Ấm lòng bữa ăn trong khu cách ly tập trung
Hàng ngày, đúng giờ và đều đặn, những suất ăn đủ chất dinh dưỡng được chuyển tới từng phòng, kèm theo đó là lời mời vui vẻ, lễ phép từ các chiến sĩ trẻ.
7h sáng, cả phòng được đánh thức bởi hai chiến sĩ mang suất ăn sáng đến. Giờ giấc quân đội, ai muốn ngủ nướng cũng không được! Mở suất ăn sáng ra, tôi cứ ngỡ là ăn trưa vì có cơm, hai món mặn, rau, canh.
Tôi nhớ lại câu chuyện bố tôi kể về thời cụ nội còn sống, cứ sáng sớm là cụ đồ xôi với sắn, chấm muối vừng cho cả nhà ăn no để ra đồng làm cho chắc dạ đến trưa. Giờ thì chúng tôi được ăn sáng no không phải để ra đồng, mà là để chiến đấu với con Covy…
Được biết, để có được suất ăn hàng ngày đúng giờ như quân lệnh cho gần 800 người cách ly đợt này, 30 chiến sĩ bộ phận nhà bếp phải bắt đầu làm việc từ 3h sáng và kết thúc lúc 23h.
Đa số họ là các chiến sĩ gái từ các binh đoàn khác nhau di chuyển về doanh trại này để phục vụ cách ly. Họ còn khá trẻ, nhưng nhận thức rất rõ về trách nhiệm công việc của mình, tận tâm như làm cho chính gia đình mình.
Trong tôi hiện lên hình ảnh các cô gái năm xưa thoăn thoắt tải đạn nơi chiến trường. Giờ đây đôi bàn tay các cô gái lại miệt mài vo gạo, rửa rau, thái thịt rồi nấu nướng… Cái chất tần tảo, đảm đang như đã thành mặc định, ngấm sâu trong tính cách người phụ nữ Việt không ngoại trừ thời điểm nào.
Khi cơm và thức ăn được hoàn tất, các chiến sĩ cả nam và nữ lại tất bật chia khẩu phần vào từng khay xốp trắng có nhiều ngăn với ba đến bốn món ăn một cách khéo léo.
Với số người ít ỏi, thời gian hạn hẹp, ngoài các suất ăn chung của đại đa số khách với thực đơn đa dạng liên tục được thay đổi, những khách ăn chay vẫn được phục vụ đồ chay. Các món ăn được chế biến khá vừa miệng từ các nguyên liệu chủ yếu ở địa phương.
Với tôi, chỉ hôm đầu mới đến chưa quen và do còn mệt nên ăn uống có phần khó khăn, chứ từ những ngày sau tôi cảm thấy rất ngon và đầy đủ lắm rồi.
Các bữa ăn với đủ món được người trong khu cách ly chụp và lưu giữ lại như một kỷ niệm khó quên. Ảnh: Quỳnh Trâm.
Nhà bếp nằm trong một khuôn viên khác, ở trên con dốc bên kia đường, cách khu cách ly hai dãy nhà. Chia suất ăn xong, 7 chiến sĩ chuyên trách cho vào túi nylon to, phân theo từng phòng, kèm theo tăm và những tờ giấy ăn cho mỗi người.
Tất cả được cho lên những chiếc xe đẩy ba tầng bằng inox, đẩy qua đường, dừng lại ở dốc để đội vòng trong trực tiếp chuyển đến những người cách ly.
15 chiến sĩ trong trang phục của các “nhà du hành vũ trụ mặt đất” tập kết ở sảnh chính, làm nhiệm vụ chuyển đồ ăn đến cửa từng phòng. Hàng ngày, bất kể mưa hay nắng, các bữa ăn được phục vụ đều đặn vào lúc 7h sáng, 11 giờ trưa và 5 giờ 30 chiều.
Những suất ăn được chuyển tới từng phòng cùng những lời mời vui vẻ, lễ phép của các chiến sĩ trẻ sao mà thân thương đến thế! Đây không phải là những suất ăn “cao lương, mỹ vị” như chúng tôi thường ăn tại các nhà hàng, mà là những suất ăn đặc biệt, vô giá, mang nặng nghĩa tình, là công sức và tấm lòng của những ngôi sao thầm lặng - những chiến sĩ của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
[…]
Chỉ có vẻn vẹn 15 chiến sĩ mà trực 24/24 giờ; nào phát cơm ngày ba bữa, nào chuyên nước uống, nào phát các nhu yếu phẩm hàng ngày, nào thu rác mỗi ngày hai lần từ các phòng, làm vệ sinh dọc hành lang, dưới sân, xung quanh nhà, xử lý các sự cố phát sinh như bồn cầu bị tắc, ống nước bị nghẽn…
Các chiến sĩ cứ gọi là “bận hơn con mọn”, luôn tay, luôn chân. Khổ nhất là lúc nào họ cũng phải đóng khung trong bộ đồ bảo hộ kín mít từ đầu đến chân, đứng yên còn thấy khó chịu huống hồ phải làm việc.
Paris+14 Tác giả: TS Cù Thu Hương/ NXB Hội Nhà văn Cuốn truyện ký là những trải nghiệm của tác giả khi quyết định từ Paris trở về quê hương giữa đại dịch Covid-19. Hành trình chuyến bay và thời gian cách ly tập trung với nhiều cung bậc cảm xúc được ghi lại bằng góc nhìn chân thật, cảm động. |
Chương trình mang tên “Thành phố 18h“ sẽ vừa hát trực tiếp tại các bệnh viện, vừa phát trực truyến cho khán giả ở nhà...