Khám phá bí ẩn về Geisha, người lưu giữ ca vũ ở "xứ hoa anh đào"
Nhắc đến Geisha Nhật Bản, trong mắt người đời nghĩ ngay đến những cô gái "buôn hương bán phấn". Ngày nay, thế giới geisha bí ẩn dần hé mở, công chúng quốc tế có cái nhìn chuẩn xác hơn về Geisha - những nghệ nhân thực thụ.
Năm 1997, tiểu thuyết Geisha - tác phẩm đầu tay của nhà văn Arthur Golden được xuất bản, kể về cuộc đời của một Geisha nổi tiếng ở Nhật Bản và nhanh chóng trở thành hiện tượng trên thế giới.
Năm 2005, tiểu thuyết Geisha được đạo diễn Rob Marshall chuyển thể thành phim điện ảnh với tên gọi Memoirs of a Geisha (Hồi ức của một Geisha). Xuyên suốt bộ phim là câu chuyện về một cô gái Nhật Bản, hoàn cảnh đẩy đưa và cuối cùng trở thành một geisha chuyên nghiệp.
Vậy, geisha thực sự là ai? Điều gì khiến họ trở nên đặc biệt trong văn hóa Nhật Bản? Nhiệm vụ của họ là gì và họ hoạt động như thế nào trong xã hội ngày nay?
Geisha là một hình ảnh mang tính biểu tượng văn hoá, lịch sử nghệ thuật của Nhật Bản.
Đã từng có nhiều người lầm tưởng geisha là kỹ nữ bán thân, kỳ thực không phải vậy. Trong tiếng Nhật, "gei" là nghệ thuật, geisha có nghĩa "nghệ giả" tức là người làm nghệ thuật. Để trở thành một geisha, các cô gái phải trải qua một quá trình huấn luyện khắt khe, thành thạo các bộ môn nhạc cụ, múa đẹp, đàn hay, trà đạo...
Geisha là một hình ảnh mang tính biểu tượng văn hoá, lịch sử nghệ thuật của Nhật Bản. Một số bật mí thú vị dưới đây giúp bạn hiểu chuẩn xác hơn về geisha đời thực, nghề nghiệp có lịch sử lâu đời ở xứ sở hoa anh đào.
Geisha ban đầu là nam giới
Thời phong kiến vào khoảng thế kỷ thứ 13, người Nhật rất chuộng loại hình nghệ thuật như viết thư pháp, thơ, ca múa, kể chuyện cười. Giới quý tộc thường thuê các đoàn nghệ nhân đến biểu diễn mua vui ở các bữa tiệc rượu.
Geisha là một trong các nghệ nhân ở Nhật. Họ được biết đến là người có tài ăn nói, thành thạo cầm, kỳ, thi, hoạ. Và một điều đặc biệt, các geisha ban đầu đều là nam giới. Lúc bấy giờ, người ta không gọi những người đàn ông làm nghề này là geisha. Đến năm 1600, những người đàn ông này mới đặt tên cho công việc của mình là geisha.
Geisha đầu tiên là nam giới. Ảnh: Marc De Clercq
Năm 1751, ở Nhật Bản mới xuất hiện geisha là nữ giới. Đây cũng là lý do vì sao ngày nay vẫn có người gọi geisha nữ là geiko, bởi lẽ geisha thực chất là tên gọi dành cho những người đàn ông làm nghề này.
Theo sử sách Nhật Bản, geisha nữ đầu tiên là Kikuya, sống ở Fukagawa. Xuất thân là kỹ nữ nhưng Kikuya lại có tài múa hát và chơi đàn shamisen (một loại đàn truyền thống của Nhật Bản) rất điêu luyện. Tài năng xuất chúng dần nổi tiếng khắp vùng, Kikuya tự coi mình là geisha.
Mỗi geisha nữ là một nghệ nhân đàn shamisen điêu luyện. Ảnh: Wikimedia Commons
Ngưỡng mộ tài năng của Kikuya, nhiều cô gái muốn học hỏi, từ đó chính thức mở ra thời đại geisha nữ. Điều này cũng tạo ra một điểm khác biệt với geisha nam, geisha nữ nhất định phải chơi thuần thục đàn shamisen.
Nhờ vậy, mỗi geisha nữ là một nghệ nhân đàn shamisen điêu luyện, họ ngày càng trở nên duyên dáng, khéo léo và dần soán ngôi geisha nam.
Vì sao Geisha nữ bị coi là kỹ nữ?
Vào thời phong kiến, các kỹ nữ trong kỹ viện cũng được học ca múa, đàn hát thông thạo như các geisha. Điểm khác biệt lớn nhất giữa geisha và kỹ nữ, đó là geisha không bán thân, đó cũng chính là quy định và pháp lệnh trong thế giới geisha.
Công việc của geisha là múa hát, chơi đàn phục vụ nhu cầu giải trí của giới thượng lưu. Tuy nhiên, không thể phủ nhận có geisha lén lút phá quy định, hành nghề bán dâm. Nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ, những geisha chân chính vẫn nỗ lực tập luyện, trở thành nghệ sĩ đa tài, thành thạo các loại hình nghệ thuật cổ truyền góp phần gìn giữ và lưu truyền ca vũ Nhật Bản.
Vào thế kỷ 19, phương châm của các geisha là: "bán nghệ thuật, chứ không bán thân". Điều này cũng ngầm ám chỉ sự phân định rõ 2 ngành nghề geisha và kỹ nữ. Một geisha đã nói: “Chúng tôi không bao giờ bán thân xác của mình vì tiền. Đó không phải là mục đích của một geisha mà đó là những gì người phụ nữ khác đã làm".
Ảnh: Flickr
Một Geisha chân chính chưa bao giờ xem nhẹ công việc của mình. Họ làm việc cực kỳ chăm chỉ bằng chính tài năng nghệ thuật của mình. Geisha dành nhiều năm để đào tạo, rèn luyện về các loại hình nghệ thuật truyền thống, giải trí và việc học hỏi chưa bao giờ bị ngưng trệ. Bất kể một geisha bao nhiêu tuổi, họ vẫn kiên trì tập luyện mỗi ngày.
Nhiều geisha chơi đàn shamisen điêu luyện, còn viết nhạc của riêng mình với những lời bài hát "sầu muộn" và sáng tạo ra những điệu múa chậm rãi, duyên dáng, mang tính biểu tượng trong văn hoá Nhật Bản.
"Thế giới geisha rất thần bí, nó khiến cho những người ngoại đạo không dễ gì hiểu được. Điều mà chúng tôi đã làm được là đưa mọi người bước vào thế giới geisha. Hiện nay, hiểu lầm lớn nhất đối với geisha là rất nhiều người cho rằng geisha là kỹ nữ. Thực ra thì không phải vậy, đào tạo geisha nghiêm ngặt hơn nhiều so với Học viện múa balê New York", Rob Marshall - đạo diễn phim “Hồi ức một Geisha” từng chia sẻ độc quyền với Tom O’neil người chủ trì trang web Giải thưởng điện ảnh Mỹ.
Từ maiko thành geisha
Để trở thành một geisha, các cô gái Nhật Bản phải trải qua quá trình đào tạo từ nhỏ tại các trung tâm, họ là những geisha tập sự, hay còn gọi là Maiko. Luật pháp Nhật Bản quy định, 15 tuổi một cô gái có thể làm maiko và để "tốt nghiệp" trở thành một geisha phải vào độ tuổi 21.
Để phân biệt maiko và geisha, du khách có thể nhìn vào trang phục của họ. Maiko có bộ quần áo kimono rực rỡ, tóc búi cao cầu kỳ và cổ áo có viền đỏ.
Ảnh: Sergii Rudiuk/Shutterstock.com
Ngoài ra, nếu bắt gặp một cô gái với lớp phấn trang điểm dày đậm, trắng bạch thì chưa hẳn đó là một geisha thực thụ, mà có thể là maiko. Geisha chỉ trang điểm khuôn mặt trắng như vậy vào một số dịp đặc biệt, hoặc bắt gặp bên ngoài geisha có để mặt trắng cũng trông dễ chịu hơn nhiều, chứ không phải là lớp phấn dày cộm.
Khi geisha càng nhiều kinh nghiệm thì quy định về ăn mặc, trang điểm cũng đơn giản hơn. Thời kỳ đỉnh cao của một geisha là khi họ được gỡ bỏ lớp phấn trang điểm. Geisha càng được tôn trọng khi càng lớn tuổi và thời kỳ hoàng kim của geisha phổ biến nhất ở độ tuổi 50 - 60.
Geisha thì không được kết hôn. Tuy nhiên, nếu sau khi bỏ nghề geisha, họ vẫn có cuộc sống bình thường như bao phụ nữ khác, lập gia đình và sinh con.
Khi geisha càng nhiều kinh nghiệm thì quy định về ăn mặc, trang điểm cũng đơn giản hơn. Ảnh: Nils R. Barth
Geisha thời hiện đại
Ngày xưa, các bé gái thường bắt đầu tập luyện làm geisha từ khi 6 tuổi với rất nhiều quy tắc khắt khe. Ngày nay, một cô gái muốn làm geisha có thể bắt đầu tham gia các lớp đào tạo từ năm 15 tuổi.
Từ lúc bắt đầu cho đến năm 20 tuổi, các maiko sẽ được học trà đạo, cắm hoa, múa truyền thống như nagauta, tokiwazu, kiyomoto..., chơi đàn samisen và các nghi thức đi, đứng, ngồi... để chuẩn bị trở thành geisha.
Mời geisha đến buổi tiệc
Theo Nippon, nếu bạn có ý định mời một geisha đến bữa tiệc thì phải lên kế hoạch trước về địa điểm, nhà hàng hay quán trà.
Sau đó, bạn cần phải thông báo với Ryotei (nhà hàng Nhật Bản cao cấp, có các phòng riêng lớn) về địa điểm tổ chức buổi tiệc. Ryotei sẽ sắp xếp số lượng geisha theo mong muốn của khách.
Một bữa tiệc với geisha được gọi là ozashiki và thường kéo dài trong khoảng hai giờ. Du khách vừa thưởng thức nghệ thuật biểu diễn truyền thống vừa ăn uống, sau đó tham gia các trò chơi giải trí có đệm nhạc.
Chi phí cho mỗi geisha vào khoảng 20.000 - 40.000 yên, chưa bao gồm giá đồ ăn và thức uống, khiến nó trở thành một hình thức giải trí đắt đỏ. Nhiều khách du lịch không có điều kiện trải nghiệm loại hình nghệ thuật này, thường có những lựa chọn ít tốn kém hơn là tự mình hóa trang thành geisha và chụp ảnh lưu niệm tại studio hoặc bắt gặp một geisha trên đường phố.
Geisha bên ngoài nhà hát Kabukiza ở Tokyo. Ảnh: © Jiji/Nippon
Theo Listverse, số liệu thống kê vào năm 2018, ở Nhật Bản có khoảng 250 geiko và maiko làm việc ở Kyoto. Ngày nay, các geisha hoạt động phần lớn trong các ngành khách sạn và du lịch, nhà hàng sầm uất ở Kyoto, Tokyo, hay Niigata, Akita.
Bento không đơn thuần chỉ là bữa cơm mang đi tiện lợi người Nhật Bản mà theo thời gian hộp cơm này đã được nâng tầm...