Nhật Bản 'trải thảm' đón khách siêu giàu

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Chính phủ Nhật Bản đang thi hành nhiều sáng kiến mới nhằm thu hút giới siêu giàu tới du lịch thường xuyên hơn tại xứ sở Mặt trời mọc.

Dù chỉ chiếm 0,9% số lượt khách tới Nhật Bản trong năm 2019, giới siêu giàu đóng góp hơn 11% tổng số tiền khách du lịch nước ngoài chi tiêu ở đất nước Mặt trời mọc.

Trong bối cảnh thúc đẩy phục hồi nền kinh tế hậu Covid-19, chính phủ Nhật Bản đang đẩy nhanh các biện pháp nhằm khuyến khích giới siêu giàu lựa chọn nước này làm điểm đến một cách thường xuyên hơn, theo South China Morning Post.

Nhắm đến du khách siêu giàu

Một trong các sáng kiến mới nhất là cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để du thuyền hoặc máy bay tư nhân được phép cập bến Nhật Bản, ngay cả trong trường hợp thông báo vào phút chót.

Các nhà điều hành du lịch cho biết sáng kiến mới có thể thu hút giới siêu giàu từ khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương tìm đến Nhật Bản nếu họ bất chợt muốn thăm một ngôi đền ở Kyoto hay trượt tuyết trên sườn núi Niseko.

Nhật Bản 'trải thảm' đón khách siêu giàu - 1

Khu nghỉ dưỡng trên núi Niseko. Ảnh: AP.

Các dịch vụ phục vụ ngành du lịch hạng sang ở Nhật Bản cũng đang trong giai đoạn bùng nổ. Hàng loạt khách sạn siêu sang vừa khai trương, trong đó có Bvlgari tại thủ đô Tokyo, hay Sowaka ở Kyoto.

Tại quận Nishi-Shimbashi ở thủ đô Tokyo, nhà hàng Aragawa vừa đi vào hoạt động. Ở nhà hàng này, mỗi suất ăn tối sẽ có giá không dưới 700 USD.

Tuy nhiên, giới chức Nhật Bản thừa nhận hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch nước này vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu theo tiêu chuẩn của du khách thuộc giới siêu giàu, như phòng chờ sân bay hạng sang, các dịch vụ trợ giúp đặc biệt, dịch vụ di chuyển siêu sang, những thứ luôn có sẵn ở các thiên đường du lịch như Monaco, Dubai hay Aspen.

Chính phủ Nhật Bản cho biết đơn giản hóa các quy định về kiểm soát phương tiện hạ cánh ở sân bay, dành cho máy bay tư nhân nước ngoài, là một phần trong nỗ lực tổng thể nhằm thu hút du khách và kích cầu chi tiêu.

Theo Bộ Giao thông Nhật Bản, máy bay sở hữu tư nhân đăng ký ở nước ngoài có thể gửi thông báo trong vòng 3 ngày trước khi hạ cánh, thay vì quy định 10 ngày trước đây. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Nhật Bản sẽ triển khai hệ thống đăng ký hạ cánh khẩn cấp trong vòng 24 giờ, áp dụng với "các tình huống không thể tránh khỏi".

"Chính phủ Nhật đang có những bước đi đầu tiên rất quan trọng. Nhưng họ cũng chỉ có thể làm đến vậy, trên nhiều khía cạnh, phần còn lại sẽ phải chờ xem liệu khu vực tư nhân có thể nắm bắt cơ hội và khai thách nó hay không", Ashley Harvey, chuyên gia marketing du lịch, nhận định.

Ông Harvey cho rằng các thành phố ven biển như Fukuoka, Atami hay Naha có tiềm năng rất lớn. Với tầm nhìn và quyết tâm phù hợp, những thành phố này hoàn toàn đủ khả năng thu hút du thuyền nước ngoài để cạnh tranh với những Monte Carlo, Dubai hay Singapore.

Quyết tâm của Nhật Bản

Nhà chức trách Nhật Bản đang xây dựng kế hoạch sửa đổi Luật Hàng không Dân dụng nhằm đơn giản hóa quy định cấp phép cho máy bay nước ngoài hạ cánh.

Trong năm 2019, có tổng cộng 5.962 người đến Nhật Bản bằng máy bay tư nhân, theo Kyodo News. Tới 2021, con số này giảm xuống chỉ còn 1.332, nguyên nhân được cho là bởi đại dịch Covid-19. Năm 2022, con số tăng trở lại lên mức 3.142 hành khách.

Bên cạnh đó, chính phủ Nhật Bản cũng đang phối hợp với nhà chức trách các địa phương có cảng biển nhằm tìm cách thu hút chủ các siêu du thuyền sang trọng cập bến. Các du thuyền được nhắm tới thuộc loại siêu sang có chiều dài ít nhất 24 m.

Nhật Bản 'trải thảm' đón khách siêu giàu - 2

Quang cảnh cảng du thuyền Enoshima ở Fujisawa. Ảnh: SCMP.

Chính phủ Nhật đã nới lỏng quy định kiểm soát tàu thuyền nước ngoài cập bến, kể cả yêu cầu về hải quan, đồng thời cho phép thủy thủ đoàn lưu lại nước này trong thời gian dài hơn.

Hiện nay, nhiều thành phố ở Địa Trung Hải và Caribe đã xây dựng ngành công nghiệp du lịch dành riêng cho loại siêu du thuyền cỡ lớn. Tuy nhiên, giới chức Nhật Bản tin rằng họ có thể cung cấp điểm du lịch hấp dẫn mới cho chủ các du thuyền ở khu vực Thái Bình Dương.

Chính quyền Tokyo đang lên kế hoạch cử một nhóm quan chức tới các thành phố cảng ở Địa Trung Hải để tìm hiểu nhu cầu của chủ các du thuyền, bao gồm cơ sở neo đậu, để phát triển trong nước.

"Nhu cầu trên thị trường du lịch hạng sang đang phục hồi mạnh mẽ, tôi tin tình hình sẽ ngày càng khả quan hơn", Hiro Miyatake, nhà sáng lập công ty tư vấn du lịch hạng sang Bear Lux Corp, nhận định.

Tuy nhiên, ông Miyatake cho biết tạo điều kiện thuận lợi để máy bay tư nhân, du thuyền siêu sang cập bến chỉ là bước đầu. Điều quan trọng kế tiếp là các du khách siêu giàu sẽ làm gì khi đã tới nơi và muốn tiếp tục chuyến hành trình của họ.

"Thủ tục nhập cảnh và hải quan cần nhanh gọn và dễ dàng hơn bởi những du khách này không muốn phải chờ đợi, cần có phòng chờ sang trọng trong khi họ chờ được chuyển sang máy bay trực thăng hoặc xe limousine để đến điểm dừng chân cuối cùng", ông Miyatake nói.

Miyatake cho rằng sẽ cần cơ chế "một cửa" cho cả chủ máy bay tư nhân và du thuyền hạng sang, cung cấp dịch vụ tư vấn cho những người có nhu cầu du lịch Nhật Bản, cũng như hỗ trợ họ các thủ tục giấy tờ.

Các du khách giàu có thường có tỷ lệ chi tiêu cao hơn trung bình. Cụ thể năm 2019, có khoảng 287.000 du khách cá nhân chi tiêu hơn 7.100 USD khi tới thăm Nhật Bản. Trong ngắn hạn, chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu thu hút 35,64 tỷ USD từ khách du lịch nước ngoài mỗi năm.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT