Cuộc sống ở thiên đường nghỉ dưỡng Cuba

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hành trình khám phá Havana (Cuba) của nữ blogger Việt đem đến cái nhìn cận cảnh về cuộc sống tại thiên đường nghỉ dưỡng này.

Vừa mê hoặc, quyến rũ, vừa suy tàn, đổ nát… Havana, thủ đô của đảo quốc Cuba hiện lên với tất cả những đường nét tương phản trong cuốn du ký mới nhất: "Người tình Havana" của tác giả Đinh Hằng. Hãy cùng khám phá thành phố 500 năm tuổi này qua các trang viết của nữ travel blogger 9x.

Bảo tàng khổng lồ ngoài trời

Tôi ngả người xuống bậc thang thứ 23 dẫn lên sảnh tòa nhà Quốc Hội El Capitolio. Sự tráng lệ của công trình quan trọng nhất Havana tỏa ra ngồn ngộn qua kích thước đồ sộ, tỷ lệ xây dựng hoàn hảo, đường nét tinh tế và lối trang trí xa hoa.

Từ đây có thể ngắm nhìn dãy nhà cao tầng sặc sỡ đối diện bên kia đường Paseo de Prado. Bên dưới đường, những chiếc xe mui trần cổ kính chầm chậm lướt qua, trong lúc đám đông khách du lịch tiện tay giơ điện thoại lên chụp hình.

Đây là con phố đẹp nhất Havana để ngắm xe cổ, với El Capitolio sừng sững một bên, bên kia là dãy nhà chung cư với mặt tiền là hàng cột cao 5 mét đều tăm tắp một dọc dài, sơn màu xanh cam vàng đỏ sặc sỡ dưới nắng trời mùa hạ.

Cuộc sống ở thiên đường nghỉ dưỡng Cuba - 1

Những chiếc xe cổ là đặc trưng của đường phố Cuba.

Bây giờ rất dễ dàng bắt gặp vài chiếc xe hơi đời mới, hiện đại lăn bánh trên đường phố Cuba. Chúng đều là xe được viện trợ từ nước ngoài, bởi giữa thế kỷ 21, ngành công nghiệp của Cuba gần như bằng không.

Hòn đảo nhiệt đới này nổi tiếng với những chiếc xe cổ 60, 70 năm vẫn chạy tốt. Những chiếc xe "đặc sản" này ở Cuba là thứ hái ra tiền cho chủ sở hữu, dù để chở khách du lịch hay làm taxi cho dân địa phương. Không có gì ở Cuba là dư thừa. Mọi thứ được sử dụng cho đến khi chúng hư nát, rồi lại được sửa chữa, tân trang và dùng tiếp.

Anh chàng lái xe mui trần Buick Invicta 1959 màu hồng chở khách vòng quanh thành phố đã thừa hưởng chiếc xe từ bố. Bố lại thừa hưởng chiếc xe từ ông nội. Hơn sáu mươi năm, động cơ chiếc xe vẫn là đồ "zin", chưa bao giờ được thay thế.

Người ta gọi Cuba là một bảo tàng khổng lồ ngoài trời vì các "hiện vật" không bị lộng khung trong tủ kính với tấm biển "cấm sờ vào". Ngược lại, những chiếc xe cổ đã lên chức ông bà giờ đây vẫn chạy băng băng trên đường phố, phả khói đen xì xuống lòng đường.

Cuộc sống ở thiên đường nghỉ dưỡng Cuba - 2

Havana giống như một bảo tàng sống.

Trong hơn 10 năm ngao du, ngang dọc thế giới, tôi đã phải lòng nhiều cung đường, nơi chốn, vùng đất. Có những nơi khiến tôi phải trở đi trở lại trên dưới chục lần nhưng vẫn không ngừng mê say. Havana là một nơi như thế. Qua bao nhiêu năm, Havana vẫn là thành phố mà tôi đã in hằn trong tâm trí. Nó vừa mê hoặc, quyến rũ, vừa suy tàn, đổ nát.

Ngay cạnh những khách sạn 5 sao xa hoa vừa được trùng tu của phố cổ là dãy nhà chung cư của dân lao động bản địa đang phai nhạt màu sơn, xuống cấp thảm hại từ ô cửa sổ đến ban công trên tầng.

Ngay cạnh các nhà hàng, quán bar, quán cà phê đắt tiền tấp nập khách du lịch vào ra là những cửa hàng tem phiếu phát gạo, trứng và thịt cho dân bản địa.

Và đối diện ngay bên kia đường thôi, căn nhà đã sụp mất 1/3 vẫn là nơi "an trú" của những hộ gia đình sống ngay bên cạnh phần ban công hay nền nhà đã đổ sập.

Đất nước vẫn ở đâu đó trước năm 2000

Thời gian không hề đóng băng ở Cuba, nó vẫn trôi nhưng với một tốc độ hoàn toàn khác với phần còn lại của hành tinh này. Cuba đã bước sang độ tuổi 500 và nó vẫn đang già đi, nhưng theo một cách rất chậm.

Đất nước này dường như không thuộc về thế kỷ 21 hay trang bị tận răng các công nghệ hiện đại. Cảm giác của thế kỷ 20, thậm chí là 19 hoàn toàn hiện hữu trên mỗi bước chân khi tôi đi giữa khu phố cổ La Habana Vieja.

Ngoài những chiếc xe cổ đáng ra đã yên vị trong viện bảo tàng, thì Internet, điện thoại chỗ có chỗ không, Wi-Fi chạy với tốc độ rùa bò, những chiếc điện thoại treo tường vẫn là lựa chọn tốt nhất khi muốn gọi ai đó… Cuba dường như vẫn ở đâu đó trước ngưỡng những năm 2000.

Sau 7 năm, Internet đã phổ biến hơn và rẻ hơn ở Cuba. Wi-Fi từ chỗ tốn từ 6-10 CUC (139.000-230.000 đồng)/giờ hồi 7 năm trước và chỉ cho khách du lịch sử dụng, giờ đã chỉ còn 1 CUC (23.000 đồng) mỗi giờ mà thôi. Nhưng tôi phải đi mua thẻ cào Nauta (Wi-Fi) do công ty viễn thông Nhà nước ETECSA độc quyền phân phối.

Cuộc sống ở thiên đường nghỉ dưỡng Cuba - 3

Những dấu ấn cũ kỹ còn hiện hữu ở Cuba ngay tại thế kỷ 21.

Tôi thường phải ra các văn phòng của ETECSA, dĩ nhiên là sau khi xếp hàng hàng giờ và phải trình hộ chiếu mới có thể mua, hoặc muốn nhanh chóng thì thẻ "chợ đen" luôn sẵn hàng.

Sau đó tôi phải tìm lấy một công viên, hoặc khách sạn sang trọng, hứng sóng Wi-Fi phát ra để sử dụng. Ở Havana, nếu đi dạo vào giấc đêm ngang qua một công viên, rất dễ giật mình khi thấy một đám người với gương mặt ma quái do ánh đèn điện thoại hắt ra. Đừng lo, họ chỉ đang ngồi đó để kết nối Wi-Fi mà thôi.

Từ tháng 12/2018, khách du lịch muốn mua SIM điện thoại Cubacel sử dụng tạm thời ở Cuba cũng được, nhưng giá sẽ vào khoảng 40 CUC (khoảng 926.000 đồng), trong đó sẽ có khoảng 10 CUC dữ liệu di động (và đừng mơ lấy lại 30 CUC nếu không dùng hết).

Bộ mặt thật của thiên đường nghỉ dưỡng

Diego lái một chiếc xe mui trần màu tím cho mấy tour xe cổ phục vụ khách du lịch. Chiếc Pontiac cổ điển 1953 của anh đã có ít nhất 60 năm lăn bánh trên những con đường ở Havana.

Anh ít nói, cư xử lịch thiệp, nhã nhặn và không có cái vẻ bỗ bã của dân lái taxi bình thường. Hỏi ra mới biết, Diego từng là bác sĩ và mới chỉ nghỉ việc cách đây 6 tháng mà thôi. Căn nguyên để Diego từ bỏ một nghề nghiệp được trọng vọng vào bậc nhất trong xã hội sang làm lái xe chở khách du lịch thì đơn giản, anh không muốn tiếp tục sống với mức lương 80 CUC (gần 1,9 triệu đồng) mỗi tháng nữa.

Dù so ra thì, đây là mức lương đáng mơ ước đối với đại đa số dân làm công ăn lương cho nhà nước ở Cuba, nếu không muốn nói là thuộc hàng cao nhất nhì bậc lương chính phủ trả cho người lao động.

"Ít nhất là giờ khi làm lái xe, anh có thể đàng hoàng dẫn bạn gái anh đi ăn ở nhà hàng", Diego vừa nói vừa cười mà sao tôi thấy nó chua chát, đắng cay thế nào.

Người ta có nhiều mỹ từ để gọi Cuba, từ hòn đảo ngọc giữa biển Caribbean, nơi ra đời những chai rượu rum ngon nhất hành tinh, thiên đường của nghỉ dưỡng xứ nhiệt đới với những bãi biển màu ngọc bích trong vắt nhìn thấy tận đáy cát…

Cuộc sống ở thiên đường nghỉ dưỡng Cuba - 4

Những người lao động cực nhọc có thể lại là một dân tri thức nghèo.

Quả vậy, hàng triệu người đến Cuba mỗi năm với ý nghĩ rằng đây là thiên đường ăn chơi, tiệc tùng và giải trí với giá cả dễ chịu nhất vùng biển Caribbean. Chưa đến một giờ bay từ Miami (Mỹ), Havana chào đón khách du lịch dễ dàng bằng một tờ tourist card (thẻ du khách, thay thế cho thị thực nhập cảnh) mua ngay tại quầy làm thủ tục tại sân bay.

Rồi bữa tiệc bắt đầu bằng ly mojito huyền thoại giá 5 CUC (115.000 đồng) ở quán La Bodeguita Del Medio 78 tuổi, lúc nào cũng ngồn ngộn khách du lịch mướt mồ hôi dưới nắng trời nhiệt đới; hoặc vài ba ly cocktail daiquiri truyền thống ở Floridita cho giống nhà văn Hemingway hồi đó; hay choáng ngợp trong màn trình diễn khiêu vũ với các vũ công ăn mặc nóng bỏng đến nhức mắt ở show diễn Tropicana, một trong những chương trình nghệ thuật giải trí hoành tráng hiếm hoi ban đêm ở Havana.

Trong lúc khách du lịch – những kẻ "bên ngoài" - nhìn Cuba như một thiên đường, không ít dân bản địa chỉ phàn nàn, thất vọng, khao khát được ra khỏi đất nước đã bị cấm vận từ nhiều thập kỷ qua. Đừng hiểu lầm tôi. Cuba bao năm qua vẫn đẹp với những dãy nhà cổ 500 năm, những điệu nhạc Mỹ Latin vui tươi và nắng trời Caribbean vàng rực trên đầu.

Cuba vẫn nổi tiếng với tôm hùm nướng ngon ngọt, rượu rum êm đằm chảy xuống cuống họng và xì gà cháy thơm. Người Cuba vẫn hiền lành, yêu đời và nhã nhặn, dù họ phải sống trong một thế giới hoàn toàn khác ngay trên con đường ấy, góc phố ấy và cả hòn đảo ấy. "Bộ mặt thật" của Cuba vốn dĩ chẳng hề nguy nga, lộng lẫy và rực rỡ như những gì bày ra trước mắt khách du lịch. Cuba, nếu nhìn cho thật kỹ, là đất nước của 2 mặt hoàn toàn mâu thuẫn, 2 cách nhìn hoàn toàn trái ngược nhau và 2 hình ảnh mang về đầy khác biệt cho khách du lịch.

Cuộc sống ở thiên đường nghỉ dưỡng Cuba - 5

Bộ mặt thật của Cuba không hào nhoáng như nhiều người tưởng.

Trong khi khách du lịch đến Cuba hầu như không biết gì về "bộ mặt thật" này, họ cũng không hề biết đời sống Cuba thực sự khốn khó như thế nào. Họ chỉ biết khách sạn 5 sao ở Cuba vẫn đắt, bữa ăn trong nhà hàng giá vừa phải với túi tiền và một cuốc xe mui trần dạo phố cũng chẳng rẻ.

Họ không biết chiếc ly vừa làm bể trong nhà hàng là cả tháng lương của anh chàng phục vụ, vài đồng tiền "boa" là 1/3 tháng lương của anh đầu bếp có thể nuôi được cả một gia đình, và một đêm ở casa (nhà trọ cho khách du lịch) trong thành phố nhỏ nọ đáng giá một tháng đi làm của anh nhân viên nhà nước kia.

Đúng vậy, điều mà rất nhiều người không biết, là mức lương trung bình ở Cuba thấp đến mức ngạc nhiên. Bác sĩ - ngành nghề danh giá nhất xã hội - chỉ có thể kiếm tối đa 60-80 CUC mỗi tháng (1,4-1,9 triệu đồng/tháng), giáo viên tiếng Anh mỗi tháng lĩnh 16 CUC (370.000 đồng/tháng), nói chung là viên chức nhà nước lương dao động từ 15-20 CUC mỗi tháng (348.000-463.000 đồng/tháng).

Với mức lương như vậy, làm cách nào họ có thể ăn một bữa 3 món kèm đồ uống ở nhà hàng mà giá thấp nhất đã tương đương 20 CUC? Rồi lấy đâu ra 25 CUC để đón một cuốc taxi từ sân bay về Havana? Nữa là mơ đến những resort giá mấy trăm CUC một đêm? Dĩ nhiên, những thứ ấy không dành cho người Cuba bình thường.

Về mặt lý thuyết, mỗi tháng họ được cấp khoảng hơn 2 kg gạo, 1 kg đường trắng, 1 kg đường nâu, 1 kg muối, 0,5 kg thịt gà, một cục xà bông, 2 bao thuốc lá, 1 kg đậu đen, 1 kg đậu đỏ, 2 bao diêm… "Nhưng chúng tôi có bao giờ nhận đủ những thứ ấy. Mà nếu nhận đủ đi nữa, ai có thể sống được với chừng đó?", Diego nhún vai.

Việc một bác sĩ như Diego nghỉ việc làm lái xe, hay giáo viên bỏ dạy học đi bán đồ lưu niệm cho khách du lịch ở Cuba là quá bình thường. Trong khi đại bộ phận dân chúng Cuba sống bằng đồng lương thấp kỷ lục, thấp đến sững sờ và thấp đến sốc cả óc, thì dĩ nhiên người ta phải tìm những cách khác để tồn tại.

Cuộc sống ở thiên đường nghỉ dưỡng Cuba - 6

Cuba không hào nhoáng như những gì du khách thấy.

Phổ biến nhất là làm hai nghề: sáng bác sĩ chiều phục vụ bàn, ngày đi dọn dẹp ở homestay chiều đi làm y tá, kỹ sư cơ khí kiêm sửa đồ gia dụng, chơi trong ban nhạc kiêm pha chế... Ở nhà hàng San Cristobal nổi tiếng từ lần viếng thăm của cựu Tổng thống Obama, một trong những anh chàng phục vụ mà tôi biết ban ngày làm bác sĩ, ban đêm đi chạy bàn.

Những thành phần thức thời khác thì tham gia vào ngành công nghiệp du lịch, cho thuê phòng trọ trong nhà, mở quán ăn nhà hàng, làm hướng dẫn viên du lịch, lái xe mui trần cổ… Thậm chí có một nghề cũng "khá" không ngờ tới ở Cuba là… dọn nhà vệ sinh.

Ai qua Cuba cũng ngạc nhiên vì thỉnh thoảng đi vệ sinh cũng phải trả giá. Xe dừng ở trạm nghỉ chân, xe dừng ở trạm xăng, đi vệ sinh trong nhà hàng, bảo tàng, sân bay, quán cà phê... gần như lúc nào cũng có người ngồi để phát giấy và thu tiền tùy hảo tâm của khách. Vì thế, ai đã có chỗ rồi thì giữ riệt, vì có khi kiếm một ngày còn hơn cả viên chức nhà nước làm cả tháng.

Việc những người "cố gắng vươn lên thoát nghèo" ở Cuba đổ xô sang làm du lịch, chính là vì một sự thật lạ lùng khác ở Cuba. Đó là vì sự tồn tại song song của hai loại tiền tệ khác nhau - CUC và CUP - với mức chênh lệch giá tới 25 lần.

Hệ thống tiền tệ song song này ra đời vào năm 1994, là một giải pháp để thu hút nguồn ngoại tệ từ khách du lịch trong bối cảnh Cuba bị Mỹ cấm vận, đồng nghĩa với việc hòn đảo hoàn toàn bị gạt ra khỏi bản đồ tài chính toàn cầu. Nhưng cũng chính hệ thống này tạo ra những nghịch lý khác ở Cuba.

Nó khiến Cuba luôn phải đối mặt với thực tế nan giải. Một mặt, đất nước sử dụng du lịch như một công cụ để giữ cho nền kinh tế phát triển, mặt khác cũng chính du lịch khiến cho sự bất bình đẳng trong thu nhập ngày càng tăng, góp phần tạo ra hai tầng lớp công dân hoàn toàn khác biệt ở hòn đảo này.

Đó là những người thu nhập thấp dùng tiền nội tệ CUP (phần lớn là viên chức nhà nước) và những người giàu có hơn do được hưởng lợi từ việc nhận thù lao bằng tiền CUC khách du lịch chi trả. Chính họ là một tầng lớp những người giàu mới, đã và đang vô hình trung cô lập những người Cuba còn lại đang làm việc cho chính phủ với đồng lương chết đói.

Hải sản là một nghịch lý khác của hòn đảo lớn Cuba. Người Cuba ăn 1/4 sản lượng hải sản họ đã đánh bắt và sản xuất được vào cuối những năm 1980, theo dữ liệu chính thức. Tính ra, lượng cá tiêu thụ trên đầu người của Cuba chỉ bằng một phần nhỏ so với con số trung bình trên thế giới, khiến họ nói đùa cay đắng về việc một hòn đảo không có cá.

Thứ hải sản bản địa phổ biến nhất có thể ăn ở Cuba là… tôm hùm (mà người ta vứt luôn phần đầu ngay khi chế biến trong nhà máy, chỉ để lại cái đuôi). Đuôi tôm hùm ở Cuba được bán với giá rẻ sững sờ so với giá tôm hùm ở Việt Nam. Dù vậy, nếu muốn ăn thứ hải sản sang chảnh này, người ta chỉ có thể vào nhà hàng, vì chúng không được phân phối ra ngoài. Ngay tại các cửa hàng thực phẩm, hải sản có thể mua được chỉ là những thứ cá tạp kém phẩm chất.

Phần lớn hải sản được đánh bắt và sản xuất của Cuba, bao gồm tôm hùm, được xuất khẩu hoặc cung cấp cho nhà hàng tại những khu du lịch để tạo ra lượng tiền tệ cần thiết. Nhà nước Cuba cho phép ngư dân tư nhân bán sản phẩm của họ từ một thập kỷ trước, nhưng người được mua duy nhất cũng chỉ là… nhà nước.

Chợ đen vẫn tồn tại, và nhiều ngư dân mạo hiểm lén lút bán hải sản họ đánh bắt được để kiếm sống, chủ yếu cho những người có tiền. Tiền lời dĩ nhiên cao hơn hẳn khi bán cho nhà nước, dù hình phạt nếu bị phát hiện rất nghiêm.

Những người Việt Nam từng sống qua thời tem phiếu, sang đến Cuba sẽ cảm thấy như đang quay trở về quá khứ. Các cửa hàng thực phẩm ở Cuba do nhà nước điều hành. Mỗi người Cuba nhận được một cuốn sổ mua lương thực "libreta" (tương tự như sổ gạo của Việt Nam thời mậu dịch) cho phép họ nhận hàng tại các cửa hàng thực phẩm, hoặc mua một số ít hàng hóa cơ bản như gạo, đậu, trứng và đường, khoai tây và một lượng thịt nhỏ… mỗi tháng với giá cực thấp. Tùy giàu hay nghèo, các gia đình Cuba sẽ có tiền mua thêm thực phẩm nhập khẩu bán trên chợ đen, hoặc thực phẩm bán trực tiếp từ người dân địa phương.

Cốt cách đáng trọng của người Cuba

ỞCuba, xếp hàng là một nét văn hóa và là một việc rất nghiêm túc. Đừng chen lên dù chỉ một người nếu không muốn có cãi vã hoặc xích mích xảy ra. Ở những nơi có nhiều người đứng đợi nhưng không có hàng, bạn phải hỏi lớn "Quién es el último?" để biết ai là người đang đứng đợi trước mình.

Thật vậy, ở Cuba, một bác sĩ cũng sẽ xếp hàng như một anh bảo vệ hay bồi bàn, để mua dù là ổ bánh mì hay cân gạo. Người Cuba xếp hàng dù chỉ để mua một mớ rau hay lên một chuyến xe buýt, hay đổi một ít tiền. Mức sống ở Cuba dù thấp, nhưng hiếm khi có cảnh tranh giành, xô đẩy, dẫm đạp lên nhau. Bởi ở đây, xếp hàng là việc bất cứ ai cũng ý thức được. Việc chen lên dù là một người cũng sẽ bị coi là bất lịch sự và không công bằng chút nào.

Cuộc sống ở thiên đường nghỉ dưỡng Cuba - 7

Văn hóa xếp hàng được coi trọng ở Cuba.

Ai sang Cuba sẽ thấy, họ đúng là nghèo thật. Cuộc sống thiếu thốn đủ đường nhưng ở đây không ngột ngạt, và người Cuba cũng không ưa than nghèo kể khổ hay cầu xin lòng thương hại. Cốt cách của người Cuba, nhìn cho thật kỹ, vẫn là rất nhã nhặn, lịch thiệp, biết cách tận hưởng cuộc sống.

Xuất phát điểm của họ từng là một trong những nước giàu có nhất nhì vùng Trung và Nam Mỹ. Vào thời điểm cuộc cách mạng năm 1959, Havana được xếp hạng là một trong những thành phố lớn và phát triển nhanh nhất thế giới. Cuba từng đứng thứ 11 trên thế giới về số lượng bác sĩ trên đầu người, và tự hào là một trong những quốc gia có tầng lớp trung lưu lớn nhất trong toàn khu vực.

Đồng ý rằng ở Cuba, những gì hào nhoáng, xa hoa ngày trước giờ đây chỉ còn là quá khứ cũ kỹ vùi dưới bụi lịch sử. Nhưng con người Cuba vẫn giữ cốt cách ấy, tinh thần ấy, và những công trình từng là viên ngọc của kiến trúc Cuba vẫn ở đấy nếu ai đó thực sự muốn kiếm tìm và chiêm ngưỡng.

Cuộc sống ở thiên đường nghỉ dưỡng Cuba - 8

Dù không giàu có, cốt cách đẹp vẫn là điều đáng tự hào của người Cuba.

Ở Havana, nếu thỉnh thoảng lại đi lạc như tôi, hãy nhìn lên những ban công nhà. Vì dưới dây phơi quần áo trên ban công nọ có thể là một bức tượng đầu người đẹp mỹ miều, hoặc chung cư đang bán mấy món thức ăn nhanh rẻ tiền kia là một tòa nhà ba tầng sơn xanh với các cột thẳng tắp, và ông cụ đang ngồi buồn trước cửa nhà trên ban công tầng một ăn vận rất lịch sự với áo thun, quần jean, giày thể thao cũ mèm, có thể đã từng là một người rất giàu có khi xưa.

Đinh Hằng là phóng viên, blogger du lịch, tác giả 2 cuốn sách du ký best seller Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ và Chân đi không mỏi: Hành trình Đông Nam Á. Tháng 1/2021, cô ra mắt Người tình Havana và ngay lập tức vào top 1 sách du ký bán chạy nhất trên thương mại điện tử. Cô nổi tiếng với các chuyến độc hành đến nhiều vùng đất độc đáo, kỳ lạ, nơi ít người Việt đặt chân tới. Cô đã và đang liên tục chia sẻ về những chuyến đi của mình suốt 10 năm qua.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Đinh Hằng (Zing News)

CLIP HOT