11 thành phố hiện đại được xây dựng trên tàn tích cổ xưa
Một số thành phố phát triển nhất thế giới thực tế được xây dựng trên nền móng có từ thời cổ đại với những di tích lịch sử vẫn được bảo tồn cho đến ngày nay.
Rome, Italy: Thành phố Rome có một số khu vực gần như hoàn toàn không có các cấu trúc xây dựng mới đương đại. Rome được thành lập vào năm 753 trước Công nguyên và là một trong những thành phố lâu đời nhất có người ở liên tục của châu Âu. Các địa danh lịch sử nổi tiếng hàng đầu là Đấu trường La Mã và Công trường La Mã. Ảnh: Shutterstock.
Luxor, Ai Cập: Luxor ngày nay nằm trên bờ phía đông của sông Nile ở miền Nam Ai Cập. Từng là kinh đô Thebes trong lịch sử Ai Cập cổ đại, thành phố được mệnh danh là bảo tàng ngoài trời lớn nhất thế giới. Luxor lưu giữ hàng nghìn các công trình kiến trúc cổ đại, bao gồm quần thể đền Karnak và Luxor, cả hai đều nằm trong thành phố hiện đại. Ảnh: Shutterstock.
Athens, Hy Lạp: Athens là ví dụ hoàn hảo về một thành phố hiện đại cùng tồn tại với quá khứ xa xưa. Thủ đô của Hy Lạp tự hào có một lịch sử được ghi lại kéo dài hơn 3.400 năm. Bằng chứng của Athens cổ điển có thể được nhìn thấy ở khắp mọi nơi, với một loạt các di tích như Thành cổ Athens, đền Athena Nike, đền Parthenon, đền Hekatompedon, đền thờ Zeus Polieus, Erechtheion... Ảnh: Shutterstock.
Lima, Peru: Lima là một trong những thành phố lớn nhất ở châu Mỹ, với dân số gần 10 triệu người chỉ tính riêng vùng đô thị. Thủ đô của Peru được thành lập vào năm 1535. Tuy nhiên, thành phố này nằm trên nền móng cổ xưa có từ thời kỳ tiền Colombia. Vào những năm 1950, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra một kim tự tháp bằng gạch nung được người Inca và người Hullala sử dụng hơn 2.000 năm trước. Di tích được đặt tên là Huaca Huallamarca, nằm ở quận San Isidro của Lima. Ảnh: Shutterstock.
London, Anh: London có dân số gần 9 triệu người. Thành phố là một khu định cư lớn trong hơn hai thiên niên kỷ, được người La Mã thành lập vào năm 47 với tên gọi "Londinium". Dấu tích về sự chiếm đóng của người La Mã vẫn có thể được tìm thấy ở những đoạn tường bao quanh thành phố còn sót lại. Ảnh: Shutterstock.
Seoul, Hàn Quốc: Thủ đô của Hàn Quốc có lịch sử gần 2.000 năm. Du khách đến đây có thể đến tham quan Tường thành Hanyang Seoul, một di sản thế kỷ 14 của thành phố. Ban đầu, bức tường được xây dựng bao quanh Hanyang vừa để bảo vệ, vừa làm ranh giới của thành phố trong triều đại Joseon. Ảnh: iStock.
Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ: Thành phố lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ là nơi sinh sống của hơn 15 triệu cư dân. Con sông Bosphorus chia đôi Istanbul thành 2 phần ở châu Âu và châu Á. Một khu định cư được thực dân Hy Lạp thành lập trên địa điểm của thành phố hiện nay vào thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên và được đặt tên là Byzantion. Hoàng đế La Mã Constantine Đại đế đã đổi tên thành Constantinople vào khoảng năm 330. Đến ngày nay, thành phố mang tên Istanbul và vẫn bảo tồn được một loạt di tích lịch sử quan trọng. Ảnh: Shutterstock.
Thành phố Mexico, Mexico: Siêu đô thị rộng lớn này được thành lập với tên gọi Mexico-Tenochtitlan vào năm 1325. Một số tàn dư của nền văn minh Aztec cổ đại thời tiền Colombia vẫn còn tồn tại ở nơi đây. Ví dụ điển hình nhất là Templo Mayor (ngôi đền chính) ở trung tâm thành phố. Ảnh: Shutterstock.
Tây An, Trung Quốc: Tây An, thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây, là một trong những thành phố cổ nhất ở Trung Quốc. Thành phố cũng là một trong Tứ Đại Cố Đô của đất nước. Tây An có nhiều di tích lịch sử, nổi tiếng nhất là lăng mộ Tần Thủy Hoàng được xây dựng trong hơn 38 năm (từ 246-208 trước Công Nguyên) và ngày nay trở thành một trong những điểm du lịch độc đáo nhất thế giới. Ảnh: Shutterstock.
Madurai, Ấn Độ: Nằm ở bang Tamil Nadu của Ấn Độ, Madurai là một trong những thành phố lâu đời nhất trong khu vực, được đề cập trong các văn bản từ thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên. Madurai được xây dựng xung quanh đền Meenakshi Amman, nơi từng là trung tâm địa lý và lễ nghi của thành phố cổ. Ngày nay công trình này là điểm tham quan nổi tiếng với ngoại thất được trang trí tinh xảo. Ảnh: Shutterstock.
Kyoto, Nhật Bản: Được Hoàng đế Kanmu thành lập vào năm 794 với tư cách là trụ sở mới của triều đình Nhật Bản, Kyoto ban đầu có tên là Heian-kyo và từng là thủ đô của đất nước. Ngày nay, thành phố vẫn được coi là thủ đô văn hóa của đất nước với vô số ngôi chùa Phật giáo, đền thờ Thần đạo, cung điện và những khu vườn truyền thống. Ảnh: Shutterstock.
Chính phủ Nhật Bản đang thi hành nhiều sáng kiến mới nhằm thu hút giới siêu giàu tới du lịch thường xuyên hơn tại xứ...