Hành trình du lịch bụi sang đất nước Triệu Voi
Hành trình du lịch bụi sang đất nước Triệu Voi đã để lại trong tôi những dư vị êm ả và khó quên về một xứ sở Lào thật hiền!
Ngày ấy, tôi một mình khoác chiếc ba lô bụi bặm, thực hiện một hành trình sang Lào 10 ngày bằng đường bộ. Xuất phát từ bến xe Đà Nẵng trong một buổi sáng trời ảm đạm và mưa bay lất phất do đang trong thời tiết áp thấp nhiệt đới, hậu quả của việc đi không coi ngày và cái tính “điếc không sợ súng” của tuổi trẻ bồng bột, tôi cũng đã đến được đất Lào một cách thuận lợi.
“Thổ địa” bất đắc dĩ
Trên chuyến xe Đà Nẵng – Vientiane (thủ đô của Lào), tôi tình cờ quen được một bạn nam người Việt sang Lào làm việc đã lâu. Vậy là trong mấy ngày ở Vientiane, tôi được người bạn ấy tìm cho khách sạn, được mời về chỗ bạn ấy dùng bữa cơm thân tình cùng với những người Việt sinh sống trên đất Lào. Người bạn mới quen nhưng lại đối đáp với tôi vô cùng thịnh tình và nhiệt thành, tự nguyện làm “thổ địa” bất đắc dĩ, làm thông dịch viên tiếng Lào cho tôi, đưa tôi đi thăm một số điểm tham quan phổ biến của thủ đô Vientiane.
Một Vientiane vắng vẻ và thanh bình
Tuy là thủ đô của Lào nhưng cảm nhận của tôi về Vientiane là không khí vắng lặng và bình yên. Quả thật như lời nhận xét mà người ta hay nói về nước Lào, về người Lào: đất nước sống chậm, hay sống chậm như người Lào. Ở trung tâm thủ đô, giao thông trật tự và nề nếp. Dù trên các đường phố lớn chỉ có vài chiếc xe hơi qua lại, nhưng mọi người vẫn luôn tuân thủ luật lệ giao thông, dừng lại khi gặp đèn đỏ, và rất ít khi nghe tiếng còi xe, hoặc chẳng hề thấy tình trạng lấn tuyến, vượt ẩu,…
Đường phố thủ đô Vientiane
Các anh lái xe tuk tuk ở đây cũng không hề chèo kéo, kèo nài du khách, mà trái lại còn có thái độ từ tốn, dửng dưng khi gặp khách. Khách hỏi, mấy ảnh báo giá. Khách chịu thì đi, mà hổng chịu thì thôi! Quả là đất nước sống chậm mà!
Cùng với bạn “thổ địa” bất đắc dĩ, chúng tôi ghé Phra Thatluang (hay Pha That Luang, nghĩa là “Tháp Lớn”), một công trình Phật giáo đặc sắc được xây từ năm 1566. Ngọn tháp cao 44m, có hình dáng một nậm rượu, bên ngoài được dát vàng lộng lẫy. Với kiến trúc mang phong cách văn hóa và bản sắc Lào, từ lâu Phra Thatluang đã trở thành một biểu tượng quốc gia của Lào.
“Tháp Lớn” Phra Thatluang
Ở cổng chiến thắng Patuxay (hay Patuxai, Khải Hoàn Môn), chúng tôi lần theo những bậc thang của tòa tháp để leo lên trên, từ đó nhìn xuống bên dưới, ngắm một Vientiane yên tĩnh và thanh bình. Patuxay là một biểu tượng chiến thắng của người Lào được xây dựng vào năm 1957 để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược. Những ai đã đến thủ đô Vientiane mà không ghé qua Patuxay thì xem như chưa đến Lào.
Cổng chiến thắng Patuxay - Khải Hoàn Môn
Thưởng thức phở Lào giữa chợ
Bạn “thổ địa” dẫn tôi vào khu chợ kế bến xe Talat Sao để ăn món phở đặc trưng của đất nước Triệu Voi. Tuy nói đây là món ăn truyền thống, nhưng có thông tin cho rằng phở Lào lại có nguồn gốc từ phở Việt, đã theo chân những người Việt xa xứ mà du nhập vào Lào. Nhưng sang đến Lào, món phở đã được biến tấu cho phù hợp với khẩu vị người Lào, và đã mang những nét khác biệt so với phở Việt. Chẳng hạn như sợi phở Lào mềm và bở hơn, nước lèo không có hoa hồi, quế,… mà chỉ được hầm bằng xương. Tô phở Lào được phục vụ có thêm khô mực, viên mọc,... Ngoài các loại rau ăn kèm thông thường trong món phở Việt thì còn có thêm cà pháo, đậu đũa tươi, dưa chua, cùng các gia vị như: đường, giấm, nước mắm, nước tương,…
Phở Lào ở chợ
Nghe nói rằng, trước đây người Lào chỉ ăn sáng đơn giản bằng các món xôi, thịt nướng, nhưng từ khi có phở, không ít người Lào đã nghiện hương vị của món ăn này. Họ có thể ăn phở mọi nơi và mọi lúc, bất kể thời gian nào trong ngày.
Húp xì xụp tô phở Lào giữa những quầy hàng đông đúc, cảm giác không hợp khẩu vị cùng không được sạch sẽ cho lắm (vì đang ở chợ), nhưng tôi lại cảm thấy khá thú vị khi được tiếp cận với một nét phong tục lề thói của người địa phương mà không phải du khách nào cũng dễ gì có cơ hội gặp được.
Thăm Cánh Đồng Chum Xieng Khouang
Tạm biệt người bạn “thổ địa” mới quen, rời Vientiane, tôi một mình đến thăm vùng đất cao nguyên Xieng Khouang nổi tiếng với di tích Cánh Đồng Chum. Cánh Đồng Chum (Plain Of Jars) là một cảnh quan khảo cổ cự thạch bao gồm hàng ngàn chiếc chum đá nằm rải rác thành từng cụm dọc theo thung lũng và trên những cánh đồng thoai thoải. Các nhà nghiên cứu đã xác định rằng những chiếc chum được đặt ở vị trí sớm nhất là vào khoảng năm 1240 đến năm 660 trước công nguyên, liên quan đến hoạt động chôn cất thời tiền sử. Cánh Đồng Chum là một trong những địa điểm thời tiền sử quan trọng nhất ở Đông Nam Á, cũng là một địa danh du lịch nổi tiếng khi nhắc đến đất nước Triệu Voi.
Di tích khảo cổ Cánh Đồng Chum
Ở Xieng Khouang, tôi thuê một chiếc xe đạp rồi cũng bắt chước người Lào từ tốn đạp mấy chục cây số đến thăm Cánh Đồng Chum. Xieng Khouang là xứ sở cao nguyên, xung quanh đâu cũng toàn là cảnh đồi núi phủ đầy đất đỏ bazan hoang sơ, cùng những cánh đồng lúa yên ả được trồng theo kiểu bậc thang thấp. Lúc gặp những con dốc cao, đạp không nổi, tôi xuống xe dắt bộ, ngang qua vài ngôi nhà gỗ thấp bé xinh xinh của người dân, vẫy tay với những đứa trẻ người Lào đang vô tư chơi bên hàng rào, cảm giác an nhiên tự tại biết bao nhiêu!
Cảnh quan cao nguyên Xieng Khouang
Những đứa trẻ người Lào
Một Luang Prabang an lành
Tôi đến thành phố di sản văn hóa thế giới Luang Prabang vào buổi chiều, khi ánh nắng tháng 9 tuyệt đẹp còn rải vàng rực trên những con phố nhỏ. Luang Prabang gợi cho tôi cảm giác vô cùng thân thuộc và bình yên, như trở về với những con đường nhỏ xinh của phố cổ Hội An nước mình.
Một góc thành phố di sản Luang Prabang an lành
Tôi may mắn thuê được chỗ ở trong một khách sạn nhỏ được xây theo kiểu nhà sàn truyền thống của người Lào. Phòng của tôi ở trên lầu, nội thất toàn bằng gỗ màu nâu sậm mang không khí hoài cổ ưa thích, có ban-công nhìn xuống con đường vắng lặng giữa trung tâm Luang Prabang.
Ban-công phòng khách sạn nơi tôi trọ ở Luang Prabang
Luang Prabang là điểm đến cuối cùng của tôi trong hành trình ngắn ngủi ở Lào, vậy mà tôi lại chẳng tham quan những địa danh nức tiếng của thành phố di sản ấy. Tôi đã dành cả tiếng đồng hồ đi lòng vòng trong ngôi chùa Visoun (còn gọi là Wat Visoun, Wat Wisunarat) được xây dựng vào năm 1513 - là ngôi chùa có tuổi đời cổ nhất ở Luang Prabang, hết lặng ngắm các ngôi mộ tháp rêu phong cổ kính cho tới lặng lẽ quan sát các sư Nam tông bình yên quét chùa.
Rồi tôi lững thững đi bộ ra bến sông Nam Khan, ngồi đó đợi ngắm hoàng hôn an lành cho tới lúc bóng tối tịch mịch bao trùm hết cả không gian.
Trong sân chùa Visoun (Wat Visoun, Wat Wisunarat)
Người dân lành như đất mẹ
Nếu nhắc đến những điều đáng khắc ghi trong chuyến du lịch bụi Lào mà không nhắc đến người dân địa phương thì quả là thiếu sót lớn. Như ăn nhập với biệt danh của đất nước sống chậm, người dân Lào cũng hiền hòa và lành như đất mẹ. Họ ăn nói nhỏ nhẹ, thân thiện và ưa giúp đỡ, dù rằng không nhiều người biết tiếng Anh.
Là phụ nữ độc hành trên đất Lào, tôi đã từng được bác tài xế và phụ xe niềm nở chở đến tận khách sạn ở Xieng Khouang mà không phải dừng thả trong bến xe như các khách khác. Cũng trên chuyến xe ấy, tôi gặp được một chị người Lào biết chút ít tiếng Việt đảm nhận giúp vai trò thông dịch viên, giúp tôi gọi đồ ăn khi đến trạm dừng chân. Trong một quán cơm, anh chủ quán khi biết tôi là du khách Việt đã tỏ ra rất vui vẻ, còn nhờ tôi chụp cho anh vài bức ảnh.
Sau hành trình sang xứ sở Triệu Voi xinh đẹp, tôi có cơ hội thực hiện các chuyến đi khác trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, những kỷ niệm hiền hòa ở đất nước sống chậm này sẽ mãi theo tôi chẳng thể nào quên!
Với những tín đồ đam mê du lịch biển đảo, hẳn bạn sẽ rất muốn được nạp chút vitamin “Sea” sau những ngày nhàm...