Du lịch Việt Nam 53 năm đồng hành cùng sự phát triển của đất nước

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Trải qua 53 năm xây dựng và trưởng thành (9/7/1960 – 9/7/2013), Du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với tư cách là một ngành kinh tế tổng hợp, tạo nguồn thu ngoại tệ lớn, giải quyết nhiều việc làm, thúc đẩy nhiều ngành kinh tế khác cùng phát triển, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và khẳng định vị thế của Việt Nam trong quá trình hội nhập với khu vực và quốc tế. Du lịch đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ đánh giá là “điểm sáng” về kinh tế trong thời gian qua.

Du lịch Việt Nam 53 năm đồng hành cùng sự phát triển của đất nước - 1

53 năm qua, ngành Du lịch đã chú trọng nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn phát triển du lịch trong nước và quốc tế, hoàn chỉnh dần hệ thống các quan điểm, chủ trương, chính sách phát triển du lịch. Du lịch được Đảng và Nhà nước xác định là ‘‘Một ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” với mục tiêu: ‘‘Phát triển mạnh du lịch, từng bước đưa nước ta trở thành trung tâm du lịch có tầm cỡ trong khu vực”. Quan điểm đó được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX tiếp tục khẳng định: ‘‘Phát triển nhanh du lịch thật sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn” và Đại hội XI chỉ rõ những mục tiêu cụ thể hơn: ‘‘…Hình thành một số trung tâm dịch vụ, du lịch có tầm cỡ khu vực và quốc tế… Đa dạng hóa sản phẩm và các loại hình du lịch, nâng cao chất lượng để đạt tiêu chuẩn quốc tế…”. Chính nhờ sự định hướng chiến lược như vậy, bằng sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc của toàn Ngành trong thực hiện các giải pháp mang tính đồng bộ và huy động được nhiều nguồn lực vào phát triển, Du lịch Việt Nam đã đạt được những thành quả quan trọng, ngày càng tăng cả quy mô và chất lượng, dần khẳng định vai trò, vị trí là ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Trải qua 53 năm, nhưng ngành Du lịch Việt Nam mới chỉ thực sự phát triển từ năm 1990 đến nay, đó là quãng thời gian chưa dài đối với sự nghiệp phát triển của một ngành, song cũng có thể thấy được những bước chuyển biến mạnh mẽ cả về lượng và chất của ngành Du lịch nước ta. Du lịch Việt Nam đã tranh thủ cơ hội, nguồn lực để hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng du lịch. Tính đến tháng 6/2013, cả nước có 1.184 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, hơn 1 vạn doanh nghiệp lữ hành nội địa; 13.700 khách sạn với khoảng 290.000 buồng, trong đó có 61 khách sạn 5 sao với 14.393 buồng; 157 khách sạn 4 sao với 19.770 buồng; 368 khách sạn 3 sao với 25.850 buồng. Xu hướng đầu tư xây dựng các khách sạn, resort có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, qui mô lớn được hiển hiện ở hầu hết các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố trọng điểm về du lịch. Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2013, một số dự án khách sạn và khu nghỉ dưỡng lớn theo tiêu chuẩn 5 sao mới đi vào hoạt động hoặc chuẩn bị khai trương như: Khu nghỉ dưỡng Hồ Tràm Trip với 542 phòng; Khu du lịch Langura – Lăng Cô với 325 phòng; Khách sạn Havana – Nha Trang với 1200 phòng; Khách sạn Keng Nam – Hà Nội với 350 phòng; Khách sạn Mariot – Hà Nội với 500 phòng; Khách sạn Novotel – Đà Nẵng với 500 phòng… không chỉ góp phần nâng cao chất lượng Du lịch Việt Nam mà còn khẳng định sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch ở nước ta.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang trên đà suy thoái, thiên tai, dịch bệnh diễn ra trên diện rộng và chiến tranh, xung đột cục bộ, khủng bố xảy ra ở nhiều nơi ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động du lịch thế giới nhưng lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn tăng trưởng với tốc độ cao liên tiếp trong 3 năm qua, khẳng định vị thế của Du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới. Khách quốc tế đến Việt Nam năm 2010, 2011 và 2012 tăng lần lượt 34,75% đạt 5.049.855 lượt, 19,40% đạt 6.014.032 lượt, 13,86% đạt 6.847.678 lượt. Sáu tháng đầu năm 2013, Du lịch Việt Nam đã đón và phục vụ 3.540.403 lượt khách quốc tế, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2012. Bên cạnh đó, du lịch nội địa cũng có bước tăng trưởng liên tục, trở thành động lực chính trong hoạt động du lịch ở nhiều địa phương. Năm 2010, khách du lịch nội địa đạt 28 triệu lượt, năm 2011 đạt 30 triệu lượt, năm 2012 đạt 32,5 triệu lượt. Ước tính, số lượng khách du lịch nội địa trong 6 tháng đầu năm 2013 đạt 24 triệu lượt, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2012. Đến nay, Du lịch Việt Nam đã phát triển nhiều sản phẩm, tuyến du lịch mới cả đường bộ, đường sông, đường biển, nối các điểm du lịch, khu du lịch ở cả miền núi, cao nguyên, đồng bằng, vùng ven biển và hải đảo. Bên cạnh các sản phẩm truyền thống, Du lịch Việt Nam đã hình thành các loại hình du lịch mới, đặc thù như đi bộ, leo núi, lặn biển, hang động, sinh thái, giải trí thể thao, MICE, chữa bệnh…

Cùng với sự tăng trưởng về lượng khách, tổng thu từ khách du lịch cũng có sự tăng trưởng khá: năm 2010 đạt 96 nghìn tỷ đồng, năm 2011 đạt 105 nghìn tỷ đồng, năm 2012 đạt 160 nghìn tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2013 đạt 105 nghìn tỷ đồng, bằng với cả năm 2011. Ước tính trong những năm qua, tổng thu của ngành Du lịch chiếm khoảng 5,5% GDP của cả nước. Nếu chỉ nhìn vào những con số tuyệt đối đóng góp vào GDP của ngành Du lịch so với các ngành kinh tế khác thì vẫn còn khiêm tốn nhưng thực tế hiệu quả xã hội du lịch mang lại lớn hơn nhiều. Sự phát triển của du lịch đã góp phần tăng tỷ trọng GDP của khối ngành dịch vụ trong cơ cấu tổng thu nhập quốc dân, tạo điều kiện thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, mở thêm thị trường tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ, mang lại hiệu quả cao hơn so với hình thức xuất khẩu truyền thống. Sự phát triển của du lịch cũng góp phần mở rộng giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các vùng, miền và với quốc tế, góp phần nâng cao trình độ, cải thiện đời sống nhân dân, nhất là ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Theo thống kê, hoạt động du lịch đã tạo ra việc làm cho khoảng 500.000 lao động trực tiếp và trên 1 triệu lao động gián tiếp cho nhiều tầng lớp dân cư, đặc biệt là thanh niên mới lập nghiệp và phụ nữ.

Với nỗ lực mở rộng hợp tác quốc tế, Du lịch Việt Nam đã ký hiệp định hợp tác du lịch đa phương 10 nước ASEAN, gần 50 hiệp định hợp tác du lịch song phương với các nước là thị trường du lịch trọng điểm và trung tâm giao lưu quốc tế; tham gia chủ động trong hợp tác du lịch Tiểu vùng Mêkông mở rộng, hợp tác Hành lang Đông - Tây, hợp tác sông Mêkông - sông Hằng, hợp tác ASEAN, APEC, ASEM, Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA), Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), Ủy ban hợp tác Du lịch song phương Việt Nam - Singapore, Việt Nam - Nhật Bản, Nhóm công tác Việt Nam - Thái Lan; có quan hệ bạn hàng với các hãng du lịch khắp thế giới... Nhờ thế đã tranh thủ được vốn, kinh nghiệm, công nghệ, nguồn khách, đẩy mạnh xúc tiến du lịch, chủ động gắn kết hoạt động du lịch Việt Nam với du lịch khu vực và thế giới. Một số chính phủ và tổ chức quốc tế như Luxembourg, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Hà Lan, Cu Ba, cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp, EU… viện trợ không hoàn lại hàng chục triệu USD cho công tác đào tạo nhân lực và hỗ trợ kỹ thuật cho Du lịch Việt Nam.

Trong sự nghiệp đổi mới phát triển du lịch, công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch đã được chú trọng và đạt được những tiến bộ đáng ghi nhận. Mạng lưới cơ sở đào tạo du lịch bậc đại học, cao đẳng (với khoảng 40 trường), trung học chuyên nghiệp, dạy nghề (trên 30 trường) và nhiều trung tâm dạy nghề được hình thành và phát triển nhanh, đang được định hướng, quy hoạch và điều chỉnh hợp lý. Cơ sở vật chất kỹ thuật của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch được nâng cấp, xây dựng mới, trang bị ngày càng đồng bộ và hiện đại. Đội ngũ giáo viên, giảng viên tăng nhanh về số lượng, nâng dần về kiến thức nghiệp vụ, ngoại ngữ. Chương trình, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng được xây dựng, từng bước được chuẩn hóa; chất lượng đào tạo, bồi dưỡng được nâng lên một bước hình thành lực lượng lao động có tay nghề cao, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Sự lớn mạnh của Du lịch Việt Nam còn thể hiện ở kết quả đánh giá của các tổ chức nổi tiếng trên thế giới chuyên về lĩnh vực du lịch. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2013 đến nay, Du lịch Việt Nam đã vinh dự nhận được nhiều giải thưởng uy tín: Hà Nội, TP. HCM, Hội An và Hạ Long được nhận giải thưởng “Điểm đến hàng đầu ở châu Á” của trang web du lịch lớn nhất thế giới TripAdvisor. Tổ chức này cũng bầu chọn 3 bảo tàng của Việt Nam là bảo tàng Chứng tích chiến tranh, bảo tàng Dân tộc học, bảo tàng Phụ nữ và khu giải trí                Vinpearl là những điểm đến được ưa thích nhất của châu Á; Tạp chí Cẩm nang Du lịch Lonelyplanet bình chọn món ăn đường phố của Việt Nam là 1 trong 10 tour du lịch ẩm thực đường phố hấp dẫn nhất thế giới; Chuyên trang Du lịch của CNN đánh giá Bãi Dài (Phú Quốc) và biển An Bằng (Hội An) nằm trong 100 bãi biển tốt nhất hành tinh; Tạp chí du lịch Trip Advisor công bố khu nghỉ dưỡng An Lâm ở vịnh Ninh Vân (Khánh Hòa) lọt vào danh sách 25 khách sạn tốt nhất thế giới năm 2013; Trang web đặt phòng trực tuyến hàng đầu châu Á agoda.com bình chọn Mai Châu lọt Top 10 điểm du lịch mới mẻ nhất châu Á; Hiệp hội Du lịch Mỹ (USTOA) đánh giá, Việt Nam đứng thứ 2 trong số các điểm đến mới nổi được du khách quốc tế lựa chọn cho năm 2013; Tạp chí Du lịch Conde Nast Traveler công bố khách sạn Sofitel Legend Metropole Hanoi, Park Hyatt Saigon và Sheraton nằm trong số “20 khách sạn hàng đầu Đông Nam Á”; Life Heritage Resort Hội An và The Nam Hải xếp thứ 10 và 14 trong số “15 khu nghỉ dưỡng hàng đầu châu Á”; Hiệp hội Go Asia trao giải Nhì - Điểm đến phổ biến nhất của châu Á cho Du lịch Việt Nam… Những giải thưởng nêu trên là những minh chứng rõ nét nhất cho sự lớn mạnh cũng như sức hấp dẫn của Du lịch Việt Nam đối với cộng đồng du lịch thế giới.

Nhìn lại chặng đường 53 năm qua, có thể tự hào khẳng định, Du lịch Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó, xây dựng Ngành trưởng thành và phát triển về mọi mặt, tạo tiền đề vững chắc cho những bước phát triển ở mức cao hơn trong thời gian tới.

Nguyễn Văn Tuấn

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch

(Báo Du lịch Việt Nam, số 27+28, từ ngày 4/7 – 17/7/2013)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT