Hà và mẹ đang ngồi ăn bún bò Huế ở gần nhà, mẹ Hà đột nhiên thấy thèm ăn chè Huế, mà phải là chè Huế "chính gốc". Ngày hôm sau, Hà và mẹ đặt vé bay từ Hà Nội để thưởng thức đặc sản cố đô cũng như tham quan nhiều điểm di tích cổ kính...
Hà và mẹ đang ngồi ăn bún bò Huế ở gần nhà, mẹ Hà đột nhiên thấy thèm ăn chè Huế, mà phải là chè Huế "chính gốc". Ngày hôm sau, Hà và mẹ đặt vé bay từ Hà Nội để thưởng thức đặc sản cố đô cũng như tham quan nhiều điểm di tích cổ kính...
Cố đô Huế ngoài thành quách, đền đài, lăng tẩm... nhuốm màu thời gian, in dấu vết lịch sử, còn có “thiên đường ẩm thực” được nhiều du khách muốn khám phá, thưởng thức.
Huế cổ kính, nên thơ
Lê Thu Hà, đến từ Hà Nội, vừa kết thúc chuyến đi 4 ngày 3 đêm ở Huế đầy mỹ mãn và vui vẻ. Đặc biệt, chuyến đi Huế này có thêm một người bạn đồng hành, đó là mẹ của Hà.
“Mình và mẹ đã đi du lịch cùng nhau rất nhiều lần, từ trong nước đến nước ngoài, chắc phải hơn 10 lần hai mẹ con đi với nhau, bố mình hay bận nên không đi cùng. Mình chọn đi Huế với mẹ rất tình cờ, vì có hôm, mình và mẹ đang ngồi ăn bún bò Huế tại quán gần nhà, mẹ mình có bảo đột nhiên mẹ thèm ăn chè Huế, mà phải là chè Huế "chính gốc". Sau hôm đó, mình đặt vé đi Huế cùng mẹ để thưởng thức đặc sản cố đô cũng như tham quan nhiều điểm di tích...”, cô gái 22 tuổi chia sẻ với Tạp chí Du lịch TP Hồ Chí Minh.
Đây là lần đầu Hà đến Huế, dù trước đó được nghe rất nhiều về Huế. Các bạn của Hà hay tả Huế "buồn", "ít chỗ chơi". Bản thân cô nàng mê những công trình kiến trúc cổ kính nên lựa chọn đến Huế để trải nghiệm tận mắt xem thế nào.
Hai mẹ con đặt chân đến ngôi trường hồng bên dòng sông Hương
Bay vào Huế buổi sáng, hai mẹ con Hà lưu trú ở khách sạn trên đường Lê Lợi. Nơi đây khá ổn, đầy đủ tiện nghi, nằm ở trung tâm thành phố nên việc di chuyển và đi lại giữa các điểm du lịch thuận tiện, có view sông Hương mát mẻ, thơ mộng.
Đặt chân đến mảnh đất cố đô, hai mẹ con đi may áo dài, tham quan cung An Định, nghe ca Huế trên sông Hương, đi xích lô dạo quanh Huế.
Cổ kính cung An Định
Hà cho hay, hai mẹ con di chuyển đến cung An Định (số 97, đường Phan Đình Phùng), mua vé vào tham quan cung điện riêng của vua Khải Định và là nơi gia đình cựu hoàng Bảo Đại từng sinh sống. Cung An Định đối với Hà quá đẹp, dù diện tích không quá lớn nhưng được làm rất tỉ mỉ, tinh tế đến từng chi tiết.
Đến Huế chưa nghe ca Huế sẽ thật đáng tiếc. Sau khi tham quan cung An Định, hai mẹ con ăn tối rồi đi nghe ca Huế trên sông Hương. “Giá vé mua tại bến thuyền trên đường Lê Lợi, sau đó nghe hát trên thuyền khoảng 35 - 40 phút”, Hà chia sẻ.
Hai mẹ con tiếp tục khám phá Huế bằng việc đi xích lô dạo quanh trung tâm thành phố, đi qua một số điểm nổi tiếng như Đại Nội, chợ Đông Ba, cầu Trường Tiền...
Ngày thứ hai ở Huế, hai mẹ con Hà đặt chân đến lăng vua Khải Định, lăng vua Minh Mạng, lăng vua Tự Đức, làng hương Thủy Xuân, trường Quốc học Huế, Đại Nội và chùa Thiên Mụ.
“Lịch trình khá kín, tuy vậy mọi người hoàn toàn có thể làm theo được nếu tự chủ được phương tiện di chuyển và có thời gian tham quan các lăng không quá lâu, mình và mẹ đi mỗi điểm trên khoảng 45 - 60 phút. Mọi người nên đi 3 lăng và làng hương cùng một buổi, vì 4 điểm này nằm cùng một hướng và cách xa trung tâm thành phố”, Hà tiết lộ.
Khi tham quan nhiều điểm ở Quần thể di tích Cố đô Huế, du khách mua vé combo sẽ tiết kiệm chi phí hơn. Hà chọn vé combo 3 lăng và Đại Nội, mua tại các quầy bán vé tại 1 trong 4 điểm du lịch.
Hai mẹ con tham quan lăng vua Khải Định
Hai mẹ con chọn tham quan lăng vua Khải Định đầu tiên. Đây là một trong số lăng vua được nhiều du khách tìm đến. “Anh lái xe gợi ý nhà mình nên đi lăng Khải Định trước, vì ở đây mọi người sẽ leo bậc thang, đi sớm bớt nóng. Mình khuyến khích mọi người nên mặc áo dài hoặc Việt phục khi đi tham quan các công trình này vì lên ảnh sẽ đẹp hơn. Mình rất thích lăng Khải Định vì có những bức tường được khảm sành sứ vô cùng kỳ công, mình đi thăm lăng vào buổi sáng nên thấy các bức tường lấp lánh và hoa mỹ vô cùng”, Hà chia sẻ.
Đến lăng vua Tự Đức
Tham quan lăng vua Minh Mạng, Hà thấy nơi này khá lớn, tuy không leo bậc thang nhiều nhưng đi bộ nhiều. Du khách nên chọn chỗ có mái che để đi hoặc mang ô, nón và đeo kính râm cho bớt nắng. Đến lăng vua Tự Đức, mọi người có thể cho cá ăn tại nhà Thủy tạ nằm trong lăng.
Làng hương Thủy Xuân gần đây trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Du khách đến Huế hầu như dành thời gian đến với làng nghề truyền thống này. Nằm trên đường Huyền Trân Công Chúa, gần các điểm du lịch hút khách, làng hương Thủy Xuân níu chân du khách bởi những màu sắc rực rỡ của chân hương và con người thân thiện nơi đây.
“Mình đi vào quán mệ Tuyết ở làng hương. Mệ bán đồ rất rẻ, vì vậy mọi người có thể mua ủng hộ hoặc làm quà. Ở đây có chỗ cho mọi người thuê áo dài để chụp ảnh”, Hà cho hay.
Check-in ở làng hương Thủy Xuân
Trở lại trung tâm thành phố, Hà cùng mẹ ghé vào trường Quốc học Huế để chụp ảnh, rồi đi ăn trưa, về khách sạn nghỉ ngơi.
Chụp ảnh ở Đại Nội Huế
Đại Nội Huế là địa điểm tiếp theo của hai mẹ con Hà. Cô nàng chọn đi điểm du tích này vào khung giờ xế chiều để tránh cái nắng nóng xứ Huế.
Cách không xa chốn Hoàng cung, chùa Thiên Mụ nằm bên bờ sông Hương thơ mộng. Hà cùng mẹ đến viếng cảnh chùa, tham quan ngôi chùa nổi tiếng nhất cố đô.
Đại Nội Huế tỏa bóng mát
Ngày thứ ba của hai mẹ con Hà trọn vẹn với phố cổ Bao Vinh, cầu ngói Thanh Toàn, rừng ngập mặn Rú Chá, đón hoàng hôn ở đầm Chuồn - phá Tam Giang.
Nằm cách trung tâm thành phố chỉ vài cây số, phố cổ Bao Vinh là nơi còn lưu giữ nét cổ kính với nhiều ngôi nhà cổ. “Mình và mẹ chọn vào quán cafe Mắt Biếc để uống cafe muối. Quán là địa điểm xuất hiện trong bộ phim Mắt Biếc, vì vậy mọi người thấy khá nhiều ảnh về phim ở đây, nhạc cũng là từ phim Mắt Biếc. Mọi người có thể chụp ảnh hoặc nhờ anh chủ quán chụp, anh rất nhiệt tình đứng giữa đường chụp ảnh và cũng căn ảnh rất chuẩn để lấy được hết background của quán”, Hà chia sẻ.
Rời phố cổ Bao Vinh, hai mẹ con Hà di chuyển về cầu ngói Thanh Toàn (thị xã Hương Thủy). Cảnh vật nơi đây bình dị, không kém phần nên thơ, hiện lên trong lòng du khách về một làng quê yên bình bên dòng sông Như Ý.
Rú Chá ngày nắng đẹp
Chiều về, rời xa phố thị sầm uất, hai mẹ con về nơi có những đồng lúa mênh mông và đầm sen bạt ngàn để thăm rừng ngập mặn Rú Chá (xã Hương Phong). Không khí mát mẻ, được bao quanh bởi cây cối nên đi sớm hay muộn đều không quá nóng.
“Ở sâu bên trong, có ngôi nhà hai ông bà ở trông nom rừng. Họ ở đây hàng chục năm trời rồi. Nhà hai ông bà còn có một số chòi nghỉ mát. Nếu đi theo nhóm, các bạn có thể qua đây chơi, ngồi hóng gió mát mẻ và thơ mộng”, Hà nói.
Cảnh đẹp chốn đầm Chuồn
Hướng về thành phố, hai mẹ con di chuyển đến đầm Chuồn hội quán. Đầm Chuồn thuộc hệ đầm phá Tam Giang, nơi đây có khu ăn uống, nhà hàng, chèo thuyền sup.
“Mình và mẹ lựa chọn đến đầm Chuồn hội quán để đón hoàng hôn và ăn đặc sản ở đầm Chuồn là món bánh khoái cá kình. Để ra được đây, mọi người cần đi thuyền của quán, đi miễn phí. Nếu thích có thể lựa chọn bơi thuyền sup ngắm hoàng hôn rất hay”, Hà cho biết thêm.
Ngày cuối cùng ở Huế, Hà cùng mẹ đi ngắm bình minh trên sông Hương, dạo bên bờ sông Hương, chụp ảnh cầu Trường Tiền, trả phòng khách sạn và đi cafe đợi ra sân bay về Hà Nội.
Nhắc đến chè Huế, Hà nói: “Mình chọn đi chè Hẻm, ở đây có chè sen rất thơm, chè bột lọc dừa dễ ăn, chè thập cẩm có hơi ngọt đối với mình, chè hoa quả dễ ăn nhưng không quá đặc sắc. Hai mẹ con mình tiếp tục đi ăn chè 20 món. Chè bưởi rất ngon, mẹ mình cũng đã ăn liên tiếp hai ngày liền và rất ưng”. Ngoài chè Huế, họ còn thưởng thức bánh canh cá lóc, bánh bèo – nậm – lọc, cafe muối...
Kỷ niệm đáng nhớ trong chuyến đi này là lúc hai mẹ con đòi đi tới... nửa vòng Huế để ăn bánh canh cá lóc mà theo lời của anh lái xe là "bánh canh cá lóc ngon nhất Huế". Quán này gần cầu ngói Thanh Toàn bán rất rẻ và ngon.
“Bình thường hai mẹ con ăn bánh canh ở gần Đại Nội Huế, nay đổi gió sang ngoại ô Huế nên cũng khá mới mẻ và cũng rất may mắn vì quán rất ngon và chất lượng. Mình và mẹ thích ăn bánh canh cá lóc tới mức ăn liền trong hai ngày”, Hà cho hay.
Cô gái Hà thành trót đem lòng yêu thương mảnh đất này
Chia sẻ cảm xúc về chuyến đi Huế, Hà tâm sự: “Mình rất thích Huế, đối với mình Huế không hề buồn chút nào. Khách sạn mình ở nằm trên đường Lê Lợi, cùng trục đường với phố Tây, bến thuyền, cầu Trường Tiền, trường Quốc học và trường ĐH Sư phạm Huế nên hiếm khi mình thấy phố "buồn" và vắng người. Người dân Huế đối với mình rất dễ thương, hiếu khách và thân thiện. Sau chuyến đi, mình đã đem lòng yêu mảnh đất này rất nhiều và hứa hẹn sẽ quay trở lại vào một dịp gần nhất...”.