Giải trí mùa Covid: Hiệu ứng “xem đi xem lại”

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Những tác phẩm điện ảnh hay truyền hình trở thành kinh điển bởi một công thức đơn giản: người ta xem đi xem lại nó rất nhiều lần. Những căng thẳng do đại dịch toàn cầu khiến ngày càng nhiều người tìm đến những bộ phim kinh điển như vậy.

Giải trí mùa Covid: Hiệu ứng “xem đi xem lại” - 1

Kể từ khởi điểm của khái niệm điện ảnh và truyền hình từ giữa thế kỉ trước, phim ảnh đã trở thành một trong những phương tiện giải trí không thể thiếu, sự ra đời của những trang dịch vụ phát sóng như Netflix hay Hulu lại càng khẳng định vị trí quan trọng này.

Đại dịch hoành hành đặt chúng ta vào tình thế bó chân trong nhà, đối mặt với những hiệu ứng tâm lý mới mà chúng ta chưa từng trải qua, và hơn hết, là sự bất tận của quỹ thời gian trong ngày cho những hoạt động giải trí như nghe nhạc, đọc sách hay xem phim…

Tưởng tượng bạn ngồi trước trang chủ Netflix, nhìn danh sách phim dài dằng dặc những tựa đề được cập nhật liên tục, bộ phim nào nhìn cũng rất “hứa hẹn”, đủ mọi thể loại từ tình cảm hài cho đến rùng rợn, từ dã sử cho đến giả tưởng, nhưng cuối cùng, bạn lại chọn một bộ phim đã xem đi xem lại cả chục lần. Với nhiều người, đó đơn giản chỉ là một quyết định, một lựa chọn ngẫu nhiên không hơn không kém, nhưng tâm lý học hành vi lại có những lý giải thú vị xung quanh điều này.

Vì sao chúng ta luôn chọn xem đi xem lại những bộ phim dài tập thay vì một trong hàng ngàn bộ phim truyền hình được sản xuất mỗi năm? Và tại sao hiệu ứng “xem đi xem lại” có thể mang lại lợi ích tinh thần trong giai đoạn căng thẳng tâm lý trong giai đoạn đại dịch như hiện nay?

Giải trí mùa Covid: Hiệu ứng “xem đi xem lại” - 2

(Zihui Yang)

Chọn phim cũng đòi hỏi năng lượng

Xem phim là một hoạt động chẳng đòi hỏi mấy năng lượng, bạn chỉ cần ngồi đó, xem cái gì đó trong khi đang ăn món gì đó, bạn có thể ngồi trên giường, trên ghế sofa trong hàng tiếng đồng hồ. Hoạt động tiêu tốn năng lượng tinh thần của bạn nhất trong toàn bộ quá trình này nằm ở việc chọn xem mình sẽ xem gì.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra người xem thường có xu hướng xem đi xem lại những thứ mình đã xem trước đó, cũng như việc nhiều người giữ nguyên công việc hay thói quen của mình trong nhiều năm trời… Lựa chọn xem phim mới cũng đồng nghĩa với sự thay đổi, và không phải ai cũng sẵn sàng cho những sự thay đổi.

Giải trí mùa Covid: Hiệu ứng “xem đi xem lại” - 3

(ReBubble)

Xem đến đâu cũng được

Dù là phim truyền hình hay phim điện ảnh, viêc chọn xem một cuốn phim mới đồng nghĩa với việc bạn cần phải đầu tư thời gian, thậm chí rất nhiều thời gian theo dõi, nếu nhân vật bạn thích đột ngột trở thành kẻ xấu trong phim thì sao? Nếu cái kết phim không hay như diễn biến của nó thì sao? Nếu bạn dành ra 50 phút xem một bộ phim để nhận ra mình không thể nuốt nổi phần còn lại nữa thì sao? Có quá nhiều rủi ro và tất cả những điều này đều có thể khiến tâm trạng bạn tuột dốc không phanh. Đây cũng là lý do hiệu ứng “xem đi xem lại” được ưa chuộng như vậy: bạn không phải gắn bó nó.

Bạn có thể xem một hai tập phim, thậm chí chọn bừa bất cứ tập nào nếu là những show phim sitcom, bạn có thể xem đến nửa một bộ phim điện ảnh rồi lăn ra ngủ… bạn có thể bắt đầu xem và kết thúc xem bất cứ lúc nào mình muốn. Câu chuyện phim thế nào bạn đã nắm rõ, vì vậy việc xem phim hoàn toàn đơn thuần nhằm việc giải trí. Điều này cũng gắn với nghiên cứu tâm lý rằng con người chỉ có khả năng tập trung ngắn hạn, vì vậy thường chúng ta dễ dàng tập trung hơn khi xem một tập phim 20-30 phút thay vì cả bộ phim.

Giải trí mùa Covid: Hiệu ứng “xem đi xem lại” - 4

(Lorraine Nam)

Cảm giác kiểm soát

Cuộc sống liên tục xoay vần khiến ta không thể kiểm soát được rất nhiều thứ, và đại dịch là ví dụ điển hình của việc mọi thứ có thể vượt ngoài tầm kiểm soát của chúng ta đến mức nào. Cảm giác kiểm soát gắn với sự an toàn, yên tâm và bớt âu lo hơn, và nếu không thể kiểm soát được những điều lớn lao, ta sẽ muốn có thể kiểm soát những điều nhỏ nhặt hơn, như việc chọn xem một bộ phim chẳng hạn.

Không chỉ kiểm soát được những gì mình đang xem, mà bạn còn có thể kiểm soát cảm xúc (vì bạn đã biết diễn biến từ trước), hay kiểm soát những gì bạn muốn trải nghiệm.

Giải trí mùa Covid: Hiệu ứng “xem đi xem lại” - 5

(Micheal Parkin)

Hoài niệm luôn là cảm xúc đẹp

Theo Clay Routledge, nhà tâm lý học từ đại học North Dakota, có hai kiểu hoài niệm: hoài niệm với quá khứ và hoài niệm với những kỉ niệm cụ thể của từng cá nhân nào đó. “Xem đi xem lại” gắn với cả hai kiểu hoài niệm.

Đó có thể là những bộ phim gắn với quãng thời gain bạn muốn nhớ đến, và những cảm xúc tích cực ở thời điểm đó. Nó giúp bạn làm sống lại những cảm xúc đẹp, và là điểm chốn lý tưởng cho một thực tế mỏi mệt căng thẳng trước mắt.

Hiệu ứng “tiếp xúc”

Càng thấy ai đó nhiều, bạn sẽ càng gắn bó với họ về mặt cảm xúc và tinh thần. Và càng xem đi xem lại thứ gì đó, bạn sẽ càng gắn bó với nhân vật trong cuốn phim. Sự gắn bó là một năng lương cảm xúc tích cực, nó khiến bạn cảm thấy ấm áp, bớt cô đơn, kết nối hơn với ai đó, và tất nhiên cũng giống như tình yêu, khi gắn kết với ai đó, bạn sẽ muốn gặp lại họ, quan sát họ, nghe họ nói… dù chỉ trong một cuốn phim.

Giải trí mùa Covid: Hiệu ứng “xem đi xem lại” - 6

(Metro Parent)

Không phải lý giải nào cũng hoàn toàn đến từ nhu cầu cảm xúc tích cực, nhưng có một kết luận chung là việc “xem đi xem lại” là xu hướng tâm lý tự nhiên và có thể mang lại những tác động tinh thần tích cực hơn. Vì thế, lần tới khi xem phim, hãy đừng nghĩ nhiều mà hãy chọn một thứ gì đó bạn đã xem rồi, trong thời điểm đại dịch như hiện nay, đây có thể chính là liều thuốc tinh thần bạn cần.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Vân Anh (Theo L'Officiel Vietnam)

CLIP HOT