Khéo xử lý rác, làng quê sạch đẹp 'níu chân' khách du lịch
Trong thời gian giãn cách, hãy cùng Tạp chí Du lịch TP.HCM ghé thăm những ngôi làng bình yên, thơ mộng và đặc biệt là không hề có một cọng rác nào.
Đường làng sạch bong không rác, ngõ xóm tinh tươm, vào tới nhà cũng gọn gàng sạch sẽ, thùng rác được bố trí ở khắp các đường làng… Những ngôi làng không rác đang dần hiện hữu ở nhiều vùng quê Việt, mang lại cảm giác bình yên cho du khách ghé thăm.
Đường vào nhà văn hóa thôn Nam Trà.
Miền quê đáng sống
Đang đi trên đường mòn Hồ Chí Minh, tôi bỗng bị thu hút bởi 2 bên đường hoa giấy được trồng rực rỡ, xen vào đó là những bức tường rào xanh mướt chạy sâu vào bên trong.
Nhóm xã viên THX chè Nam Trà họp bàn sản xuất. Khi nói về môi trường và làng xóm, tất cả đều chung quan điểm làng quê sạch sẽ thì chất lượng sống được cải thiện đáng kể.
Trên đường làng, người dân trang trí cảnh quan bằng các loại hoa và hàng rào thẳng tắp. Những ngôi nhà giản dị không một cọng rác nằm yên bình dưới tán cây xanh mát. Trước mỗi ngã rẽ vào bất cứ khu nào cũng đều đặt thùng rác tái chế từ vỏ lốp.
Một khẩu hiệu trên đường làng thôn Nam Trà.
Tận cuối con đường rẽ ra khu vực trồng chè, tôi gặp một nhóm xã viên HTX đang sôi nổi họp bàn cho vụ sản xuất mới. Các anh chị cho biết, Nam Trà (xã Hương Trà, Hương Khê, Hà Tĩnh) bắt đầu thay đổi từ năm 2013 với nhiều vận động bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan mới như sử dụng thùng rác, bỏ rác đúng chỗ và thay thế hàng rào bê tông bằng hàng rào cây xanh.
Một góc nhà dân ở Nam Trà.
Ban đầu, người dân cũng chưa ủng hộ nhưng thôn, xã kiên trì vận động, khích lệ nên dần dần cả thôn làm theo. Khi có hàng rào cây xanh và các biện pháp quản lý rác thải, ngôi làng trở nên thơ mộng và đáng sống hơn rất nhiều.
Ở mỗi góc đường làng đều có thùng rác để người dân bỏ rác đúng chỗ.
Hiện cả thôn đã có tới 15 nghìn mét hàng rào cây bao quanh mỗi nhà và chạy quanh các xóm. Khu vực trung tâm thôn được lắp đặt các thiết bị tập thể dục và được trang trí bằng vườn hoa giấy rực rỡ. Chủ nhiệm HTX chè Nam Trà cho biết thêm, người dân ở đây có xu hướng nói không với các dự án kinh tế gây ô nhiễm môi trường. Các xã viên tập trung phát triển các vườn sản xuất kiểu mẫu trồng chè, cam, bưởi theo tiêu chuẩn hữu cơ hoặc Vietgap.
Năm 2017, thôn Nam Trà đoạt giải đặc biệt Khu dân cư Nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh Hà Tĩnh và đón khoảng 400 đoàn khách tới tham quan học tập.
Làng cổ với phong cách phân loại rác hiện đại
Làng Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) với đặc trưng nhà rường truyền thống xứ Huế. Ngôi làng mang vẻ cổ kính nhất nhì Việt Nam, nằm bên cạnh con sông Ô Lâu “đôi bờ bạc trắng tóc lau” như mô tả của nhà văn Phùng Quán trong tiểu thuyết “Tuổi thơ dữ dội”.
Người dân trong làng rất có ý thức bảo vệ môi trường.
Miếu Cây Thị và những con đường dẫn ra bờ sông là điểm tham quan yêu thích của du khách.
Với lịch sử hơn 500 năm, đến nay, ngôi làng vẫn còn lưu giữ nhiều giá trị di sản vật thể vô giá như quần thể di tích kiến trúc dân gian độc đáo gồm 27 ngôi nhà rường cổ và 10 nhà thờ họ, phái cổ được chạm khắc những họa tiết, hoa văn tinh xảo. Hàng chục các đình, chùa, miếu... mang đậm nét tín ngưỡng của người dân xứ Huế cũng như miền Trung.
Các con đường ở làng cổ Phước Tích đều có thùng rác và ghi rõ việc phân loại rác.
Ngôi làng cổ kính nay có thêm hình ảnh mới: Những thùng rác được phân loại vô cơ và hữu cơ. Người dân nơi đây cho biết, các loại rác vô cơ sẽ được thu gom để xử lý chôn lấp hoặc tái chế, còn rác hữu cơ sẽ được ủ làm phân bón. Người dân rất có ý thức nhắc nhở, hướng dẫn du khách phân loại, bỏ rác đúng chỗ.
Nhà rường cổ của bà Lê Ngọc Thị Thí nhìn thẳng ra sông Ô Lâu- vừa mới được tu sửa lại. Ông Nam- con trai bà Thí hiện đang quản lý ngôi nhà này.
Con sông Ô Lâu chảy uốn lượn như một dải lụa cuốn quanh làng Phước Tích.
Cũng chính vì vậy, trên đường làng Phước Tích du khách hiếm khi nhìn thấy rác vứt vương vãi. Những con đường sạch bong được tô điểm bằng hàng rào cây xanh đã trở thành đặc trưng của Phước Tích. Du khách tới đây rất thích đạp xe quanh làng, tham quan các nhà cổ, nhà thờ họ cổ và trải nghiệm những phút giây yên bình ở ngôi làng đẹp như cổ tích.
Yêu cầu du khách bỏ rác đúng chỗ
Nằm dọc bãi biển trong xanh tuyệt đẹp, Tam Thanh (Tam Kỳ, Quảng Nam) được coi là ngôi làng bích họa đầu tiên ở Việt Nam.
Trên các khu vực đồi quanh làng đều đường trang trí bằng các thuyền thúng vẽ bích họa.
Ra đời năm 2016, các bức bích họa trong làng là sản phẩm của dự án giao lưu mỹ thuật cộng đồng Hàn Quốc - Việt Nam. Họa sĩ 2 nước đã thổi hồn cho bức tường cũ kỹ của hơn 100 ngôi nhà trong làng trở thành những bức tranh 3D sinh động, độc đáo.
Thùng rác được bố trí trên đường làng Tam Thanh.
Báo chí đã nói nhiều về làng bích họa nhưng vẫn có nhiều điểm thú vị về ngôi làng này để khám phá, nhất là chuyện… rác. Sau khi nổi lên như một điểm 'check-in' cho giới trẻ sống ảo, Tam Thanh thu hút khá nhiều khách du lịch và đi kèm là... rác.
Những khu vực trống trước bãi biển đều được biến thành bồn hoa, công viên nhỏ.
Người dân nơi đây đau đầu tìm cách giải quyết những bãi rác nhựa “bất thình lình” xuất hiện trên bãi biển sau những đêm vui chơi của khách.
Đường làng và bãi biển sạch bong không rác.
Chị Trần Thị Định, chủ homestay Lạc Long Quân trong làng, chia sẻ, mỗi người dân ở đây đóng góp trung bình khoảng 1 triệu đồng/hộ/năm cho việc thuê người thu gom rác thải. Nhưng đó chỉ là một trong những giải pháp. Giải pháp quan trọng nhất là tác động tới ý thức người dân. Trên đường làng từ năm 2017 đã xuất hiện nhiều thùng rác để người dân và du khách có chỗ để rác.
Trên các khu vực đồi quanh làng đều đường trang trí bằng các thuyền thúng vẽ bích họa.
Đường làng và bãi biển sạch bong không rác.
Tối đó, chúng tôi có một bữa ăn nhỏ gần bãi biển. Dù đã có ý thức không bỏ rác vương vãi nhưng chúng tôi vẫn lỡ làm rơi một cái lá gói bánh xuống đất. Ngay lập tức một phụ nữ dắt cháu đi chơi gần đó vừa nhặt bỏ vào thùng rác, vừa nhắc nhở về việc bỏ rác đúng chỗ. Với ý thức như vậy, thật dễ hiểu vì sao làng bích họa Tam Thanh kiểm soát được rác thải cả ở trong làng và bãi biển.

Được xem là “Nơi đón bình minh đẹp nhất Việt Nam“, Eo Gió (Quy Nhơn) đã chinh phục được bao nhiêu con tim du khách. Đến...