Nam Định quyết tâm gìn giữ các loại hình múa rối truyền thống

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Là vùng đất giàu trầm tích văn hóa, lịch sử, tỉnh Nam Định còn lưu giữ được nhiều nghệ thuật diễn xướng dân gian truyền thống, trong đó có các loại hình múa rối nước, rối đầu gỗ. Những năm qua, nhiều nghệ nhân đã cất công sưu tầm tích cổ, truyền dạy lối diễn, cách tạo hình con rối cho thế hệ trẻ tỉnh.

Những địa phương mang nghệ thuật rối nước độc đáo ra thế giới

Thôn Bàn Thạch (còn gọi là làng Rạch), xã Hồng Quang (Nam Trực) từ lâu đã “nức tiếng” với nghệ thuật múa rối nước. Theo các tài liệu lịch sử còn lưu giữ, Bàn Thạch là một trong 3 làng múa rối nước ra đời sớm nhất miền Bắc vào năm Cảnh Hưng thứ 16 (1755). Hiện nay, thôn còn giữ “thủy đình” cổ là sân khấu diễn xướng múa rối nước. 

Nam Định quyết tâm gìn giữ các loại hình múa rối truyền thống - 1

Múa rối nước truyền thống. Ảnh: SHT

Bàn Thạch cũng là phường rối có nhiều tích trò, với hơn 40 trò cổ. Các tích trò của phường rối nước Bàn Thạch phản ánh sinh động cuộc sống, có nội dung sâu sắc, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống “tương thân, tương ái”, mang ý nghĩa nhân văn. Địa phương cũng là nơi có công giới thiệu nghệ thuật rối nước độc đáo của dân tộc ra thế giới. Năm 1984, cùng với các nghệ sĩ chuyên nghiệp của Nhà hát múa rối Trung ương, các nghệ nhân thôn Bàn Thạch được mời sang Pháp biểu diễn. 

Tiếp nối truyền thống thế hệ đi trước, hiện nay ở thôn Bàn Thạch, nhiều nghệ nhân đã tìm hướng đi phát triển loại hình múa rối nước truyền thống. Nghệ nhân Phan Văn Mạnh là một trong số ít những người trong thôn vừa biểu diễn múa rối, vừa trực tiếp chế tác các con rối. Bộ sưu tập con rối của nghệ nhân Phan Văn Mạnh đến nay có gần 1.000 sản phẩm với chủ đề đa dạng như: đời sống nông thôn, các trò dân ca, dân vũ, con vật trong tứ linh, các nhân vật trong truyện cổ tích...

Nam Định quyết tâm gìn giữ các loại hình múa rối truyền thống - 2

Hình ảnh quân rối chủ đề dân vũ. Ảnh: SHT

Cùng với nghệ nhân Phan Văn Mạnh, những người anh, người em trong gia đình ông đều là những nghệ nhân chế tạo con rối tài hoa như: Phan Văn Mẽ, Phan Thanh Liêm và Phan Văn Dũng. Mỗi người một hướng đi, một đoàn múa rối riêng nhưng họ đều tâm huyết với nghề truyền thống mà ông cha để lại.

Tất cả nghệ nhân múa rối nước ở thôn Bàn Thạch đều ý thức quảng bá giá trị văn hóa của loại hình nghệ thuật múa rối nước truyền thống cho du khách. Tại đây, trước mỗi lần xem đoàn múa rối biểu diễn, khán giả được các nghệ nhân kể về lịch sử hình thành nghệ thuật múa rối nước Bàn Thạch, quá trình chế tác con rối và tham gia trải nghiệm biểu diễn theo hướng dẫn. 

Nghệ thuật múa rối nước ở xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng) xuất hiện từ những năm 1950. Năm 2004, được sự quan tâm của Đảng ủy, UBND xã, phường rối nước Nghĩa Trung được thành lập với hơn 20 thành viên. Các nghệ nhân phường rối nước Nghĩa Trung đều xuất thân là nông dân và được các thế hệ đi trước truyền dạy. 

Nam Định quyết tâm gìn giữ các loại hình múa rối truyền thống - 3

Một buổi tập của các nghệ nhân phường múa rối nước xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng). Ảnh: Viết Dư

Tuy trình độ biểu diễn không điêu luyện bằng các nghệ sĩ chuyên nghiệp nhưng các trò diễn của phường lại có sức hấp dẫn riêng. Đó chính là sự mộc mạc, hồn nhiên, là cách diễn chân chất mang hơi thở đồng ruộng, được du khách, nhất là khách nước ngoài trân trọng. 

Hiện nay, phường rối nước Nghĩa Trung có hơn 20 tích trò cổ, tiêu biểu như: “Thạch Sanh đánh trăn tinh”, “Câu ếch”, “Chọi trâu” “Lê Lợi hoàn gươm”, “Múa tứ linh”… Ngoài ra, các nghệ nhân của phường còn sáng tạo các tích trò mới như: “Múa hát văn”, “Hoa bướm”, “Lời ru của mẹ”... Với những tích trò đặc sắc và sự tài hoa của các nghệ sĩ, phường rối nước Nghĩa Trung luôn có suất diễn ở hầu khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Không để rối đầu gỗ Chầu Thánh mai một

Bên cạnh nghệ thuật múa rối nước, tỉnh ta còn có múa rối đầu gỗ Chầu Thánh (còn có tên gọi là múa rối cạn Ổi lỗi). Đây là loại hình nghệ thuật độc đáo gắn liền với lễ hội Chùa Đại Bi có lịch sử trên 900 năm, đến nay vẫn được các thế hệ nghệ nhân ở thị trấn Nam Giang (Nam Trực) dày công lưu giữ.

Nam Định quyết tâm gìn giữ các loại hình múa rối truyền thống - 4

Biểu diễn rối đầu gỗ Chầu Thánh. Ảnh: Internet

Nghệ nhân Nguyễn Tiến Dũng (67 tuổi), là một trong số ít người còn nắm giữ các kỹ năng ca - vũ - nhạc của loại hình nghệ thuật đặc sắc này. Với tâm nguyện tiếp nối truyền thống gia đình, năm 1982 ông chính thức làm lễ Thánh xin gia nhập hội rối Chùa Đại Bi. Ông Dũng cho biết: “Hát rối có tên cổ “Ổi lỗi” không đơn thuần chỉ là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian để giải trí mà mang đậm chất lễ nghi, thờ cúng. Những lời hát trong rối Chầu Thánh ca ngợi triều đại thanh bình, thịnh trị, ca ngợi đời sống ấm no, tình yêu lao động. Không dừng lại ở đó, dân gian còn đưa vào hát rối những điển tích cổ, các giáo điều để thông qua nghi lễ thờ cúng răn dạy con người sống hiếu nghĩa, thủy chung, chăm lo học hành, yêu lao động. Do gắn với nghi lễ thờ cúng nên hát rối có sự trang nghiêm, tạo hiệu quả giáo dục cao trong phần nội dung răn dạy. Nghệ thuật hát rối đầu gỗ giúp cho lễ hội Chùa Đại Bi thêm phong phú, đặc sắc”.

Để gìn giữ nghệ thuật múa rối đầu gỗ, ông Dũng thường xuyên gặp gỡ các hội viên cao niên trong hội để tiếp tục học hỏi, ghi chép, sưu tầm các tài liệu về múa rối Chầu Thánh. Để chuẩn hóa lời ca theo văn tự cổ và tạo điều kiện thuận lợi giúp các hội viên mới dễ tiếp cận lời ca, ông nhờ người dịch lại các chữ Hán - Nôm trong cuốn sách “Kinh thánh hát rối Chùa Đại Bi”. 

Các con rối của các kiểu rối cạn khác thì gọi là “quân rối” hay “con trò”, riêng quân rối Ổi lỗi được gọi là “Thánh tượng”. Mỗi khi lấy tượng ra biểu diễn, các cụ trong hội rối diện phục trang áo the khăn xếp, thắp hương cúng lễ cẩn thận. Vậy nên, để tạo điều kiện cho các hội viên mới trong hội luyện tập thường xuyên, nghệ nhân Nguyễn Tiến Dũng đã nghiên cứu chế tạo đầu rối có trọng lượng tương đương với đầu rối được thờ ở Chùa Đại Bi. 

Nam Định quyết tâm gìn giữ các loại hình múa rối truyền thống - 5

Những "Thánh tượng" rối đầu gỗ. Ảnh: Internet

Là người nắm vững về nghệ thuật múa rối đầu gỗ Chầu Thánh, ông đã trực tiếp truyền dạy kỹ năng biểu diễn cho gần 20 hội viên. Nhờ làm tốt công tác bồi dưỡng cho lớp trẻ kế cận nên nghệ thuật múa rối đầu gỗ Chầu Thánh Chùa Đại Bi vẫn bảo lưu được 26 bài, 32 làn điệu. 

Bảo tồn và phát huy nghệ thuật rối cạn và rối nước

Thời gian qua, để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật rối cạn và rối nước, thông qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Quỹ Ford đã tài trợ kinh phí, phương tiện máy móc, ánh sáng, âm thanh và xây dựng thủy đình cho phường múa rối thôn Nhất (thị trấn Nam Giang). Đồng thời, mở lớp đào tạo 60 diễn viên trẻ kế cận cho 2 phường rối làng Rạch và thôn Nhất; các nghệ nhân hội rối Chùa Đại Bi phối hợp với các khoa chuyên môn (Học viện Âm nhạc quốc gia) tổ chức đào tạo 35 diễn viên và nhạc công trẻ để bổ sung cho lớp nghệ nhân rối cạn Chùa Đại Bi đã cao tuổi.

Nam Định quyết tâm gìn giữ các loại hình múa rối truyền thống - 6

Diễn viên rối nước biểu diễn bên trong thủy đình. Ảnh: SHT

Bên cạnh đó, các đoàn rối nước trong tỉnh đã đầu tư công sức, tiền của cải tiến sân khấu thủy đình lưu động, bổ sung tích trò mới, viết lời thoại, chọn âm nhạc, có nội dung phù hợp hướng tới phục vụ đối tượng khán giả ở lứa tuổi học đường. Đặc biệt, các đoàn đều chú trọng đào tạo, bồi dưỡng thành viên trẻ để duy trì hoạt động ổn định. Với chất lượng cao về nội dung và nghệ thuật, các đoàn múa rối nước trong tỉnh thường xuyên được Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh mời biểu diễn phục vụ du khách và được một số trường học trong tỉnh đưa vào chương trình ngoại khóa để học sinh trải nghiệm nghệ thuật múa rối nước.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Viết Dư (Báo Nam Định)

CLIP HOT