Những ngày cuối xuân, khi cái lạnh vẫn còn se sắt, khi hoa mận hoa đào nở rực rỡ khắp các sườn núi, tô thắm những bản làng ẩn hiện trong sương, chúng tôi lại vác balo lên đường chinh phục những cung đường đèo dốc quanh co nơi miền núi đá.
Những ngày cuối xuân, khi cái lạnh vẫn còn se sắt, khi hoa mận hoa đào nở rực rỡ khắp các sườn núi, tô thắm những bản làng ẩn hiện trong sương, chúng tôi lại vác balo lên đường chinh phục những cung đường đèo dốc quanh co nơi miền núi đá.
Lần đầu nếm trải cái lạnh 6 độ C
Trước chuyến đi của tôi chỉ vài ngày, báo đài đưa tin Hà Giang nhiều nơi nhiệt độ xuống âm độ, có thể có tuyết rơi. Bạn bè tôi sinh sống ở Lũng Cú, Thượng Phùng, Cao Mã Pờ liên tục cập nhật hình ảnh những bông hoa, những vườn rau đóng băng tuyết, núi rừng trắng xóa một màu giá lạnh, bà con dân tộc phải mang chăn mền ra ủ ấm cho trâu bò hoặc di chuyển chúng xuống vùng thấp hơn tránh rét. Tôi không khỏi lo lắng thời tiết khắc nghiệt này sẽ làm hoa không bung nở được như mong chờ.
Chúng tôi chọn thuê xe máy nhà Giang Sơn – một trong những cơ sở uy tín và lớn nhất ở thành phố Hà Giang. Đến nơi lúc 3 giờ sáng nhưng đã có cả trăm khách đến chờ, chỗ thuê xe máy bố trí khu vực ngủ nghỉ, tắm rửa rất tiện nghi cho chúng tôi chờ đến khi trời sáng. Nói là ngủ chứ ai cũng chỉ chợp mắt, nôn nao mong chờ phút giây được khởi hành. Chưa đến 6 giờ, từng tốp khách đã lục tục xếp balo xuống nhận xe, chúng tôi cũng nhanh chóng lên đường đến với thiên đường hoa đang chờ đợi.
Đổ đầy bình xăng, tôi và mọi người cũng đi nạp năng lượng cho mình bằng một món đặc sản nổi tiếng ở ngay thành phố Hà Giang: bún vịt làng Bản Tùy. Bún được làm thủ công kết hợp với thịt vịt nuôi thả tự nhiên ngay tại bản, thịt vịt dai ngọt đặc trưng. Đây là một món ăn truyền thống của người dân tộc Tày.
Vừa ăn chúng tôi vừa trò chuyện với một bác già ngồi cạnh hỏi thăm về lịch trình của chúng tôi sẽ đi những đâu, thăm nơi nào. Bác bảo chúng tôi đi dịp này thời tiết đẹp hơn nhiều rồi, tha hồ ngắm hoa nở. Tôi nhìn điện thoại, lúc này: 10 độ. Đây là thời tiết đẹp ư? Tôi chưa từng chạy xe máy dưới tiết trời 10 độ nên không hình dung được sẽ lạnh cỡ nào. Xuất phát ở nơi thuê xe máy, anh chị chủ còn trang bị thêm cho mỗi người một bộ quần áo mưa. Sau này mới hiểu, áo mưa không chỉ dùng lúc trời mưa mà còn giúp làm ấm người, tránh gió trong thời tiết lạnh.
Chụp hình check-in ở km0 thành phố Hà Giang
Tôi cứ nghĩ mãi về việc mình may mắn đi dịp băng tuyết đã tan, bên đường hoa ban nở rộ cho đến khi qua khỏi dốc Bắc Sum tiến dần về cổng trời Quản Bạ làn sương mù dày đặc thêm và cái lạnh cũng cứ thế xuyên thấu qua 3-4 lớp áo khoác ngấm vào da thịt. Hai chân tôi quíu lại dù ngồi sau yên xe máy, hai tay liên tục chà sát vào nhau tìm chút hơi ấm, bạn tôi cầm lái phía trước liên tục hỏi còn xa không đến chỗ nghỉ. Lạnh đến mức chúng tôi cảm giác như mình sắp đóng băng trên yên xe.
Vừa nhìn thấy quán café Cổng Trời Quản Bạ chúng tôi vội vã tấp vào, bỏ qua những dãy ghế phía ngoài có view ngắm thung lũng, tiến thẳng vào căn phòng ấm áp phía trong. Tôi nhìn điện thoại, màn hình báo 6 độ C. Chúng tôi đã chạy dưới thời tiết 6 độ C, trong màn sương mờ giăng mắc và cái rét ngọt như cắt. Xoay ly trà gừng nóng hổi trên tay mà vẫn chưa thấy ấm, bạn tôi cười bảo: vì uống có ly trà mà chạy xe mấy chục km lạnh lẽo, bọn mình cũng vất vả ghê. Than thở vậy rồi cả đám lại cùng cười giỡn quay clip thở ra khói, kéo nhau ra ngoài ban công quán cafe thưởng thức cái lạnh và màn sương phả vào mặt từ dưới thung lũng.
Hà Giang mùa hoa ban
Nhưng có lẽ để đền đáp ân tình cho đoàn lữ khách không quản đường xa, dần về trưa thì sương mù cũng tan bớt để chúng tôi có dịp ngắm nhìn một Quản Bạ xanh tươi như viên ngọc thô ẩn mình giữa núi rừng. Ngôi làng Nặm Đăm dưới thung lũng đẹp như một bức tranh có đủ cả hồ nước in bóng mây và núi, những cây cầu treo rung lên theo từng vòng bánh xe lăn, những thửa ruộng bậc thang chờ đổ nước, những vạt hoa cải vàng, hoa dại li ti làm say lòng du khách, những homestay ấm áp thân thương của đồng bào người Dao hiếu khách.
Một cây cầu treo trong bản làng người Dao
Ở Quản Bạ chúng tôi dành ra một buổi chiều để khám phá hang động Lùng Khúy – nơi được mệnh danh là Cao nguyên đệ nhất động. Mang tâm lý không mong chờ gì nhiều thế nhưng chuyến tham quan này đã mang đến cho tôi và mọi người một sự ngạc nhiên không hề nhỏ: một nơi đẹp thế này vì sao lại ít người đến thăm?
Gửi xe ở một nhà dân, chúng tôi đi men theo con đường có bảng chỉ dẫn lên hang động. Đoạn đường dài khoảng một cây số có bậc thang rất dễ đi, càng đi càng lên cao dần nhìn xuống phía dưới là những ruộng trồng củ cải, su su của người dân. Đến trước cửa động, người bán vé nói chúng tôi là đoàn khách thứ hai trong ngày ghé thăm. Giá vé rất rẻ chỉ có 10 ngàn đồng, mỗi người được phát một chiếc đèn pin để quan sát trong quá trình tham quan hang động.
Một homestay xinh xắn
Lối vào cửa hang khá nhỏ nên trong trí tưởng tượng, tôi cứ nghĩ hang động này chắc cũng nhỏ bé, kiểu bước vài bước chân là hết rồi. Không ngờ ẩn chứa bên trong là cả một mê cung hang động kì vĩ đến choáng ngợp. Những khối thạch nhũ đủ hình dáng, những khu vực vòm hang rộng đến ngỡ ngàng. Khi chiếu đèn vào những khối thạch nhũ, chúng phát sáng lung linh. Không gian yên ắng khiến tôi nghe rõ tiếng nước nhỏ giọt, chính từ những giọt nước này mà thạch nhũ được hình thành theo năm tháng, kì diệu biết bao.
Bên trong hang Lùng Khúy
Theo thông tin trên bảng chỉ dẫn, động Lùng Khúy phát triển trong đá vôi được tạo thành ở vùng biến cố cách đây hơn 400 triệu năm. Nhũ đá được đặt tên theo hình dạng như sư tử đá, thác chín tầng, dải lụa… Cung đường tham quan trải dài hết hang động và được bố trí thành một vòng tròn để du khách có thể chiêm ngưỡng hết vẻ đẹp của hang. Điểm đến cuối cùng là giếng Tiên - một địa điểm di chuyển hơi khó khăn, chúng tôi phải khom người thấp, thậm chí bò bằng tay để không đụng vào những khối thạch nhũ sát trên đầu. Tương truyền giếng Tiên rất linh thiêng nên được người dân lui tới để cầu nguyện mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, sức khỏe hay sinh con đẻ cái như ý muốn.
Lặng lẽ Phố Cáo
Trên những cung đường, có bao giờ bạn tách khỏi quốc lộ, thử bất ngờ rẽ vào một con đường nhỏ không định trước và khám phá xem nơi ấy có gì? Tôi thì luôn muốn thử làm điều như thế vì tin vào cái gọi là duyên và luôn thích những điều mới mẻ, khó đoán. Tách khỏi quốc lộ 4C, chúng tôi rẽ vào nơi có tên gọi là Phố Cáo. Ngay lập tức tôi nhận ra sự khác biệt của nơi này: ngoài chúng tôi ra chẳng hề có bóng dáng khách du lịch nào, khác hẳn với khung cảnh nhộn nhịp người xe ngoài quốc lộ, cũng chẳng có cảnh xúng xính váy áo chụp hình, nơi này cuộc sống lặng lẽ tách biệt thật khiến người ta muốn đi thêm nữa.
Hoa mận Phố Cáo
Những nếp nhà yên tĩnh sau những bờ rào đá, trước hoặc bên hông nhà khi nào cũng có vài gốc mận, gốc đào. Dưới cái lạnh se sắt, hoa bung nở trắng xóa. Tôi thầm nghĩ không biết người dân ở đây có bao giờ thắc mắc mấy cây hoa bình thường này có gì mà năm nào cũng bao nhiêu đoàn người miền xuôi lặn lội mấy trăm cây số đèo dốc lên ngắm nghía chụp choẹt. Nếu có thắc mắc thì cũng bình thường thôi, bởi chính tôi cũng nhiều lần tự hỏi bản thân sao mà phải vấn vương cái khung cảnh này nhiều như thế. Mà chẳng phải người ta vẫn thường đùa nhau đó sao: du lịch là đi từ nơi chán nản của mình đến nơi mà người khác thấy chán nản. Mấy cây hoa, mấy bức tường đất, mấy đứa trẻ má ửng hồng – vậy thôi đó mà cứ muốn nhìn ngắm mãi.
Chúng tôi chạy mãi đến cuối một bản nhỏ thì dừng lại, nhìn đồng hồ cũng đã quá trưa, cũng chẳng thấy hàng quán nào ven đường nên quyết định bày tất cả những gì đang có ra picnic ven ruộng. Bữa trưa dã chiến cũng xem như khá giả có bánh chưng gù - một loại bánh gói từ gạo nếp ngâm nước tro tạo thành màu đen đặc trưng của bánh, rất thơm và ngon. Ngoài ra còn có chả lụa, trái cây mua dọc đường. Ăn trưa giữa ruộng đúng cảnh đồng không mông quạnh, vậy mà bọn tôi lại cảm thấy vui. Nhìn ra bốn phía đều là hoa mận trắng khắp núi đồi, thỉnh thoảng có cô chú người dân tộc đi làm ruộng qua lại nhìn chúng tôi vẻ khó hiểu.
Chạm vào điểm cực Bắc
Tôi nhớ mình đã vẽ bản đồ Việt Nam hàng trăm lần trong những năm học cấp 3, kỹ năng hồi đó đạt đến trình vẽ rất nhanh, không được quên vẽ mấy cái chấm nhỏ nhỏ thể hiện vùng quần đảo Hoàng Sa Trường Sa, đọc đúng kinh độ vĩ độ 4 điểm cực Đông Tây Nam Bắc…Tôi thuộc làu điểm cực Bắc ở xã Lũng Cú huyện Đồng Văn tỉnh Hà Giang.
Rồi một ngày tôi cũng đến được điểm cực Bắc đã từng vẽ, phần nhô ra cao nhất, xa nhất về phía Trung Quốc. Từ cột cờ Lũng Cú đi thêm khoảng 3km nữa sẽ đến được điểm cực Bắc. Đoạn đường này rất vắng, bản đồ điện thoại cũng định vị không chính xác do ở vùng biên giới, cách tốt nhất khi cảm thấy không chắc chắn là nên hỏi đường người dân. Chúng tôi thấy đoạn đường phía trước có xe máy múc, máy ủi đang thi công thì phân vân có nên đi tiếp không nhưng các anh công nhân bảo cứ đi tiếp. May mà đường bê tông phía trước dễ đi hơn.
Suốt một ngày mây mù và nhiệt độ loanh quanh 10-12 độ thì bỗng nhiên đến đoạn này trời hửng nắng ấm áp. Bù lại thì gió rất mạnh. Tôi dừng xe máy, đi bộ lên những bậc thang dẫn lên đài quan sát, nhìn sang phía đối diện đã là đất Trung Quốc, ngăn cách với bên này bởi dòng sông Nho Quế sâu thăm thẳm.
Trời lạnh cộng thêm gió khiến ai nấy đều co rúm. Nhưng vì nghĩ đã vất vả lên đến tận đây, lại còn là điểm cực Bắc thiêng liêng, chúng tôi lấy lại tinh thần mạnh mẽ cởi bớt lớp áo khoác dày. Vừa may có một anh khách đến trước chúng tôi, nhờ anh chụp cho đoàn vài bức ảnh có nắng ấm, có gió thổi tóc, thổi áo dài tung bay. Tuổi trẻ đã cho tôi được một lần đứng ở nơi địa đầu tổ quốc, đứng nhìn lá cờ đỏ sao vàng năm cánh tung bay trên trời – tuyệt vời biết bao nhiêu!
Chiều biên giới em ơi
Có nơi nào cao hơn
Như đầu sông đầu suối
Như đầu mây đầu gió như trời quê biên cương
(Chiều biên giới – phổ thơ Lò Ngân Sủn)
Thời gian còn lại của buổi chiều chúng tôi không quên ghé qua quán café Cực Bắc trong bản của người Lô Lô, chụp thêm những bức ảnh kỉ niệm trong tà áo dài duyên dáng.
Chụp hình áo dài ở điểm cực Bắc Lũng Cú
Ở quán café Cực Bắc
Đi thuyền trên sông Nho Quế qua hẻm Tu Sản
Nếu được chọn một khoảnh khắc đáng nhớ của chuyến đi, tôi sẽ chọn phút giây ngồi ở mũi thuyền ngước lên nhìn vách đá hẻm Tu Sản trên dòng Nho Quế xanh biếc. Ít có nơi nào dòng sông mang màu xanh ngọc bích như dòng Nho Quế. Mà lúc thuyền lướt đi trên mặt nước êm ru, tôi đã tạm quên đi quãng đường vòng vèo xa xôi đi bộ xuống bến thuyền. Thuyền ngày hôm đó có đoàn chúng tôi và 2 nhóm khách nữa, tổng cộng 8 người. Trò chuyện vài câu, chúng tôi nhận ra tối hôm trước tất cả đều cùng ăn tối chung một quán rất nổi tiếng ở phố cổ Đồng Văn. Cao nguyên đá không ngờ lại nhỏ bé và hữu duyên như thế.
Đi thuyền trên sông Nho Quế
Đến giữa hẻm vực, cậu bé lái thuyền biết ý dừng lại cho các vị khách tha hồ chụp hình và chiêm ngưỡng cảnh sắc. Với chiều cao vách đá lên đến 700 - 800m, chiều dài 1,7km, hẻm vực Tu Sản được xem là danh thắng kỳ vĩ độc nhất, là “đệ nhất hùng quan” của vùng cao nguyên đá Đồng Văn, khó mà chinh phục. Sau khi sông Nho Quế chặn dòng làm thủy điện, nước dâng lên cao như một mặt hồ tĩnh lặng người ta mới có dịp thỏa sức ngắm nhìn kĩ nơi này.
Hẻm vực Tu Sản
Ngước mắt nhìn hai bên bờ sông, trên cao là những gốc hoa gạo hay còn gọi là hoa mộc miên đã rụng hết lá chắc qua tháng là nở bung đỏ rực một triền sông. Và cao hơn cả những cây hoa gạo ấy là những nương ngô của người Mông đang mùa dọn dẹp chuẩn bị cho mùa vụ mới. Nơi nào có khói bốc lên là nơi ấy vẫn có dấu chân người canh tác. Thật khâm phục cho ý chí và sự mạnh mẽ của con người nơi này – tận dụng từng hốc đất xen giữa đá trập trùng để gieo hạt.
Tạm biệt cao nguyên đá, chúng tôi trở về với phương nam nắng nóng, nhớ mãi những ngày du xuân trên rẻo cao, nhớ vị rượu ngô lâng lâng trong đêm buốt giá, nhớ trọn hương sắc mùa xuân khắp những bản làng.