Khán giả miền Nam xúc động xem vở diễn sân khấu “Nợ nước non”
Tuần cuối tháng Bảy vừa qua, các sân khấu lớn của các tỉnh/thành phố phía Nam đã công diễn vở kịch hát “Nợ nước non”.
“Nợ nước non” là một trong ba phần của bộ sử thi nghệ thuật "Nước non vạn dặm", được ra mắt công chúng nhân kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2022) và 111 năm ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2022).
Sau 2 đêm diễn (25, 26/7) ra mắt khán giả yêu thích loại hình nghệ thuật sân khấu ở TP.HCM, vở kịch hát "Nợ nước non" tiếp tục lưu diễn tại Bình Phước (ngày 27/7), Long An (ngày 29/7), Đồng Nai (ngày 30/7). Tiếp theo vào tháng Tám, vở diễn sẽ đến với khán giả hâm mộ tại Bình Thuận (ngày 1/8) và nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước.
Tác phẩm "Nước non vạn dặm" gồm 3 phần - 3 tập, do nhà văn, PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương thủ bút và chuyển thể sang kịch bản sân khấu cải lương. Đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên và ê kíp nghệ thuật dàn dựng biểu diễn trên các sân khấu của cả nước.
Yếu tố đương đại được thể hiện mạnh mẽ trong lối trang trí sân khấu hiện đại
Vở sân khấu “Nợ nước non” khắc hoạ giai đoạn đầu cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, giúp công chúng có cái nhìn đầy đủ và rõ nét hơn về thời niên thiếu cùng những bước ngoặt tác động mạnh đến tư tưởng của Người.
Bằng thủ pháp kể chuyện xen kẻ giữa hiện thực và quá khứ qua hồi tưởng của nhân vật, các nghệ sĩ của Nhà hát Cải lương Việt Nam đã phối hợp trình diễn cùng Đoàn nghệ thuật UNESCO Di sản dân ca xứ Nghệ và các nghệ sỹ múa TP.HCM đưa khán giả đi qua nhiều cung bậc cảm xúc.
Mở màn đêm diễn là hình ảnh con thuyền đưa chàng trai Nguyễn Tất Thành (do viễn viên Minh Hải thủ vai) vào Sài Gòn
Dàn dựng sân khấu kết hợp âm thanh ánh sáng hấp dẫn, lôi cuốn khán giả ngay từ phân cảnh đầu tiên
Ở mỗi phân đoạn, ê kíp dàn dựng đã kết hợp khéo léo, hài hòa giữa nghệ thuật cải lương, kịch nói với hát ru, dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh, ca Huế, Bài chòi và cả dân ca Nam Bộ, đồng thời kết hợp nghệ thuật dàn dựng sân khấu đẹp mắt; vở diễn đã khắc họa sâu sắc hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh từ thuở ấu thời đến lúc Người lên tàu đi tìm đường cứu nước.
Bên cạnh đó, ê kíp thực hiện còn sử dụng kỹ thuật hiện đại, kết hợp âm thanh ánh sáng, màn hình LED… tạo không gian sống động, ấn tượng người xem khi khái quát lại toàn bộ bối cảnh, đời sống cùng cực của người dân dưới ách áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến…
Đêm trăng bên dòng sông Lam của chàng trai Nguyễn Sinh Sắc với cô gái Hoàng Thị Loan, kể về mối lương duyên song thân phụ mẫu của Bác
Một sáng ngày hè trong xanh, giữa mùa sen nở hoa, thơm ngào ngạt như đánh dấu sự ra đời của một tâm hồn lớn, một khí phách lớn, một ý chí lớn, một nhân cách lớn
Xuyên suốt vở diễn là các sự kiện từ khi lọt lòng, đến lúc trưởng thành theo mạch hồi tưởng của Nguyễn Tất Thành. Từ mối lương duyên giữa bà Hoàng Thị Loan và ông Nguyễn Sinh Sắc, đến khi cậu bé Nguyễn Sinh Cung cất tiếng khóc chào đời giữa mùa sen tháng 5 thơm ngát.
Cha con Nguyễn Sinh Sắc, Nguyễn Tất Thành đàm đạo thế sự và chia tay ở Bình Định
Bước ngoặt tác động mạnh đến tư tưởng của Nguyễn Tất Thành khi cha bị triệu hồi về Huế chịu án phạt vì bênh vực dân nghèo. Khi cha và anh trai về Huế, Nguyễn Tất Thành được bạn cũ của cha giới thiệu đến dạy học ở Trường Dục Thanh (tỉnh Bình Thuận).
Tại Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành có cuộc nói chuyện xúc động và nhiều ý nghĩa với ông Nguyễn Quý Anh người có tấm lòng nghĩa hiệp và yêu nước sâu sắc; ông cũng là Chủ của Liên Thành Thương Quán và là Giám hiệu trường Dục Thanh
Vở diễn tập trung khắc họa sự chuyển biến về nhận thức, tình cảm, tư tưởng của Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành trước những biến động thuở thiếu thời, trước những vấn đề chính trị xã hội của đất nước, thế giới gắn với các quá trình vận động lịch sử, các phong trào yêu nước...
Qua đó giúp người xem hiểu rõ hơn quyết định ra đi tìm đường cứu nước ngày 5/6/1911 của Người, đáp ứng đòi hỏi của lịch sử, của vận mệnh dân tộc, là chuyến đi tự giác, có chủ đích và mang tính cách mạng.
Vở diễn cũng khắc họa hình ảnh cậu bé Nguyễn Sinh Cung thuở bé, vừa chăm mẹ ốm vừa chăm em nhỏ
Cảnh gia đình sống ở Huế, bà Hoàng Thị Loan – mẹ Bác tần tảo sớm hôm, rồi do đau ốm mà qua đời
Thùy Quyên, sinh viên năm cuối Cao đẳng Phát thanh Truyền hình tấm tắc, vở diễn dàn dựng công phu, gần 3 tiếng biểu diễn đã truyền tải cả một giai đoạn về cuộc đời Bác; qua đó giúp cho giới trẻ hiểu rõ hơn về lịch sử đất nước, về Bác Hồ kính yêu.
Hơn nữa, các diễn viên hóa thân vào nhân vật, diễn xuất thật xuất sắc, làm không chỉ riêng em mà các bạn và cô chú xung quanh đều rưng rưng nước mắt. Nhất là đoạn Mẹ Hoàng Thị Loan bạo bệnh qua đời, bọn em lặng người cảm xúc vô bờ, Thùy Quyên chia sẻ.
Khắc họa hình ảnh đối nghịch giữa sự xa hoa của Sài Gòn hoa lệ với lầm than cơ cực của người cùng khổ
Đan xen giữa các phân đoạn là cảnh trí vui nhộn, pha diễn hài hước
Yếu tố đương đại được thể hiện mạnh mẽ trong sự phá cách của trang trí sân khấu kết hợp các hình ảnh được thay đổi linh hoạt trên màn hình lớn không chỉ tạo bối cảnh vừa sinh động, vừa hiện đại cho vở diễn mà còn góp phần đẩy mạch diễn lên cao, làm sâu sắc hơn những ý tưởng nghệ thuật cần chuyển tải.
Bày tỏ sự khâm phục dành cho nhà biên kịch và đội ngũ dàn dựng, NSƯT Lê Thiện khen ngợi: “Đạo diễn rất tài tình, nhất là với thể loại này mà đưa nghệ thuật cải lương vào thể hiện được, rồi còn lồng ghép với rất nhiều thể loại dân ca của các vùng miền.
“Tôi cho đây là một vở rất thành công và chia sẻ ngay với bạn ngồi bên cạnh rằng: nếu cho học sinh học sử như thế này thì rất mau thuộc, thật sự rất hay”, NSƯT Lê Thiện tâm đắc.
Bối cảnh phố xá và bến cảng Sài Gòn với công cuộc khai thác thuộc địa, bóc lột của Thực dân Pháp, cảnh sống cơ cực của người dân
Chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đứng lên chống lại áp bức, dẫn dắt mọi người đấu tranh
Đứng trước những áp bức bóc lột, bất công, Người quyết ra đi tìm đường cứu nước
Người xuống tàu gặp viên thuyền trưởng Lui E-du-a Mai-sen xin việc làm
Trưa ngày 2/6/1911, con tàu Amiral Latouche Tréville (tàu Đô đốc Latútsơ Tơrêvin) từ Hải Phòng cập cảng Sài Gòn. Người thanh niên Nguyễn Tất Thành xuống tàu và gặp viên thuyền trưởng Lui E-du-a Mai-sen xin việc làm.
Ngày 3/6/1911, anh chính thức xuống tàu, bắt đầu làm phụ bếp, nhận thẻ nhân viên của tàu với tên mới Văn Ba cùng mức lương 45 Franc Pháp/tháng.
Câu chuyện bên bến cảng Sài Gòn cùng cô Lê Thị Huệ, người bạn khi còn ở Huế trước chuyến đi xa
Trong tâm trạng lắng đọng đầy cảm xúc, bà Trần Thị Minh Tâm, ngụ tại Q.Tân Bình mộc mạc nói: "Là người con miền Nam chưa một lần được gặp Bác, nay được coi vở diễn đầy sâu lắng về Người, tôi thật sự xúc động, tưởng chừng như được gặp Bác hiện ra chân thực giữa đời thường ngày nay vậy".
Vở diễn khắc họa hình tượng Bác, giúp khán thính giả chúng tôi hiểu hơn về Người, ý chí và tinh thần của chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành khi chứng kiến nỗi lầm than cơ cực của người dân để rồi quyết chí ra đi tìm đường cứu nước. Đêm diễn thật sự quá hay và sâu sắc, bà Minh Tâm chia sẻ thêm.
Cuộc hội ngộ rồi chia tay nghẹn ngào của Nguyễn Tất Thành - Văn Ba cùng người thân yêu trước chuyến đi xa vạn dặm
Vở sân khấu “Nợ nước non” khép lại phần 1 trong bối cảnh chàng trai Nguyễn Tất Thành lên tàu Amiral Latouche Tréville bắt đầu hành trình bôn ba tìm đường cứu nước
Ngày 5/6/1911 Nguyễn Tất Thành - Văn Ba lên chuyến tàu Amiral Latouche Tréville thực hiện hành trình để có chuyến trở về lịch sử của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ngày 28/1/1941; để có Ngày Quốc khánh 2/9/1945 với tên tuổi Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tên tuổi Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, mở ra thời đại mới – thời đại Hồ Chí Minh cho đất nước Việt Nam.
Tác giả Nguyễn Thế Kỷ, đạo diễn - NSND Triệu Trung Kiên cùng các diễn viên, nghệ sĩ, ê kíp thực hiện sân khấu chụp hình lưu niệm cùng lãnh đạo Thành phố
Dự kiến 2 phần tiếp theo của bộ sử thi nghệ thuật Nước non vạn dặm: Phần 2 - Lênh đênh sóng biển và Phần 3 - Người là Hồ Chí Minh sẽ khắc họa, lý giải, ngợi ca con đường bôn ba cứu nước của Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh ở nước ngoài và những năm tháng Người về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.