Lướt qua Bến Tre mát xanh
Theo chân một người bạn quê miền Tây Nam bộ, tôi có cơ hội nhìn ngắm một Bến Tre mát xanh và hiền hòa khi trên đường từ Sài Gòn về Sa Đéc (Đồng Tháp).
Để tạo sự mới lạ trong hành trình, quên đi quốc lộ 1A đông đúc, khói bụi và ngột ngạt, khi đến ngã ba Trung Lương, chúng tôi không rẽ phải để theo hướng Cái Bè (Tiền Giang) – qua cầu Mỹ Thuận rồi rẽ phải về Sa Đéc, mà người bạn đã dẫn tôi thẳng hướng thành phố Mỹ Tho, qua cầu Rạch Miễu sang Bến Tre, rồi đi về hướng Chợ Lách, cù lao An Bình (Vĩnh Long). Nhờ vậy, tôi mới có dịp nhìn ngắm cảnh quê thanh bình, xanh mát của xứ dừa Bến Tre.
Qua cầu Rạch Miễu, sau khi dừng chân ăn trưa với món hủ tiếu chay ngon lành, chúng tôi rẽ vào một con đường quê thuộc xã Tam Phước, huyện Châu Thành. Châu Thành là một cái tên được sử dụng khá nhiều làm địa danh ở các tỉnh miền Tây Nam bộ của Việt Nam, thường gặp nhất là tên huyện. Tại các tỉnh như: An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang,... đều có huyện mang tên Châu Thành.
Con đường mà chúng tôi đi khá nhỏ và vắng người, nhưng xanh ngắt những màu xanh của bóng dừa, cau và các loại cây ăn trái như chuối, mít. Đặc biệt, có một đoạn đường ngắn hai bên trồng những cây kim quất và si rô đang trổ trái đỏ làm chúng tôi mê mẩn. Khi tôi thắc mắc rằng người ta trồng cây như vầy không sợ người đi đường hái trộm sao, chị bạn đi cùng đã cười nói: ở đây ai thèm hái mấy thứ này!
Đoạn đường cây si rô và kim quất đang trổ trái đỏ
Trái kim quất có thể trị ho rất tốt
Chúng tôi ghé vào một quán nước nhà dân ven đường để thưởng thức ly nước mía ngọt lừ và thanh mát. Làm một hơi thiệt đã khát, cái nắng nóng ban trưa như tan biến đi hết. Ngồi nghỉ chân một lát cho đỡ mỏi, nghe tiếng chim kêu gà lục tục, gió hiu hiu thổi giữa cảnh miền quê hiền hòa, lòng người lữ khách chợt dấy lên nỗi yêu mến quê hương dạt dào.
Tiếp tục hành trình, chúng tôi viếng chùa Vĩnh Thành là ngôi chùa khá rộng với khuôn viên mát mẻ và hài hòa giữa thiết kế kiến trúc, các tượng Phật giáo, lẫn cây cỏ lá hoa. Đằng sau chùa là hàng tượng Phật Quan Thế Âm bồ tát lộ thiên dẫn ra nhánh sông nhuốm màu phù sa. Khung cảnh thanh vắng và an yên.
Chùa Vĩnh Thành với hàng tượng Phật Quan Thế Âm bồ tát
Nhánh sông đằng sau chùa
Chuyến đi được tiếp nối với địa danh Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên thuộc xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành. Người dân vùng này chủ yếu theo đạo Phật, Cao Đài và Hòa Hảo, nên dọc theo tỉnh lộ DT884 có khá nhiều những ngôi chùa to nhỏ khác nhau. Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên là một đền thờ đạo Cao Đài lớn và lâu năm trong khu vực. Đáng tiếc là vì lý do mùa dịch bệnh, ngôi đền không mở cửa cho khách vãng lai vào tham quan. Nhưng chúng tôi vẫn có thể dạo bước xung quanh để chụp ảnh kiến trúc đặc sắc bên ngoài với hai tòa nhà cho các tín đồ nam và nữ.
Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên – khu vực dành cho tín đồ nữ.
Trước khi bắc chuyến phà Tân Phú rời Bến Tre để rẽ sang cù lao An Bình hướng về Vĩnh Long, một cơn mưa lớn sầm sập tới khiến chúng tôi không kịp trở tay. Nhờ vậy mà chúng tôi được thư thái thưởng thức tô bún riêu chay đầy hương vị trước cổng Hội Thánh. Và cũng có buổi trò chuyện thú vị với hai mẹ con người bán quán có cách nói chuyện chân tình, nhiệt thành của người miền Tây Nam bộ.
Tạm biệt Bến Tre bằng tô bún riêu chay đầy hương vị
Một thoáng chốc lướt qua Bến Tre mát xanh, người lữ khách như bỏ quên con tim ở lại nơi thương mến ấy rồi!
Nếu như có dịp ghé qua tỉnh Sóc Trăng - nơi được xem là thủ phủ của những ngôi chùa tháp, du khách đừng quên đến thăm...