GIẢI PHẪU THẨM MỸ MŨI

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

  

GIẢI PHẪU THẨM MỸ MŨI - 1 

 

I/ VAI TRÒ CỦA MŨI TRONG VẺ ĐẸP CHUNG CỦA MẶT:

Tháp mũi nằm ở trung tâm của khuôn mặt và là phần nhô cao nhất, cho nên có thể nói mũi là bộ phận được nhìn thấy đầu tiên và gây ấn tượng trước hết khi nhìn vào khuôn mặt của một người. Chính vì vậy mà mũi có vai trò hết sức quan trọng để tạo nên vẻ đẹp của một khuôn mặt, nếu không muốn nói là vai trò quan trọng nhất. Cũng vì thế mà giải phẫu thẩm mỹ mũi cũng là một kỹ thuật đầy thử thách, không phải vì sự phức tạp của kỹ thuật giải phẫu mà vì rất khó khăn để đạt được kết quả thẩm mỹ như mong muốn của người đi làm đẹp và của cả người Phẫu thuật viên.

Trong phạm vi bài này, tác giả chỉ bàn về việc giải phẫu một cái mũi lành với mục đích thẩm mỹ, chứ không bàn đến các kỹ thuật tạo hình thẩm mỹ mũi sau khi bị chấn thương hay các tổn khuyết khác do bệnh lý. Để có được một kết quả hài lòng khi làm giải phẫu thẩm mỹ cho mũi, người Phẫu thuật viên phải có kiến thức đầy đủ về Giải phẫu học của mũi người nói chung và về những khác biệt mang tính di truyền như khác biệt về nòi giống chủng tôc, và dĩ nhiên là phải có óc thẩm mỹ tinh tế và bàn tay giải phẫu thành thạo và khéo léo. Hiện nay ở Việt nam, Giải phẫu Thẩm mỹ mũi đã trở nên rất phổ biến mà chủ yếu là nâng cao sống mũi. Các bác sĩ Việt Nam có thể tiến hành kỹ thuật nâng mũi an toàn nhanh chóng trong khoảng thời gian 30 phút, nhưng để có được một tháp mũi đẹp chắc chắn và lâu dài là một thử thách không dễ dàng vượt qua. Bây giờ thử đánh giá thế nào là một cái mũi đẹp ?

Dựa vào cảm quan: Trước hết đó là một cái mũi với tháp mũi có hình dáng cân đối và kích thước hình dáng của nó có tỷ lệ hài hòa với các bộ phận khác trên toàn khuôn mặt. Cũng như đã nói ở phần bàn về sắc đẹp, các đánh giá theo cảm quan này cũng phụ thuộc vào đáng giá.

GIẢI PHẪU THẨM MỸ MŨI - 2

Các công trình nghiên cứu đã cho ra kết quả so sánh hình thái mũi giữa người Phương Tây và người Phương Đông thấy rằng: Người Phương Đông có sống mũi thấp hơn, bề ngang mũi rộng hơn (khoảng cách giữa 2 mắt rộng hơn), cánh mũi lớn hơn và bè hơn, lỗ mũi thường rộng, hếch lên hoặc nằm ngang, đầu mũi thấp và tù (không nhô cao hay nhọn). Khi quan sát đánh giá mũi phải dựa trên sự phân chia các phần của mũi để dễ nhận định và so sánh: Gốc mũi (nơi mũi và trán gặp nhau), Sống mũi, Đầu mũi, Trụ mũi, Cánh mũi.

Đây là cơ sở để đánh giá tình trạng thẩm mỹ của từng bộ phận, so sánh tương quan của chúng với nhau về tỷ lệ khối lượng và hình dáng. Từ đó có cơ sở để đánh giá tương quan của toàn bộ mũi đối với các phần khác trên mặt. Quan sát mũi phải tỷ mỷ ở cả các hướng nhìn thẳng, nghiêng và dựa trên 3 mặt phẳng của 3 chiều không gian (chiều dài, chiều cao, chiều rộng ). Nhưng có thể nói tóm lại một cái mũi có thể được coi là đẹp khi: Sống mũi thẳng, không gồ, không gẫy, không tẹt; Đầu mũi cao và không nhọn, không hớt; Cánh mũi cong gọn gàng cân đối, không to bè, không quá rộng.

Dựa vào các tiêu chuẩn về giải phẫu cơ thể học. Việc đo đạc, đánh giá thực thể mũi cũng phải dựa theo sự phân chia các phần mũi và đánh giá hiện trạng của mũi chủ yếu dựa trên hai phương diện: khối luợng và hình dáng. Các tác giả trên thế giới đều đánh giá tình trạng thẩm mỹ của mũi chủ yếu dựa vào 3 mặt phẳng: Mặt phẳng đi qua gốc mũi và đỉnh cằm, Mặt phẳng vuông góc với mặt phẳng trên đi dọc sống mũi, Mặt phẳng ngang vuông góc với mặt phẳng thứ nhất đi qua góc mũi-môi.

Nhưng thông dụng nhất và có ý nghĩa hơn cho việc đánh giá là xác định các góc tạo thành giữa mũi và các bộ phận liên quan: Góc mũi - trán: trung bình 125o, Góc mũi – môi: trung bình 100o, Góc mũi – mặt: trung bình 36o.

GIẢI PHẪU THẨM MỸ MŨI - 3 

II/ CÁC CHẤT LIỆU DÙNG ĐỂ TẠO HÌNH MŨI

Các chất liệu sinh học: Chất liệu tự thân: Sụn sườn, Mào xương chậu, Sụn tai (vì khối lượng nhỏ nên chỉ dùng cho những chỉnh sửa nhỏ hoặc kết hợp với loại khác), Cân: như cân thái dương, dùng để bọc lót chất liệu khác.

Các chất liệu tự thân có ưu điểm là an toàn, không sợ phản ứng, nhưng có nhược điểm là phải cần thêm một cuộc phẫu thuật để lấy chất liệu đó từ cơ thể, sẽ để lại thêm một vết sẹo. Mặt khác, miếng sụn sau khi cấy ghép cũng dễ bị tiêu nhỏ dần theo một cơ chế tự nhiên, làm thay đổi kết quả giải phẫu. Và với miếng sụn tươi sống này, việc cắt gọt chỉnh sửa hình dáng theo ý muốn cũng khó khăn hơn chất liệu nhân tạo...

Chất liệu sinh học không phải tự thân: Như các loại mô sinh học đông khô.

Các chất liệu nhân tạo: Thường là các chất liệu được làm sẵn gần giống với hình dáng của sống mũi người, Khi sử dụng người phẫu thuật viên còn phải chỉnh sửa cho phù hợp với từng trường hợp trước khi đặt vào. Chất liệu chủ yếu để làm sống mũi nhân tạo thường là silicone và các hơp chất của silicone, có thể ở dạng rắn, hay dẻo hay sợi mềm như Gore – Tex. Các chất liệu này rất tiện lợi cho sử dụng, dễ chỉnh sửa, an toàn cho cơ thể và tạo hình dáng mũi tự nhiên, mềm mại.

 

III/ KỸ THUẬT GIẢI PHẪU:

1, Nâng cao sống mũi:

- Vô cảm: Gây tê tại chỗ

- Đường mổ: Đường rạch nhỏ 0,5 cm, ở lỗ mũi trước, khi lành sẽ không thấy vết sẹo .

Bóc tách sát xương mũi, tạo chỗ nằm phù hợp với sống mũi sẽ ghép vào.

Việc bóc tách đều đặn, nhẹ nhàng, chính xác là điều kiện để sau phẫu thuật không bị bầm tím, ít sưng và sống mũi không bị nghiêng lệch. Tất nhiên để có sống mũi mới đẹp như ý còn phụ thuộc vào con mắt và bàn tay chỉnh sửa của người phẫu thuật viên và tất nhiên là phải có cả sự phối hợp chăm sóc giữ gìn của chính người bệnh nhân.

2. Thu gọn cánh mũi :

- Vô cảm: Gây tê tại chỗ

- Đường rạch: theo vòng cung cánh mũi. Việc thu hẹp có kết hợp với cắt bớt cánh mũi hay không phải căn cứ theo từng trường hợp cụ thể với yêu cầu của bệnh nhân và sự tính toán của phẫu thuật viên.

3. Chỉnh sửa sống mũi gồ, mũi két:

- Vô cảm: Tùy theo mức độ giải phẫu có thể gây tê tại chỗ, hay gây mê. Dùng các dụng cụ chuyên dụng để gọt đục xương mũi theo yêu cầu hoặc ghép thêm chất liệu nhân tạo tùy theo từng trường hợp, để có sống mũi như ý muốn.

Lưu ý: Người bệnh nhân sau khi được giải phẫu phải thực hiện đúng hướng dẫn của Bác sĩ trong việc nghỉ ngơi, giữ gìn vệ sinh, uống thuốc và chế độ ăn uống để đảm bảo mũi lành tốt, và có kết quả đẹp như mong muốn. Đặc biệt phải bó cố định tháp mũi bằng khung bó chuyên dụng trong ít nhất 2 – 4 tuần đầu để đảm bảo sống mũi ghép không bị lệch vẹo sau khi lành.

III CÁC TAI BIẾN VÀ BIẾN CHỨNG CÓ THỂ CÓ:

1/ Trong khi giải phẫu :

Phản ứng với thuốc gây tê: Cũng như trong các trường hợp cơ thể có phản ứng khi sử dụng thuốc. Tai biến này cần được lưu ý đầu tiên để cảnh giác, phòng ngừa và nếu có phải được phát hiện sớm và xử lý kịp thời. Nên thử phản ứng thuốc và hỏi kỹ tiền sử dị ứng của bệnh nhân trước khi dùng thuốc tê (hoặc các thuốc khác hay gây dị ứng).

Chảy máu: Ở đây muốn nói đến những trường hợp chảy máu bất thường khi giải phẫu có thể do có những bất thường về huyết học ở bệnh nhân. Cần phải làm xét nghiệm máu đầy đủ và tìm hiểu tiền sử bệnh lý của bệnh nhân trước khi giải phẫu. (như trong trường hợp sống mũïi gồ hay lệch vẹo…). Trong quá trình giải phẫu có thể làm biến dạng thậm chí gẫy vỡ xương và sụn của mũi, hoặc đục gọt quá mức cần thiết gây biến dạng mới. Vì vậy cần phải thận trọng khi làm và dĩ nhiên người Phẫu thuật viên cần phải chuyên khoa và thành thạo các kỹ thuật này.

2/ Sau giải phẫu :

a/ Biến chứng sớm sau khi giải phẫu: Tắc nghẽn đường thở, Chảy máu, Bầm tím, Nhiễm trùng.

b/ Biến chứng muộn khi vết mổ đã lành: Lệch vẹo sông mũi mới ghép, Đỏ da, kích ứng da ở sống mũi, Hoại tử da sống mũi, Sống mũi biến dạng, không cân đối, Di chuyển sống mũi mới ghép, Sống mũi mới không đẹp (có thể là khối lượng hoặc hình dáng tháp mũi không hài hoà với khuôn mặt).

Khi gặp các biến chứng này nên xử trí lấy sống mũi ghép ra và tùy theo từng trường hợp để quyết định ghép lại sống mũi ngay, hay chờ một thời gian sau (1-3 tháng) mới ghép trở lại.

Bác sĩ Cao Ngọc Bích

Phó Chủ tich Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ TP. Hồ Chí Minh

Trưởng Khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ Bệnh viện An Sinh

Giám đốc Phòng khám Phẫu thuật Thẩm mỹ Nhật Phương

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT