Nhà máy sản xuất trà trăm năm tuổi được thay áo mới, trở thành một bảo tàng hiện đại có khu trưng bày, nơi thưởng thức trà và cà phê, muôn góc sống ảo đẹp mê mệt.
Bảo tàng trà Cầu Đất là địa điểm check-in mới của du khách khi đến Đà Lạt. Công trình này nằm tại xã Xuân Trường, tiền thân là Sở trà Cầu Đất được người Pháp xây dựng từ năm 1929. Cuối năm 2021 vừa qua, nhà máy trăm tuổi được thiết kế lại và trở thành nơi tổ chức nhiều hoạt động văn hóa về trà, đồng thời là điểm đến mới mẻ, hấp dẫn dành cho giới trẻ.
Đến đây, bạn sẽ được ngắm nhìn cảnh quan hùng vĩ, những đồi trà nối nhau chạy đến tít tắp. Nhà máy cũ và các hiện vật lịch sử được giữ lại, phục vụ cho các triển lãm văn hóa, tạo nên không gian trưng bày nghệ thuật sắp đặt và quán cà phê phục vụ cho du khách.
Khách tham quan không mất tiền khi vào bảo tàng hay tham quan đồi chè. Tuy vậy, để tăng thêm trải nghiệm, nơi đây tổ chức các tour tham quan với giá vé 90.000 đồng/người. Điểm hấp dẫn tại đây chính là bạn có thể đến vào bất cứ mùa nào trong năm, dù mùa xuân ấm áp hay mùa đông lạnh lẽo, đồi chè vẫn sở hữu nét đẹp của riêng mình.
Bảo tàng hiện có 5 phòng mang các chủ đề khác nhau như: chiếc hộp lịch sử, trưng bày dụng cụ làm trà, nói về người làm trà và nhìn ra ngành trà thế giới. Tại đây, du khách có thể tận mắt nhìn lại toàn bộ quy trình sản xuất trà ngày xưa cũng như lịch sử ngành trà 100 năm đáng tự hào của Việt Nam ta.
Khu triển lãm dụng cụ làm trà
Với tâm niệm luôn muốn lưu lại hết tất cả giá trị lịch sử và dấu vết của thời gian 100 năm hình thành và phát triển ngành trà Việt Nam, tất cả các dụng cụ và dây chuyền sản xuất gần như vẹn nguyên và tập họp đầy đủ tại đây. Thông qua đó, cả một quá trình sản xuất trà sẽ hiện ra trong đầu khiến bạn phải choáng ngợp.
“Chiếc hộp lịch sử”
Tại phòng số 2, các vật dụng làm trà được bày ra đơn giản mà giàu cảm xúc. Những cỗ máy vươn bụi thời gian mang theo câu chuyện lịch sử của riêng mình, là minh chứng hào hùng nhất cho lịch sử phát triển đầy anh hùng của thức trà cổ Cầu Đất Đà Lạt.
Gian trưng bày “Người làm trà”
Khi còn thuộc sở hữu của người Pháp, trà sau khi được chế biến xong sẽ được lưu trữ tại nhà kho này. Ngày nay, các nghệ sĩ đã tận dụng lại chính những ô cửa sổ kho đó để dệt nên câu chuyện của người thợ làm trà cổ: sự tinh tế của những ngón tay, cách lắng nghe mùi hương, cảm nhận khi mỗi lá trà được phơi được xào,...
Phòng “Nhìn ra thế giới”
Đây là không gian đặc biệt của câu chuyện tương lai, khám phá lịch sử trà của thế giới và cách người Việt làm nên tên tuổi của thức trà dân tộc mình.
Giữ gìn nét xưa
Các khối nhà từ nhà máy cổ được giữ lại, không chỉ mang giá trị thẩm mỹ nhất định mà còn ẩn chứa một ý nghĩa riêng. Đó là sợi dây hữu hình liên kết giữa quá khứ và hiện tại. Khi bước vào bên trong, du khách sẽ có cảm giác như mình cũng là một phần của lịch sử. Chính những kiến trúc cổ này tạo ra cảm giác thân quen.
Tòa nhà cũ được được xây dựng bằng gỗ thông và bao phủ bằng tôn.
Dù bề ngoài khối nhà được bao phủ bởi các tấm tôn bình thường, trông không có gì đặc sắc, nhưng thực tế nhà máy cổ này lại sở hữu một không gian có kết cấu lặp lại theo nhịp điệu, ngăn nắp cùng vẻ đẹp hoài niệm của các máy móc cũ được nhập nguyên kiện từ châu Âu vào năm 1931.
Khu nhà mới được làm từ vật liệu chủ yếu là thép tái chế, các tấm polycarbonate…
Không gian phức hợp
Bên ngoài bảo tàng là quán cà phê, trà nhỏ cho du khách trực tiếp trải nghiệm vị trà đặc sản Đà Lạt hay đơn giản là không gian nghỉ ngơi cho các khách du lịch sau một chuyến tham quan dài. Ở nhà máy này, trà chính là văn hóa, là cuộc sống của mỗi con người và được pha bằng cả tâm huyết của những nghệ nhân chân chính, chứa đầy những câu chuyện kể, tinh hoa, hơi thở của tự nhiên và dòng lịch sử.
Quán cà phê không gian mở hướng nhìn ra các đồi chè, nằm trong khuôn viên bảo tàng.
Kể từ lúc mở cửa đến nay, mỗi ngày bảo tàng đón khoảng 300 lượt du khách mới. Du khách sẽ hiểu được về lịch sử, con người của vùng đất này, đồng thời sẽ được mãn nhãn trước các dụng cụ, máy móc xưa cũ và các tác phẩm nghệ thuật mô phỏng về trà, các bước làm nên những sản phẩm trà độc đáo. Ở chặng cuối cùng họ sẽ được thử các loại trà do nghệ nhân pha hay được hướng dẫn làm các loại trà hiện đại mà giới trẻ yêu thích.