TẠI SAO NƯỚC MỸ TĂNG CƯỜNG QUẢNG BÁ DU LỊCH

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

 

TẠI SAO NƯỚC MỸ TĂNG CƯỜNG QUẢNG BÁ DU LỊCH - 1Mùa hè qua, hội đồng nghề nghiệp cố vấn cho Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt đầu xem du khách mua sắm từ nước ngoài là một trong các yếu tố kích thích nền kinh tế Mỹ. Công ty Quảng bá Du lịch (CTP), một mô hình liên doanh công tư được quốc hội Mỹ thành lập vào năm ngoái cho biết sẽ mở cuộc vận động quảng bá nước Mỹ là “Điểm đến du lịch mua sắm”. Thậm chí, bà Rebecca Blank, quyền Bộ trưởng Thương mại còn xem du lịch là “thành phần quan trọng trong chiến lược xuất khẩu mới của nước Mỹ”. Lý do là dù người nước ngoài mua sắm hàng Mỹ tại Mỹ, nhưng có thể xem đây là hình thức xuất khẩu tại chỗ, giúp kéo giảm thâm hụt thương mại cho Mỹ…

 

 

Mỹ đẩy mạnh quảng bá du lịch mua sắm

Nước Mỹ vốn là cái nôi của chủ nghĩa tiêu thụ, là mỏ vàng của các nhà xuất khẩu hàng hoá nước ngoài. Trung Quốc (TQ) thặng dư mậu dịch cũng nhờ thói “mê” mua sắm của người Mỹ, dù mua bằng nợ nần. Tuy nhiên, trong tình hình kinh tế ì ạch và thất nghiệp hiện nay, tầng lớp trung lưu Mỹ không còn tha thiết với việc mua sắm nữa. Để bù trừ, chính phủ Mỹ, các tổ chức thương mại và các chủ cửa hiệu đang tập trung thu hút càng nhiều du khách nước ngoài đến Mỹ mua sắm càng tốt trong cái gọi là “xuất khẩu tại chỗ” để giảm thâm hụt thương mại. Du khách TQ cũng đến Mỹ để mua về những hàng hoá gia công “Made in China” nhưng với giá rẻ hơn nhiều so với giá bán tại TQ.Để kích thích nền kinh tế đang ì ạch, trong tình hình không thể tăng xuất khẩu, nước Mỹ phải tìm cách tăng doanh thu xuất khẩu bằng cách…nhập càng nhiều du khách vào Mỹ mua sắm càng tốt, đặc biệt là những người mới giầu lên từ các nền kinh tế đang nổi dậy, trong cái gọi là “chiến lược xuất khẩu tại chỗ”. Nước Mỹ có truyền thống đi đầu thế giới trong việc nhập dầu hoả, thực phẩm, xe cộ và quần áo. Nay nước Mỹ muốn nhập thêm “mặt hàng” mới: người mua sắm (shopper). Lần đầu tiên, các nghị sĩ Quốc hội, doanh nhân và cả các quan chức Nhà trắng đang ve vãn người tiêu dùng từ những nước dư dả tiền mặt như TQ, Ấn Độ và Brazil (nhóm nước Brics) đến các siêu thị, thương xá tại Mỹ mua sắm để thế chỗ cho những khách hàng Mỹ đang tiết kiệm từng đồng xu trong thời buổi kinh tế khó khăn. Thói sính tiêu dùng của người Mỹ, một thời được xem là động lực tăng trưởng kinh tế của đất nước đã chậm hẳn lại khi nhiều gia đình phải đương đầu với nạn thất nghiệp và giá nhà cao. Năm ngoái, Tổng Sản lượng Nội địa (GDP) của Mỹ tăng 3%, trong khi GDP của TQ và Ấn Độ tăng trên 10%, Brazil 7,5%. Xung lực tăng trưởng chuyển sang khu vực địa chính trị khác đã phát sinh ra chiến thuật lôi kéo người nước ngoài chia sẻ bớt sự giầu có cho các cửa hàng Mỹ. Chính phủ Mỹ và chính quyền một số bang ở Mỹ đang mời gọi du khách nước ngoài bằng những chiêu tiếp thị như dùng phiếu giảm giá (coupon), các cuộc thi sắc đẹp và cả lời hứa cải cách thủ tục cấp visa sao cho nhanh gọn hơn. Lợi ích của chiến thuật này không nhỏ: thêm 1,3 triệu việc làm mới và bổ sung vào nền kinh tế 859 tỉ USD trong thập niên tới. “Có thể xem đây là chương trình kích cầu du khách của các chủ cửa hàng Mỹ” - David French, Phó Chủ tịch Phụ trách Quan hệ Đối ngoại của Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia (NRF) nói.

TẠI SAO NƯỚC MỸ TĂNG CƯỜNG QUẢNG BÁ DU LỊCH - 2

Xu hướng mới này cho thấy nước Mỹ đang phải trông cậy vào nước ngoài về cầu tiêu thụ, một lĩnh vực mà trước đây chỉ có nước ngoài trông cậy vào Mỹ, lúc Mỹ còn là “đại diện số 1 của chủ nghĩa tiêu thụ”. Khi người dân không còn mua sắm vung vít như xưa nữa thì nước Mỹ không còn cách nào khác là dựa vào những người mua sắm đến từ bên ngoài. Trong vài chục năm trở lại đây, nước Mỹ đã giao việc chế tạo hàng hoá tiêu dùng cho TQ và các nước khác, khiến cán cân thương mại của Mỹ bị mất cân bằng nhiều tỉ USD mỗi năm, phải vay mượn nước ngoài (thông qua trái phiếu Mỹ) để bù vào sự mất cân bằng này. Nay, chính phủ Mỹ khuyến khích du khách nước ngoài đến Mỹ để mua lại các sản phẩm “nhờ làm” hay “nhờ gia công” này. Và con số người nước ngoài tình nguyện “cứu nguy cho chủ nghĩa tiêu thụ Mỹ” ngày càng tăng. Guo Hui, 37 tuổi đã trở về TQ sau chuyến du lịch 2 tuần đến Yellowstone National Park, Houston và Los Angeles. Ông cho biết đã bỏ ra 2.000 USD thuê một chiếc xe chở vợ con đi chơi. Họ mua từ áo pull Ed Hardy đến laptop Apple, laptop HP đến thực phẩm trẻ em với tổng số tiền lên đến 6.000 USD. Guo cho biết nếu mua những món này tại TQ ông sẽ phải trả tiền nhiều hơn. Ví dụ một đôi giày Adidas mua tại Mỹ chỉ có 25 USD. “Với số tiền như thế, bạn chỉ có thể mua được một đôi Adidas nhái tại TQ” – ông nói.

TẠI SAO NƯỚC MỸ TĂNG CƯỜNG QUẢNG BÁ DU LỊCH - 3


TẠI SAO NƯỚC MỸ TĂNG CƯỜNG QUẢNG BÁ DU LỊCH - 4


TẠI SAO NƯỚC MỸ TĂNG CƯỜNG QUẢNG BÁ DU LỊCH - 5

Khi du khách tham gia cứu nước Mỹ

Theo dự tính, năm 2011, tổng chi tiêu mua sắm của người nước ngoài tại Mỹ sẽ tăng 13% so với năm ngoái, đạt gần 87 tỉ USD. Du khách Canada, Nhật và Anh chiếm một khoản chi tiêu lớn, nhưng du khách TQ có mức tăng trưởng chi tiêu nhanh nhất, tăng đến 39% trong năm 2010, đạt 5 tỉ USD. Du khách Brazil bám sát với mức tăng 30%, đạt 6 tỉ USD. Tiếp theo là Ấn Độ, tăng 12%, đạt 4 tỉ USD. “Tôi không nghĩ du khách nước ngoài là viên đạn bằng bạc mang lại đột phá cho nền kinh tế Mỹ nhưng họ đã tạo ra sự khác biệt quan trọng” - Brian Bethune, giáo sư kinh tế tại Đại học Amherst nhận định. Đó là lý do tại sao Ủy ban Du lịch Nevada (NCT) đã vận động tổ chức vòng bán kết cuộc thi hoa hậu người Hoa “Miss Chinese Cosmos” vào tuần cuối tháng 9. 18 thí sinh vào vòng chung kết được tham quan những “điểm đến du lịch” của bang, dự lễ hội cao bồi Wild West ở Virginia City và đi xuồng đạp chân phong cách Mississippi trên hồ Lake Tahoe (dẫn đường là một người hoá trang như văn hào Mark Twain. Cuộc thi kéo dài 7 ngày này đã “rửa mắt” cho 225 triệu người xem khắp TQ với hy vọng sẽ “lay động được tình yêu nước Mỹ” của họ. “Chúng tôi muốn giới thiệu cho người TQ những cảnh quan tuyệt vời của Nevada và tin rằng họ sẽ sớm đến đây du lịch và mua sắm. Chiến thuật quảng bá này chắc chắn sẽ có hiệu quả rất lớn” - Larry Friedman, quyền giám đốc NCT nói. Tại trung tâm thời trang Fashion Outlets ở kinh đô cờ bạc Las Vegas, nằm dọc biên giới California-Nevada, số du khách từ TQ, Malaysia và HQ đăng ký dự vòng tham quan bằng xe buýt do trung tâm tổ chức đã tăng 300% trong năm qua (số liệu do Ann Ackerman, giám đốc tiếp thị của AWE Talisman, công ty mẹ của Fashion Outlets cung cấp). Trung tâm trao cho các du khách nước ngoài những cuốn sổ giám giá đặc biệt, sử dụng các “phát ngôn viên tiếp thị” nói sảnh sỏi tiếng phổ thông và các thông dịch viên tiếng Hoa trợ giúp đội ngũ bán hàng tại các cửa hàng thời trang. Đường dây nóng của trung tâm mua sắm có thể trả lời 150 thứ tiếng và nhận được trung bình khoảng 15 cuộc gọi điện tư vấn trong mỗi 11 phút. Tại Washington, khoảng 10% trong 17,3 triệu du khách đến thành phố mỗi năm là du khách quốc tế, nhưng họ lưu lại lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn du khách nội địa (Theo Destination DC, văn phòng phụ trách du lịch của thành phố). Cụ thể, mỗi du khách nước ngoài chi 813 USD cho chuyến lưu lại 5 đêm so với 275 USD của du khách Mỹ lưu lại có 3 đêm. Elliott Ferguson, giám đốc văn phòng cho biết thành phố có những đại lý du lịch tại Đức, Anh và vừa mở thêm đại lý tại Brazil. Mới đây, hãng hàng không Iceland Air đã quay một đoạn phim về thành phố để phát cho hành khách xem trên các chuyến bay của hãng. Chương trình quảng bá chú trọng vào ẩm thực, mua sắm và cuộc sống ban đêm hơn là chính trị. “Washington được nói đến hàng ngày trên thế giới như thủ đô chính trị của nước Mỹ, nhưng đó không phải là mục tiêu thu hút du khách của chúng tôi” – ông nói. Tuy nhiên, không thể phủ nhận là có nhiều du khách đến Washington là vì tò mò muốn biết cuộc sống chính trị của nước Mỹ ra sao. Tuần qua, Thượng nghị sĩ Joseph J. Heck thuộc đảng Cộng hoà đã đệ trình một dự luật nhằm cắt giảm thời gian chờ nhận visa của du khách xuống còn 12 ngày, nêu lý do là sự chờ đợi tại các lãnh sự quán Mỹ ở các thị trường quan trọng có khi lên đến 100 ngày, khiến nhiều du khách nản lòng. Bộ Ngoại giao Mỹ hứa sẽ giảm thời gian chờ đợi còn 30 ngày. Phát ngôn viên của bộ cho biết đã tăng cường “ý nghĩa” số nhân sự xét thị thực tại Brazil và TQ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng tại hai nước này. Guo phàn nàn là anh phải chờ gần 2 tháng mới được phỏng vấn cấp visa. Visa chỉ có giá trị một năm, và phải xin lại nếu muốn đến Mỹ sau thời gian đó. Những điểm đến anh dự định ghé thăm trong chuyến đi tới là New York, Miami và Orlando. “Lý do chậm trễ một phần là có quá nhiều người TQ muốn đi du lịch Mỹ” - Hui nói.

TẠI SAO NƯỚC MỸ TĂNG CƯỜNG QUẢNG BÁ DU LỊCH - 6

L.X

(Theo The Economist, Business Week, The Financial Times và The Washington Post 11.2011

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT