Phiên chợ cuối năm ở vùng quê miền Tây là trải nghiệm độc đáo mà không phải nơi nào cũng có được, nơi vừa nhộn nhịp kẻ bán người mua, vừa bình yên đến lạ.
Phiên chợ cuối năm ở vùng quê miền Tây là trải nghiệm độc đáo mà không phải nơi nào cũng có được, nơi vừa nhộn nhịp kẻ bán người mua, vừa bình yên đến lạ.
Chợ Bàu Hút (xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) nằm sâu hun hút trong một vùng quê yên ả. Cách thị trấn Lấp Vò hay các thành phố Sa Đéc, Cao Lãnh ở khoảng cách vừa đủ để giữ lại những nét dân dã, chân chất nhất của một khu chợ quê.
Là ngôi chợ chuyên bán nông sản, nguyên liệu, nơi đây luôn tấp nập kẻ bán người mua, tìm lựa trái cây, rau quả tươi xanh nhất để chuẩn bị cho bữa cơm gia đình. Trong phiên cuối năm, chợ càng đông vui hơn dù không quá sầm uất như chợ thị, một không khí vừa ồn ã lại vừa nhẹ nhàng, cảm giác như thời gian ở đây trôi qua rất chậm.
Có dịp đi chợ tại xã Bình Thạnh Trung, du khách đừng quên thưởng thức món Bì mắm đặc sản nơi đây. Món ăn có vị chua xen ngọt, đặc biệt tỏa ra mùi mắm thoang thoảng, mang đậm phong vị miền sông nước Nam Bộ. Dù cách làm không khác nhiều so với nem thịt, nem bì, cũng như không dùng nước mắm nhưng bì mắm xứ Đồng Tháp lại đặc trưng mùi mắm thơm.
Riềng là một trong những nguyên liệu đặc biệt làm nên nét đặc trưng của món bì mắm, loài cây được trồng ven kênh, đất màu mỡ, mát lành nên cây xanh tốt mà không cần chăm bón. Sau khi trồng, phải mất hai năm cây mới bắt đầu cho thu hoạch. Ngoài riềng, không có lá vông nem thì không thể làm được bì mắm. Bì mắm được gói bằng lá chuối hột, giúp giữ được màu xanh tươi, lâu héo và toát lên mùi thơm riêng biệt.
Chợ quê cuối năm đem lại không khí khác biệt. Những người con cả năm xa quê, giờ ghé chợ, tìm một góc nhỏ và ăn món đặc sản địa phương, cũng thấy ấm áp trong lòng. Cảnh mua bán, trao đổi rộn ràng cả vùng quê. Năm nay tình hình kinh tế khó khăn, mọi người cũng trả giá ở mức độ làm vui lòng nhau, chứ không muốn làm khó dễ vì ai cũng có gia đình đang đón chờ mùa Tết.
Chợ quê ngày cuối năm không chỉ là nơi buôn bán của nhân dân, mà còn là chốn tìm về của những người con xa quê. Vào những ngày giáp Tết, dù bận rộn công việc đến cỡ nào, người ta cũng tìm đến họp chợ, vừa sắm sửa cho năm mới, vừa gắn kết các mối quan hệ xóm giềng.
Ven hai bên đường, những chậu bông cúc, bông vạn thọ nở rộ, nhuộm vàng nhuộm cam cả một góc chợ. Cô bán hàng ngồi trên ghế bố, ngơi lưng ngắm dòng người qua lại sau một hồi “thương lượng nảy lửa” với khách mua. Nhìn từ xa, cô cứ như chìm vào cánh đồng hoa bất tận, trông rất yên bình và thư thái.
Phiên chợ quê cuối năm nhìn chung không khác gì với những ngày khác, vẫn cô bán bánh bao, chú buôn đồ nhựa, chị sạp trái cây, thím quầy tạp hóa,... Tuy nhiên, ai cũng mang trong lòng cảm giác hồ hởi, sẵn sàng nở nụ cười tươi vui đón một năm mới tới.