Thăm Tân Lạc - một trong những cái nôi văn hóa của người Mường

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình là một trong những cái nôi văn hóa của người Mường, với những giá trị truyền thống được lưu giữ như Mo Mường, chiêng Mường, cùng nhiều sản phẩm thủ công đặc sắc.

Nằm ở cửa ngõ vùng Tây Bắc, cách thủ đô Hà Nội khoảng 100km, sở hữu không gian rộng lớn, trong lành và thoáng đãng, cộng với bản sắc dân tộc đậm đà, Tân Lạc là điểm đến lý tưởng cho những ai vừa yêu thích văn hóa Mường vừa muốn tận hưởng cuộc sống yên bình, tránh xa ồn ào của thành phố.

Thăm Tân Lạc - một trong những cái nôi văn hóa của người Mường - 1

Một góc xóm Chiến của bà con người Mường, huyện Tân Lạc, Hòa Bình. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Theo cách phân chia của người Mường, Hòa Bình xưa gồm bốn vùng Mường xếp theo thứ tự “Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động”, trong đó Mường Bi là rộng lớn nhất. Ngày nay, đất Mường Bi chính là huyện Tân Lạc, vùng đất của những thung lũng trù phú với ruộng vườn, cây trái ngọt lành.

Huyện Tân Lạc được biết đến là một trong những cái nôi văn hóa của người Mường, với những giá trị truyền thống được lưu giữ như Mo Mường, chiêng Mường, hát Thường đang, Bọ mẹng, hát ví… cùng nhiều sản phẩm thủ công truyền thống đặc sắc như dệt thổ cẩm, đan lát, rượu cần và những lễ hội đặc sắc.

Cùng với đó là 19 danh lam, di tích khảo cổ cấp tỉnh và quốc gia; các địa danh tâm linh như Hang Bụt-động Mường Chiềng, động Nam Sơn, làng Mường.

Vùng cao của huyện Tân Lạc gồm các xã Vân Sơn, Ngổ Luông, Quyết Chiến tiếp giáp với vùng rừng già nguyên sinh, vào những ngày hè oi nóng, nhiệt độ thấp hơn ở các khu vực khác từ 5-7 độ C. Con người nơi đây thật thà, đôn hậu, còn lưu giữ những nét văn hóa dân tộc Mường cổ.

Vùng hồ sông Đà - xã Suối Hoa được quy hoạch là vũng lõi của Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, có nhiều tiềm năng lớn để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa.

Vịnh Ngòi Hoa rộng hàng nghìn hécta quanh năm êm đềm, bốn mùa nước trong xanh. Trong hồ có nhiều đảo đá, đất xen lẫn rừng cây đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm, nghiên cứu, khảo sát, triển khai các dự án đầu tư, tập trung vào lĩnh vực phát triển du lịch cộng đồng, trải nghiệm, khám phá.

Đặc biệt là trên địa bàn huyện đang phát triển hoạt động du lịch cộng đồng ở xóm Ngòi (Suối Hoa), xóm Chiến (Vân Sơn); xóm Bưởi Cạn (Phú Cường) khu du lịch sinh thái bảo tồn thiên nhiên Lũng Mây, xã Quyết Chiến…

Bên trong những nếp nhà gỗ truyền thống, mọi đồ vật đều có một câu chuyện riêng, gắn với truyền thống của gia đình và bản làng. Đó có thể là bộ chiêng Mường trang trọng treo trên tường, những bộ trang phục truyền thống mặc riêng cho dịp lễ hội, bó thanh tre dựng dưới chân nhà sàn sẵn sàng cho những màn múa sạp tưng bừng.

Thăm Tân Lạc - một trong những cái nôi văn hóa của người Mường - 2

Những con đường quanh co dẫn lối vào bản ở xóm Chiến, xã Vân Sơn, huyện Tân Lạc. Người dân ở đây hầu hết vẫn giữ được nếp nhà truyền thống. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Đây cũng là không gian giới thiệu cho du khách các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể như Di sản văn hóa Mo Mường, Chiêng Mường nổi tiếng.

Hầu hết bản người Mường ở Tân Lạc đều nằm đan xen trong thung lũng. Ở đồng trũng, người dân trồng lúa, đồi cao thì trồng cây ăn trái. Chủ nhân của những khu vườn luôn mến khách, thân thiện.

Thật nhẹ nhõm khi được tới nơi mà mọi cánh cửa đều rộng mở chào đón, người dân thì hiếu khách, sẵn lòng cùng bạn lên rừng hái măng, ra suối bắt cá và quây quần cùng nhau trong bữa cơm đầm ấm như người trong gia đình.

Đặc biệt nhất ở đây là phiên chợ Lũng Vân chỉ cách xóm Chiến khoảng một cây số, là phiên chợ nổi tiếng nhất trong vùng. Duy trì đều đặn thứ ba hằng tuần, chợ Lũng Vân là điểm hẹn mua bán, trao đổi, giao lưu văn hóa của bà con con tại Tân Lạc (Hòa Bình), các huyện lân cận hay từ Bá Thước (Thanh Hóa) sang.

Nếu may mắn tới đúng ngày họp chợ, du khách không chỉ được trải nghiệm không khí chợ vùng cao mà còn tìm được những món đồ đặc sản như thổ cẩm, trang sức truyền thống do bàn tay khéo léo của những phụ nữ Mường làm ra, hay những gói chẳm chéo, mắc khén đậm hương vị núi rừng Tây Bắc mang về làm quà.

Với những tiềm năng và thế mạnh sẵn có, huyện Tân Lạc hứa hẹn là điểm đến thành công cho các nhà đầu tư trong các lĩnh vực phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm, gắn với phát triển dịch vụ thương mại, nông nghiệp sạch...

Ủy ban Nhân dân huyện Tân Lạc đã hướng mục tiêu phát triển mạnh ngành du lịch, dịch vụ; ban hành nhiều nghị quyết nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh vùng đất, con người… thu hút các doanh nghiệp triển khai dự án du lịch chất lượng cao, du lịch văn hóa cộng đồng.

Tuyến đường 435 từ thành phố Hòa Bình đến vùng lõi Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình (xã Suối Hoa) đã mở ra cơ hội lớn cho huyện Tân Lạc để thu hút đầu tư phát triển du lịch.

Hiện đã có nhiều dự án được cấp chủ trương đầu tư, nghiên cứu, khảo sát, xây dựng các khu nghỉ dưỡng sinh thái ven hồ, khách sạn, nhà hàng, khu thể thao dưới nước hay các trang trại sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng như dự án khu nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái hồ Hòa Bình với diện tích 304,9ha, vốn đăng ký đầu tư 800 tỷ đồng; dự án khu du lịch sinh thái Ngòi Hoa với diện tích 115,355ha, vốn đăng ký 474,719 tỷ đồng; dự án khu du lịch sinh thái V’Star-Ngòi Hoa có diện tích 183,55 ha, vốn đăng ký 125 tỷ đồng.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

TTXVN

CLIP HOT