Say đắm phút dừng chân Phố núi mù sương

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tôi ghé cao nguyên đất đỏ bazan Pleiku vào một chiều bảng lảng sương giăng và phố núi nhạt dần, khuất giữa những ngàn thông.

Vùng đất đã đi vào thơ nhạc từ buổi đầu ban sơ cùng người con gái miền sơn cước trong khúc tự tình “Còn chút gì để nhớ” đưa tôi về Pleiku đầy nắng gió của những năm đầu thập niên 70.

Thuở đó, mảnh đất này còn là phố nhỏ miền cao, đi loanh quanh một buổi chiều sương là hết…

Phố núi giờ đây khoác lên mình một diện mạo mới, đông đúc và nhộn nhịp hơn ngày xưa nhiều. Gia lai – Kon Tum nằm trên con đường huyết mạch của Tây Nguyên, một đoạn của cung đường Trường Sơn huyền thoại - Quốc lộ 14 thẳng tuột xuống lòng chảo Pleiku, dọc 2 bên đường thăm thẳm thông xanh và những đồi cà phê, nương chè ngút ngàn.

Nằm dưới thung lũng, thành phố Pleiku thuộc tỉnh Gia Lai vẫn đơn sơ mộc mạc trong tôi như tự thuở nào.

“ Em Pleiku má đỏ môi hồng

Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông

Nên tóc em ướt và mắt em ướt

Nên em mềm như mây chiều trong”

(Còn chút gì để nhớ, thơ Vũ Hữu Định - nhạc Phạm Duy)

Say đắm phút dừng chân Phố núi mù sương - 1

Cung đèo quanh co uốn lượn dẫn vào thành phố Pleiku 

Say đắm phút dừng chân Phố núi mù sương - 2

Tiếng thông reo buổi sớm mai chìm khuất trong mù sương

Đôi mắt Pleiku – Biển hồ đầy

Tôi thường ngẩn ngơ những chiều hoang hoải; bên rặng thông già xào xạc in hình soi bóng Đôi mắt Pleiku thẫm màu ngọc bích đầy quyến rũ. “Biển Hồ đầy” nằm trên miệng núi lửa, diện tích mặt hồ hình bầu dục rộng khoảng 240ha.

Say đắm phút dừng chân Phố núi mù sương - 3

Mắt biết Pleiku Biển Hồ đầy

Chuyện kể rằng, xưa kia nơi này đẹp như chốn bồng lai. Mỗi buổi chiều buông, bên dòng suối róc rách, các nàng sơn nữ đẹp như tiên trầm mình tắm mát, bản làng thanh bình, ấm no. Bỗng một hôm, đất trời rung chuyển, mặt đất nứt ra chôn vùi mọi thứ xuống vực sâu. Dân làng khóc thương những người thân đã mất, nước mắt đọng lại thành biển nước Hồ T’Nưng.

Say đắm phút dừng chân Phố núi mù sương - 4

Cơn dông chợt đến chợt đi, đỏng đảnh như gái đang thì

Say đắm phút dừng chân Phố núi mù sương - 5

Con đường hẹp dẫn vào “Biển trên núi” – T’Nưng

Mắt biếc đong đưa Biển Hồ đầy khi cơn dông cuối mùa chợt đến, chợt đi và mặt hồ lại phẳng lặng như tấm gương trong vắt giữa trời. Đôi mắt long lanh diễm lệ ấy cứ níu chân lữ khách đến mãi chiều buông, lại một lần rạo rực đón ánh mặt trời buổi cuối ngày bên Biển Hồ T’Nưng giữa hoàng hôn phai màu nắng.

Cánh rừng thông sũng nước, cơn dông cuối Thu âm ẩm, ngai ngái rong rêu. Cung đường về phố thị buổi đêm muộn lập lòe ánh đèn.

Thành phố “Làng hồ”

Thành phố Kontum buổi sớm cuối tuần có vẻ đông hơn thường lệ nhưng vẫn chầm chậm cái kiểu rất riêng của vùng đất miền cao ủng màu đỏ quạch. Nơi mà tất tật gom vào khung ngắm máy ảnh chỉ gồm con dốc nhỏ trước bùng binh thoải xuống đồi, xa phía bên kia cầu Đắk Bla, lác đác vài chiếc vận tải cắn đuôi nhau vượt đèo và dòng sông trước mặt, lưa thưa hàng cây tĩnh lặng soi mình.

Say đắm phút dừng chân Phố núi mù sương - 6

Dòng Đắk Bla uốn quanh Làng hồ

Kon Tum theo tiếng Ba Na nghĩa là “Làng hồ”, bao bọc bởi dòng Đắk Bla uốn lượn, từ trên cao nhìn xuống trông như dải lụa mềm óng ả, ôm ấp lấy ngôi làng.

Ai đó ví von rằng vùng đất này và dòng sông như người hai kẻ yêu đương không thể tách rời nhau. Thế đấy, yêu nhau lắm - cắn nhau đau, dòng Đắk Bla trông hiền hòa nên thơ là thế, đôi lúc lại giận dữ, cuồng nộ (tiếng Ba Na, Đắk: nước, Bla: hung hãn).

Say đắm phút dừng chân Phố núi mù sương - 7

Vũ điệu cồng chiêng bà con miền núi đón chào đoàn khách

Say đắm phút dừng chân Phố núi mù sương - 8

Món ăn, đặc sản núi rừng Tây Nguyên

Trong ngôi nhà sàn thoải theo sườn núi giữa đại ngàn, nghe già B'lon kể câu chuyện núi rừng, già kết luận: Mỗi lần lên cơn ghen, hắn lại nuốt chửng một cây cầu. Tính ra, hắn đã nuốt chửng luôn ba cây cầu gỗ người Pháp xây thời đó.

Ngày nay, cầu “đôi” Đắk Bla vững chải bê tông cốt thép (cầu Đắc Bla – 1991 và cầu Đắc Bla mới - 2009); nhớ ngày thông xe năm ấy (1991), cây cầu như một nét gạch nối tiếp đôi bờ vui, mở đường cho những dự định, khát vọng đẩy lùi đói nghèo và lạc hậu.

Cầu treo – Nhà Rông KonKlor

Trong làn sương sớm, dòng Đắk Bla uể oải trôi ngược lên phía thượng nguồn, lặng ngắm buổi mai ban sơ tinh khiết; mặc cho rừng thông xạc xào lá ru, mặc cho bản tình ca của núi rừng Tây nguyên trầm mặc cùng dòng sông uốn lượn quyện chặt, ôm ấp Làng Hồ.

Băng qua vài ba bến nước tĩnh lặng bóng người qua kẻ lại, chấm phá bức tranh sơn thủy điểm khuyết vài con thuyền độc mộc khẽ lay dòng nước, đong đưa bóng nắng nghiêng nghiêng của nhịp cầu treo rực đỏ vắt ngang đôi bờ.

Say đắm phút dừng chân Phố núi mù sương - 9

Cầu treo Konklor lắc lẻo gập gềnh xe qua

Say đắm phút dừng chân Phố núi mù sương - 10

Nhà Rông Konklor với phần mái cách điệu tựa như hình tượng của lưỡi rìu 

Cầu treo Konklor (Kon: làng, Klor: cây gạo) ửng màu gạch đỏ kiêu hãnh phong sương cùng tuế nguyệt. Dưới chân cầu, nhà rông Tây Nguyên với lối kiến trúc biểu trưng văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc Bah Nar, nơi còn lưu giữ văn hóa bản địa kết hợp truyền thống đặc sắc không chỉ được bà con gìn giữ mà còn phát huy những giá trị lâu đời của cộng đồng.

Nhà thờ Chánh tòa – Nhà thờ gỗ Kon Tum

Hành trình trở về với đại ngàn không thể thiếu chuyến ghé thăm Nhà thờ Chánh tòa KonTum chỉ cách cầu Đắk Bla khoảng hơn cây số. Dân gian thường gọi Nhà thờ gỗ bởi cái màu tuyệt tác của những thớ gỗ cà chít nâu bóng nổi bật trên nền trời xanh thăm thẳm.

Say đắm phút dừng chân Phố núi mù sương - 11

Nhà thờ gỗ Kon Tum

Cùng với những họa tiết Roman cách điệu đầy sáng tạo trên nên nhà sàn Ba Na tạo nên ngôi giáo đường có kiến trúc vô cùng độc đáo, không chỉ có giá trị về mặt nghệ thuật, kiến trúc mà còn lưu giữ đậm đà bản sắc văn hóa bản địa vùng đất Tây Nguyên kì bí.

Say đắm phút dừng chân Phố núi mù sương - 12

Tháp Thánh giá ngôi giáo đường hơn trăm tuổi vẫn phong sương cùng tuế nguyệt

Đang giờ kinh sớm, bên cội thông già, tôi lặng lẽ đắm mình trong sự yên bình của khúc thánh ca, mặc cho bóng nắng loang lổ soi qua kẽ lá nhảy nhót nghịch ngợm, tung tăng cùng vài chú se sẻ chuyền cành.

Thế đấy, Làng Hồ - Phố núi sương giăng, loanh quanh mãi lại về chốn cũ, bên tách cà phê đưa hương ngào ngạt thì đi đâu mà vội.

“Ði dăm phút đã về chốn cũ

Một buổi chiều nao lòng bỗng bâng khuâng”

Say đắm phút dừng chân Phố núi mù sương - 13

Đèo Mang Yang nhìn xuống dòng Ea Ayu

Say đắm phút dừng chân Phố núi mù sương - 14

Thửa ruộng bậc thang mơn man màu lúa, tiễn hoàng hôn về bên kia núi rừng

Hoàng hôn khuất sau dãy Trường Sơn Nam, tôi rời Phố núi, tạm biệt núi non trùng điệp của vùng đất Tây Nguyên, theo QL19 băng qua Cổng trời Mang Yang, một bên là Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, bên kia nhìn xuống dòng Ea Ayun như dải lụa bàng bạc vắt ngang chân đèo sẫm dần.

Màn đêm buông rèm, tôi lại chìm vào giấc mộng vùng đất kì bí nên thơ, mặc cho nhịp xe đánh võng đưa tôi xuôi về miền đồng bằng.

Gia Lai chỗ nào chẳng… đá
Gia Lai chỗ nào chẳng… đá

Té ra, Gia Lai không chỉ có những bãi đá cổ mới phát hiện này, mà nơi nào cũng có đá. Đá lạ, đá đẹp,...

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hữu Long

CLIP HOT