Giải trí mùa dịch: Gợi ý 5 bộ phim cho hội thích chu du khám phá
Xem xong 5 bộ phim này có thể bạn sẽ ngay lập tức muốn xách ba lô lên và đi chu du sau khi hết dịch.
Một người đang sống một cuộc đời bình thường, đang là một bác chạy xe ôm, một ông già lụ khụ trong viện dưỡng lão, một bệnh nhân ung thư đếm ngày chờ chết, một ông bác sĩ mắt, một bà già cáu kỉnh… Một người bình thường ở bất kì nơi nào trên thế gian này. Bỗng một ngày có một sự kiện bất ngờ xảy đến với cuộc đời họ, một “tiếng gọi” xuất hiện. Và hành trình phiêu lưu mở ra.
Đó là cấu trúc cơ bản trong vòng 30 phút đầu của một bộ phim dạng “road movie” – phim hành trình. Dĩ nhiên mục đích của các nhân vật trong các road movie rất khác nhau. Người đi cứu thế giới, người đi tìm lẽ sống, người vô tình phạm tội trên đường rồi cùng nhau bỏ trốn… Nhưng mình lại cực kì đam mê những cái road movie kể về những hành trình trong rừng/trên núi, trên đường. Dưới đây là 5 bộ phim mình muốn giới thiệu đến các bạn, có thể bạn sẽ ngay lập tức muốn xách ba lô lên và đi ngay sau khi hết dịch.
Wild – Hoang dã
Wild - kể về hành trình một mình đi bộ trên con đường mòn của một cô gái tên Cheryl bị vấn đề tâm lý sau khi mẹ qua đời và cô đã ly hôn với chồng. Phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết đã nằm trong danh sách best-seller của New York Times - "Wild: From Lost to Found".
Con đường mòn Pacific Crest Trail (hay còn gọi là PCT) có thật ở Mỹ kéo dài hơn 1000km từ biên giới Mỹ-Mexico đến biên giới Mỹ-Canada đi qua đủ loại địa hình từ hoang mạc, đồng cỏ, vườn quốc gia...
Cheryl đi bộ một mình trên đường mòn PCT
Trong chuyến hành trình của Cheryl, cứ cách khoảng 50km sẽ có một trung tâm dọc đường nơi cung cấp đủ thứ cần thiết cho chuyến đi bộ dài ngày của cô. Nơi đó Cheryl đã gặp những bạn đồng hành mới, nhận các món hàng được gửi đến từ trước: thức ăn, quần áo sạch, giày... Thỉnh thoảng cô gái nhận được thư của chồng cũ, của bạn thân bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với chuyến đi của cô. Thỉnh thoảng một người đồng hành nào đó hỏi Cheryl về chuyện cô có nghĩ đến việc bỏ cuộc không. Cô cười và bảo cứ 20 phút cô lại nghĩ về điều ấy một lần.
Into the wild – Vào trong hoang dã
Phim kể về một anh chàng người Mỹ tên là Chris, sau khi tốt nghiệp đại học, hoàn thành nghĩa vụ đối với gia đình, anh đã vứt bỏ tất cả để lên đường đi từ Georgia (miền Nam nước Mỹ), đi ngang nước Mỹ đến South Dakota, Arizona, đi đến tận Mexico.
Dọc đường đi, Chris đã sống như một gã lang thang chính hiệu, vứt bỏ hết những tấm thẻ tín dụng, từ bỏ chiếc xe ô tô và khoản tiền tiết kiệm, anh tự tìm việc làm, kết giao bạn bè, trải nghiệm những điều không tưởng: bơi thuyền vượt thác, nhảy tàu trốn vé, bị đánh nhừ tử…
Chris đã sống như một gã lang thang chính hiệu
Đã có cô gái phải lòng Chris và mong níu giữ anh bên mình. Đã có đôi vợ chồng trung niên quý mến Chris như con trai. Đã có lão già muốn trở thành gia đình của Chris. Nhưng mọi kết nối rời rạc hay thân tình đều không giữ được trái tim và linh hồn của một kẻ lang thang.
Mục đích cuối cùng của Chris là đến Alaska, đến một nơi ở Alaska không có ai sống và hoàn toàn hòa mình vào nơi hoang dã. Trên một chiếc xe bus cũ kĩ bỏ hoang giữa Alaska mênh mông, một mình Chris trải nghiệm nỗi cô đơn cùng thiên nhiên - cô đơn ở đây là một lựa chọn của anh chứ không phải một tai nạn.
The way – Con đường
Tom - một bác sĩ chuyên khoa Mắt danh tiếng. Bỗng một ngày Tom nhận được cuộc điện thoại từ đơn vị của con trai thông báo: con trai Tom đã chết trên con đường hành hương Santiago de Compostela.
Con đường kéo dài khoảng 800km từ biên giới với Pháp – Tây Ban Nha đến thành phố Santiago de Compostela ngang qua hành gần 1.800 tòa nhà, nhà thờ, công trình lịch sử, là minh chứng về tôn giáo, sự phát triển của Kitô giáo.
Con đường hành hương có nhiều tuyến đường đi khác nhau, nhưng tất cả đều hướng về điểm kết thúc phía Nhà thờ chính tòa Santiago de Compostela, nơi được cho là có ngôi mộ của Thánh Giacôbê.
Trong phim, nhân vật Daniel - con trai Tom đã chết vì cơn bão ngay trong ngày đầu tiên của hành trình từ Pyrenees. Khi Tom đến, thứ ông nhận lại là một chiếc balo có đầy đủ mọi dụng cụ trekking của con trai mình: bản đồ, sách hướng dẫn, gậy, quần áo, lều… Câu hỏi đầu tiên của ông dành cho người cấp trên của Daniel là “Tại sao nó lại đi con đường đó?”. Người sĩ quan giải thích cho Tom về ý nghĩa của cuộc hành hương này, nghiêng về mặt tôn giáo. Tom có vẻ chẳng mấy quan tâm. “Sao nó lại đi một mình”. Người sĩ quan nói một câu đầy ý nghĩa “Nhiều người chọn đi một mình. Con đường ấy là một cuộc hành trình của mỗi cá nhân”.
Tom và những người bạn dọc đường kì lạ
Nếu bạn đi núi đi rừng chừng vài ngày, bạn có thể tìm được một team đồng hành. Nhưng một cuộc hành hương 800km, đó thực sự là một hành trình của cá nhân. Buổi tối đó, Tom về lật giở balo của con trai, xem từng món đồ, tưởng tượng ra hình ảnh con mình đang đi trên con đường hành hương đó với khuôn mặt, tâm trạng ra sao. Và rồi ông quyết định: sẽ đi con đường Santiago de Compostela dù cho chưa từng luyện tập ngày nào, dù đã 60 tuổi. Ông sẽ dùng những món đồ của Daniel để lại, “sẽ mất nhiều thời gian hơn người khác”, cùng với một vật đặc biệt trong balo: chiếc hộp chứa tro cốt của cậu con trai.
Trong The way, trên hành trình 800km Tom đã lần lượt gặp 3 người đặc biệt. Đúng với cái nguyên tắc xây dựng nhân vật, mỗi người này đều có một background hết sức ấn tượng và dễ nhớ. Một anh chàng béo đi hành hương để mặc vừa bộ vest. Một anh chàng Ireland đi tìm ý tưởng cho quyển sách mới. Một cô nàng sexy đi để cai thuốc dù mỗi ngày cô đều hút vài điếu. “Tôi sẽ hút điếu cuối cùng ở Santiago de Compostela và bỏ thuốc”, cô gái đó đã tuyên bố như vậy.
4 con người kì quặc này với cá tính và background sống động của bản thân, dĩ nhiên không phải kiểu vừa gặp đã hợp nhau, đã thân thiện, chuyện trò. Đã có những lúc Tom đi nhanh hơn hoặc chậm lại để tránh xa một trong số họ. Đã có lúc ông chỉ thẳng mặt anh chàng nhà văn Ireland và chửi, đã từng bị ăn một nắm đấm của cô nàng sexy. Họ cũng đã có lúc phải cắm trại qua đêm ở một ngôi nhà hoang, cùng nhanh chóng chuồn khỏi ngôi nhà trọ của một kẻ gàn dở…
Chuyến đi của tình yêu
Phim kể về hành trình cùng nhau của hai kẻ xa lạ: một cô gái vừa thi trượt môn sinh vật học, gặp rắc rối với anh người yêu nào đó ở tít mù xa nên lái xe đến gặp anh người yêu nói chuyện. Chàng trai vừa trượt học bổng, quyết định đi tìm gặp cha ruột chưa một lần biết mặt. Cô gái cho chàng trai đi nhờ trên chiếc xe RV (Recreational Vehicle hay còn gọi là “nhà xe”).
Hành trình của 2 người xa lạ trên 1 chiếc xe
Điểm thú vị của bộ phim là những đoạn đối thoại của hai nhân vật, hai người mới quen biết với những quan niệm rất rõ ràng về chính trị, khoa học, xã hội và tình yêu. Họ cùng tranh luận với nhau suốt chuyến đi. Điều cô đơn nhất trên một hành trình không phải là độc hành, mà chính là không thể trò chuyện với người đồng hành. Cho nên, xuyên suốt bộ phim là đối thoại của hai nhân vật theo mức độ hiểu nhau tăng dần và ngày càng ăn ý.
Lúc hai người ngồi ở bến tàu, Jule đã nói một câu mình rất thích:
“Tớ sẽ làm gì với một người đàn ông làm tình tuyệt vời ở trên giường nhưng chúng tớ không có gì để nói với nhau? Có lẽ tớ là người không thể quyết định được ai là người đàn ông nóng bỏng, nhưng tớ quyết định được ai là người mà tớ sẽ yêu”.
Và lúc hai người ngồi ở bờ sông, Jule nói:
“Tớ nghĩ cái tôi của mỗi người đang được bảo vệ bởi một viên nang thuốc. Và để một ai đó bước vào cần rất nhiều sự tin tưởng. Bởi vì, nếu người đó rời đi thì anh ấy sẽ mang đi một phần của cậu. Và cậu chết. Ít nhất là một chút”.
Điểm cộng của phim là cách họ đi cùng nhau trên hành trình này. Cùng nhau lái một chiếc xe đi xuyên quốc gia, đi từ Đức sang Bỉ, qua Pháp đến Bồ Đào Nha… chỗ nào đẹp dừng lại cắm trại, uống bia, lướt ván, leo núi, đi rừng…
Himalayas
Himalayas lại dễ đánh gục khán giả bởi câu chuyện hài hước ở phần đầu, dẫn đến những cao trào cảm xúc phía sau.
Theo cảm nhận và ý kiến riêng của mình, thực ra phim làm về đề tài leo núi, sinh tồn, phiêu lưu hoang dã khá kén khán giả. Không giống như dòng phim siêu anh hùng, phá án, kinh dị… phim về đề tài kể trên đòi hỏi người xem là những người có trải nghiệm sẽ cảm nhận bộ phim sâu sắc hơn.
Ví dụ như Himalayas, xem bộ phim mình chú ý đến từng chi tiết nhỏ, là những người này đi leo núi có bị bong da không, có nứt môi không. Vì mình đi rồi nên mình mới để ý. Thấy diễn viên mũi ai cũng (được hóa trang) đen thui, bỏng lạnh mình biết đã xem đúng phim rồi.
Đây là một bộ phim cảm động dựa trên câu chuyện có thật của nhà leo núi nổi tiếng Um Hong Gil. Trong vòng 22 năm kể từ lúc chinh phục dãy Himalayas vào năm 1985, Um Hong Gil, chuyên gia leo núi hàng đầu Hàn Quốc đã hoàn thành 38 chuyến du ngoạn ở các dãy núi khác nhau. Từ năm 2000–2002, ông đã chinh phục đỉnh Kangchenjunga, K2, Shishapangma và đỉnh Everest cùng với người đồng đội trẻ Park Mooteak và họ đã trở nên thân thiết như những người anh em ruột thịt. Đến năm 2005, Park Mootaek đã gặp nạn trong lúc leo xuống từ đỉnh Everest và anh đã bỏ mạng tại đó.”
Bộ phim tuyệt vời về leo núi
Để tìm lại thi thể Park Mootaek, Um Hong-Gil đã dẫn dắt một chuyến thám hiểm chưa từng có trong lịch sử: quay trở lại khu vực ở độ cao 8.750m so với mực nước biển, thuộc vùng Chết dãy Himalayas. Mặc dù lúc này Um Hong-Gil đã trở thành một nhà văn, một giảng viên đại học vì đôi chân ông bị chấn thương và các bác sĩ chỉ định không thể leo núi nữa.
Dù không phải các đỉnh núi trên 8000m như thực tế, nhưng đoàn phim đã di chuyển đến dãy Mont Blanc (Pháp) và lên tới độ cao 3800m ở Nepal để thực hiện các cảnh quay. Không có phông xanh nào, máy thổi tuyết nào, vách núi nhân tạo nào tạo cảm xúc hơn là những khắc nghiệt vốn có của tự nhiên.
Phim có sự tham gia của chú Hwang Jung-min – ngôi sao phòng vé Hàn Quốc. Diễn viên còn lại của bộ phim là anh chàng Jung Woo từng thủ vai Rác trong loạt Reply 1994 đình đám.
Trong phim có một đoạn mình thích lắm luôn, đó là đoạn đoàn leo núi của chú Um được đoàn phim phỏng vấn ghi hình câu hỏi "Vì sao lại leo núi?”. Một người trong đoàn leo núi lúc ấy đã trả lời xong rồi phá lên cười “Vì núi ở đó”.
“Nếu tin tức là bản nháp thô kệch đầu tiên của lịch sử thì phim ảnh kể về quá trình thu thập tin tức là sự bóng bẩy...