Tết ở TP.HCM tuy vắng nhưng chẳng lặng. Nếu không đi chơi xa, người dân thành phố vẫn có đủ chốn hay, phố xịn chẳng kém cạnh các địa phương khác để vui xuân.
Đường hoa Nguyễn Huệ - Biểu tượng xuân bừng sắc giữa lòng thành phố
Đầu xuân, khi phố Nguyễn Huệ “lột xác” thành một đại phẩm nghệ thuật, người dân thành phố lại thức dậy niềm hy vọng về sự khởi sắc, sung túc, bình an cho năm mới. Hơn 2 thập kỷ góp phần làm nên cảnh quan xuân mới ở thành phố mang tên Bác, Đường hoa Nguyễn Huệ đã trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu mỗi dịp Tết về. Dựa trên hình ảnh linh vật hàng năm, phố đi bộ sẽ biến hoá trở thành các tuyệt tác nghệ thuật kết từ muôn hoa và sự nỗ lực của hàng trăm con người.
Năm nay, mừng Tết Giáp Thìn, đường hoa lấy chủ đề Xuân yêu thương, Tết sum vầy dựa trên 3 gam màu chủ đạo cam - đỏ - vàng đến từ 99 chủng loại hoa. Trải dài hơn 600m, đại công trình được chia thành ba phân đoạn với các khu đại cảnh và tiểu cảnh theo nhóm chủ đề Nguồn cội quê hương, Băng sông vượt biển và Vươn mình hội nhập. Trong đó, điểm nhấn chính là kỷ lục linh vật Rồng dài hon 100m, kích thước vòng đầu hơn 2m, với hơn 90% chất liệu thân thiện với môi trường từ mây tre và mành quạt nan.
Xuyên suốt 7 ngày từ 28 tháng Chạp đến mùng 5 Tết, đường hoa sẽ chính thức khai mạc, phục vụ người dân du xuân đón lộc. Những khu vực đại cảnh “Nhất đại Thăng Long” với diện tích hơn 1.000m2, đại cảnh “Thuyền rồng hoa xuân” diện tích lên đến 900m2, đại cảnh” Vườn mai Bác Hồ” cùng các trung cảnh “Cửa chín rồng”, “Lễ hội mùa xuân”, “Mây thủy tinh” chắc chắn sẽ tạo nên đa dạng phong cảnh nên thơ cho những bức hình đoàn viên đầu năm mới.
Chợ Hoa Bến Bình Đông - Sống lại một thuở hào khí Sài Gòn - Gia Định
Cuối thể kỉ XVIII, từ Cù Lao Phố (Biên Hoà, Đồng Nai), một cộng đồng người Hoa di dân đến kênh Tàu Hũ lập nghiệp, tạo tiền đề gây dựng nên dáng hình Bến Bình Đông. Xuôi cùng sự phát triển rực rỡ của đô thị Gia Định vào thế kỉ XIX, khu vực này nhanh chóng trở thành cửa ngõ thông thương sầm uất nhất nhì khu Sài Gòn - Chợ Lớn xưa và là một trong những vựa lúa lớn bậc nhất Nam Bộ. Sự đổi thịt thay da của hòn Ngọc viễn Đông dần phủ lên cảnh sắc nhộn nhịp thuở nào sự yên bình mới.
Ngày nay, độ khoảng 15 đến 30 tháng Chạp âm lịch, hàng trăm chiếc thuyền từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ nô nức tụ họp, mang hương sắc trăm hoa làm sống dậy một thuở oanh vàng của Bên Bình Đông. Cùng với lễ hội “trên bến dưới thuyền”, người dân thành phố, du khách từ khắp nơi đổ về để thưởng lãm tác phẩm thảm hoa trên sông kéo dài hơn 3km, và vui chọn hoa tươi tứ xứ mang hy vọng khởi đầu năm mới rạng rỡ.
Năm mới, ghé thăm chợ Hoa Xuân Bến Bình Đông để chạm mặt một chứng nhân lịch sử trường tồn với mảnh đất này.
Phố ông đồ - Nét chữ mới nối gót tiền nhân tái hiện tục xưa
Đến TP.HCM dịp Tết không thể bỏ qua những phố ông đồ. Nổi tiếng hơn cả là tuyến phố ông đồ thường niên ở trung tâm Quận 1. Kéo dài từ ngoài con đường Nguyễn Thị Minh Khai, Phạm Ngọc Thạch vào trong Nhà Văn Hoá Thanh Niên, không gian xuân được tái hiện hoành tráng thu hút hàng ngàn người dân. Tại đây, các dãy quầy hàng thư pháp truyền thống nằm cạnh các quầy hàng làng nghề truyền thống, đan xen là đa dạng cụm tiểu cảnh đẹp mắt và đường hoa mai vàng rực.
Đặc biệt, bắt đầu từ năm 2006, cạnh những nghệ nhân thư pháp tài hoa, thế hệ ông đồ trẻ xuất hiện ngày càng nhiều, tăng dần đều mỗi năm. Thậm chí… có cả những “bé” đồ chỉ mới 13 tuổi với 3 năm kinh nghiệm thư pháp. Hình ảnh đa thế hệ trong cùng một không gian gói thêm ý nghĩa về tinh thần trách nhiệm trong việc cùng gắng sức bảo tồn văn hoá Việt trong thời kì số hoá vũ bão. Những phố ông đồ cùng phong cách có thể tìm thấy tại Cung văn hóa Lao động, công viên Tao Đàn..
Nét đẹp phong tục này cũng được nối dài ở nhiều quận khác tại thành phố. Các Phật tử có thể tham gia hoạt động văn hóa này và kết hợp vừa du xuân cảnh chùa thông qua lễ hội phố ông đồ ngay trong khuôn viên các chùa như Việt Nam Quốc Tự (quận 10, Tp.HCM), chùa cổ Giác Lâm .
Bên cạnh nét phố ông đồ hiện đại. tại khu vực đường Trần Quý, Phó Cơ Điều (quận 11, TP.HCM), nhiều ông đồ chuyên nghiệp lại bày sạp trước cửa nhà, viết sẵn các câu đối phục vụ cư dân. Không áo the khăn xếp, những ông đồ với tuổi nghề hàng chục năm khoan thoai múa từng nét chữ, đưa lời hay ý đẹp thăng hoa trên tờ liễn đỏ.
Phố tài lộc rực đỏ bên hông Chợ Lớn
Độ 3 tuần trước khi hết tháng Chạp, con đường thuốc Bắc lại khoác lên mình chiếc áo đỏ vàng điệu đà, chính thức lột xác thành chợ bán đồ trang trí Tết lớn nhất Sài Gòn. Trong những ngày cao điểm, lượng người mua không ngơi, tấp nập kín đến hết 600m. Bên cạnh muôn loài hoa lá giả, đa dạng kích thước câu đối liễn đỏ, tiền vàng, nhóm sản phẩm bám theo xu hướng linh vật năm tới rất được ưa chuộng. Như năm nay, lồng đèn rồng vàng, tranh dán rồng ngự trời xanh, tranh Đông Hồ rước rồng,..
Bên cạnh những người mua sỉ - lẻ, phố tài lộc còn thu hút lượng lớn khách du lịch tham quan, tìm hiểu văn hóa. Đây cũng là địa điểm chụp hình “sống ảo” của giới trẻ Sài Gòn dịp cận Tết.
Phố đường sách mở bát tri thức với Lễ hội rực rỡ
Kể từ năm 2016, Lễ hội đường sách Tết đã nối dài vào phố ông đồ, đường hoa Nguyễn Huệ, tạo thành chuỗi không gian mừng xuân tưng bừng ở khu vực Quận 1. Qua mỗi năm, chương trình được đầu tư về quy mô, chất lượng nhanh chóng trở thành sự kiện thu hút hàng trăm ngàn khách vui chơi.
Từ ngày 28 tháng Chạp Âm lịch tức 7/2/2024, Lễ hội Đường Sách Tết Giáp Thìn sẽ chính thức khai mạc với tổng diện tích lên đến 11.000m2 kéo dài từ Nguyễn Huệ đến công việc Quách Thị Trang, Quận 1. Điểm nhấn năm nay ắt là thiết kế đại cảnh trống đồng Đông Sơn hơn 300m2 mang biểu tượng văn hoá - lịch sử dân tộc, kết hợp cùng tiểu cảnh linh vật hình rồng ấn tượng đánh dấu sự trở lại của con giáp Thìn sau vòng chu kỳ 12 năm.
Đặc biệt, ngay mùng 1 Tết, lần đầu tiên chương trình "Lì xì sách", được diễn ra với khoảng 3000 đầu sách do đích thân các đại sứ văn hóa đọc TP.HCM gửi tặng. Dự kiến, có khoảng 2.000 - 3.000 cuốn sách trong chương trình. Với sự đồng hành của hơn 20 đơn vị, hàng ngàn ưu đãi, quà tặng hấp dẫn thay cho lộc đầu năm gửi bạn đọc và du khách.
Cùng với gian hàng sách công nghệ, nhiều hoạt động cũng được số hoá cho thấy nỗ lực đối mới của chính quyền. Từ đó, khích lệ đa dạng trải nghiệm đọc, nâng cao dân trí và tinh thần cầu thị kiến thức trong dịp đầu xuân mới.