Chiêm ngưỡng nét đẹp nguyên bản tòa dinh thự 150 tuổi ở TP.HCM
Du khách được tham quan một nước Pháp thu nhỏ giữa lòng TP.HCM vào ngày duy nhất trong năm, nhân Ngày hội di sản châu Âu.
Tòa nhà Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM được xây dựng vào năm 1872, cùng thời với các công trình tiêu biểu khác như: Dinh Norodom (1868-1873, nay là Dinh Độc Lập), Đại chủng viện Thánh Giu-se (1863) hoặc Nhà thờ Đức Bà (1877-1880)... Riêng Bưu điện Thành phố được xây dựng ít lâu sau đó (1886-1891).
Du khách tham quan tòa nhà Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM vào ngày duy nhất trong năm mở cửa dành cho công chúng
Đây là một trong những công trình Pháp thời kỳ đầu thuộc địa vẫn còn được bảo tồn trong điều kiện tốt nhất tại TP.HCM. Dinh thự này được bắt đầu xây dựng vào năm 1872 dưới thời Đô đốc Dupré, nằm trong khu vực trung tâm của Sài Gòn xưa gắn với các công trình của Việt Nam thời kỳ nhà Nguyễn.
Trong khuôn khổ Ngày di sản Châu Âu 2022, tòa nhà Tổng lãnh sự Pháp đã mở của cho cộng đồng vào tham quan vào thứ bảy 17/9/2022 vừa qua
Ngày di sản châu Âu là ý tưởng của Bộ Văn hóa Pháp đưa ra vào năm 1984 dưới tên gọi: "Ngày hội mở cửa cho những di sản lịch sử".
Đây là dịp duy nhất để công chúng các nước được tham quan các công trình lịch sử thường không mở cửa đón khách do có mục đích sử dụng khác (hành chính, ngoại giao, kinh tế…).
Trong khuôn khổ Ngày di sản châu Âu, Tổng lãnh sự Pháp Emmanuelle Pavillon Grosser đã có buổi giới thiệu về tòa dinh thự Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM
Chia sẻ cùng báo chí tại sự kiện buổi đón tiếp công chúng vào tham quan, bà Emmanuelle Pavillon-Grosser, Tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM cho biết, Ngày hội di sản châu Âu là một sáng kiến của Bộ Văn hóa Pháp, được tổ chức từ năm 1984 và đã thành công đến mức được mở rộng khắp thế giới.
“Dịp này, những tòa nhà di sản lịch sử mở cửa để du khách tham quan và tìm hiểu. Để hưởng ứng sự kiện này, Tổng lãnh sự Pháp tại TPHCM cũng mở cửa cho khách tham quan và điều này đã được duy trì trong 5 năm qua. Chúng tôi cũng mong muốn hoạt động này sẽ được tiếp tục trong tương lai”, bà Tổng lãnh sự thông tin thêm.
Tòa nhà Tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM nay đã tròn 150 tuổi (1782 - 2022) tọa lạc tại số 6 Lê Duẩn, Q.1, ngay góc đường Hai Bà Trưng - Lê Duẩn
Kết cấu tường chịu lực kiên cố, vững chắc hơn trăm năm
Mặt đứng kiến trúc dinh thự thanh lịch nhẹ nhàng với 7 nhịp cửa vòm, bố cục phân ra trên 3 khối avant-corps (khối nhà lồi ra); mặt đứng bên có 5 nhịp cửa vòm đối xứng. Cả 4 mặt đứng đều tương tự nhau và trổ 4 lối tam cấp lan can uốn lượn dẫn ra vườn như một lời mời gọi hấp dẫn du khách bước vào xem từ mọi nơi trong khuôn viên.
Tòa nhà một trệt - một lầu; mỗi tầng gồm 32 cửa có thể đóng mở
Toàn bộ tòa nhà có 64 cửa sổ giúp thoáng khí và mát mẻ. Để tòa tiếng ồn, ánh nắng mặt trời và mưa gió, hành lang được thiết kế có nhiều cửa sổ bốn cánh kéo dài đến tận trần nhà. Dọc hành lang mặt chính được đặt những chiếc ghế sơn mài khảm cẩm thạch có hoa văn hình trái tim hoặc hình thoi.
Những chiếc ghế sơn mài khảm cẩm thạch đặt dọc theo hành lang
Bốn mặt của tòa nhà đều có hành lang bao quanh, với những cửa sổ xanh lá cây cao gần 5m
Nội thất thiết kế sang trọng, ấn cúng với đồ nội thất thời nhà Nguyễn kinh đô Huế
Không gian phòng khách thoáng đãng, rộng rãi
Tại khu vực phòng khách, nay là nơi tổ chức các sự kiện của Tổng Lãnh sự quán Pháp, du khách có thể thấy đồ nội thất thời nhà Nguyễn ở Huế được bố trí hài hòa. Các hiện vật cổ thể hiện nghệ thuật trang trí và tâm linh tại Việt Nam vào thế kỷ XIX và XX.
Trưng bày bàn tiệc kiểu Pháp ở phòng ăn lớn
Dinh thự được bố trí tầng trệt có 4 phòng chính gồm 2 phòng khách 2 phòng ăn và một khu vực bếp soạn ở góc hành lang; tầng lầu bố trí các phòng sinh hoạt riêng của gia đình bà Tổng Lãnh Sự.
Chiếc cầu thang thép trải qua bao thăng trầm vẫn bền bỉ cùng năm tháng.
Bên trong tòa nhà có 2 cầu thang giao thông lên xuống, gồm 1 thang thường làm bằng thép ghép đinh tán, lan can hoa văn bằng gang đúc; mặt bậc ốp gỗ. Thang còn lại xoắn ốc hệt như thang lên xuống của các gác chuông thánh đường.
Theo thông tin thuyết minh hướng dẫn, thang xoắn ốc này được thợ cơ khí của hải quân Pháp chế tạo từ các phần của tàu Pháp thời bấy giờ.
"Công trình được xây dựng cách đây cả thế kỷ rưỡi vẫn không hề suy suyển và vẫn giữ được nét nguyên bản thật đáng kính ngạc", chị Lê Thị Diễm Thúy nhận định
Dạo một vòng tham quan tòa nhà, chị Lê Thị Diễm Thúy công tác tại Q.3 tấm tắc khen, Sài Gòn giờ đây cũng còn không hiếm những tòa dinh thự kiểu Pháp đồ sồ và tuyệt mỹ như thế này, chẳng hạn như Tòa Tổng Giám mục với lối kiến trúc Pháp hài hòa, trang nhã trên đường Nguyễn Đình Chiểu, nơi hàng ngày chị vẫn thường đi làm ngang qua.
Du khách trầm trồ trước những tác phẩm trưng bày bên trong tòa nhà
Trên tường phòng khách lớn của dinh thự có treo bức tranh sơn mài Đám rước trong làng (1939) của danh họa Nguyễn Gia Trí. Bức tranh gồm 9 tấm ghép lại là điểm nhấn tôn vẻ sang trọng cho gian phòng.
Các góc trang trí tranh và tượng hài hòa, trang nhã
Nội thất dinh thự là một nét độc đáo, như một bảo tàng với hàng trăm đồ vật được sưu tập từ thời mới xây dựng tới nay
Đa số đồ xưa nhất là những sản phẩm trang trí nội thất bản địa như tủ chạm lộng, bàn viết, đôn ghế cẩn xà cừ chạm trổ công phu, tranh sơn mài, tượng thờ và đồ sứ kí kiểu
Không gian sân sau tòa nhà rợp cây xanh bóng mát
Bao quanh dinh thự là một khu vườn rộng lớn rợp bóng cây xanh và ngăn cách thế giới bên ngoài với các cây cổ thụ mà tuổi đời chắc cũng gần bằng với tuổi của thành phố, sân vườn được rải sỏi trắng sang trọng sạch sẽ trên tất cả lối mòn bao quanh đinh thự và sân vườn.
Khuôn viên xung quanh là vườn cây xanh mát, ngập tràn sắc màu cỏ hoa
Dinh Tổng Lãnh sự Pháp cũng đồng thời là một công viên với diện tích hơn 1,5 ha. Những cây cổ thụ mà một số có tuổi đời ngang với tư dinh, là nơi ẩn mình của một hệ sinh thái thực thụ với các loài chồn hương, sóc và chim quý hiếm đã chọn nơi này làm tổ.