Ύδρα - giọt xanh yên bình giữa vùng trời Địa Trung Hải
Giữa mênh mông màu xanh trong vắt đặc trưng của nước biển Địa Trung Hải, dưới ánh mắt trời rực rỡ, hòn đảo đẹp như một bức tranh với đủ gam màu, màu trắng của những ngôi nhà, màu xanh của những ô cửa sổ, màu xám của đá vôi và màu đỏ tươi của những mái ngói.
Ύδρα, phát âm trong Hy Lạp "Hydréa" tức là Nước, đó là một hòn đảo của Hy Lạp nằm ở vịnh Saronic, phía nam Athens (cách thủ đô Hy Lạp khoảng hơn 2 giờ đi xe), trên bờ biển Aegea, đối diện với bán đảo Argolis. Hòn đảo từng là một trong những vịnh hải quân lớn của Biển Địa Trung Hải, đóng một vai trò quyết định trong chiến tranh giành độc lập của Hy Lạp vào đầu thế kỷ 19 chống lại đế chế Ottoman.
Trước khi trở thành một vùng đất phồn thịnh, nơi đây từng bị bỏ hoang trong nhiều thế kỷ do thiếu nguồn nước ngọt khiến đất đai bạc màu. Vào thế kỷ 17, những tên cướp biển và các thủy thủ đã chinh phục lại hòn đảo biến nơi đây thành hòn đảo có kiến trúc ấn tượng cùng một cảng nhỏ.
Vì không có sân bay nên con đường duy nhất dẫn đên Hydréa chính là tàu thuyền. Ngoài việc đi thẳng từ Athens bằng tàu, rất nhiều người đã chọn đến Ermioni, một thị trấn cảng nhỏ ở Peloponnese. Đây là một thị trấn du lịch nổi tiếng nằm ở phía đông nam của bán đảo Argolis, đối diện với các đảo Hydréa và Dorkos. Khu vực đô thị cổ của thị trấn nằm trên một ngọn đồi, có tầm nhìn tuyệt đẹp hướng ra các hòn đảo lân cận và một vùng đồng bằng phì nhiêu với lựu, cam quýt và ô liu.
Những người Việt Nam đến đây thường ồ lên rằng, bán đảo có rất nhiều nét văn hóa ẩm thực giống chúng ta. Ở vịnh bắc của bán đảo luôn nhộn nhịp các cửa hàng lưu niệm và những quán cà phê. Ở đây, với khoảng 40 nghìn đồng, du khách có thể có một cốc cà phê sữa đặc đánh đá thơm phức. Những ngày hè nắng nóng, không gì tuyệt vời bằng việc ngồi nán lại ở bờ biển, nhâm nhi một cốc cà phê và nhìn về phía ngoài khơi nơi có những hòn đảo.
Ở phía nam là một loạt các nhà hàng, quán bar và quán rượu truyền thống với nhưng món ăn chế biến bạch tuộc. Bạch tuộc ở đây được tẩm với gia vị sau đó phơi khô bằng phương pháp truyền thống là treo bên ngoài dưới ánh nắng mặt trời.
Từ cảng biển của Ermioni, tàu sẽ đi khoảng ba mươi phút để đến Hydréa. Nhìn từ biển vào, hòn đảo hiện ra giữa bốn bề xanh mướt yên bình, đẹp đến độ khó tin.
Giữa mênh mông màu xanh trong vắt đặc trưng của nước biển Địa Trung Hải, dưới ánh mắt trời rực rỡ, hòn đảo đẹp như một bức tranh với đủ gam màu, màu trắng của những ngôi nhà, màu xanh của những ô cửa sổ, màu xám của đá vôi và màu đỏ tươi của những mái ngói. Tất cả được tạc vào vách núi, hòa với thiên nhiên thành một tổng thể. Do đặc điểm địa hình đồi núi, các con đường ở đây thường ngoằn ngoèo và dốc đá nên đây cũng là hòn đảo Hy Lạp duy nhất không có xe cơ giới (ngoài xe chở rác). Phương tiện đi lại chủ yếu là đôi chân hay trên lưng của những chú lừa. Những năm gần đây có thêm một số xe máy tay ga trên những trục đường chính. Nhờ đó, hòn đảo bảo toàn được vẻ yên bình do không bị tác động của ô nhiễm môi trường và tiếng ồn.
Thành phố và cảng Hydréa
Tất cả cuộc sống của Hydréa đều tập trung ở bến cảng với những dãy nhà quét sơn trắng (theo như giải thích của những nhà môi trường, màu trắng vừa làm sáng thêm hòn đảo dưới ánh mặt trời vừa tránh cho hòn đảo hấp thụ quá nhiều lượng nhiệt) tạc vào vách núi hướng ra phía biển cùng những quán cà phê trải dọc ven đường, những đoàn xe lừa kiên nhẫn chờ khách. Hoạt động chính của khách du lịch ở đây là đi dạo, ngắm cảnh và đắm mình trong bầu không khí yên bình của nơi này, đặc biệt là vào buổi sáng hoặc buổi tối khi thành phố bắt đầu vắng khách viếng thăm.
Rời xa bến cảng khoảng vài trăm mét, thành phố hiện ra như một mê cung bao gồm những con hẻm phủ kín hoa giấy, hoa nhài, hoa hồng, những dinh thự xa hoa, di sản của các chủ tàu và thương nhân thế kỷ 17, 18. Một số những ngôi nhà đã được chuyển đổi thành viện bảo tàng nơi cất giữ những bộ sưu tập nghệ thuật có một không hai của đất nước Hy Lạp. Trong số những bảo tàng đó, đáng chú ý nhất là ngôi nhà của chủ tàu Lazaros Kountouriotis. Khi tham quan tòa nhà này, chúng ta có thể nhận ra được những nét kiến trúc tuyệt xảo của hòn đảo : sân lát gạch caro, trần nhà bằng gỗ được chạm khắc tinh xảo, những đồ nội thất tinh tế.
Nằm ở đầu làng và có tầm nhìn tuyệt đẹp ra vịnh là Paleo Gymnasio (trường học cũ của làng), nơi hàng năm tổ chức các dự án giáo dục của Hydréa nhằm giới thiệu tác phẩm của một sinh viên Mỹ thuật do Dimitrios Antonitsis lựa chọn. Ở rìa vịnh, nhà sưu tập người Hy Lạp Dakis Ioannou đã chọn khu lò mổ trước đây để thiết lập phòng trưng bày của quỹ DESTE của ông, nơi tổ chức các cuộc triển lãm, sự kiện có tầm vóc quốc tế vào mỗi mùa hè.
Những con đường mòn dành cho người đi bộ và bãi biển Hydréa
Những bãi biển của Hydréa không nổi tiếng giống như những bãi biển dài đầy cát ở quần đảo Ionian hoặc Aegea. Do nơi đây được cấu tạo từ những vách núi nên bãi biển thường nhỏ và đá lởm chởm. Những nơi tốt nhất để bơi thường là những hốc đá nhỏ được trang bị hệ thống cầu thang để xuống biển, do đó rất hiếm khi bắt gặp người đến Hydréa để tận hưởng bãi biển. Bù lại nước ở đây xanh ngăn ngắt và trong veo, có thể nhìn thấy những đàn cá bơi lội.
Ra khỏi thành phố tầm một tiếng rưỡi, dọc theo hòn đảo là những con đường rải sỏi dành cho người đi bộ khám phá hòn đảo. Mỗi con đường một vẻ đẹp. Nếu như những con đường men theo bờ biển với những đoạn gấp khúc rực rỡ sắc hoa giống như trong những câu chuyện cổ tích, vách bờ thẳng đứng mở ra phía biển xanh ngắt dưới ánh mặt trời của vùng địa Trung Hải nổi tiếng mộng mơ, thì những con đường nằm sâu trong đảo lại mở ra những khoảng mênh mang đồng cỏ, những mảng thiên nhiên hùng vĩ.
Sẽ có những nơi đẹp đến nao lòng như khi chúng ta đang leo lên những nấc thang tiên giới, đó là khi ta bước lên một cầu thang dài vô định, con đường dẫn lên tu viện Profitis Ilias và tu viện Agia Efpraxia. Nếu tiếp tục đi 30 phút nữa là đến đỉnh núi Eros (590m), điểm cao nhất của quần đảo Saronic. Từ đó chúng ta sẽ thấy được trọn vẹn con đường phía đông dẫn đến Tu viện Agios Nikolaos với tầm nhìn ngoạn mục ra biển. Vẫn ở phía đông, thêm khoảng 4 giờ đi bộ là sẽ đến mũi Zurva và ngọn hải đăng đánh dấu điểm cuối phía đông của Hydréa. Dọc những con đường này là những nhà nguyện nhỏ rất đỗi yên bình.
Buổi tối, rất nhiều khách du lịch chọn ở trọ trong các tu viện để thưởng thức không khí trong lành của vùng biển tĩnh lặng, không một âm thanh hỗn tạp chỉ có bầu trời trong veo và bốn phía mênh mang đồng cỏ, đây đó là tiếng hải âu gọi bạn. Từ những ô cửa sổ tu viện, mặt biển bàng bạc hiện ra như một bầu trời lấp lánh những vì sao.
Nếu ai đó vô tình thốt lên rằng đây là cảnh trên thiên đàng chứ không phải trên mặt đất thì đó cũng không phải là điều nói quá.
Các lá thư gửi đến Juliet ở Italy đều được “thư ký“ của nàng miệt mài trả lời, ngày này qua tháng khác.