Làng trong tâm thức của người Việt

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Mặc cho những cuộc di dân ồ ạt về thành thị, làng vẫn là chốn bình yên trong tâm thức người Việt sau những thăng trầm...

Chúng ta đang đi và phát triển trong thế kỷ 21 với những ước vọng về những thành phố văn minh, hiện đại. Nhưng trong tâm thức người Việt vẫn luôn tồn tại hình bóng của làng quê xưa, dù cho có nhiều thế hệ chuyển lên phố thị.

Làng trong tâm thức của người Việt - 1

Đình làng Đình Bảng

Khái niệm về quê hương luôn gợi nhớ trong mỗi người về hình ảnh của ngôi làng xinh xắn, những lũy tre bao bọc, giếng làng hay ngôi đình nghiêm trang trong cuộc sống đời thường và rộn ràng, náo nhiệt khi hội hè đình đám. Khởi nguyên từ nền văn minh lúa nước, cụm quần cư làng xã bao bọc người Việt từ hàng nghìn năm nay, mang đậm nét bảo tồn duy trì, phát triển ở miền Bắc và dần trở nên cởi mở hơn khi mở rộng tới phương Nam.

Nói về làng thì biết bao nhiêu cho kể, dễ chắc cũng phải qua ngày này tháng khác, nhưng gói gọn lại, làng là nơi để người nông dân ‘an cư, lạc nghiệp’, làng là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa tinh thần, tâm linh tín ngưỡng, ma chay cưới hỏi. Với người xa quê, làng là nơi đau đáu nhớ về sau những năm dài đằng đẵng bôn ba chốn người, cũng là nơi gửi gắm tâm hồn sau lũy tre làng.

Làng trong tâm thức của người Việt - 2

Một bến phà nhỏ trong làng Thổ Hà, Bắc Giang

Làng Việt ở Bắc Bộ, đã được hình thành thì chẳng mấy khi mất đi, làng thường gắn với một Thành hoàng hay vị nhân thần là những người có công với dân, với nước, lập làng, dựng ấp hay sáng lập nên một nghề (ông tổ của nghề), hay đôi khi khá mập mờ và được thêu dệt bằng truyền thuyết, thần thoại.

Thành hoàng cùng ngôi đình có vị thế quan trọng ở làng. Những cuộc họp bàn trọng đại và lễ lạt xưa tất yếu phải được tổ chức trong đình. Chính bởi căn nguyên đó mà tới tận ngày nay, sau những biến động liên miên của thời cuộc, người ta vẫn đam mê, thích thú khi được ngắm nhìn những nét chạm trổ Rồng Phượng, hoa văn tinh tế của những người thợ tài hoa trên các ngôi đình Chu Quyến, Mông Phụ, Đình Bảng…

Làng trong tâm thức của người Việt - 3

Làng Nôm ở Hưng Yên

Bến nước xưa với hình ảnh con thuyền mỏng manh cắm sào đứng đợi, một giếng làng không chỉ đơn thuần là nơi để lấy nước, mà là suối nguồn yêu thương, chứng kiến bao kỷ niệm, thăng trầm của người dân và làng xóm Việt Nam từ thế hệ này qua thế hệ khác, một cánh cổng làng không mấy khi khép kín và bọn trẻ nhỏ nô đùa dưới những gốc đa, hình ảnh ấy thật quá đỗi quen thuộc với vùng nông thôn Việt Nam.

Theo thời cuộc, nhiều làng dịch chuyển lên thành phố, nhất là kinh thành Thăng Long để lập ra các phường hội, trải bao thế kỷ tính cách làng xã vẫn được duy trì bền bỉ. Điều này được thể hiện một cách rõ rệt khi chúng ta tìm hiều về những dòng tộc của những phường hội, làng nghề có nguồn gốc cả trăm năm, ngày nay đang tạo nên sức sống của Hà Nội nghìn năm tuổi.

Làng trong tâm thức của người Việt - 4

Giếng nước cổ trong sân đình

Không khó khăn gì khi tiếp cận với những dòng tộc gia đình ở phường Hàng Bạc chuyên nghề kim hoàn, làng Ngũ Xã nổi tiếng với nghề đúc đồng… từ hàng trăm năm trước rời làng quê lên kinh thành vẫn giữ sự gắn bó dòng họ. Ở Trung Quốc trong xã hội xưa vai trò của mỗi gia đình được đề cao, còn ở Việt Nam điều đó lại ngược lại khi tiếng nói của dòng họ được các thành viên tôn trọng.

Làng trong tâm thức của người Việt - 5

Làng cổ Đường Lâm

Chính bởi căn nguyên ấy mà từ xưa, làng xã hầu hết lập ra các hương ước với những quy định chặt chẽ. Ngày nay vẫn còn nhiều những hương ước của các làng xã vẫn còn nguyên tính giá trị, đặc biệt khuyến khích thế hệ trẻ học cao, đỗ đạt làm rạng danh quê hương làng xóm.

Theo thống kê của các nhà nghiên cứu xã hội học đưa ra hiện nay có khoảng 30% dân cư Việt Nam chuyển về sinh sống trong các đô thị, làng xã thu nhỏ cả về không gian lẫn tính cách, nhưng chắc chắn sẽ không mất đi vị trí trang trọng trong tâm thức người Việt. Cũng thật thú vị khi những con phố lớn, những cụm tòa nhà cao tầng, những biệt thự sang trọng vẫn được đặt tên làng, như làng Lụa Vạn Phúc, làng Đồng Kị, làng Mẹo…

Phải chăng điều đó xuất phát từ bản sắc luôn hoài niệm về những miền quê xưa của người Việt, như nhớ về nơi bình yên đáng trân trọng nhất của kiếp người?

Nhớ sấu
Nhớ sấu

Rất nhiều bạn mình khi đi xa cũng bảo nhớ Hà Nội quay quắt. Và mình biết chắc trong trăm ngàn nỗi nhớ ấy thế nào cũng...

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Bùi Trung Dũng, Ảnh: Sưu tầm

CLIP HOT