Chi Lăng - "Ải hiểm sánh ngang trời"

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Chi Lăng có phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, núi non trùng điệp hút hồn du khách. Trước kia, nơi đây được xem là "Ải hiểm sáng ngang trời", giúp cha ông ta chiến thắng giặc ngoại xâm.

Chi Lăng nằm trên con đường huyết mạch nối liền tuyến liên vận quốc tế Á – Âu, có vị trí địa chiến lược quan trọng về kinh tế, văn hóa, ngoại giao và an ninh quốc phòng.

Đây là ải hiểm trở nhất trên đường cái quan từ Nam Quan về Thăng Long. Ải Chi Lăng là một thung lũng nhỏ, hình bầu dục, hai đầu nam bắc thu hẹp, gần như khép kín. Chiều dài ải Chi Lăng khoảng 4km, chỗ rộng nhất hơn 1km.

Chi Lăng  - "Ải hiểm sánh ngang trời" - 1

Địa thế Chi Lăng nhìn từ trên cao. Ảnh: Bùi Thuận

Vào thế kỷ thứ 14, Phạm Sư Mạnh đi sứ sang Trung Quốc, khi qua Lạng Sơn ông đã viết bài "Chi Lăng động", trong đó có câu: "Chi Lăng quan hiểm dữ thiên tề" (Chi Lăng ải hiểm sánh ngang trời).

Ngày nay, có ai lên Lạng Sơn, khi qua ải Chi Lăng, đứng nhìn về phương nam có một khoảng thung lũng bị thắt lại do một bên là núi đá trườn ra, lại có một trái núi mọc giữa, suối chảy sát chân núi. Lợi dụng địa hình này nơi đây, ông cha ta ngày trước đã đắp một đoạn thành đất ngang qua để chặn bước tiến của quân thù. Từ đó mà có tên gọi là ải Chi Lăng. 

Theo Trung tâm Xúc tiến Du lịch Lạng Sơn, trong nhiều năm trước đây, các tài liệu về di tích Chi Lăng đều ghi nhận có 52 điểm di tích (trong đó bao gồm cả các di tích, dấu tích, địa danh tên gọi hiện còn và các câu chuyện truyền miệng còn lưu lại trong dân gian). Tuy nhiên theo kết quả kiểm kê di tích do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn thực hiện năm 2018, hiện chỉ còn 46 điểm di tích, địa điểm, địa danh còn được ghi nhận, 6 điểm còn lại đã hoàn toàn mất dấu tích.

Chi Lăng  - "Ải hiểm sánh ngang trời" - 2

Sơ đồ Khu di tích lịch sử Chi Lăng

Thời tiền sử, Chi Lăng đã là quê hương của các nền văn hóa khảo cổ nổi tiếng như: Bắc Sơn, Mai Pha với hệ thống di tích tiêu biểu như Hang Lạng Nắc, Hang Ngườm Sâu, Hang Nà Ngụm… nơi lưu giữ, phát hiện những di vật, mảnh tước, rìu đá, mảnh gốm… minh chứng cho những giai đoạn sơ sử, tiền sử của người Việt cổ có giá trị về nghiên cứu khoa học.

Trên mảnh đất này còn có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Hang Gió, núi Bàn Cờ, Núi Phượng Hoàng, Núi Mã Yên… có giá trị về cảnh quan, môi trường tự nhiên hấp dẫn.

Chi Lăng  - "Ải hiểm sánh ngang trời" - 3

Thị trấn Đồng Mỏ. Ảnh: Bùi Thuận

Với những “lợi thế” về thời gian, không gian, Khu di tích lịch sử Chi Lăng thực sự là điểm du lịch độc đáo, hấp dẫn. Nhiều chuyên gia đều chung nhận định, nếu biết liên kết các điểm di tích thành một “tour khép kín”, quần thể di tích Chi Lăng sẽ có sức hút lớn với du khách.

Chi Lăng  - "Ải hiểm sánh ngang trời" - 4

Ải Chi Lăng

Để xây dựng thương hiệu Khu di tích lịch sử Chi Lăng là điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước, tỉnh Lạng Sơn đã lập “Đề án Xây dựng và phát triển Khu di tích Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”.

Mục tiêu của đề án là xây dựng Khu Di tích thành không gian giáo dục truyền thống – lịch sử – văn hóa – tâm linh tiêu biểu của tỉnh, có quy mô, ý nghĩa chiến thắng của dân tộc Việt Nam, kết hợp xây dựng thành điểm du lịch có tính chất trung tâm, động lực của tỉnh Lạng Sơn kết nối với các khu, điểm du lịch trong tỉnh và khu vực.

Bên cạnh đó là phát huy giá trị Khu di tích, tăng cường thu hút đầu tư, phát triển du lịch, dịch vụ, giải quyết công ăn việc làm, góp phần cải thiện đời sống nhân dân.

Lạn Sơn sẽ phát triển và hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật của Khu di tích đảm bảo đồng bộ và thuận tiện. Phát triển hệ thống dịch vụ du lịch đa dạng, phong phú, chất lượng cao nhằm thu hút và đáp ứng nhu cầu của du khách quanh năm.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

P.V

CLIP HOT