Hoãn bán ấn vàng "Hoàng đế chi bảo", vẫn thu về gần 61 tỷ đồng
Kéo dài suốt 12 tiếng đồng hồ, phiên đấu giá của nhà MILLON (Pháp) đã bán 323 tranh tượng, cổ vật từ Việt Nam, trong đó có nhiều tác phẩm quý hiếm.
Chiếc ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" được cho là của vua Bảo Đại sẽ được đấu giá vào ngày 10/11 thay vì ngày 31/10. Theo thông báo từ nhà MILLON, lý do được đưa ra là "sự quan tâm mạnh mẽ của Nhà nước Việt Nam đối với món cổ vật".
Hình ảnh trực tiếp từ phiên đấu giá 31/10.
Chiếc kim ấn là tâm điểm của cuộc đấu giá, tuy nhiên, kể cả khi thiếu đi cổ vật mang tính lịch sử này, phiên đấu giá Art Du Vietnam (tạm dịch: Nghệ thuật Việt Nam) vẫn thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng khi trình diện hàng loạt tranh tượng quý giá. Tổng cộng 329 lô hàng đã được mang ra đấu giá.
Chiếc kim bài thời vua Duy Tân.
Một trong số đó phải kể đến chiếc kim bài bằng vàng thời vua Duy Tân (lô 99) hình chữ nhật, trên mặt có chạm nổi hình rồng và cá chép uốn lượn tinh xảo. Chiếc kim bài này thuộc về Paul Simoni từng sống ở Việt Nam trong vòng 25 năm và làm Thủ hiến Bắc Kỳ.
Với giá ước định từ 6.000-8.000 euro, món cổ vật đã được chốt ở mức giá 91.000 euro (2,2 tỷ đồng), tính cả thuế phí.
Chiếc bát vàng thời vua Khải Định.
Ngay tiếp sau đó, ở lô 100, chiếc bát vàng thời vua Khải Định cũng có mức giá tăng đến kinh ngạc. Với trọng lượng chừng 500 g, chiếc bát đã mang về 884.000 euro (gần 22 tỷ đồng), dù chỉ được ước giá chừng 20.000-25.000 euro.
Các tác phẩm gốm mỹ nghệ có niên đại trải dài từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 20 cũng cho thấy tay nghề cao và thẩm mỹ của các nghệ nhân xưa.
Ở lĩnh vực mỹ thuật, hàng loạt tranh của các họa sĩ Nguyễn Gia Trí, Dương Bích Liên, Ngô Viết Thụ, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Lê Bá Đảng... được mang ra giới thiệu.
Bức Vầng trăng ai xẻ làm đôi của Nguyễn Tường Lân.
Ngoài ra, dù chỉ bán vỏn vẹn 5.200 euro (khoảng 127 triệu đồng), tác phẩm khắc gỗ Vầng trăng ai xẻ làm đôi của Nguyễn Tường Lân cũng xứng đáng được ghi nhận.
Họa sĩ Nguyễn Tường Lân (1906-1946) nằm trong bộ tứ danh họa Trí, Lân, Vân, Cẩn nhưng lại có rất ít thông tin về đời sống cá nhân và tiểu sử của ông.
Do mất sớm, Nguyễn Tường Lân không để lại nhiều trước tác và hầu hết tác phẩm của ông lưu lạc khắp nơi. Đây là lần hiếm hoi tranh của vị họa sĩ tài hoa bạc mệnh được đưa ra đấu giá.
Tác phẩm Đứa trẻ đang ngủ của Mai Trung Thứ.
Tác phẩm Năm đứa trẻ của Mai Trung Thứ.
Ở mức giá cao còn phải kể đến hai tác phẩm Đứa trẻ đang ngủ và Năm đứa trẻ của họa sĩ Mai Trung Thứ. Hai tác phẩm mang về 442.000 euro (gần 11 tỷ đồng).
Tuy vậy, phiên đấu giá của nhà MILLON cũng có một số tác phẩm được bán ở mức giá thấp hơn giá thị trường khá nhiều.
Chẳng hạn bức Thánh Gióng của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm chỉ được bán… 2.600 euro (tương đương 64 triệu đồng), còn thấp hơn cả tranh của họa sĩ trẻ ở Việt Nam hiện nay.
Bức họa được sáng tác năm 1972, khi ấy ông đã 50 tuổi và đang ở độ chín của nghề. Vài tác phẩm của sơn mài Thành Lễ ở thế kỷ 20 chỉ có giá 100-300 euro (chừng vài triệu đồng).
Bức Thánh Gióng của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm.
Tổng kết, cả phiên mang về hơn 2,47 triệu euro (gần 61 tỷ đồng), trong đó chỉ có sáu tác phẩm không được bán thành công.
Theo thông báo từ Hãng đấu giá MILLON ở Pháp, cuộc đấu giá chiếc ấn vàng “Hoàng đế chi bảo“ được cho là của vua Bảo...