Văn Công Hùng tự lái xe xuyên Việt: Đặc sản Ninh Bình khó kiếm hơn... gan trời
Ninh Bình với non nước hữu tình, với đặc sản rêu đá khó kiếm hơn... gan trời, là điểm cuối trong chuyến tự lái xe đi phượt của nhà thơ U70.
Mẹ tôi họ Lê.
Tôi ra Ninh Bình đúng hôm giỗ vua Lê Đại Hành. Đang hí hửng là cũng có tí con cháu thì tôi được giải thích là, họ Lê nhà ta không trực hệ. Nhưng vẫn không giảm sự tự hào của anh em tôi.
Đền thờ vua Lê Đại Hành
Tối ấy, chúng tôi vào thắp hương ở đền vua Lê, vua Đinh. Thấy lãnh đạo tỉnh Ninh Bình đang đi tổng duyệt phương án ngày mai tổ chức giỗ kiêm khai mạc năm du lịch. Lúc này con Covid còn lởn vởn chứ chưa ập vào đợt 4 như nửa tháng sau đấy. Nghe nói, Ban tổ chức phải vời mấy bà, mấy chị ở tận huyện nào về cắm hoa. Mà quả thật, các giỏ, lẵng hoa ở đây được cắm rất đẹp. Trăng lung linh xuyên qua các tàng cây khiến khu đền hai vua này thêm huyền ảo.
Lễ giỗ vua Lê Đại Hành được tổ chức trang trọng
Có rất nhiều giai thoại về mối quan hệ tay ba giữa vua Đinh Tiên Hoàng, bà Dương Vân Nga và Thập Đạo tướng quân Lê Hoàn, người sau này sẽ là vua Lê Đại Hành mà tôi đang kính cẩn thắp hương đây. Người đề cao, người chê trách.
Nhưng nghĩ, được như bà Dương Vân Nga hỏi có mấy người. Và Thập Đạo tướng quân Lê Hoàn rõ ràng là một vị tướng tài, một vị vua giỏi. Giờ vùng Hoa Lư quê ngoại tôi luôn tự hào là đất 2 vua. Cái cụm từ đền vua Đinh vua Lê luôn được nhắc một cách trìu mến và đầy tự hào đối với những người dân ở đây.
Và tôi tự hào vì tôi là cháu ngoại họ Lê, mẹ tôi họ Lê là vì thế.
Món danh bất hư truyền của Ninh Bình
Tôi lại đặt ra một yêu cầu khó với các em tôi khi chúng thay nhau mời cơm: Các em cho anh ăn một bữa... rêu đá, món danh bất hư truyền của Ninh Bình, hơn món dê hôm qua các em đãi nhiều. Chúng... ngơ ngác, và đồng thanh: Bảo lấy "gan trời" có khi còn dễ hơn kiếm rêu đá bây giờ?
Lại nhớ cách mươi năm chi đó, một đêm lạnh cắt ruột mùa giáp tết, tôi và nhà văn Sương Nguyệt Minh - ông Ninh Bình toàn tòng, ngồi ở nhà hàng của một người cháu ông Minh ở ngay thành phố. Cháu bảo 2 chú ăn gì cháu làm, tự tay cháu làm, rồi 3 chú cháu mình ngồi.
Tôi dè dặt ý tứ nhìn ông Minh, ông bảo ưu tiên ông Hùng, thế là tôi vừa dõng dạc vừa thẽ thọt: cho chú rau lang chấm mắm cáy nhé, nộm hoặc riêu cua rêu đá nhé. Nửa tiếng sau thì rau lang luộc mắm cáy mang lên, tất nhiên kèm "phụ gia" là thịt gà, cá rán, chân giò vân vân. Rồi ông cháu khúm núm xoa tay: Chú ơi, bảo cháu lấy "gan trời" bây giờ cháu có thể tìm ra, chứ rêu đá thì quả là, khó hơn dựng lại núi Sẻ chú ạ.
Mà đúng thật. Rêu đá là sự hôn phối, giao hoan vĩ đại giữa mưa và đá vôi, mà phải là đá vôi cổ tích. Mà giờ, cái núi Sẻ ấy còn đâu nữa. Các vùng khác có thể còn đá vôi như Tam Cốc Bích Động, nhưng "đá vôi cổ tích" thì kiếm đâu ra, thêm nữa, mưa giờ cũng khác...
Nửa năm sau, tại Pleiku, tôi đang chuẩn bị ngủ thì có điện thoại. Nhà văn Nguyễn Trọng Luân trên đường đi thăm lại chiến trường xưa, ông là lính, chiến đấu ở đường 7 năm 1975, gọi tôi, nói là ông Sương Nguyệt Minh gửi ông một cái lọ nhựa, chả biết là cái gì, ông chuẩn bị nhận, đưa địa chỉ tôi đến.
Nó là rêu đá, nhưng đã phơi khô.
Rêu đá đã được phơi khô
Tôi làm một đại tiệc. Thì nấu nước sôi ngâm lại cho rêu mềm. Nước mắm chanh ớt tỏi, với lạc rang, cứ thế trộn với nhau, thành một món nộm hấp dẫn cả những kẻ kén ăn nhất. Một nửa còn lại nấu riêu cua, đúng chuẩn riêu cua Ninh Bình, là có... cua, mẻ, cà chua. Trời ạ, nó ầm ĩ tiếng suỵt soạt ở nhà tôi hôm ấy.
Giờ thì chịu rồi. Nghe nói rêu đá khô vẫn còn, nhưng để ăn được nó giờ khó hơn ăn yến. Giờ hầu như chỗ nào cũng có yến, chứ ngày xưa nó là món chỉ vua mới được mời. Còn rêu đá, thảng hoặc thôi.
Ninh Bình còn có cái làng đá Ninh Vân nổi tiếng.
Vào thăm, thấy họ xử lý đá giống như người Huế xử lý bột mì nhất để làm bánh bột lọc, dễ hơn cả cắt mẹt bánh đúc ra thành từng miếng vuông vức nữa. Nhưng giờ, nghe nói đá Ninh Bình cũng hết, họ phải vào tận Thanh Hóa mua đá núi Nhồi về chế tác. Nghe nói tôi ở Pleiku ra, một "ông trẻ" reo lên: cháu vừa vào giao hàng trong ấy, một cái cổng đá.
Tôi cũng từng vào thăm làng đá Non Nước Đà Nẵng, và quả là, là nhận xét riêng thôi ạ, dân Ninh Vân này biết cách thổi hồn vào đá tinh tế hơn, sống động hơn.
Nước non mình đẹp quá
Ninh Bình giờ là nơi đang có những ưu thế tuyệt vời về du lịch. Thì cái khu Tam Cốc Bích Động mà không kinh à? Ai từng vào đấy, bơi thuyền ở đấy, xuyên qua hết hang này tới núi nọ, có những cái hang như chắn hết lối đi, rạp người trên thuyền chui qua, lại mở ra một mênh mông đồng năm lác, để rồi lại tiếp nối hang.
Chả thế như số trước tôi kể, ông Bình Ca mấy năm về "nằm vùng" làm phó chủ tịch tỉnh này, viết quyển "Đi trốn" để như là trả nghĩa, nó là một câu chuyện, nhưng trên hết là một thiên truyện về phong cảnh hang động Ninh Bình, mê mẩn, mê ly và mê hoặc...
Quần thể danh thắng Tràng An
Mà đâu đã hết, còn những là cả một quần thể danh thắng Tràng An, vườn quốc gia Cúc Phương, nhà thờ Phát Diệm vân vân nữa. Cũng lại nhớ cái năm nào đấy, tôi cùng nhà văn nhà báo Xuân Ba, nhà thơ Lê Quang Sinh, trên đường về Thanh Hóa, chả cơn chả cớ gì, bỏ ngang, chui vào rừng Cúc Phương thuê phòng ngủ qua đêm để hưởng cái thú đêm giữa rừng, dù về cơ bản nơi này người ta chỉ đến vào ban ngày.
Ngay cái khu cố đô Hoa Lư mà tôi mới chỉ vào thắp hương ở đền thờ vua Đinh, vua Lê ấy, đi cho hết cũng đã ngoạn mục rồi. Riêng hệ thống hang động của tỉnh này, nếu chơi cho đã, cũng phải cả tháng. Và đi xong rồi mới ngơ ngẩn thốt lên: Nước non ta đẹp quá, hùng vĩ quá, và chúng ta nhỏ bé xiết bao trước thiên nhiên hùng vĩ này...
Tìm về nguồn cội
Ở Ninh Bình hai ngày, tôi lại quay về Nghệ An. Lần này không phải là Vinh, mà là Hoàng Mai, nơi 600 năm trước, ông tổ của họ Văn lập nghiệp. Và giờ, cái mộ tổ họ Văn ở phường Mai Hùng, thị xã Hoàng Mai được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Giỗ tổ họ Văn lại trùng giỗ tổ Hùng Vương, cũng là một điều lạ.
So với các họ trong cả nước, Văn là họ nhỏ. Thậm chí trước 1975 khi tôi còn ở ngoài Bắc nó là họ... lạ. Còn nhớ, có lần ở sân trường cấp 3 Lam Sơn, một trong những niềm tự hào của xứ Thanh, tên tôi được xướng lên trong một cuộc thi học sinh giỏi và gần như tất cả đều ngoái nhìn. Giờ mới đang quy tụ lại, và té ra tỉnh nào cũng có.
Tìm về nguồn cội cũng là một nét văn hóa của người Việt, nó khiến cho, cái riềng mối nước nhà ấy, bên cạnh trách nhiệm công dân của mỗi người, còn có cái nghĩa cái tình, cái gắn kết dòng họ, để người Việt, có đi đâu làm ăn ở đâu, cứ giỗ là về, tết là về. Dù rằng, nói thật, cái sự cứ tết là rùng rùng chuyển động về quê, nó khổ vô cùng, càng ngày càng vất vả dù tàu xe đường xá ngày càng nhiều...
Nhưng cũng đang có có xu hướng, tết giờ là đi du lịch, nhất là ở các gia đình trẻ. Thăm nhà tranh thủ các ngày nghỉ trong năm, tết là đóng cửa đi du lịch.
Chuyến đi của tôi, gọi là du lịch cũng được, việc nhà cũng được. Kể tuổi này, đi được từng ấy nơi bằng xe tự lái cũng gì phết, ấy là bạn bè tôi nói vậy, chứ tôi thấy cũng... bình thường. Chưa kể còn phải gặp gỡ, giao lưu, rồi khuya thì viết, ghi lại như một dạng nhật ký để phục vụ bạn đọc, như một cách lan truyền năng lượng.
Cũng may, về tới nhà, cất xe, bay ra Hà Nội có một cuộc họp, bay tiếp vào Cần Thơ nghỉ lễ 30/4 với cháu ngoại xong bay về Pleiku thì vừa dịch đợt 4 tới. Ngồi tránh dịch ở nhà, đếm từng ngày để... đi tiếp, vẫn có mấy cuộc hẹn đang chờ...
Chuyến tôi đi, còn thiếu 2 ngày nữa là đủ 1 tháng...
(Hết)
Rời Thanh Hóa, nhà thơ Văn Công Hùng tiếp tục chuyến phượt xuyên Việt của mình tới Ninh Bình, quê ngoại của nhà thơ.