long có gần 60 bức được vẽ bằng chất liệu Arcylic- pastel và màu nước. Anh bắt đầu vẽ từ giữa tháng 5 khi hướng dẫn sinh viên mỹ thuật ký hoạ thực tế đời sống sinh hoạt của TP.HCM.
“Tôi gọi những bức tranh này như cuốn “sổ ghi chép” sự kiện về dịch Covid-19 khó quên trong cuộc đời mình”, họa sĩ Lê Sa Long chia sẻ.
Họa sĩ Lê Sa Long
Nhìn hình tranh của họa sĩ Lê Sa Long, người xem bỗng trào lên những xúc cảm khó gọi thành tên. Dịch bệnh đã làm thay đổi, làm đảo lộn mọi thứ nhưng có thứ vẫn luôn hiện hữu trong mỗi người dân TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung đó là tình người, tình yêu thương, chở che nhau những lúc khó khăn, hoạn nạn. Mỗi bức tranh là một câu chuyện xúc động, thấm đẫm tình người.
Chia sẻ về bức tranh “Dòng sữa ngọt ngào”, họa sĩ Lê Sa Long cho biết, qua báo chí, anh biết chuyện bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy hàng ngày vắt sữa nuôi bé gái 7 tháng tuổi đang điều trị Covid-19 tại Bệnh viên Trưng Vương.
Bé cùng bố và anh trai 25 tháng tuổi - cùng mắc Covid-19 - đang được chữa bệnh tại đây, còn mẹ suy hô hấp nặng, điều trị ở bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Cứ sau ca trực, bác sĩ Thuý lại vắt sẵn sữa của mình cho vào tủ lạnh, rồi mỗi ngày đến bệnh viện gửi tặng riêng cho bệnh nhi Covid-19.
“Sau 18 năm nữa, bé gái lớn lên trở thành thiếu nữ, khi kể về trận đại dịch lịch sử này, hẳn cô sẽ không bao giờ quên thời gian mình được nuôi dưỡng bằng dòng sữa ngọt ngào của người mẹ - bác sĩ Thanh Thúy! Riêng tôi, khi vẽ mặt và chân tay của bé, thấy rõ là cô bé hiếu động, nhìn thấy cưng gì đâu!”, anh chia sẻ.
Hay bức tranh về thiên thần nhỏ mới 5 tuổi một mình lên xe y tế đến Bệnh viện Trưng Vương điều trị Covid-19. “Nhìn hình dáng nhỏ bé trong trang phục phòng hộ cá nhân rộng thùng thình, một mình xa gia đình, leo lên chiếc xe cấp cứu, thương vô cùng”, họa sĩ bày tỏ.
Ngoài vẽ về cảnh sinh hoạt của người dân, anh còn khắc họa những con đường, địa điểm vốn từng rất phồn hoa đô hội nay trở nên vắng vẻ như: đường Ngô Đức Kế (Q.1), đường Vũ Huy Tân (Q.Bình Thạnh), kênh Nhiêu Lộc (Q. Phú Nhuận), Hồ Con Rùa, cầu Bình Lợi…
“Hồ Con Rùa - nơi gần 30 năm trước, khi từ tỉnh lẻ chân ướt chân ráo vào Sài Gòn hoa lệ học, tôi được cô bạn xinh xinh rủ ra ngồi ăn bò bía. Đó là lần đầu tiên tôi nếm món ngon độc đáo học trò "Sì Gòn". Giờ em đã đi rất xa. Nhưng mỗi lần ngang qua, tôi vẫn tưởng như em còn ngồi đâu đó nghiêng nghiêng mái tóc dài. Sáng 20/6, thấy khu vực bị giăng dây, cô quạnh, thật buồn! Tưởng chừng như trái tim mình cũng đang hắt hiu...”, họa sĩ cho hay.
Sinh ra ở Sa Đéc - Đồng Tháp, lớn lên ở Quy Nhơn - Bình Định, Lê Sa Long vào TP.HCM và gắn bó đến nay được khoảng 30 năm. Anh đau lòng khi chứng kiến thành phố thân thương bệnh nặng, nhưng trong nỗi khó khăn vẫn có tình người hiện hữu. "Tôi tin rằng khi mọi người đồng lòng, thành phố sẽ sớm khỏe", họa sĩ Lê Sa Long chia sẻ.
Với Lê Sa Long, TP.HCM là vùng đất của những người bộc trực, hào sảng, những thùng trà đá miễn phí, thùng bánh mì “ai cần cứ lấy”, những hiệp sĩ bắt cướp, quán cơm 2.000 đồng, chuyến xe nhân ái, những giao dịch “đưa nhiêu đưa”, ATM gạo...
Sau khi đăng tải bộ tranh về TP.HCM ngày giãn cách trên trang cá nhân, họa sĩ Lê Sa Long nhận được nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng mạng. Nhiều người hỏi mua các tác phẩm dù chưa nhìn thấy tận mắt.
"Dự kiến, sau khi dịch Covid-19 tại TP.HCM được kiểm soát, tôi sẽ tổ chức triển lãm tranh và ra mắt bộ sách ảnh đánh dấu kỷ niệm Sài Gòn vượt qua đại dịch. Tôi cũng sẽ trích tiền bán tranh để đóng góp quỹ giúp người khó khăn", anh nói.
Đúng 20 năm trước, mùa hè năm 2001, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đi vào giấc ngủ thiên thu tại Sài Gòn, trong vòng tay của hàng...